Đọc truyện Anna Karenina – Chương 6Quyển 1 –
Tới Moxcva bằng chuyến xe lửa sáng, Levin ghé vào nhà ông anh cùng mẹ khác cha Coznưsev. Sau khi thay quần áo, chàng đến phòng anh định kể ngay cho ông rõ tại sao chàng đến Moxcva và hỏi ý kiến ông, nhưng anh chàng không phải chỉ có một mình. Trong phòng còn có một giáo sư triết học nổi tiếng, từ Kharcov đến, với chủ đích làm sáng tỏ sự hiểu lầm nảy ra giữa hai người về một luận điểm triết học rất trọng yếu. Ông giáo sư đang tiến hành một cuộc bút chiến sôi nổi, công kích các nhà duy vật chủ nghĩa và Xergei Coznưsev rất quan tâm theo dõi cuộc bút chiến. Sau khi đọc bài báo gần đây nhất của giáo sư, ông gửi thư phản đối giáo sư về một vài điểm: ông trách giáo sư nhượng bộ phái duy vật nhiều quá. Và vị giáo sư lập tức đến đây để thanh minh. Đó là một vấn đề thời sự nóng hổi: có ranh giới nào giữa những hiện tượng tâm lý và sinh lý trong sinh hoạt của con người không và nó ở vào chỗ nào?
Xergei Ivanovitr tiếp đón em trai với nụ cười đáng yêu và lạnh lùng thường ngày của ông, và sau khi giới thiệu chàng với giáo sư, lại tiếp tục câu chuyện.
Người đàn ông nhỏ bé đeo kính, trán hẹp, ngừng một giây để chào Levin rồi lại tiếp tục chứng minh, chẳng buồn mảy may để ý đến chàng. Levin ngồi xuống chờ cho giáo sư đi khỏi, nhưng chẳng mấy chốc chàng bị lôi cuốn ngay vào câu chuyện. Chàng đã đọc những bài báo đó đăng trên các tạp chí và quan tâm đến chúng như một người nghiên cứu khoa vạn vật ở trường Đại học quan tâm đến sự phát triển của môn học này, nhưng chưa bao giờ chàng đem những điều suy diễn khoa học về nguồn gốc con người với tính cách là động vật, về những phản xạ, về sinh học và xã hội học, đối chiếu với những vấn đề ngày càng khiến chàng bận tâm: ý nghĩa của sự sống và cái chết.
Lắng nghe cuộc tranh luận, chàng thấy hai bên đang xác lập mối liên hệ giữa khoa học và những vấn đề có dính líu đến tâm hồn.
Nhiều lần, họ suýt đề cập đến những vấn đề này, nhưng cứ mỗi lần mon men gần tới cái điều Levin cho là chủ yếu, họ lại hấp tấp lảng xa để rồi lại lao vào lĩnh vực những nét phân biệt tinh vi, những phản bác, trích dẫn, điển cố, dẫn chứng và chàng vất cả lắm mới hiểu họ đang bàn chuyện gì!
– Tôi không thể thừa nhận, – Xergei Ivanovitr nói rành rọt, khúc chiết và trang nhã như thường thấy trong ngôn ngữ của ông, – trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng không thể thừa nhận như Két rằng tất cả những điều tôi hình dung về thế giới bên ngoài là do cảm giác mà ra. Khái niệm cơ bản về con người không phải đến với tôi bằng giác quan, vì chẳng có cơ quan đặc biệt nào để truyền đạt ý niệm đó cả.
– Phải, nhưng cả Vuyếcxt, cả Cnovxc và cả Pripaxov đều sẽ trả lời rằng ý thức về con người của ông là do sự giao tiếp của cảm giác, nó chỉ là sản phẩm của cảm giác. Thậm chí, Vuyếcxt còn nói dứt khoát là hễ không còn cảm giác thì cũng không còn ý thức về con người nữa.
– Ngược lại, tôi cho rằng… – Xergei Ivanovitr mở đầu.
Nhưng một lần nữa, Levin cảm thấy, giữa lúc hơi đụng đến vấn đề chủ yếu, họ lại né ra; chàng quyết định hỏi vị giáo sư:
– Vậy nếu cảm giác của tôi chìm đắm vào chốn hư vô, nếu thể xác tôi chết đi, thì không thể có cuộc sống nữa chăng? – chàng hỏi.
Giáo sư có vẻ phật ý và như bị tổn thương về tinh thần vì câu phá ngang đó: ông đưa mắt nhìn kẻ nói leo, hắn giống phu kéo thuyền hơn là triết gia, và lại nhìn Xergei Ivanovitr như để hỏi xem nên trả lời thế nào. Nhưng Xergei Ivanovitr tuyệt nhiên không nghiệt ngã như giáo sư: trong óc ông có đủ cả câu trả lời giáo sư, lẫn sự thông cảm với cái quan điểm đơn giản và tự nhiên dẫn đến câu hỏi đó; ông mỉm cười nói:
– Chúng ta không có đủ luận cứ, – vị giáo sư nhấn mạnh thêm và tiếp tục trình bày luận điểm của mình. – Không, – ông nói, – tôi cho rằng nếu cảm giác cũng dựa trên ấn tượng như Pripaxov đã nói thì chính vì thế mà ta càng phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm ấy.
Levin không nghe nữa và chờ giáo sư đi khỏi.