Annabelle - Người Phụ Nữ Tuyệt Vời

Chương 27


Đọc truyện Annabelle – Người Phụ Nữ Tuyệt Vời – Chương 27

Hai ngày cuối cùng của họ ở New York rất tất bật, nhưng rất vui. Annabelle đưa Consuelo đi xem vũ hội, cô bé rất thích âm nhạc. Họ đến ăn tối tại nhà hàng Sardi và Waldorf Astoria một cách lịch sự. Họ đi phà quanh Manhattan và Annabelle lại chỉ cho con thấy Ellis Island, nói cho bé nghe về vùng ấy. Vào buổi chiều cuối cùng, họ lại đi qua ngôi nhà cũ của nàng, chỉ để từ biệt thôi. Annabelle đứng lại một hồi lâu, tỏ lòng thương nhớ ngôi nhà và những người đã sống trong đó, thậm chí chia buồn với một phần đời mình đã sống trong nhà này. Nàng không còn giống như cô gái đã sống ở đây. Nàng đã trưởng thành.

Nàng và Consuelo lặng lẽ nắm tay nhau đi. Trong chuyến đi này, Consuelo đã biết nhiều về mẹ, về ông bà ngoại và cậu Robert, thậm chí còn biết nhiều về bạn bè của mẹ. Bé không thích cô bạn của mẹ ở Newport, cái cô có nhiều con. Cô bé ghét cô ta vì đã ti tiện với mẹ và đã làm cho mẹ buồn. Bé thương xót người đàn ông đã chết ở Mexico. Bé nghĩ mẹ đã rất yêu ông ta.

Lần này Brigitte hơi ít lo hơn lần họ lên tàu Mauretania để đi. Tàu rất sang trọng và êm ái khiến cô ta bình tĩnh. Khi họ đi qua cầu tàu White Star Line và Cunard, Annabelle có cảm giác thật kỳ lạ. Vì nó bỗng nhắc nàng nhớ lại lúc nàng đi đón mẹ mười ba năm trước, sau khi chiếc Titanic bị chìm. Nhưng nàng không nói gì với Consuelo, và dĩ nhiên không nói với Brigitte nữa, vì cô ta sẽ sẵn sàng nhắc lại chuyện chìm tàu. Mỗi khi cô ta nói đến việc đó, Annabelle liền cau mày gắt gỏng cô ta mới chịu im.

Khi tàu chạy qua tượng Nữ thần Tự do, Annabelle cảm thấy mình đã để lại một phần trái tim ở phía sau. Trong một thời gian khá lâu, nàng không thấy mình gắn bó với quê hương, bây giờ nghĩ đến việc hè sang năm mình sẽ trở lại, nàng thấy lòng mình khoan khoái, hân hoan. Consuelo nói đến chuyện này luôn trong thời gian ở New York. Bé thích ngôi nhà ở Newport và rất mong đến ngày trở lại.

Trên chuyến tàu lần này, không có người nào quen biết nàng. Annabelle đã xem danh sách hành khách đi tàu. Nhưng nàng không quan tâm vì nàng không có gì để sợ. Nàng đã ở Newport, đã ở New York mà không có sự cố gì xảy ra, nàng không có chuyện gì bí mật để phải che giấu. Dù người ta tìm ra quá khứ của nàng, họ sẽ làm gì nàng? Họ không thể tước nhà nàng đi, lấy đi đời sống của nàng, công việc của nàng và con gái nàng. Họ chỉ còn nước là nói về nàng, mà họ đã nói trước đây nhiều rồi. Họ không làm gì được nàng. Ngay cả Hortie, khi gặp nàng, chị ta cũng bớt gay gắt với nàng hơn trước. Những người trước đây làm cho nàng đau khổ thậm tệ đã biến mất, họ không thể làm gì cho nàng khổ thêm nữa. Họ cũng không thể lấy mất điều gì của nàng. Nàng có đời sống riêng, đời sống của nàng thật tuyệt vời.

Annabelle và Consuelo lại đi thăm chuồng chó trên tàu. Lần này họ thấy không có chó lớn mà chỉ có nhiều chó nhỏ. Consuelo nhớ con chó Coco của mình, bé mong chóng về nhà với nó. Mẹ bé đã hứa khi về nhà, nàng sẽ dẫn bé đi Deauville chơi vào ngày cuối tuần. Sự đau đớn của Annabelle do Antoine gây ra cũng đã phai mờ trong chuyến đi này. Y là người nhỏ mọn, sống trong thế giới chật hẹp của lớp người thiển cận. Nàng không sống trong thế giới ấy được. Và y cũng không được gia nhập vào thế giới của nàng.

Họ rời chuồng chó, đến đứng ở lan can tàu, nhìn ra biển. Mái tóc vàng dài của Consuelo tung bay trong gió và mũ của Annabelle đội trên đầu bị gió thổi tung, lăn lông lốc trên boong. Hai mẹ con chạy đuổi theo để lượm, cười với nhau. Tóc Annabelle cũng vàng như thời con gái. Chiếc mũ lăn đến dừng lại bên chân một người đàn ông, ông ta lượm lên đưa cho họ với nụ cười nở rộng trên môi.

– Cảm ơn ông, – Annabelle hổn hển nói, nhoẻn miệng cười tươi. Chiếc mũ bay đã làm cho họ đuổi theo rất vui. Mặt nàng rám nắng dưới ánh mặt trời của xứ Rhode Island. Nàng đội mũ lên đầu lại, chiếc mũ nằm hơi nghiêng về một bên.

– Gió sẽ làm cho mũ bà bay lại đấy, – người đàn ông cảnh báo nàng. Nàng đồng ý, bèn lấy mũ xuống. Consuelo liền bắt chuyện với người đàn ông.

– Ông ngoại và cậu cháu chết trên tàu Titanic, – bé nói để mở đầu câu chuyện. Ông ta nhìn bé với vẻ bình tĩnh.

– Tôi rất buồn khi biết chuyện này. Ông bà tôi cũng chết như thế. Có lẽ họ đã gặp nhau. – Ý nghĩ thật là kỳ lạ. – Chuyện này xảy ra lâu rồi. Tôi nghĩ trước khi cháu ra đời.

– Cháu bảy tuổi, – bé đáp để xác nhận lời ông ta. – Và cháu được mẹ lấy tên bà ngoại để đặt cho cháu. Bà ngoại cũng đã mất rồi. – Ông ta cố không cười khi nghe chuyện bé nói, ông ta nghĩ gia đình họ có vẻ như đã chết hết. – Bố cháu cũng thế, – bé nói thêm như phần bổ sung. – Ông ấy chết trước khi cháu sinh ra, chết trong chiến tranh.

– Consuelo! – Annabelle thốt lên khiển trách con. Chưa bao giờ nàng nghe con nói nhiều về gia đình như thế. – Tôi xin lỗi, – nàng quay qua người đàn ông đã lượm mũ cho mình. – Chúng tôi không muốn làm cho ông buồn vì những chuyện chết chóc như thế. – Nàng cười với ông ta và ông ta cười đáp lại.

– Xin giới thiệu với cô, tôi là nhà báo, – ông ta nói với Consuelo một cách rất tử tế.


– Nhà báo là gì? – Bé hỏi, không biết ông ta làm cái gì.

– Tôi viết bài cho các tờ báo. Thực ra, tôi đã xuất bản một tờ. Tờ International Herald Tribune ở Paris.

– Chắc cháu phải đợi lớn thêm mới đọc được. – Ông ta cười với cả hai mẹ con.

– Mẹ cháu là bác sĩ. – Bé tự mình tiếp tục câu chuyện và Annabelle có vẻ hơi bối rối.

– Thế à? – Ông ta hỏi lại, rồi giới thiệu mình là Callam Me Affrey, người gốc Boston, bây giờ ở Paris.

Annabelle cũng giới thiệu hai mẹ con mình, rồi Consuelo giành lời, nói rằng hai mẹ con bé cũng ở Paris, tại quận 16. Ông ta cho biết mình ở đường Đại học, trên tả ngạn. Nhà ông ta gần trường Đại học Mỹ thuật. Annabelle biết rất rõ khu vực này.

Ông ta mời hai mẹ con đi uống trà, nhưng Annabelle nói rằng họ phải về phòng để thay áo quần đi ăn tối. Ông ta cười chào hai mẹ con rồi đi. Ông nghĩ cô bé rất dễ thương, còn bà mẹ thì rất xinh đẹp. Trông nàng không có vẻ gì là bác sĩ. Ông ta đã phỏng vấn Elsie Inglis trước đây nhiều năm. Annabelle không có vẻ gì giống bà ta, nàng nói rất ít. Ông vui khi gặp cô bé nhanh nhảu này, nhưng điều ấy lại làm cho mẹ cô thất vọng.

Tối đó ông ta thấy họ ở phòng ăn, nhưng không đến gần. Ông không muốn đến quấy rầy họ. Nhưng ngày hôm sau, ông ta thấy Annabelle một mình trên boong. Consuelo đi bơi với Brigitte. Lần này Annabelle đội cái mũ có dây buộc dưới cằm.

– Tôi thấy bà buộc dây mũ rất chặt, – ông ta nói, miệng tươi cười. Ông ta dừng lại, đứng bên nàng gần lan can. Nàng quay qua mỉm cười với ông ta.

– Bây giờ trời gió nhiều hơn tháng trước, khi chúng tôi đến đây. – Bây giờ là cuối tháng bảy.

– Tôi thích những chuyến vượt đại dương như thế này, – ông ta tự nói, – mặc dù cả hai chúng ta đều có người thân chết dưới biển. Đi như thế này ta mới có cơ hội để hồi hộp, giữa hai cuộc sống và hai thế giới. Thỉnh thoảng có dịp đi như thế này rất tuyệt. Lần này bà đến ở tại New York à? – Ông ta hỏi. Ông nói chuyện rất vui.

– Ở một thời gian thôi. Chúng tôi ở Newport hết mấy tuần. Ông ta cười. – Tôi ở lại Cape Cod. Hè nào tôi cũng cố về đấy. Ở đấy nhắc tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình.

– Đây là lần đi thăm quê mẹ đầu tiên của con gái tôi.


– Cô bé có thích không?

– Nó rất thích. Nó muốn hè nào cũng đến đấy. – Mười năm tôi mới về lại đây.

– Về Newport à? – Ông không ngạc nhiên về điều này.

– Về Mỹ. – Quả đúng như vậy.

– Thế thì quá lâu rồi! – Ông ta cao, có vẻ gầy, tóc muối tiêu, mắt nâu hiền từ, và có khuôn mặt rắn rỏi, tuổi chừng trên bốn mươi một chút. Ông ta trông thông minh chứ không đẹp, mặc dù bề ngoài có nét rất duyên. – Chắc bà bận công việc nên phải ở xa lâu ngày. Hay bực tức cái gì? – Ông ta nói thêm, giọng lưỡi của nhà báo. Nàng cười.

– Không bực tức gì hết, mà chỉ ngán thôi. Tôi lập nghiệp ở Pháp. Tôi sang đấy để làm tình nguyện viên ngoài mặt trận, trong bệnh viện và không trở về. Tôi nghĩ là tôi không nhớ quê hương. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, về thăm lại quê hương, chỉ cho con gái thấy những nơi có nhiều kỷ niệm của mình, rất tuyệt!

– Bà là góa phụ à? – Ông ta hỏi. Việc này rất dễ đoán, vì Consuelo nói bố bé đã mất và bé đã bảy tuổi. Annabelle định gật đầu, nhưng rồi nàng dừng lại. Nàng đã ngán cảnh nói dối, nhất là nói dối với những người không thân quen, để che chở cho người khác, thậm chí còn để cho người ta khỏi có ác cảm với mình.

– Bị chồng ly dị. – Nàng đáp và ông ta không có phản ứng gì, nhưng có vẻ ngạc nhiên. Đối với một số người, việc này làm cho họ hốt hoảng, lo sợ. Nhưng ông ta có vẻ không quan tâm đến.

– Tôi nghe con gái bà nói rằng bố bé mất rồi. – Annabelle nhìn ông ta một hồi, rồi quyết định không cần mọi sự. Nàng không có gì để mất. Nếu ông ta kinh ngạc, hoảng sợ và bỏ đi, nàng cũng chẳng cần và nếu không gặp lại ông ta thì thôi. Nàng không quen biết gì ông ta hết.

– Tôi không kết hôn với bố nó. – Nàng thản nhiên đáp, giọng cương quyết. Đây là lần đầu tiên nàng nói như thế với người khác. Nàng đã lớn lên trong vòng luẩn quẩn của người đời, nàng thấy đây là nguyên nhân để chấm dứt câu chuyện, để ông ta đừng quan tâm đến nàng nữa.

Ông ta không nói gì một lát rồi gật đầu và mỉm cười nhìn nàng. – Nếu bà muốn tôi xỉu mà quỵ xuống, hay nhảy ra khỏi tàu để khỏi nói chuyện với bà, thì bà lầm rồi. Tôi là phóng viên, tôi đã nghe nhiều chuyện như thế rồi. Và tôi sống ở Pháp. Chuyện như thế này xảy ra rất nhiều ở đấy, mặc dù họ không nói ra. Họ chỉ có con với vợ người khác mà thôi. – Nàng cười và ông phân vân không biết có phải đây là nguyên cớ để nàng bị người ta ly dị hay không. Nàng là người rất hấp dẫn. – Tôi nghĩ chuyện như thế này xảy ra rất nhiều mà chúng ta không biết, hay không tin thôi, ngay cả ở quê nhà. Người ta có con với người họ yêu, nhưng không kết hôn với nhau. Miễn là đừng làm khổ nhau là được, tôi là ai mà cho họ sai lầm? Tôi không hề lấy vợ. – Ông ta là người có tinh thần cởi mở.

– Tôi không yêu anh ta, – nàng đáp. – Câu chuyện dài dòng. Nhưng hóa ra lại hay. Consuelo là người tuyệt vời nhất trong đời tôi. – Ông ta không nói gì, nhưng nghe điều nàng nói có vẻ hay đối với ông.


– Bà là loại bác sĩ gì?

– Bác sĩ tốt, – nàng đáp với nụ cười trên môi và ông ta cười đáp lại.

– Tôi đã nghĩ thế. Nhưng tôi muốn hỏi chuyên môn của bà là gì? – Nàng biết ông ta muốn biết là ngành gì, nhưng muốn đùa với ông ta cho vui. Nói chuyện với ông ta rất vui. Ông ta cởi mở, nhiệt tình, thân ái.

– Bác sĩ đa khoa.

– Bà mở phòng khám ở tiền tuyến à? – Ông ta nghĩ nàng không lớn tuổi đủ để làm việc đó.

– Khi ấy tôi là sinh viên y khoa, mới học trường y được một năm. Tôi ra trường sau khi chiến tranh chấm dứt. – Ông ta lấy làm lạ là nàng không về Mỹ để mở phòng khám, nhưng ông hiểu được lý do. Ông cũng thích Paris. Ở đây ông sống thoải mái hơn ở New York hay Boston nhiều.

– Khi mới xảy ra chiến tranh, tôi đi làm phóng viên cho người Anh. Từ khi ấy, tôi ở lại châu Âu. Tôi sống ở London hai năm sau chiến tranh và hiện đã ở tại Paris được 5 năm rồi. Tôi không nghĩ đến chuyện trở về sống ở Mỹ. Đời tôi tốt đẹp ở châu Âu.

– Tôi cũng không trở về, – Annabelle đáp. Nàng không có lý do gì để trở về. Cuộc sống của nàng bây giờ là ở Paris. Nàng chỉ còn quá khứ ở Mỹ thôi và còn ngôi nhà nữa.

Họ nói chuyện thêm một lát nữa, rồi nàng đến hồ bơi để tìm Consuelo và Brigitte. Tối đó họ ăn tối sớm và khi về phòng, họ lại thấy ông ta. Ông ta vừa đi vào, liền hỏi Annabelle, không biết lát nữa nàng có thích uống một chút với ông cho vui không. Nàng ngần ngừ một lát, trong khi đó Consuelo nhìn cả hai người, rồi nàng đồng ý. Họ hẹn gặp nhau ở quán Verandah Café lúc chín giờ ba mươi. Khi ấy Consuelo ngủ rồi, nàng sẽ rảnh.

Khi hai mẹ con về phòng, tự nhiên Consuelo nói:

– Ông ấy thích mẹ. Ông ấy thật dễ thương.

Annabelle không nói gì. Nàng nghĩ Antoine lúc mới gặp cũng dễ thương và nàng đã lầm. Nhưng Callam Mc Affrey là tip người khác và họ có những điểm giống nhau. Nàng tự hỏi không biết tại sao ông ta không lấy vợ và tối đó khi hai người ngồi uống sâm banh tại quán Verandah Café tràn đầy không khí biển, ông nói cho nàng biết lý do.

– Trong thời gian chiến tranh, tôi đã yêu một y tá ở Anh. Cô qua đời một tuần trước khi lệnh đình chiến được ban bố. Chúng tôi định lấy nhau, nhưng cô ấy hẹn đợi cho đến hết chiến tranh sẽ cưới. Tôi phải mất một thời gian dài mới nguôi ngoai. – Thời gian đã sáu năm rưỡi. – Cô ấy là người rất đặc biệt. Xuất thân trong một gia đình rất tốt, cao sang, nhưng không ai biết. Cô ấy rất chân chất, làm việc cật lực, chưa bao giờ tôi thấy có người nào làm việc như thế. Chúng tôi đã sống vui vẻ với nhau. – Ông ta có vẻ không sướt mướt về chuyện này, nhưng hình như ông ta vẫn nhớ mãi đến cô ta. – Thỉnh thoảng tôi đến thăm gia đình cô ấy.

– Bố của Consuelo cũng là người Anh. Nhưng tôi nghĩ anh ta không phải là người tốt. Nhưng mẹ anh ta thì rất tuyệt vời. Có lẽ chúng tôi sẽ đi thăm bà ấy vào tháng tám.

– Những người Anh thuộc tầng lớp quí tộc rất tuyệt, – ông ta nói với vẻ quảng đại. – Tôi không chơi thân với người Pháp. – Annabelle cười chua chát, nàng nghĩ đến Antoine, nhưng không nói gì. – Họ thường không thẳng thắn và tính khí có vẻ phức tạp hơn.

– Tôi đồng ý với ông, trong một vài trường hợp, họ đúng như thế. Họ tuyệt vời trong tình bạn, trong tình đồng nghiệp, nhưng trong tình yêu lại là chuyện khác. – Căn cứ vào đôi điều nàng vừa nói, ông có thể tin rằng nàng đã bị ai đó lừa dối, có lẽ đấy là một người đàn ông Pháp. Nhưng ông bố người Anh của Consuelo cũng không tốt lành gì. Ông có cảm giác như thể Annabelle ngậm phải bồ hòn đắng ngắt. Và trường hợp của ông cũng thế, ngoài Fiona, cô y tá thân yêu của ông. Bây giờ ông sống một mình. Ông không muốn dính dáng đến tình yêu. Đời ông êm ả trôi một cách bình dị và bây giờ ông gặp Annabelle, đời nàng cũng đang trong cảnh côi cút như ông.


Họ nói về chiến tranh một lát, về chính trị ở Hoa Kỳ, về cuộc đời làm báo của ông và việc chữa bệnh của nàng. Nàng nghĩ, nếu không có gì trắc trở xảy ra, thì ông có thể là người bạn tốt. Cuối cùng ông tiễn nàng về phòng, chúc nàng ngủ ngon bằng giọng thân ái nhưng lịch sự.

Ông mời nàng ngày mai uống cùng ông lần nữa và họ lại sẽ gặp nhau. Vào ngày cuối cùng, ông chơi bài với Annabelle cùng Consuelo và nàng mời ông tối đó cùng ăn tối với hai mẹ con nàng. Ông và Consuelo rất hợp nhau, bé nói với ông về con chó của bé và mời ông đến xem, trong khi đó Annabelle không nói gì.

Tối đó họ uống với nhau lần cuối cùng. Khi ông đưa nàng về phòng, bỗng ông đột ngột nói với nàng rằng ông muốn đến xem con chó. Ông cũng có một con giống chó Labrador. Nghe ông nói, Annabelle cười.

– Chúng tôi sẵn sàng chào đón ông đến xem con chó vào bất cứ lúc nào, – nàng đáp. – Ông cũng có thể đến thăm chúng tôi.

– Tốt, thực ra hiện tôi quan tâm đến con chó là chính, – ông ta đáp, nháy nháy mắt, – nhưng nếu nó không quan tâm thì có lẽ tôi đến thăm bà và cháu cũng là chuyện tốt. – Ông nhìn Annabelle với vẻ dịu dàng. Trong chuyến đi, ông đã biết nhiều về nàng, nhiều hơn nàng nghĩ. Nghề của ông là thế. Ông có thể thấy rõ nàng đã trải qua nhiều thử thách trong đời. Con gái lớn lên trong môi trường giáo dục tốt như nàng không ai bỏ nhà ra đi lúc 22 tuổi, đi làm tình nguyện viên ở một nơi xa nhà đến ba ngàn dặm để phục vụ cho cuộc chiến tranh không phải của họ. Rồi sau đó ở lại Pháp, học nghề thành tài để sinh sống. Nếu ở quê nhà không có chuyện tệ hại xảy ra cho họ thì không đời nào họ làm thế. Và ông nghĩ rằng, nàng đã gặp những chuyện không hay. Ông tin rằng nàng không phải là loại phụ nữ để cho mình có con ngoài giá thú, trừ phi nàng không còn cách lựa chọn nào khác. Rõ ràng nàng đã chấp nhận số phận, chấp nhận những gì đã xảy đến cho nàng và nàng đã làm tốt công việc ấy. Nàng là người phụ nữ tốt. Điều này thể hiện rất đậm nét trên gương mặt nàng, ông hy vọng sẽ gặp lại nàng.

– Tôi muốn khi trở lại Paris, tôi sẽ gọi cho bà, – ông ta nói một cách nghiêm túc. Nàng không khắt khe, nhưng thường đứng đắn và quí phái, ông thích thái độ này của nàng. Nàng có đôi nét khiến ông nhớ đến Fiona, mặc dù Annabelle trẻ và đẹp hơn. Nhưng điều làm cho ông thích Fiona nhất và bây giờ Annabelle, là nội tâm của họ. Người ta thấy rõ nàng là người quả quyết và chung thủy, có đạo đức tốt, với tấm lòng quảng đại, trí óc thanh thoát. Đàn ông không thể đòi hỏi gì nhiều hơn và nếu gặp một phụ nữ như Annabelle trên đường đời, bạn không nên bỏ cơ hội để tìm hiểu nàng cho rõ hơn.

Phụ nữ như nàng thật hiếm. Ông được gặp nàng như thế này là điều quá may mắn, ông nghĩ rằng, nếu ai đã có vận may gặp một người như thế, thì không nên bỏ lỡ cơ hội làm quen, tìm hiểu họ.

– Chúng tôi ở tại Paris mà, – Annabelle nói. – Chúng tôi sẽ đi chơi ở Deauville vài hôm. Tôi đã hứa với Consuelo như vậy. Và có lẽ chúng tôi sẽ sang Anh một thời gian để thăm gia đình bố nó. Nhưng chúng tôi phải có mặt ở nhà. Tôi phải làm việc, nếu không, bệnh nhân sẽ quên rằng tôi có phòng khám. – Ông không tin có người nào đã biết nàng mà lại quên một điều như thế. Và ông không muốn để nàng mất dấu tích khỏi tay ông.

– Ba chúng ta sẽ làm gì vào cuối tuần này? – ông vui vẻ nói. – Dĩ nhiên với con chó. Tôi không muốn làm cho cô bé bị chạm tự ái. – Annabelle cười để đáp lại. Chỉ còn mấy hôm nữa là cuối tuần, nàng thích ý kiến của ông ta. Thực vậy, nàng thích những điều mà nàng biết về ông ta trong chuyến đi này. Nàng có cảm giác tốt về ông, nàng nghĩ ông ta là người chững chạc, chung thủy, nhiệt tình và tốt bụng. Họ rất tôn trọng nhau. Đây là khởi đầu tốt, tốt hơn những lần trước rất nhiều. Tình bạn giữa nàng và Josiah không tốt như bây giờ, vì đáng ra chàng phải nói cho nàng biết những chuyện bí mật của mình. Còn Antoine thì tiền hậu bất nhất, tâm địa đổi trắng thay đen rất nhanh. Callam là người hoàn toàn khác biệt.

Họ chia tay bên ngoài phòng của nàng. Sáng hôm sau nàng dậy sớm, mặc áo quần, y như lần nàng đến châu Âu trước đây mười năm, khi nàng rời bỏ New York trong tình cảnh vô vọng. Lần này đứng ở lan can tàu để nhìn cảnh mặt trời mọc, nàng không thất vọng, không buồn rầu. Nàng thấy cảng Le Havre hiện ra từ xa và trong hai giờ nữa, họ sẽ lên bến tàu ở đấy.

Khi nhìn ra biển, nàng thấy mình hoàn toàn được tự do, cuối cùng nàng đã cởi bỏ được xiềng xích nô lệ. Nàng không còn bị những thành kiến của người đời đè nặng như đeo gông vào cổ, hay bị những lời bịa đặt của họ về nàng làm cho lo sợ. Nàng là người tự do, là người tốt, nàng nghĩ thế.

Khi mặt trời xuất hiện trên bầu trời buổi sáng, nàng nghe có giọng nói cất lên bên cạnh. Nàng quay qua, thấy Callam.

– Tôi nghĩ thế nào cũng gặp bà ở đây. – Ông ta nói. Mắt trong mắt họ nhìn nhau và cùng mỉm cười. – Buổi sáng tuyệt đẹp phải không? – Ông ta hỏi.

– Phải, rất đẹp! – Nàng đáp, cười chúm chím.

Buổi sáng tuyệt đẹp. Họ là hai người tốt và cuộc đời đối với họ cũng thật tuyệt!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.