Anna Karenina

Chương 95Quyển 3 -


Đọc truyện Anna Karenina – Chương 95: Quyển 3 –

– Nếu không luyến tiếc vì bỏ dở công việc mới bắt đầu làm… bao nhiêu tâm huyết đã bỏ ra… thì tôi đã vứt quách mọi cái ở đây, tôi sẽ bán hết và giống như Nicolai Ivanovitr, tôi sẽ bỏ đi… nghe nhạc kịch “Nàng Hêlen xinh đẹp”, – vị quý tộc già nói, bộ mặt thông minh mỉm cười rạng rỡ.

– Phải, nhưng ông đã không vứt bỏ gì cả, – Nicolai Ivanovitr Xvyajxki nói, như thế nghĩa là ông vẫn còn quan tâm.

– Tôi quan tâm vì tôi đang sống ở nhà tôi, vì người ta bao giờ cũng hy vọng cải tạo được con người. Nhưng toàn là cảnh rượu chè be bét, linh tinh không tưởng tượng được! Cứ bán dần bán mòn mãi, bọn nông dân chẳng còn lấy một con ngựa hoặc một con bò nào. Họ đang chết đói lăn ra đấy; nhưng nếu ông tuyển vào làm, họ sẽ không ngần ngại gì mà không phá rối lung tung và còn đi thưa kiện lên thẩm phán hòa giải là đằng khác.

– Nhưng chính ông, ông cũng có thể đến khiếu tố với thẩm phán hòa giải được chứ, – Xvyajxki nói.

– Tôi ấy à? Không đời nào! Làm thế chỉ dẫn đến chuyện phiếm lăng nhăng! Ông hãy xem ở xưởng đấy, công nhân lấy tiền lương ứng trước rồi chuồn thẳng. Thẩm phán hòa giải đã làm gì? Hắn ta tha bổng cho họ. Chỉ có toà án hàng tổng và xã trưởng là trị được nạn đó. ở đấy, người ta lấy roi phết cho một trận như trong cái thời tốt đẹp xưa kia.

Nếu không thế thì đến phải chạy trốn đến tận cùng thế giới mất!

Lão địa chủ nói điều đó rõ rằng cốt trêu chọc Xvyajxki nhưng ông ta chẳng những không hề tức giận mà còn lấy làm thú vị.

– Tuy nhiên, cả tôi, lẫn Levin, lẫn ông đây, – ông ta nói và trỏ vị khách kia, – chúng ta không ai phải dùng đến phương pháp như vậy cả.

– Phải, nhưng ông hãy hỏi Mikhain Petrovitr xem ông ta làm ăn ra sao. Đó có phải là phương thức canh tác hợp lý không? – lão địa chủ nói, hãnh diện đã dùng được chữ “hợp lý”.

– Đội ơn Chúa, đối với tôi thì rất giản đơn thôi, – Mikhain Petrovitr nói. – Tất cả vấn đề là làm sao mùa thu này kiếm ra tiền đóng thuế.

Đám mugich đến nói: “Ông chủ ơi, cứu giúp chúng tôi với!”. Họ toàn là láng giềng nên tôi cũng thương hại. Tôi ứng trước một phần ba tiền. Nhưng phải bảo họ là: “Các người ơi, các người nên nhớ là nay ta giúp các người, khi nào cần thiết, đến lượt các người cũng phải giúp ta một tay, để gieo yến mạch, hái cỏ khô và gặt lúa đấy nhé. Còn công nợ thì ta sẽ tính toán riêng với nhau cho ổn thoả”. Đành rằng trong bọn họ cũng có người không có lương tâm thật đấy.

Levin từ lâu cũng biết những phương pháp gia trưởng đó rồi, chàng đưa mắt trao đổi với Xvyajxki và ngắt lời Mikhain Petrovitr, quay lại nói với lão địa chủ để ria mép hoa râm.

– Theo ý ông thì bây giờ phải điều khiển việc canh tác như thế nào?


– chàng hỏi.

– Như Mikhain Petrovitr ấy: hoặc cấy rẽ chia đôi hoặc phát canh thu tô cho nông dân, việc đó có thể làm được nhưng chính những phương pháp đó lại đưa đất nước đến chỗ lụn bại. ở những nơi mà dưới thời kỳ nông nô, nhờ quản lý tốt, ruộng đất vốn một lãi chín, thì bây giờ chỉ vốn một lãi ba. Việc giải phóng nông nô đã làm hại nước Nga!

Xvyajxki nheo mắt cười nhìn Levin và còn phác cả một cử chỉ giễu cợt nữa; nhưng Levin thấy lời đó không có gì buồn cười cả, và thông cảm hơn Xvyajxki. Thậm chí chàng còn thấy những lập luận tiếp theo của vị đó, chứng minh việc giải phóng nông nô đã phá sản nước Nga, là rất đúng, mới mẻ và không thể bác bỏ. Vị điền chủ rõ ràng đã trình bày ý kiến của riêng mình, đó là điều rất hiếm. Ông ta đi đến ý nghĩ đó, không phải vì muốn bới việc cho cái đầu óc nhàn rỗi của mình phải bận rộn, mà nó nảy sinh ngay trong hoàn cảnh sống ẩn dật của ông ở nông thôn và sau khi đã được nghiền ngẫm kỹ.

– Hẳn ông cũng nhận thấy tiến bộ bao giờ cũng phải dùng uy lực mới thực hiện được, – ông nói, muốn tỏ ra mình không phải người thất học. – Hãy xem những cuộc cải cách của Piotr, của Ecaterina, của Alecxandr. Hãy xem lịch sử châu Âu đó. Đối với cải cách nông nghiệp thì lại càng đúng hơn. Ngay đến khoai tây cũng phải dùng uy lực mới đem vào trồng ở nước ta được. Trước đây, không phải bao giờ ta cũng cày bằng cày. Người ta cũng phải cưỡng bách mọi người dùng nó, có lẽ từ thời phong điền thái ấp, nhưng chắc chắn là phải dùng uy lực.

Dưới thời nông nô, ta đã cải tiến phương pháp canh tác: bao giờ cũng phải dùng quyền lực để bắt buộc áp dụng những máy hong phơi, máy sàng sẩy, sự vận chuyển phân bón và mọi máy nông cụ khác; lúc đầu, bọn mugich còn phản đối rồi sau mới chấp nhận những phương pháp của chúng ta. Giờ đây, khi chế độ nông nô đã bị bãi bỏ và quyền lực của chúng ta bị tước đoạt, nền nông nghiệp mà đôi chỗ đã đạt tới mức phát triển rất cao, lại rơi trở lại hình thức thô lỗ nguyên thuỷ. ít nhất đó cũng là quan điểm của riêng tôi.

– Tại sao lại như thế được? Nếu việc canh tác của ông đã hợp lý hoá, ông có thể dựa vào việc thuê mướn nhân công chứ,- Xvyajxki nói.

– Tôi không còn uy quyền gì nữa. Tôi xin hỏi, ai sẽ giúp tôi được nào?

“Vấn đề là ở đó: người thợ làm mướn là nhân tố chủ yếu của nền kinh tế nông thôn”, Levin thầm nghĩ.

– Thợ sẽ giúp ông.

– Bọn thợ không ưng làm việc đến nơi đến chốn và nhất là càng không muốn dùng máy móc. Thợ của chúng ta chỉ biết có mỗi một việc: nốc rượu say như lợn. Và khi đã say thì giao cho cái gì là phá hỏng cái đó. Hắn sẽ làm ốm ngựa vì cho nó uống nước không phải lúc, phá hại cả bộ đồ thắng đái mới, đổi vành đai sắt bánh xe lấy rượu uống, nhét chốt vào máy đập lúa để làm hư đi. Hắn chán ghét tất cả những gì không phải của hắn. Vì thế trình độ nền nông nghiệp chúng ta chỉ sút kém đi thôi. Ruộng đất thì bỏ hoang, để cỏ dại mọc lan hoặc đem phân phát cho mugich, và ở chỗ trước kia sản xuất được hàng triệu đấu thì nay chỉ sản xuất chừng vạn đấu thôi, tài sản công cộng giảm sút. Nếu họ cũng thực hiện cải cách như vậy nhưng thận trọng hơn. ..

Và ông trình bày một kế hoạch giải phóng nông nô có thể tránh được nguy hại đó.

Levin không quan tâm đến việc đó, nhưng khi ông ta dứt lời, chàng liền trở lại luận điểm đầu tiên của mình và quay sang nói với Xvyajxki, cố moi cho ra ý kiến sâu kín của ông:


– Rõ ràng trình độ nền nông nghiệp của ta sút kém và căn cứ vào quan hệ hiện nay giữa chúng ta với nông dân thì không thể áp dụng những phương pháp hợp lý vào sản xuất được.

– Tôi thấy không phải như vậy, – Xvyajxki cãi lại, lần này có vẻ nghiêm túc. Tôi chỉ thấy mỗi một điều là chúng ta không đủ năng lực điều khiển sản xuất và dưới thời nông nô, ta còn lạc hậu hơn nữa. Ta không có máy móc, không có gia súc, không có cả một sự quản lý xứng đáng với cái tên đó. Ngay đến tính toán, chúng ta cũng không biết nốt. Hãy hỏi một điền chủ mà xem, ông ta không hiểu lỗ lãi do đâu mà ra.

– Phương pháp kế toán kép như của người ý chứ gì! – nhà địa chủ quý tộc, vẻ giễu cợt. – Ông cứ tha hồ tính toán, nhưng nếu họ làm hỏng hết, ông sẽ không tìm đâu ra lãi cả.

– Không thể nào làm hỏng hết được! Họ có thể phút chốc làm xộc xệch một máy đập lúa kiểu Nga cà rỉ, nhưng không thể trong nháy mắt làm hỏng một máy đập lúa chạy hơi nước được. Họ có thể làm mệt một con nghẽo cầm đuôi kéo đi không được. Nhưng hãy dùng ngựa giống Pháp hoặc ngựa thồ nữa, chúng sẽ dai sức hơn. Mọi cái khác cũng vậy. Chúng ta phải nâng cao trình độ nông nghiệp lên.

– Nhưng phải có phương tiện thì mới làm được chứ. Nicolai Ivanovitr ạ; ông thì muốn nói sao chả được; còn tôi, tôi phải lo tiền học cho thằng con cả ở Đại học, những đứa bé hơn ở Trung học, tôi không lấy đâu ra tiền mua ngựa giống Pháp.

– Đã có ngân hàng cho vay.

– Để rồi người ta đem tài sản của tôi ra bán đấu giá ấy à! Thôi, xin cảm ơn!

– Tôi không tin việc nâng cao trình độ nông nghiệp lên nữa là cần thiết và có thể làm được, – Levin nói. – Tôi đã làm việc đó, tôi cũng có phương tiện để làm nhưng rồi không đi đến đâu cả. Tôi không biết ngân hàng phục vụ cho ai. Còn về phần tôi, bao nhiêu tiền bỏ vào sản xuất đều mất tong: gia súc: mất sạch; máy móc: mất sạch.

– Đúng thế, – lão địa chủ để ria mép hoa râm tán thành và cười đắc ý.

– Mà không phải chỉ có mình tôi, – Levin nói tiếp; – tôi có thể dẫn chứng tất cả những ai đã thử hợp lý hóa phương thức canh tác: trừ vài trường hợp đặc biệt, tất cả đều phải bỏ tiền túi ra bù. Chính anh, liệu anh có thể nói cái cơ nghiệp của anh đã sinh lợi không? – Levin nói và thấy ngay trong mắt Xvyajxki cái vẻ hoảng hốt thoáng qua chàng vẫn bắt gặp khi muốn đi sâu vào quá “phòng tiếp tân” của tâm tưởng Xvyajxki.

Vả lại Levin không phải hoàn toàn có thiện ý khi đặt câu hỏi đó.


Trong lúc uống trà, bà chủ nhà vừa nói cho chàng biết là mùa hè năm đó, họ có mời ở Moxcva về một chuyên viên kế toán người Đức, với tiền công năm trăm rúp, hắn đã tính xong các khoản thu chi trong sản nghiệp của họ và thấy lỗ vốn ba nghìn rúp có lẻ. Bà ta không nhớ đích xác là bao nhiêu, nhưng viên kế toán đã tính cho bà đến từng đồng xu bẻ làm tư.

Lão địa chủ mỉm cười khi nghe ám chỉ đến mức thu hoạch của sản nghiệp Xvyajxki. Rõ ràng ông ta thừa biết vị đại biểu quý tộc láng giềng của mình có thể thu được ở ruộng đất bao nhiêu lợi tức.

– Có lẽ cũng không lấy gì làm khá lắm, – Xvyajxki trả lời, nhưng đó cùng lắm chỉ chứng tỏ tôi là một nhà nông tầm thường hoặc tôi bỏ vốn ra là để gia tăng địa tô.

– à! Địa tô, – Levin hốt hoảng kêu lên. – Có thể là ở châu Âu, nơi mà lao động làm cho ruộng đất tốt hơn lên, thì còn có chuyện địa tô đấy, nhưng còn ở nước ta, càng trồng trọt ruộng đất càng xấu đi. Trong điều kiện như vậy, không thể có địa tô được.

– Sao lại không có địa tô? Dù sao cũng đã thành luật pháp.

– Vậy thì chúng ta là ngoại lệ: đối với chúng ta, địa tô không giải thích được gì cả, nó chỉ làm rắc rối thêm vấn đề. Không, anh bảo làm sao mà cái lý thuyết về địa tô lại có thể…

– Các ông có dùng sữa chua không ạ? Masa, mình cho mang sữa chua hoặc phúc bồn tử ra đây nhé, – Xvyajxki bảo vợ. – Lạ thật, sao năm nay mùa phúc bồn tử lại kéo dài đến thế.

Và Xvyajxki đứng lên, vẻ rất hoan hỉ, và lảng đi, coi như câu chuyện đã kết thúc, trong khi Levin cho là vừa mới bắt đầu mà thôi.

Mất người tiếp chuyện, Levin tiếp tục nói với lão địa chủ, cố trình bày cho ông ta thấy mọi khó khăn là ở chỗ không tìm hiểu đức tính và tập quán của người làm mướn; nhưng cũng như tất cả những người quen độc lập suy nghĩ, lão địa chủ quý tộc rất khó tiếp nhận ý kiến người khác và lại rất say sưa với ý kiến của mình. Ông ta khăng khăng cho rằng nông dân Nga là con lợn chỉ thích được đối xử như lợn, chỉ có thể lôi kéo họ ra khỏi tình trạng đó bằng uy lực, giờ đây đã mất, hoặc bằng roi vọt, nhưng người ta trở nên tự do chủ nghĩa đến nỗi đã thay thế cái roi vọt nghìn đời đó bằng những trò luật sư và nghị định, thừa nhận cho đám hạ lưu hôi thối đó cái quyền được nhồi nhét món xúp ngon lành và còn dành cho chúng bao nhiêu thước khối không khí nữa.

– Tại sao ông lại cho là không thể có quan hệ như vậy đối với người thợ đã khiến lao động sinh lợi, – Levin nói, cố kéo câu chuyện trở lại vấn đề cũ.

– Không bao giờ đạt tới lao động sinh lợi ở nước Nga cả, vì thiếu uy quyền, – vị điền chủ trả lời.

– Thử hỏi ta thể tìm ra điều kiện lao động mới ở đâu? – Xvyajxki nói, sau khi đã ăn sữa chua và hút thuốc, trở lại tham gia tranh luận.

Tất cả những quan hệ khả hữu với thợ đều đã được xác định và nghiên cứu, – ông nói. – Còn cái tàn tích man rợ này: công xã nguyên thủy với sự liên đới bảo lĩnh, cũng tự nó tan rã thôi. Chế độ nông nô bị bãi bỏ, chỉ còn lại lao động tự do và những hình thức của nó đã được xác định:

đó là lao công, người làm công nhật, tá điền; các ông không thoát khỏi phạm vi đó.


– Nhưng châu Âu không bằng lòng với những hình thức đó.

– Phải, châu Âu đang tìm những hình thức mới. Và rất có thể họ sẽ tìm thấy.

– Đó chính là điều tôi muốn nói, – Levin trả lời. – Tại sao về phía ta, ta lại không tự tìm kiếm?

– Bởi vì thế có khác nào ta tìm kiếm phương pháp xây dựng đường sắt. Những phương pháp đó có sẵn rồi.

– Nhưng nếu nó không thích hợp với nước ta, nó vô lý thì sao? – Levin nói.

Chàng lại phát hiện thấy ánh kinh hãi trong khoé mắt Xvyajxki.

– A phải, ra thế đấy: chúng ta thắng lợi dễ như bỡn, chúng ta đã tìm thấy điều châu Âu đang mày mò chứ gì! Tôi thừa biết mọi luận điệu đó, nhưng xin lỗi, anh có biết tất cả những gì châu Âu đã làm về vấn đề công nhân không?

– Rất ít.

– Vấn đề đó ngày nay đang làm những đầu óc lỗi lạc nhất quan tâm tới. Có khuynh hướng của Sunxơ Đêlitsơ… 1. Rồi cơ man nào là sách báo trong đó những xu hướng tự do nhất là do Laxan 2 khơi mào… Có nghiệp đoàn Muludơ 3… Đó là việc hiển nhiên, hẳn anh đã nghe nói về những cái đó.

– Rất mơ hồ thôi.

– Không, anh nói thế, nhưng chắc chắn anh cũng hiểu mọi điều đó như tôi. Tất nhiên, tôi không phải là giáo sư xã hội học, nhưng cái đó làm tôi chú ý và nếu anh thiết tha với vấn đề đó thì anh cần chú tâm nghiên cứu.

– Nhưng họ đã đạt đến cái gì?

– Xin lỗi…

Các địa chủ quý tộc đứng dậy và Xvyajxki tiễn khách ra về, một lần nữa lại chặn đứng cuộc thám hiểm của Levin định đột nhập vào tâm tưởng ông.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.