Đọc truyện Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh – Chương 34: Cô Gái Trường Queen
Ba tuần tiếp theo là ba tuần bận rộn ở Chái Nhà Xanh, vì Anne phải chuẩn bị đến trường Queen, còn quá nhiều việc may vá phải hoàn thành, nhiều vấn đề phải bàn thảo và sắp xếp. Trang phục của Anne vừa nhiều vừa đẹp vì ông Matthew đã đích thân lo liệu còn bà Marilla thì lần này chẳng phản đối bất cứ thứ gì ông mua hay đề nghị. Hơn thế nữa – một tối bà lên chái Đông ôm theo đống vải màu xanh lơ nhã nhặn.
“Anne, có một chiếc váy sáng màu xinh xắn cho con này. Ta không nghĩ con thật sự cần nó; con đã có nhiều váy đẹp rồi; nhưng ta nghĩ có thể con sẽ thích một cái thật lộng lẫy để mặc nếu được mời đi đâu đó trong thị trấn vào buổi tối, tới một buổi tiệc hay đại loại thế. Ta nghe nói Jane, Ruby và Josie đều có “đầm dạ tiệc”, như cách chúng gọi đó, và ta không muốn con bị thua kém. Tuần trước ta đã nhờ cô Allan giúp ta chọn vải trên thị trấn, rồi chúng ta nhờ Emily Gillis may cho con. Emily rất có khiếu thẩm mỹ, tài cắt may của cô ấy thì không ai sánh được.”
“Ôi, bác Marilla, nó đáng yêu quá,” Anne nói.”Cám ơn bác rất nhiều. Con không tin được bác lại tốt với con thế này – nó làm con càng ngày càng thấy khó ra đi hơn.”
Chiếc váy xanh được may với số đường viền, diềm và nếp bèo tối đa theo sở thích của Emily. Một tối, để chiều lòng ông Matthew và bà Marilla, Anne mặc nó rồi ngâm “Lời thề thiếu nữ” cho họ nghe trong bếp. Khi ngắm nhìn khuôn mặt sáng sủa, linh hoạt cùng những động tác duyên dáng đó, bà Marilla nhớ lại buổi tối Anne đến Chái Nhà Xanh, và ký ức gợi lại hình ảnh sống động của một đứa bé kỳ quặc, sợ hãi trong chiếc váy ngớ ngẩn bằng vải pha len màu nâu ố vàng, đôi mắt đẫm lệ hiện rõ vẻ đau khổ. Một điều gì đó trong ký ức làm nước mắt bà ứa ra.
“Con tuyên bố, tiết mục ngâm thơ của con đã làm bác khóc, bác Marilla,” Anne vui vẻ nói, sà xuống ghế của Marilla để hôn phớt lên má bà. “Giờ, con gọi đó là chiến thắng tuyệt đối.”
“Không, ta không khóc vì bài thơ của con,” bà Marilla nói, cảm thấy sẽ bị coi thường nếu để lộ sự yếu đuối như vậy chỉ vì mấy thứ thơ với thẩn. “Chỉ là ta không thể không nghĩ tới con hồi còn bé, Anne à. Và ta ước chi con cứ mãi là một cô bé, ngay cả với toàn bộ cung cách kỳ quặc của con. Giờ con lớn rồi và sắp đi mất; con trông cao ráo, hợp mốt và quá… quá… khác biệt trong cái váy đó – cứ như thể con không hề thuộc về Avonlea – chỉ là ta thấy cô độc khi nghĩ rằng tất cả đã kết thúc.”
“Bác Marilla!” Anne ngồi xuống vạt váy ca rô của bà Marilla, ôm lấy khuôn mặt nhăn nheo của bà bằng cả hai tay,rồi dịu dàng và nghiêm trang nhìn thẳng vào mắt bà. “Con chẳng thay đổi chút nào – thật sự không. Con chỉ được tỉa tót và đâm cành vươn nhánh ra thôi. Con người thật sự của con – ngay lúc này đây – cũng vẫn như vậy. Cho dù con có đi bất cứ đâu hoặc bên ngoài con có thay đổi thế nào thì vẫn không có gì khác cả, từ tận đáy lòng con sẽ mãi mãi là Anne bé bỏng của bác, người sẽ yêu bác, yêu bác Matthew và Chái Nhà Xanh thân thương mỗi ngày một nhiều hơn và sâu sắc hơn cho đến tận cuối đời.”
Anne áp bầu má trẻ trung mơn mởn của mình lên gò má già cỗi của bà Marilla rồi với tay ra khẽ vỗ vai ông Matthew. Ngay lúc đó, bà Marilla sẵn sàng đánh đổi tất cả để có thể sở hữu sức mạnh diễn đạt cảm xúc bằng lời nói của Anne; nhưng bản tính và thói quen đã hướng nó theo cách khác, vậy là bà chỉ có thể vòng tay qua cô gái của mình, dịu dàng ôm cô vào lòng, ước gì không bao giờ phải để cô ra đi.
Ông Matthew, mắt ươn ướt một cách đáng ngờ, đứng lên đi ra ngoài. Dưới bầu trời sao của đêm hè thăm thẳm, ông bối rối bước qua sân đến bên cánh cổng nằm dưới hàng phong.
“À ừ, mình nghĩ con bé đã không bị nuông chiều thành hư,” ông tự hào lẩm bẩm. “Mình nghĩ rốt cuộc chuyện mình thỉnh thoảng can thiệp cũng không gây hại gì lắm. Con bé thông minh xinh xắn, lại biết yêu thương nữa, điều này mới là tuyệt vời nhất. Con bé là một phép lành với mình và Marilla, và chẳng bao giờ có sai lầm nào may mắn hơn sai lầm mà bà Spencer đã phạm – nếu nó là may mắn. Mình không tin nó thuộc kiểu đó. Nó là Định mệnh, vì Đấng Toàn Năng nhận thấy mình và Marilla cần con bé, mình cho là thế.”
Cuối cùng ngày Anne phải lên tỉnh cũng đến. Cô và ông Matthew lên đường trong một sáng tháng Chín đẹp trời, sau màn chia tay đẫm lệ với Diana và cuộc chia tay không nước mắt – ít nhất là về phía bà Marilla – với bà Marilla. Nhưng khi Anne đi rồi, Diana lau khô nước mắt rồi tham gia chuyến picnic bãi biển ở White Sands với mấy người họ hàng Carmody của mình, nơi cô gái tìm đủ mọi cách để có thể chơi đùa khá vui vẻ; trong lúc đó bà Marilla điên cuồng vùi đầu vào những công việc không cần thiết, cứ như thế cả ngày với nỗi đau khổ cay đắng nhất – nỗi đau cháy bỏng, gặm nhấm và không thể gột rửa bằng những giọt lệ đong đầy trong mắt. Nhưng tối đó, khi đi ngủ, nhận thức được một cách sâu sắc và đau khổ rằng căn phòng nhỏ đầu hồi ở cuối hành lang không còn là nơi trú ngụ của bất cứ sức sống trẻ trung sôi nôi nào, cũng không còn được khuấy động bởi bât cứ tiếng thở khẽ khàng nào, bà Marilla vùi mặt vào gối khóc cho cô gái của mình, nức nở thảm thiết đến mức khiến bà thất kinh hồn vía khi đã đủ bình tĩnh lại để nhớ ra rằng hẳn không hay ho gì khi xúc động đến thế vì một sinh linh tội lỗi.
Anne và những học sinh Avonlea còn lại tới thị trấn vừa kịp giờ đến trường. Ngày đầu tiên trôi qua khá dễ chịu trong một vòng xoáy phấn khích, gặp tất cả sinh viên mới, học cách nhận diện các giáo sư và được phân loại sắp xếp vào các lớp. Anne định theo chương trình Năm Hai theo lời khuyên của cô Stacy, Gilbert Blythe cũng vậy. Điều này có nghĩa nếu thành công, cả hai sẽ nhận được bằng giáo viên Lớp Một trong một năm thay vì hai, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải học nhiều và chăm chỉ hơn. Jane, Ruby, Josie, Charlie và Moody Spurgeon, không bận tâm đến mấy thứ tham vọng như vậy, hài lòng theo học Lớp Hai. Anne ý thức được nỗi cô đơn đột ngột khi thấy mình ở trong phòng học với năm mươi sinh viên khác mà trong số đó cô không biết một ai, ngoại trừ tên con trai dong dỏng, tóc nâu bên kia phòng, và quen biết theo cái kiểu của mình thì cũng chẳng giúp ích gì nhiều, cô gái bi quan nhớ lại. Tuy vậy hiển nhiên cô vui mừng khi cả hai học cùng lớp; những đua tranh cũ có lẽ vẫn tiếp tục, và Anne gần như không biết phải làm gì nếu thiếu chuyện đó.
“Mình sẽ không thoải mái nếu không có chuyện đó,” cô nghĩ.”Gilbert có vẻ cả quyết đến ghét. Mình chắc ngay lúc này đây, cậu ta đã quyết định phải đạt được huy chương! Cậu ta có cái cằm mới đẹp làm sao chứ! Trước đây mình chưa từng để ý đến nó.Mình ước gì Jane và Ruby cũng vào Lớp Một. Tuy vậy, mình nghĩ khi đã quen rồi mình sẽ không thấy quá lạc lõng nữa. Không biết trong những cô gái ở nơi này, ai sẽ trở thành bạn của mình đây. Quả thực là một suy đoán rất thú vị. Dĩ nhiên mình đã hứa với Diana rằng không cô gái trường Queen nào, cho dù được mình thích đến đâu, có thể trở nên thân thiết với mình như bạn ấy; nhưng mình có rất nhiều tình yêu thứ hai để trao tặng. Mình thích dáng vẻ của cô gái mắt nâu váy đỏ. Cô ấy trông thật hồng hào khỏe khoắn; còn cả cô gái xanh xao đang dán mắt ra ngoài cửa sổ nữa. Tóc cô ấy thật đáng yêu và có vẻ cô ấy cũng biết đôi chút về các giấc mơ. Mình muốn quen biết cả hai – quen biết thân tình – đủ thân để mình có thể ôm eo họ mà đi và gọi họ bằng biệt danh. Nhưng bây giờ mình không quen họ và họ không quen mình, có lẽ còn chẳng muốn quen mình nữa. Ôi, cô đơn biết bao!”
Nỗi cô đơn còn lớn hơn khi chiều tối hôm đó Anne thấy mình chỉ có một mình trong phòng ngủ. Anne không trọ cùng ai, mấy người bạn gái đều có họ hàng ở thị trấn quan tâm. Bà Josephine Barry muốn cho cô ở trọ nhưng Beechwood xa trường quá nên chẳng phải bàn đến nữa, vì vậy bà Barry đã tìm một nhà trọ, đảm bảo với ông Matthew và bà Marilla rằng đó là nơi phù hợp với Anne.
“Bà chủ nhà là một quý tộc sa sút,” bà Barry giải thích.”Chồng bà ta là sĩ quan Anh, và bà ta rất kỹ tính khi nhận khách trọ. Anne sẽ không gặp bất kỳ kẻ chướng tai gai mắt nào dưới mái nhà của bà ấy. Bàn ghế còn tốt, nhà lại nằm trong một khu dân cư yên tĩnh gần trường.”
Tất cả điều này có lẽ đều là sự thật, và quả thực, chúng đều là sự thật, nhưng căn bản chẳng giúp gì được cho Anne trong lúc cô bị bủa vây lần đầu tiên trong nỗi nhớ nhà da diết. Cô rầu rĩ nhìn khắp lượt căn phòng nhỏ hẹp, với những bức tường không tranh ảnh dán giấy chán ngắt, cái khung giường sắt nhỏ và kệ sách trống trơn; và một cảm giác nghẹn ngào khủng khiếp thít chặt cổ họng Anne khi cô nghĩ tới căn phòng trắng ở Chái Nhà Xanh, nơi cô ý thức được một cách dễ chịu về màu xanh vẫn bát ngát bên ngoài khung cửa, đậu hoa đang mọc ngoài vườn, ánh trăng đang rọi lên vườn cây ăn trái, về dòng suối dưới con dốc và những bụi vân sam xào xạc trong gió đêm, về bầu trời sao bao la và ánh đèn từ cửa sổ phòng Diana nhấp nháy xuyên qua khe hở giữa những hàng cây. Ở đây chẳng có thứ gì cả; Anne biết rõ bên ngoài cửa sổ phòng mình là một con đường cứng nhắc, với một mạng lưới dây điện thoại chằng chịt trên trời, tiếng bước chân nặng nề của những người xa lạ, và cả ngàn ánh sáng lấp lánh trên những bộ mặt không quen biết. Anne biết mình sẽ òa khóc nên cố gắng cưỡng lại.
“Mình không khóc.Thật ngốc nghếch – và yếu đuối – đây là giọt nước mắt thứ ba rớt xuống mũi mình rồi. Còn bao nhiêu giọt đang chảy ra nữa này! Mình phải nghĩ tới chuyện gì vui để ngăn chúng lại. Nhưng chẳng có gì vui ngoài những chuyện liên quan tới Avonlea, như thế chỉ làm mọi thứ tệ thêm thôi… bốn… năm… thứ Sáu tuần sau mình sẽ về nhà, nhưng cứ như cả trăm năm vậy. Ôi, bác Matthew giờ đã gần về đến nhà rồi… và bác Marilla ở cổng, dõi mắt xuống đường mòn chờ bác ấy… sáu… bảy… tám, ôi, đếm chúng chẳng ích gì! Chúng tuôn như lũ rồi. Mình không thể vui lên được… mình không muốn vui lên.Thà đau khố còn dễ chịu hơn!”
Trận lũ nước mắt chắc chắn đã kéo đến nếu Josie Pye không xuất hiện đúng lúc đó. Trong niềm vui được nhìn thấy một gương mặt thân quen, Anne quên mất rằng không có nhiều tình cảm giữa nó và Josie.Với tư cách là một phần của cuộc sống Avonlea, ngay cả Pye cũng được hoan nghênh.
“Mình rất vui vì cậu đến,” Anne nói chân thành.
“Cậu đang khóc,” Josie bình phẩm với vẻ thương hại đến là đáng ghét. “Mình nghĩ cậu nhớ nhà – một số người có khả năng kiềm chế bản thân ở phương diện này rất kém. Mình có thể nói là mình không có ý định nhớ nhà gì hết. Thị trấn quá vui vẻ so với cái xứ Avonlea già cỗi chật chội đó. Không hiểu sao mình có thể tồn tại ở đó lâu đến vậy. Cậu không nên khóc, Anne; không hợp đâu, vì mắt mũi sẽ đỏ lên, rồi cậu sẽ thấy cái gì cũng đỏ. Hôm nay ỏ trường mình đã có khoảng thời gian tuyệt diệu. Giáo sư tiếng Pháp của mình đúng là một con vịt. Bộ ria mép của ông ấy sẽ làm cậu giật mình đấy. Cậu có cái gì ăn được ở đây không, Anne? Mình quả thật rất đói. À, mình đoán thể nào bác Marilla cũng nhồi cho cậu cả đống bánh. Vậy nên mình mới tạt qua đây. Bằng không mình đã đi cùng Frank Stocley đến công viên nghe ban nhạc chơi rồi. Cậu ta trọ cùng chỗ với mình và vui vẻ lắm. Hôm nay cậu ta nhìn thấy cậu trong lớp và hỏi mình con bé tóc đỏ là ai vậy. Mình bảo cậu ta rằng cậu là đứa bé mô côi được nhà Cuthbert nhận nuôi, còn trước đó cậu như thế nào thì chẳng ai biết hết.”
Anne đang tự hỏi rốt cuộc liệu nỗi cô độc và nước mắt có đúng là không dễ chịu hơn sự đồng hành của Josie Pye không thì Jane và Ruby xuất hiện, mỗi người đeo cổ một dải ruy băng mang màu sắc của trường Queen – tím và đỏ – hãnh diện cài lên áo khoác. Vì Josie không “nói chuyện” với Jane nên ngay lúc đó nó phải lẳng lặng rút lui.
“Ái chà,” Jane nói kèm theo tiếng thở dài, “Từ sáng đến giờ mình cảm thấy như đã trải qua hàng bao nhiêu tháng rồi. Mình phải ở nhà nghiên cứu Virgil – cái ông giáo sư già dễ sợ đó đã bắt tụi mình học tận hai mươi dòng để ngày mai bắt đầu. Nhưng tối nay mình không thể bình tâm học hành được. Anne, mình nghĩ mình thấy vệt nước mắt kìa. Nếu cậu đang khóc thì cứ khóc nốt đi. Nó sẽ gỡ lại tự trọng cho mình, vì mình đã khóc như mưa trước khi Ruby tới. Mình không cần biết mình ngốc nghếch đến thế nào miễn là người khác cũng ngốc nghếch giống mình. Bánh à? Cậu cho mình một miếng nhỏ được không? Cám ơn. Nó mang hương vị Avonlea đích thực.”
Ruby, nhìn thấy cuốn lịch thường niên của trường Queen nằm trên bàn, muốn biết liệu Anne có định giành huy chương vàng không.
Anne đỏ mặt thừa nhận mình có nghĩ tới.
“Ô, cái đó nhắc mình nhớ,” Josie nói. “Cuối khóa trường Queen sẽ có một học bổng Avery. Hôm nay vừa có thông báo. Frank Stockley nói với mình – cậu của cậu ấy là thành viên Ban quản trị, cậu biết đấy. Chuyện này sẽ được thông báo ở trường ngày mai.”
Học bổng Avery! Anne cảm thấy tim mình đập nhanh hơn và những chân trời khát vọng của con bé chuyển đổi và mở rộng như có phép màu. Trước khi Josie nói tin đó, khát vọng cao nhất của Anne là tấm bằng giáo viên tỉnh lẻ, Lớp Một, vào cuối năm, và có lẽ cả huy chương! Nhưng giờ đây, khi tiếng vọng của những lời Josie nói còn chưa kịp tắt, trong một thoáng, Anne thấy mình giành học bổng Avery, theo học Cử Nhân ở trường Redmond rồi tốt nghiệp với áo thụng và mũ cử nhân. Vì học bổng Avery là về tiếng Anh, và Anne cảm thấy như cá gặp nước.
Một nhà công nghiệp giàu có ở New Brunswick đã chết và để lại một phần gia sản để cấp một số lượng lớn học bổng phân bổ giữa các trường cấp ba và trường cao đẳng trong tỉnh Maritime, tùy theo danh tiếng của trường. Có nhiều hoài nghi về chuyện trường Queen sẽ nhận được học bổng, nhưng vấn đề cuối cùng đã được giải quyêt, và đến cuối năm người tốt nghiệp với điểm tiếng Anh và văn học Anh cao nhất sẽ giành học bổng – hai trăm năm mươi đô la một năm trong vòng bốn năm ở đại học Redmond. Không có gì lạ là tối đó Anne đi ngủ với đôi má râm ran.
“Mình sẽ giành được học bổng đó nếu chăm chỉ,” cô gái quyết tâm.”Chẳng phải bác Matthew sẽ tự hào nếu mình được nhận bằng cử nhân văn chương sao? Ôi, thật vui khi có khát vọng. Mình mừng là mình có nhiều khát vọng như thế. Và chúng dường như chẳng bao giờ có điểm dừng – đó là điều tốt nhất. Ngay khi đạt được khát vọng này ta lại thấy khát vọng khác lấp lánh nơi cao hơn.Nó làm cho cuộc sống thú vị biết bao nhiêu.”