Đọc truyện Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh – Chương 27: Sự Phù Phiếm Và Giận Dữ Của Tâm Hồn
Bà Marilla, trên đường về nhà vào tối muộn một ngày tháng Tư sau buổi họp của hội Cứu tế, nhận ra mùa đông đã qua và bị cuốn đi theo cái rùng mình vui sướng mà mùa xuân luôn đem tới cho mọi người, từ những người già cả buồn bã nhất đến những người trẻ trung hạnh phúc nhất. Bà Marilla không giỏi phân tích suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bà có thể hình dung mình đang suy nghĩ về hội Cứu tế, hộp quyên góp cùng tấm thảm mới cho phòng áo lễ của nhà thờ, nhưng ẩn sâu những suy nghĩ này là một nhận thức êm ái về những cánh đồng đỏ nhạt nhòa trong đám sương mờ tím nhạt dưới vầng mặt trời đứng bóng, về những bóng vân sam dài có ngọn cây thon nhọn đổ xuống đồng cỏ bên kia suối, về những cây phong đâm chồi đỏ rực lặng im chung quanh chiếc hồ như tấm gương soi giữa rừng, về một sự thức tỉnh giữa thế giới và sự khuấy động của những nhịp đập ẩn giấu dưới lớp đất xám. Mùa xuân tràn ngập vùng đất khiến những bước chân trung niên điềm tĩnh của bà Marilla trở nên nhẹ nhẹ hơn, nhanh nhẹn hơn vì một niềm vui nguyên sơ sâu thẳm.
Đôi mắt trìu mến của bà dừng lại ở Chái Nhà Xanh đang lấp ló ẩn hiện qua đám cây cối chằng chịt bao quanh và phản chiếu ánh mặt trời từ những khung cửa sổ thành vài tia sáng nhỏ huy hoàng. Bà Marilla, trong lúc thận trọng bước từng bước dọc con đường ẩm ướt, nghĩ rằng thật hài lòng đến nhường nào khi biết mình sắp về nhà với bếp lửa bập bùng và bàn ăn đã được chuẩn bị tươm tất cho bữa trà, chứ không phải về với sự an ủi nhạt nhẽo của những buổi tối họp hội Cứu tế xưa kia trước khi Anne tới Chái Nhà Xanh.
Bởi vậy, khi bước vào bếp và thấy lửa tắt lạnh tanh còn Anne thì không thấy bóng dáng đâu, bà Marilla vô cùng thất vọng và giận dữ. Bà đã dặn Anne phải nhớ chuẩn bị bữa trà sẵn sàng lúc năm giờ, vậy mà giờ đây bà lại phải vội vã thay bộ váy đẹp thứ nhì của mình ra để chuẩn bị bữa ăn trước khi ông Matthew đi cày về.
“Mình sẽ xử lý cô Anne này khi cô nàng về nhà,” bà Mailla nói dứt khoát trong lúc vót thanh củi nhen lửa bằng con dao khắc, mạnh tay hơn mức cần thiết nhiều. Ông Matthew đã vào nhà và kiên nhẫn ngồi ở một góc đợi trà của mình. “Thể nào con bé cũng đang thơ thẩn đâu đó với Diana, viết truyện tập kịch hay làm trò vớ vẩn nào đó mà chẳng một lần nghĩ đến giờ giấc hay nhiệm vụ của mình. Con bé phải bị quở trách về những chuyện kiểu này thôi. Em không quan tâm cho dù cô Allan có nói nó là đứa trẻ thông minh và đáng yêu nhất mà cô ấy biết. Con bé có thể thông minh và đáng yêu đấy, nhưng đầu óc lại chứa đầy những thứ nhảm nhí, không ai biết được tiếp theo sẽ có chuyện gì. Cứ vừa thoát khỏi trò kỳ quái này là lại dính ngay vào trò kỳ quái khác. Đấy! Giờ thì em lại đang nói chính những điều đã khiến em nổi giận khi Rachel Lynde nói ở cuộc họp Hội Cứu tế hôm nay. Em rất vui khi cô Allan nói đỡ cho Anne, vì nếu không thì em biết mình sẽ nói rất gay gắt với Rachel trước mặt mọi người rồi. Anne có một đống lỗi, có trời mới biết, và em chẳng đời nào phủ nhận chuyện đó. Nhưng em dạy dỗ nó chứ không phải Rachel Lynde, một người sẽ nhặt cả lỗi của Thiên thần Gabriel nếu ông ấy sống ở Avonlea. Dù sao đi nữa, Anne cũng đâu có chuyện gì để rời khỏi nhà thế này trong khi em đã dặn nó chiều nay phải ờ nhà trông nom công việc. Em phải nói là, cho dù con bé phạm hết lỗi này lỗi kia nhưng trước đây em chưa bao giờ thấy nó không vâng lời hay không xứng đáng với sự tin cậy và bây giờ em rất tiếc khi thấy nó như vậy.”
“À ừ, anh không biết,” ông Matthew nói, vốn là người bình tĩnh khôn ngoan và trên hết, hiện giờ đang đói, ông cho rằng tốt nhất nên để bà Marilla xả hết cơn thịnh nộ của mình, kinh nghiệm cho thấy cho dù là công việc gì thì bà cũng sẽ hoàn thành nhanh hơn nhiều nếu không bị trì hoãn bởi những tranh cãi không đúng lúc.”Có lẽ em phán xét con bé hơi vội vàng, Marilla. Đừng nói nó không xứng đáng với sự tin cậy cho đến khi nào em chắc chắn nó không vâng lời em. Biết đâu mọi chuyện đều có thể giải thích được – Anne vốn rất giỏi giải thích mà.”
“Con bé không có ở đây trong khi em bảo nó phải làm thế,” bà Marilla vặc lại. “Em nghĩ nó sẽ khó mà giải thích được chuyện đó cho em vừa lòng đây. Dĩ nhiên em biết anh sẽ đứng về phía nó, Matthew. Nhưng em mới là người dạy dỗ con bé, không phải anh.”
Bóng đêm đã phủ xuống khi bữa ăn tối sẵn sàng nhưng vẫn không hề thấy bóng dáng Anne chạy vội vã qua cây cầu gỗ hay lên đường Tình Nhân, hụt hơi và hối lỗi vì đã xao lãng nhiệm vụ. Bà Marilla giận dữ rửa sạch và cất dọn bát đĩa. Rồi, muốn kiếm một cây đèn cầy soi đường xuống hầm rượu, bà đi lên chái Đông để lấy cây đèn thường để trên bàn của Anne. Thắp sáng lên, bà quay người và nhìn thấy Anne đang nằm trên giường, úp mặt xuống đống gối.
“Lạy Chúa tôi,” bà Marilla sững sờ nói. “Con ngủ quên à, Anne?”
“Không ạ,” con bé ú ớ trả lời.
“Vậy con ốm à?” bà Marilla vừa lo lắng hỏi vừa bước đến giường.
Anne thu mình sâu hơn vào đống gối cứ như thể khát khao được vĩnh viễn trốn khỏi ánh mắt người đời.
“Không. Nhưng xin bác, Marilla, bác đi đi và đừng nhìn con. Con đang tuyệt vọng tột độ và không còn quan tâm ai đứng đầu lớp, ai viết luận giỏi nhất hay ai được hát trong dàn đồng ca trường Chủ nhật nữa. Những thứ vặt vãnh như thế không còn quan trọng nữa vì con nghĩ mình sẽ chẳng thể đi đâu được. Sự nghiệp của con đã kết thúc rồi. Xin bác, Marilla, hãy đi đi và đừng nhìn con.”
“Đã ai nghe chuyện gì như thế này không chứ?” bà Marilla hoang mang hỏi. “Anne Shirley, chuyện quái quỷ gì đã xảy ra với con vậy? Con đã làm gì? Ngồi dậy ngay và nói ta nghe xem nào. Ta đã bảo là ngay lập tức. Nào, có chuyện gì hả?”
Anne đành trườn xuống sàn trong sự vâng lời tuyệt vọng.
“Nhìn tóc con xem, bác Marilla,” con bé thầm thì.
Bà Marilla nâng đèn lên chăm chú nhìn mái tóc chảy thành đống nặng nề xuống lưng Anne. Quả tình trông nó rất kỳ lạ.
“Anne Shirley, con đã làm gì tóc con vậy hả? Sao vậy hả, nó màu xanh lục!”
Cái thứ màu này cũng có thể được gọi là xanh lục nếu có phần nào đó coi nó là màu cơ bản – một màu xanh lạ lùng, tẻ ngắt, ngả màu đồng, đây đó điểm vài đường sọc với màu đỏ nguyên thủy để làm tăng thêm cái ấn tượng khủng khiếp đó. Cả đời mình bà Marilla chưa từng trông thấy thứ gì kỳ cục như tóc Anne lúc đó.
“Vâng, nó màu xanh lục,” Anne rên rỉ. “Con đã tưởng không có gì tệ hơn tóc đỏ được. Nhưng giờ con biết tóc xanh còn tệ hơn gấp mười lần. Ôi, Marilla, bác không hiểu được con thấy khốn khổ đến thế nào đâu.”
“Ta không biết sao con lại dính vào vào chuyện này, nhưng ta sẽ tìm hiểu ra,” bà Marilla nói. “Xuống bếp ngay – ở đây lạnh quá – và nói ta biết con đã làm gì. Ta vẫn biết thể nào rồi cũng có chuyện kỳ quái mà. Hơn hai tháng nay con chưa vướng vào bất cứ vụ rắc rối nào và ta đoán chắc cũng đến lúc rồi. Nào, con đã làm gì với mái tóc con vậy?”
“Con nhuộm nó.”
“Nhuộm! Nhuộm tóc con! Anne Shirley, con có biết làm thế là hư lắm không?”
“Vâng, con biết là hơi hư,” Anne thừa nhận. “Nhưng con nghĩ cũng đáng để hư một chút nếu bỏ được mái tóc đỏ. Con đã tính toán thiệt hơn rồi, bác Marilla. Hơn nữa, con định sẽ ngoan ngoãn hơn trong nhiều chuyện khác để bù cho chuyện này,”
“Ái chà,” bà Marilla nói giọng mỉa mai, “nếu đã quyết định rằng cũng đáng để nhuộm tóc thì ít ra ta sẽ chọn một màu tử tế. Ta sẽ không nhuộm nó thành màu xanh.”
“Nhưng con có định nhuộm xanh đâu, bác Marilla,” Anne ủ rũ phản đối. “Nếu đã hư thì con phải hư có mục đích chứ. Ông ta nói nó sẽ biến tóc con thành màu đen nhánh đẹp đẽ – ông ta đảm bảo chắc chắn như vậy. Sao con có thể nghi ngờ lời ông ấy chứ, bác Marilla? Con biết cái cảm giác khi lời nói của mình bị nghi ngờ là như thế nào. Và cô Allan nói chúng ta không bao giờ nên nghi ngờ người khác nói dối trừ khi có bằng chứng rõ ràng. Giờ thì con có bằng chứng rồi – tóc màu xanh lục là bằng chứng đủ rõ ràng cho bất cứ ai rồi. Nhưng lúc đó thì đã có bằng chứng đâu nên con tuyệt đối tin mọi lời ông ta nói.”
“Ai nói? Con nói về ai vậy?”
“Người bán rong đã ở đây chiều nay. Con mua thuốc nhuộm của ông ta.”
“Anne Shirley, ta đã bảo con bao nhiêu lần là không bao giờ được để một trong những tay người Ý đó vào nhà mà! Ta không hề muốn khuyến khích bọn họ lảng vảng quanh đây.”
“Ôi, con có để ông ta vào nhà đâu. Con nhớ lời bác dặn nên đã ra ngoài, đóng cửa cẩn thận, và xem mấy thứ đồ của ông ta từ bậu cửa. Hơn nữa, ông ta không phải người Ý… ông ta là người Do Thái Đức. Ông ta có một cái hộp to đầy những thứ thú vị và nói ông ấy đang vất vả làm việc để kiếm đủ tiền đưa vợ con ra khỏi nước Đức. Ông ấy nói tình cảm quá khiến con cảm động. Con muốn mua thứ gì đó để giúp ông ta hoàn thành được mục tiêu cao đẹp đó. Ngay lúc ấy con thấy chai thuốc nhuộm tóc. Người bán rong bảo đảm nó sẽ nhuộm bất cứ thứ tóc nào thành màu đen nhánh đẹp đẽ không phai. Trong một thoáng con nhìn thấy mình với mái tóc đen nhánh đẹp đẽ và sự cám dỗ thật khó cưỡng lại. Nhưng chai thuốc tận bảy mươi lăm xu mà con chỉ còn năm mươi xu tiền tiết kiệm. Con nghĩ người bán rong rất tốt bụng vì ông ấy nói ông ấy thông cảm cho con nên chỉ bán với giá năm mươi xu thôi và như thế cũng giống như biếu không. Vậy là con mua nó và ông ấy vừa đi khỏi là con lên đây, nặn thuốc vào bàn chải cũ theo đúng hướng dẫn. Con dùng hết cả chai và ôi, bác Marilla, khi nhìn thấy tóc chuyển sang cái màu khủng khiếp này con cảm thấy thật sự hối hận vì đã hư. Và con sẽ mãi hối hận.”
“Thôi được rồi, ta hy vọng con sẽ hối hận vì mục đích tốt đẹp,” bà Marilla nghiêm khắc nói, “và hãy mở to mắt ra mà xem sự phù phiếm đã dẫn con đến đâu, Anne. Có trời mới biết phải làm gì. Ta nghĩ trước hết con phải gội đầu thật sạch xem có tác dụng gì không.”
Nghe lời, Anne gội dầu, chà thật mạnh tay với xà bông và nước, nhưng tất cả khác biệt con bé có thể tạo ra được là tẩy sạch luôn màu đỏ nguyên thủy. Hiển nhiên người bán rong hẳn đã nói thật khi tuyên bố thuốc nhuộm sẽ không bị phai màu, tuy nhiên tính thành thật của ông ta trong một số khía cạnh khác lại bị giới hạn.
“Ôi, bác Marilla, con phải làm gì đây?,” Anne hỏi trong nước mắt. “Con không bao giờ có thể quên được chuyện này. Mọi người đã quên gần hết những lỗi lầm khác của con – chiếc bánh nướng dầu thuốc, vụ thuốc say Diana và cả chuyện nổi đóa với bà Lynde nữa. Nhưng họ sẽ không bao giờ quên chuyện này. Họ sẽ nghĩ con không xứng đáng được tôn trọng. Ôi, bác Marilla, ‘đâu là lưới nhện ta giăng khi lần đầu gian dối’. Câu này là thơ, nhưng nó đúng với sự thật. Ôi, Josie Pye sẽ cười đến thế nào đây! Bác Marilla, con không thể đối diện với Josie Pye. Con là bé gái bất hạnh nhất đảo Hoàng tử Edward.”
Nỗi bất hạnh của Anne tiếp diễn trong một tuần lễ. Suốt thời gian đó con bé không đi đâu cả và gội đầu mỗi ngày. Diana là người ngoài duy nhất biết được bí mật chết người này, nhưng nó trang trọng thề sẽ không kể ai nghe hết, và quả lả con bé đã giữ lời. Đến cuối tuần bà Marilla quyết định: “Vô ích thôi, Anne. Nếu trên đời này có thuốc nhuộm bền màu thì đúng là thứ này rồi. Tóc con phải cắt ngắn đi thôi, không còn cách nào khác. Con không thể đi ra ngoài với dáng vẻ này được.”
Môi Anne run run nhưng con bé nhận ra sự thật cay đắng trong lời bà Marilla. Con bé bèn đi lấy kéo kèm theo một tiếng thở dài buồn bã.
“Xin hãy cắt ngay đi, bác Marilla, và cho nó kết thúc. Ôi, con cảm thấy tim mình tan vỡ. Nỗi đau khổ này thật chẳng lãng mạn gì. Trong sách các cô gái mất tóc vì bệnh tật hoặc bán nó lấy tiền vì mục đích cao đẹp nào đó và chắc hợp thời bằng phân nửa vậy thôi. Nhưng chẳng có gì dễ chịu khi phải cắt tóc chỉ vì mình nhuộm nó thành một màu khủng khiếp, phải không ạ? Nếu bác không phiền thì con sẽ khóc suốt trong lúc bác cắt. Chuyện này có vẻ bi thảm biết bao.”
Lúc đó Anne đã khóc nức khóc nở, nhưng lát sau, khi lên lầu soi gương, con bé lặng mình trong tuyệt vọng. Bà Marilla đã thực hiện công việc một cách chu đáo và cắt tóc ngắn hết mức. Nói một cách giảm nhẹ tối đa thì sản phẩm trông chẳng hợp chút nào. Anne vội quay gương vào tường.
“Con sẽ không bao giờ, không bao giờ nhìn mình nữa cho đến khi tóc mọc lại,” con bé thốt lên mạnh mẽ.
Rồi nó đột ngột chỉnh gương về đúng tư thế.
“Có chứ, con sẽ nhìn chứ. Con sẽ sám hối về sự hư hỏng của mình bằng cách đó. Mỗi lần về phòng con sẽ nhìn xem mình xấu xí đến cỡ nào. Và con cũng sẽ không cố tưởng tượng nó khác đi. Con chưa bao giờ nghĩ rằng trong bao nhiêu thứ như vậy mà con lại thấy kiêu hãnh về mái tóc của mình, nhưng giờ con biết mình có cảm thấy như thế vì dù màu đỏ nhưng nó rất dài, dày và quăn. Con hy vọng tiếp theo sẽ có chuyện xảy ra với cái mũi của mình.”
Thứ Hai tuần sau, mái tóc cắt ngắn của Anne đã khiến cả trường náo động, nhưng con bé nhẹ cả người vì không ai đoán ra lý do thật sự của nó, ngay cả Josie Pye, người mà dù sao cũng không bỏ lỡ cơ hội thông báo cho Anne biết, con bé trông như một thằng bù nhìn giữ dưa hoàn hảo.
“Con không nói gì khi Josie bảo con vậy,” tối đó Anne thành thật kể lại với bà Marilla lúc này đang nằm trên ghế sofa do bị nhức đầu, “vì con nghĩ nó là một phần sự trừng phạt và con phải kiên nhẫn chịu đựng. Thật khó chịu khi bị nói trông như bù nhìn và con muốn trả miếng. Nhưng con không làm vậy. Con chỉ liếc nhìn một cách khinh thị rồi tha thứ cho nó. Ta sẽ thấy tự hào khi tha thứ cho người khác, phải không ạ? Sau chuyện này thì con muốn dành toàn bộ sức lực của mình để phấn đấu trở nên thành người tốt và con sẽ không bao giờ cố làm cho mình xinh đẹp nữa. Tất nhiên, trở thành người tốt thì hay hơn nhiều. Con biết vậy, nhưng có những lúc khó mà tin nổi điều gì đó ngay cả khi ta đã biết về nó. Bác Marilla, con thật sự muốn trở thành người tốt như bác, như cô Allan và cô Stacy, rồi sau này làm bác tự hào. Diana nói khi nào tóc con bắt đầu dài ra thì sẽ thắt một dải ruy băng bằng nhung đen quanh đầu và kết nơ một bên. Bạn ấy nói như vậy sẽ hợp lắm. Con sẽ gọi nó là lưới tóc – nghe mới lãng mạn làm sao chứ. Nhưng có phải con nói nhiều quá không, bác Marilla? Con có làm bác đau đầu không?”
“Đầu của ta giờ đỡ hơn rồi. Nhưng hồi chiều thì đau khủng khiếp. Những cơn đau đầu của ta cứ ngày một tệ hơn. Ta sẽ phải đi khám bác sĩ thôi. Còn chuyện con cứ tía lia như con sáo ấy thì ta không thấy khó chịu đâu – ta quen rồi.”
Đó là cách bà Marilla nói rằng bà thích nghe.