Anna Karenina

Chương 68Quyển 2 -


Đọc truyện Anna Karenina – Chương 68: Quyển 2 –

Lão quận công đã truyền tâm trạng vui vẻ sang mọi người, vợ con, bạn bè, và cả ông chủ nhà người Đức nữa.

Khi cùng với Kitti ở suối về, ông mời đại tá, bà Maria Epghêniepna và cô Varenca đến uống cà phê, và cho kê bàn dưới bóng cây dẻ ngoài vườn. Chủ nhà và gia nhân linh hoạt hẳn lên, do ảnh hưởng của niềm hân hoan đó. Họ biết tính lão quận công hào phóng, và nửa giờ sau, một thầy thuốc ốm người Hămbua ở gác trên, đã thèm thuồng nhìn qua cửa sổ xuống đám người Nga vui vẻ khỏe mạnh tụ họp dưới gốc dẻ. Dưới bóng lá rung rinh, gần cái bàn phủ khăn trắng và bày la liệt đồ pha cà phê, bánh, bơ, phó mát và thịt nguội, phu nhân chễm chệ ngồi, đầu đội mũ thắt dải màu hoa cà, mời cà phê và bánh ngọt. ở đầu bàn đằng kia, lão quận công chuyện trò vui vẻ và ăn uống ngon lành. Ông bày ở cạnh những thứ mua được: hộp chạm trổ, đồ mĩ phẩm nhỏ, dao rọc giấy các loại sắm ở các thành phố suối nước khoáng đã đi qua; ai nấy đều có quà, kể cả cô hầu Lisen và ông chủ nhà; bằng thứ tiếng Đức ngộ nghĩnh, phát âm sai của mình, lão công tước nói đùa lại với ông này, cả quyết không phải nước suối đã chữa cho Kitti khỏi bệnh, mà là các món ăn rất ngon của ông ta, đặc biệt món xúp nấu mận. Phu nhân chế giễu những thói tục Nga của chồng, nhưng bà hoan hỉ và linh lợi hơn bao giờ hết kể từ ngày đi nghỉ ở suối nước. Ông đại tá, như mọi lần, vẫn mỉm cười trước những lời bông lơn của quận công; nhưng về vấn đề châu Âu mà ông tự cho là đã chăm chú nghiên cứu thì ông đứng về phía phu nhân. Bà Maria Epghêniepna chất phác nghe quận công pha trò câu nào cũng rũ ra cười; còn Varenca thì cứ ngặt người ra cười rúc rích, cái cười dễ lây trước những câu đùa của quận công; chưa bao giờ Kitti thấy cô ta như thế.

Mọi cái đó làm Kitti khuây khoả nhưng không phải vì thế mà bớt ưu tư. Cô không sao giải quyết nổi vấn đề mà bố cô vô tình đặt ra với cách nhìn châm biếm của ông đối với bạn bè và lối sống đã làm cô rất thích thú. Thêm vào đó còn có sự thay đổi trong quan hệ với vợ chồng Pêtrôp, vừa nãy đã biểu lộ rất rõ ràng và rất khó chịu. Ai nấy đều vui trừ có Kitti và điều đó càng dằn vặt cô hơn. Cô có cái cảm giác giống như hồi nhỏ, khi bị phạt nhốt trong buồng nghe thấy tiếng các chị cười vui vẻ bên ngoài.

– Tại sao ông mua nhiều thứ thế? – phu nhân mỉm cười hỏi và đưa cho chồng tách cà phê.

– Tôi ra phố chơi, đến gần một cửa hàng, người ta liền mời: “Thưa tôn ông, đại nhân, điện hạ 1. Khi họ mời đến chữ “điện hạ”, thì tôi không cưỡng được nữa và tiêu mười đồng tale 2 như chơi.

– Đó chỉ vì ông buồn chán, có thế thôi, – phu nhân nói.

– Tất nhiên là thế rồi! Tôi buồn đến nỗi không còn biết chui vào đâu nữa, bà ạ.

– Làm sao lại có thể buồn được, thưa quận công? Bây giờ ở nước Đức có bao nhiêu điều thú vị, – bà Maria Epghêniepna nói.

– Nhưng tôi đã biết hết mọi điều thú vị rồi: tôi biết món xúp nấu mận, tôi biết món xúc xích nấu đậu. Tôi biết hết.

– Không đâu, muốn nói sao thì nói, thưa quận công, các tổ chức của họ vẫn hay lắm, – ông đại tá nói.

– Có gì là hay nào? Họ vênh vênh váo váo vì họ đã đánh bại toàn thế giới. Cái đó thì có gì là vui thích đối với tôi? Tôi chẳng đánh bại ai cả, không những tự tôi phải cởi ủng mà còn phải đem ra đặt ở cửa vào. Sáng ra, vừa ngủ dậy là phải đóng bộ vào ngay và đến phòng khách để uống trà hạng bét! Đâu có như ở nước ta! ở nhà cứ việc đủng đỉnh muốn dậy lúc nào thì dậy, muốn cáu thì cứ việc cáu, tha hồ làu bàu, đợi cho tĩnh tâm lại, rồi ngẫm nghĩ, lúc nào cũng nhẩn nha.

– Nhưng thì giờ là vàng bạc, ngài quên điều đó sao, – ông đại tá nói.

– Không phải bao giờ cũng vậy đâu! Đôi khi người ta sẵn sàng đổi một tháng lấy năm mươi kôpêch và có lúc người ta lại không bằng lòng đổi nửa giờ lấy tất cả vàng bạc trên thế giới. Có phải không, Kitti? Nhưng con làm sao vậy, con có vẻ buồn thế?

– Con không sao cả.


– Cô đi đâu thế? ở chơi lát nữa đã nào, – quận công nói với Varenca.

– Cháu phải về ạ, – Varenca đứng dậy và lần nữa lại phì cười. Khi đã nhịn được cười, cô cáo từ và đi tìm mũ.

Kitti đi theo bạn. Cô thấy hình như cả Varenca cũng có vẻ đổi khác. Cô ta không kém phần hoàn hảo, nhưng đã khác với con người Kitti hằng tưởng tượng trước đây.

– Đã lâu tôi không cười nhiều đến thế! – Varenca nói, rồi cầm lấy ví và dù. – Ông cụ nhà chị đáng yêu quá!

Kitti lặng im.

– Bao giờ chúng ta lại gặp nhau? – Varenca hỏi.

– Mẹ tôi muốn qua thăm nhà Pêtrôp. Chị không đến đấy ư? – Kitti hỏi để dò ý Varenca.

– Có chứ, – Varenca đáp. – Họ sắp đi và tôi đã hứa sẽ đến giúp họ thu xếp hành lý.

– Vậy thì tôi cũng sẽ tới.

– Thôi, không cần đâu.

– Tại sao? Tại sao? – Kitti hỏi, mắt trố ra và nắm lấy dù của Varenca. – Không, chị hãy ở lại đã. Tại sao?

– Vì ba chị vừa mới về, họ sẽ lúng túng khi có chị ở đấy.

– Không phải, chị hãy cho tôi biết tại sao chị không muốn tôi đến nhà Pêtrôp luôn? Vì đúng là chị không muốn thế thật! Tại sao?

– Tôi có nói thế đâu, – Varenca bình tĩnh trả lời.


– Có chứ, tôi van chị đấy, hãy trả lời đi!

– Có cần nói hết với chị không? – Varenca hỏi.

– Nói hết! Nói hết! – Kitti nằn nì.

– Không có gì đặc biệt đâu, nhưng Mikhain Alecxeiêvich (đó là tên anh họa sĩ) trước kia thì muốn đi sớm, nhưng bây giờ lại không muốn rời khỏi đây nữa. – Varenca mỉm cười nói.

– Thế thì sao, thì sao? – Kitti hỏi dồn dập và lầm lì nhìn bạn.

– Thế rồi, Anna Paplôpna bảo chồng là tại chị nên anh ta không muốn đi nữa. Tất nhiên, chuyện chả đâu vào đâu cả, nhưng họ đã cãi nhau vì chị. Và chị cũng biết những người bệnh như vậy dễ cáu lắm.

Kitti mặt càng tối sầm, vẫn lặng im, và Varenca nói một mình, cố tìm cách làm cho bạn nguôi đi, bình tĩnh lại, và đoán trước là một cái gì sắp sửa bùng nổ, chưa biết bằng nước mắt hay bằng lời.

– Chị biết đấy, tốt hơn hết chị không nên tới đó… chị hiểu cho…

đừng giận nhé…

– Thật đáng kiếp, đáng kiếp cho tôi! – Kitti vội nói và túm lấy dù của Varenca, không nhìn thẳng vào mặt bạn.

Varenca muốn mỉm cười trước cơn giận trẻ con nhưng sợ bạn mếch lòng.

– Tại sao, sao lại đáng kiếp? Tôi không hiểu đấy, – cô nói.

– Đáng kiếp, vì tất cả cái đó đều là giả nhân giả nghĩa, đều là bịa đặt, nó không xuất phát từ đáy lòng. Một người không dính líu gì đến tôi thì thử hỏi tôi cần gì kia chứ? Thế mà tôi lại thành nguyên nhân gây ra cãi lộn và tôi lại đi dây vào chuyện không liên quan gì đến mình. Vì đó chỉ là giả dối! Giả dối! Giả dối!…


– Nhưng giả dối như thế để làm gì? – Varenca dịu dàng hỏi.

– Chao! Sao mà ngu ngốc và xấu xa đến thế! Tôi không cần gì những thứ đó… Tất cả những cái đó đều giả dối, – cô nói, tay mân mê cái dù hết mở ra lại cụp vào.

– Nhưng rút cục để làm gì chứ?

– Để có vẻ tốt đẹp hơn, để cho người khác, cho bản thân tôi, cho Thượng đế, tưởng lầm là tôi tốt đẹp hơn: để lừa dối mọi người. Không, tôi sẽ không bao giờ bị cái đó cám dỗ nữa. Tôi vẫn chỉ là con người xấu nhưng ít ra, cũng không phải là kẻ dối trá hay xảo quyệt.

– Vậy ai là kẻ xảo quyệt? – Varenca hỏi giọng trách móc. – Chị nói như thể…

Kitti đang quá khích động nên không để bạn nói hết.

– Tôi không nói chị, hoàn toàn không nói chị. Chị… chị là người hoàn hảo. Phải, phải, tôi biết chị hoàn hảo, nhưng tôi lại là người xấu thì sao? Chuyện này ắt không thể xảy ra, nếu tôi không phải là người xấu! Tôi sẽ cứ là tôi, ít ra tôi cũng không phải đóng kịch nữa.

Nào tôi có liên quan gì với Anna Paplôpna đâu? Họ cứ việc sống thế nào tuỳ họ, và tôi sống thế nào tuỳ tôi. Tôi không thể thay đổi được…

Mà cũng chả phải thế đâu, không phải thế đâu!

– Cái gì không phải thế? – Varenca băn khoăn hỏi bạn.

– Mọi sự đều không phải thế! Tôi không thể sống khác với cách sống bằng tình cảm, còn chị, chị sống theo nguyên tắc. Tôi, tôi yêu mến chị, chị sống theo nguyên tắc. Tôi, tôi yêu mến chị, thế thôi, còn chị thì chắc chỉ muốn cứu vớt tôi, dạy bảo tôi.

– Chị nói vậy không đúng đâu, – Varenca nói.

– Tôi không nói ai khác, tôi chỉ nói tôi thôi.

– Kitti! – phu nhân gọi, – lại đây, mang cho ba xem cây san hô của con đi.

Kitti, vẻ kiêu kì, không dàn hòa với bạn, cầm hộp san hô trên bàn và đến chỗ mẹ.


– Con làm sao thế? Sao mặt đỏ lên thế? – cả bố lẫn mẹ đều hỏi cô.

– Con không sao cả, con ra đây một tí rồi quay lại ngay, – cô đáp và chạy đi.

“Chị ấy vẫn còn đấy! cô nghĩ. Lạy Chúa, biết nói gì với chị ấy đây!

Mình đã làm gì thế nhỉ? Mình đã nói gì thế? Tại sao lại xúc phạm chị ấy? Mình sẽ làm gì đây? Sẽ nói gì với chị ấy đây?”, Kitti thầm nghĩ và đứng lại ở bậc cửa.

Varenca đang ngồi gần bàn, đầu đội mũ, cô cầm dù xem xét cái lò xo Kitti đã đánh gẫy. Cô ngẩng đầu lên.

– Varenca ơi, chị tha thứ cho tôi, tha thứ cho tôi nhé! – Kitti khẽ nói và lại gần bạn. – Tôi cũng không nhớ mình đã nói gì nữa. Tôi…

– Quả tình tôi không muốn làm chị buồn, – Varenca mỉm cười nói.

Hai bên dàn hoà. Nhưng việc bố Kitti về đã làm thay đổi cái thế giới cô đang sống. Cô không phủ nhận tất cả những điều đã khám phá, nhưng cô hiểu chính cô đã tự đánh lừa mình khi nghĩ là có thể trở nên một người như cô ao ước. Dường như cô vừa tỉnh giấc mơ, cô thấy rõ muốn đứng vững ở tầm cao cô định vươn lên, không giả dối, không huyênh hoang, thật khó khăn biết nhường nào; hơn nữa, cô còn thấy tất cả sức nặng của cái thế giới đầy rẫy khổ đau, bệnh tật, người hấp hối, trong đó cô đang sống: cô thấy những cố gắng để yêu mến tất cả những thứ đó sao mà quá nặng nề và thấy cần mau mau trở lại nơi thoáng đãng, về nước Nga, về Ergusovoi, nơi bà chị Doli cùng con cái vừa đến ở, theo lời trong thư của bà cho biết.

Nhưng lòng cô yêu mến Varenca không hề giảm sút. Phút chia tay, Kitti khẩn khoản mời bạn đến thăm gia đình mình ở Nga.

– Khi nào chị cưới, tôi sẽ đến, – Varenca nói.

– Tôi sẽ không bao giờ lấy chồng cả.

– Nếu vậy thì tôi cũng sẽ không bao giờ đến.

– Nếu thế tôi sẽ lấy chồng dù chỉ là để được gặp chị thôi. Chị liệu đấy, không được quên lời hứa nhá! – Kitti nói.

Lời dự đoán của bác sĩ đã được xác minh. Kitti khỏi bệnh trở về nước Nga. Cô không còn vô tư lự và vui vẻ như xưa, nhưng đã bình tĩnh lại. Những chuyện buồn cũ nay chỉ còn là kỉ niệm mà thôi.

— —— —— —— ——-1 Erlaucht, Excellenz, Durchlauch (tiếng Đức trong nguyên bản).

2 Thaler: tiền Đức trước kia, trị giá 3 đồng “mác” thường.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.