Đọc truyện Anna Và Nụ Hôn Kiểu Pháp – Chương 22
Thứ bảy lại là ngày dành cho việc dạo chơi, ăn uống, phim ảnh và một cuộc đối thoại ngượng ngùng ở cầu thang. Sau đó là một cơ thể ấm áp trên giường tôi. Rồi những cú động chạm ngập ngừng. Cuối cùng là giấc ngủ.
Cho dù có phần không thoải mái nhưng tôi chưa bao giờ trải qua kỳ nghỉ nào ngon lành hơn thế.
Nhưng vào sáng chủ nhật mọi chuyện thay đổi. Khi chúng tôi tỉnh giấc, St. Clair duỗi người và vô tình chạm tay vào ngực tôi. Không chỉ tôi bị đau mà hai đứa cũng xấu hổ muốn chết. Thế là cậu trở nên xa cách vào bữa sáng. Trong lúc tôi nói chuyện thì cậu kiểm tra tin nhắn điện thoại rồi nhìn ra cửa sổ quán cafe. Và, thay vì khám phá Paris, cậu nói phải ở lại ký túc xá để làm bài tập.
Tôi tin St. Clair cần làm bài tập. Cậu không theo kịp bài vở. Nhưng giọng của cậu như muốn đuổi khéo tôi và tôi biết tỏng lý do thực sự cho sự xa lánh này. Học sinh đang dần trở lại trường. Josh, Rashmi và Mer sẽ về đây trong tối nay.
Ellie cũng sẽ về.
Tôi cố gắng không nghĩ đến việc đó nhưng lòng vẫn thấy đau. Tôi đã định đi xem phim nhưng rồi lại lao đầu vào bài tập Lịch sử. Chí ít tôi đã tự bảo mình như thế. Dẫu vậy, tai tôi vẫn dỏng lên nghe ngóng động tĩnh tầng trên. St. Clair ở rất gần nhưng cũng rất xa. Tòa nhà Lambert xôn xao bởi sự trở lại của đám học sinh và việc lọc ra những âm thanh cá biệt không còn dễ dàng gì. Tôi không chắc liệu St. Clair có còn ở trong phòng nữa không.
Khoảng tám giờ Meredith xuất hiện và bọn tôi cùng đi ăn tối. Nó kể về kỳ nghỉ ở Boston nhưng tâm trí tôi đã lang thang nơi khác. Có lẽ lúc này cậu đang ở bên Ellie. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp họ – nụ hôn của họ, hai tay của chị ta lùa vào tóc cậu – và bỗng chẳng cảm thấy ngon miệng nữa.
“Cậu im lặng dễ sợ ấy,” Mer nói. “Kỳ nghỉ của cậu thế nào? Có lôi được St. Clair ra khỏi phòng không?”
“Có chút chút.” Tôi không thể kể về những buổi tối của chúng tôi và cũng không muốn kể về những chuyện ban ngày. Tôi muốn giấu kín mấy kỉ niệm đó cho riêng mình. Chúng là của riêng tôi.
Nụ hôn của họ, hai tay chị ta lùa vào tóc cậu. Dạ dày tôi co thắt.
Mer thở dài. “Mình đã mong cậu ấy chui ra khỏi vỏ ốc. Đi dạo, hít thở không khí trong lành. Cậu biết đấy, những chuyện điên khùng như thế.”
Nụ hôn của họ. Hai tay chị ta…
“Mà này,” nó nói. “Các cậu không làm điều gì điên khùng trong lúc bọn này về nhà đấy chứ?”
Tôi suýt sặc cà phê.
***
Vài tuần lễ sau đó trôi qua một cách mơ hồ. Cả thầy cô lẫn học sinh đều háo hức tiến đến giai đoạn giữa kỳ. Chúng tôi thức đêm thức hôm để theo kịp tiến độ và nhộn nhịp chuẩn bị thi cử, Lần đầu tiên tôi phát hiện ra ngôi trường này có tính cạnh tranh rất cao. Học trò học hành chăm chỉ và ký túc xá gần như im ắng như lúc mọi người về nhà đón lễ Tạ ơn.
Các trường đại học bắt đầu gửi thư về. Tôi được nhận vào tất cả các trường đã nộp đơn nhưng giờ chưa phải lúc mở tiệc ăn mừng. Rashmi sẽ đến Brown còn Meredith được nhận vào hai trường trọng điểm của nó – một ở London, một ở Rome. St. Clair không nói gì về trường đại học. Không ai trong bọn tôi biết cậu đã nộp đơn vào đâu hoặc có nộp đơn hay không, vì cậu toàn chuyển đề tài mỗi khi cả bọn nhắc đến chuyện đó.
Mẹ St. Clair đã hoàn tất quá trình hóa trị và đang vào tuần cuối của đợt xạ trị ngoài. Tuần tới khi tụi tôi về nhà, bác sẽ trải qua đợt xạ trị trong đầu tiên. Quá trình này đòi hỏi bệnh nhân ở lại bệnh viện ba ngày và tôi tạ ơn Chúa vì St. Clair sẽ có thời gian chăm sóc mẹ. Cậu nói tinh thần của bác đã khá lên, bác cảm thấy khỏe – so với tình trạng bệnh tật của mình – nhưng cậu vẫn nóng lòng được nhìn tận mắt.
Hôm nay là ngày đầu tiên của lễ Hanukkah[1] và để tỏ lòng tôn kính, ngày này trường đã miễn bài tập cùng bài kiểm tra cho chúng tôi.
[1] Lễ hội truyền thống kéo dài 8 ngày của người Do Thái.
Chính xác là để tỏ lòng tôn kính Josh.
“Người Do Thái duy nhất ở TMOP,” cậu ta vừa nói vừa đảo mắt, tỏ rõ sự bực bội vì những thằng gàn dở như Steve Carver cứ đấm vào cánh tay cậu ta và rối rít cảm ơn trong bữa sáng.
Được nghỉ buổi chiều, tôi và đám bạn ghé vào một cửa hàng, để mua sắm. Cửa hàng mang vẻ xinh xắn quen thuộc. Ruy băng đỏ vàng sáng bóng đính trên những vòng hoa lủng lẳng. Những dây là trang trí và đèn trắng lấp lánh trải dọc thang cuốn và trên khụ bán nước hoa. Các ca sỹ Mỹ say sưa cất tiếng hát trên loa.
“Mà này,” Mer nói với Josh. “Ông có nên ở đây không?”
“Bình tĩnh, cô bạn Công giáo bé nhỏ của tôi. Thực sự thì,” cậu ta nhìn Rashmi, “chúng mình phải đi nếu muốn ăn tối ở Marais đúng giờ. Anh thèm khoai tây chiên kiểu Do Thái chết đi được.”
Rashmi nhìn đồng hồ trên điện thoại, “Anh nói đúng. Chúng ta nên đi thôi.”
Hai người họ chào tạm biệt – thế là chỉ còn lại ba chúng tôi. Tôi mừng là Meredith vẫn ở đây. Từ ngày lễ Tạ ơn quan hệ giữa tôi và St. Clair đã tuột dốc không phanh. Ellie là bạn gái cậu, còn tôi chỉ là bạn, một người bạn có giới tính nữ của cậu mà thôi. Chắc St. Clair cảm thấy dằn vặt vì đã lấn qua giới hạn của tình bạn. Tôi cũng dằn vặt vì đã khuyến khích cậu.
Không ai trong chúng tôi đề cập đến những ngày cuối tuần đó. Dù chúng tôi vẫn ngồi cạnh nhau trong các bữa ăn, nhưng giờ đây giữa hai đứa luôn có một vách ngăn. Sự dễ chịu trong tình bạn đã trôi theo dòng nước.
May mắn là không ai chú ý bọn tôi. Có lần tôi bắt gặp Josh mấp máy môi với St. Clair rồi đưa mắt về phía tôi, nhưng St. Clair chỉ lắc đầu như muốn nói “im đi”. Tôi chẳng hiểu họ bàn tán chuyện gì.
Có một thứ gì đó chợt lạc vào vùng chú ý của tôi. “Đó có phải… nhạc hiệu Looney Tunes không?”
Mer và St. Clair vểnh tai lên.
“Sao vậy? Đúng đấy. Mình nghĩ vậy.” St. Clair nói.
“Mình còn nghe thấy ‘Love Shack’ vài phút trước cơ,” Mer nói.
“Vậy là cuối cùng nước Mỹ đã chính thức hủy hoại nước Pháp.” Tôi nói.
“Chúng ta đi được chưa?” St. Clair giơ lên một cái túi nhỏ. “Mình xong rồi đấy.”
“Ồ, ông mua gì vậy?” Mer hỏi. Nó lấy túi St. Clair và lôi ra một cái khăn quàng mỏng đẹp rạng ngời. “Quà cho chị Ellie à?”
“Trật lất.”
Mer ngập ngừng. “Ông không mua gì cho chị Ellie à?”
“Không, cái đó cho mẹ mình. Haizz.” Cậu cào tóc. “Các cậu có thấy phiền không nếu bọn mình ghé qua Sennelier trước khi trở về?” Sennelier là một cửa hàng đồ mỹ thuật tuyệt vời, là nơi mà tôi ước mình có lý do để mua sơn dầu và phấn màu. Tuần trước, Mer và tôi đã đi cùng Rashmi tới đó. Nó đã mua cho Josh một quyển sổ phác họa mới mừng lễ Hanukkah.
“Chà chà. Chúc mừng nhé St. Clair,” tôi nói. “Cậu đã thắng giải Bạn Trai Tồi của ngày hôm nay rồi đấy. Mình tưởng Steve đã đủ tệ – cậu có nhìn thấy chuyện xảy ra trong lớp Giải tích không?”
“Chuyện Amanda bắt quả tang Steve nhắn tin đong đưa với Nicole phải không?” Mer hỏi. “Hình như nó định lấy bút chì đâm vào cổ thằng đó thì phải.”
“Mình bận rộn quá mà,” St. Clair nói.
Tôi liếc cậu. “Mình chỉ đùa với cậu thôi.”
“Hừ, đừng đùa giỡn một cách ngớ ngẩn như thế.”
“Mình không ngớ ngẩn. Mình thậm chí không phải một đứa ti tiện hay ngu độn hay bất kỳ loại nào trong thứ tiếng Anh chết tiệt của cậu.”
“Bực rồi đấy.” Cậu giật lại túi trong tay Mer và trừng mắt với tôi.
“NÀY!” Mer nói. “Giáng sinh đấy nhé. Là lá la. Deck the hall[1]. Đừng cãi nhau nữa.”
[2] Bài hát phổ biến trong dịp Giáng sinh, thường được phát trong các trung tâm mua sắm và nhạc quảng cáo.
“Bọn tôi không cãi nhau,” St. Clair và tôi đồng thanh nói.
Mer lắc đầu. “Thôi nào, St. Clair nói đúng. Chúng mình rời khỏi đây đi. Nơi này làm mình thấy sợ.”
“Mình thấy đẹp mà,” tôi nói. “Hơn nữa mình thà nhìn ruy băng còn hơn thỏ chết.”
“Không nhắc đến lũ thỏ nữa.” St. Clair nói. “Cậu cũng xấu xa như Rashmi.”
Chúng tôi chật vật len qua dòng người đông đúc của ngày Giáng sinh. “Mình có thể hiểu vì sao cậu buồn! Cách chúng bị treo lên trông cứ như chết vì chảy máu mũi. Thật khủng khiếp. Isis tội nghiệp.” Tất cả các cửa hiệu ở Paris đều trưng bày hàng hóa ra ngoài cửa sổ một cách hết sức công phu và cửa hàng thịt cũng không ngoại lệ. Mỗi lần đi xem phim tôi đều đi ngang qua một đàn thỏ chết.
“Có lẽ các cậu không biết,” St. Clair nói, “nhưng bé thỏ Isis vẫn đang sống nhăn răng trên tầng sáu đấy.”
Chúng tôi nhanh chóng đi qua cánh cửa kính và bước ra đường. Khách mua sắm chen chúc nhau và trong tích tắc tôi cảm giác như mình đang đến Manhattan thăm bố. Nhưng những ngọn đèn, băng ghế và đại lộ thân quen đã xuất hiện để dẹp tan ảo ảnh của tôi. Bầu trời có màu xám trắng tựa hồ sắp đổ tuyết. Chúng tôi rẽ lối qua đám đông và hướng về ga tàu điện. Khí trời lạnh lẽo nhưng không giá buốt, khói ấm từ lò sưởi phảng phất trong không gian.
St. Clair và tôi tiếp tục đấu khẩu về những chú thỏ. Tôi biết cậu không thích việc trưng bày đó nhưng không hiểu sao cậu vẫn muốn tranh cãi. Mer điên tiết. “Hai người có thôi đi không? Các cậu đang giết chết tinh thần lễ lạt của mình đấy!”
“Nói đến tinh thần lễ lạt.” Tôi nhìn St. Clair trước khi nói với Mer. “Mình vẫn muốn chơi đu quay nằm cạnh ChampsElysees hoặc cái to đùng đèn đuốc lộng lẫy ở Place de la Concorde.”
St. Clair lườm tôi.
“Mình sẽ mời cậu,” tôi nói, “nhưng mình biết cậu sẽ trả lời thế nào.” Cứ như tôi vừa tát St. Clair. Ôi Chúa ơi. Tôi bị ma ám hả?
“Anna,” Mer nói.
“Mình xin lỗi.” Tôi vội nhìn xuống giày. “Mình không biết tại sao lại nói năng như thế.”
Người đàn ông má đỏ ửng đứng trước siêu thị to tiếng chửi thề. Ông ta đang bán những giỏ hàu ướp đá. Hai tay ông ta chắc hẳn đang lạnh cóng nhưng tôi sẵn lòng hoán đổi vị trí với ông ta trong một giây. Làm ơn đi St. Clair. Làm ơn hãy nói gì đó.
St. Clair miễn cưỡng nhún vai. “Không sao.”
“Anna, gần đây cậu có liên lạc với Toph không?” Mer nỗ lực bẻ hướng câu chuyện.
“Có. Tối qua mình vừa nhận được email của cậu ấy.” Thật lòng mà nói thì tôi đã từng nghĩ về Toph được một thời gian rồi. Nhưng từ khi chắc mẩm St. Clair đã rời khỏi bức tranh toàn cảnh thì tư tưởng của tôi trôi dạt về kỳ nghỉ Giáng sinh. Tôi không nhận nhiều tin từ Toph và Bridge vì họ mải bận rộn với ban nhạc còn tôi phải tất tả lo thi cuối kỳ, vậy nên bức thư hôm qua thực sự khiến tôi rất ngạc nhiên và thích thú.
“Trong thư viết gì?” Mer hỏi.
Xin lỗi đã không viết thư. Luyện tập như điên luôn. Buồn cười vụ bồ câu Pháp được cho ăn hạt giống ngừa thai quá. Dân Paris khùng nhỉ. Họ nên cho nó vào pizza của trường ở đây, năm nay có ít nhất sáu cô dính bầu rồi. Bridge báo cậu sẽ đến buổi biểu diễn của nhóm mình. Mong lắm đó, Annabel Lee. Gặp sau nhé. Toph.
“Không nhiều. Nhưng cậu ấy mong chờ gặp lại mình,” tôi bổ sung.
Mer cười toét miệng. “Chắc cậu mừng lắm nhỉ.”
Chúng tôi giật mình bởi tiếng thủy tinh vỡ St. Clair vừa đá một cái chai vào rãnh nước.
“Ông không sao chứ?” Mer hỏi St. Clair.
Nhưng cậu quay sang nhìn tôi. “Cậu đã xem qua tập thơ mình tặng cậu chưa?”
Tôi ngạc nhiên đến nỗi một lát sau mới trả lời cậu. “Ơ, chưa. Học kỳ tới bọn mình mới phải học nó đúng không?” Tôi quay qua Mer giải thích. “Cậu ấy mua cho mình tác phẩm của Neruda.”
Mer nghiêng đầu về phía St. Clair nhưng cậu đã ngoảnh mặt để tránh sự soi mói của nó. “Ừm, mình chỉ thắc mắc thế thôi. Vì cậu không nhắc gì tới nó…” Cậu tỏ vẻ thất vọng.
Tôi ném cho St. Clair ánh mắt thích thú rồi nhìn lại Mer. Nó có vẻ buồn và tôi e rằng mình đã bỏ sót một điều gì đó. Không đúng, tôi biết chắc mình đã bỏ sót một điều gì đó. Tôi nói huyên thuyên để xóa bỏ sự im lặng bất thường này. “Sắp được về nhà rồi, mình vui lắm. Chuyến bay của mình cất cánh lúc sáu giờ sáng thứ bảy nên mình phải dậy từ sớm tinh mơ, nhưng cũng đáng thôi. Mình sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị đi xem Penny Dreadfuls. Họ biểu diễn vào buổi tối mà,” tôi nói thêm.
St. Clair ngẩng phắt lên. “Cậu bay lúc nào?”
“Sáu giờ sáng,” tôi lặp lại.
“Chuyến bay của mình cũng cất cánh giờ đó,” cậu nói. “Chuyến bay chuyển tiếp của mình bay qua Atlanta. Mình cá chúng ta lên cùng máy bay. Vậy chia tiền taxi nhé.”
Tôi cảm thấy thắc thỏm lo âu. Tôi không biết mình có muốn đi với St. Clair hay không. Chuyện cãi vã ban nãy cũng rất kỳ quặc. Tôi vẫn đang kiếm cớ từ chối thì cả bọn đi qua một ông lão vô gia cư với bộ râu rậm rạp. Ông ta nằm trước tàu điện với hộp giấy quấn quanh người để giữ ấm. St. Clair lục túi và đặt tất cả số tiền mình có vào chiếc ly của ông lão. “Noel vui vẻ.” Rồi cậu đưa mắt nhìn tôi. “Sao nào? Chung taxi nhé?”
Tôi ngoái đầu nhìn lại ông lão vô gia cư trước khi trả lời cậu. Ông ta thảng thốt, chết điếng với số tiền trong tay. Băng giá bao trùm con tim tôi đã rạn nứt.
“Chúng ta sẽ gặp nhau lúc mấy giờ nhỉ?”