Đọc truyện Anna Karenina – Chương 45: Quyển 2 –
Thời gian đầu khi mới ở Moxcva về, mỗi lần rùng mình và đỏ mặt nhớ đến cái nhục bị cự tuyệt, Levin đều tự thú: “Khi được điểm một trong kỳ thi vật lý và phải học lưu ban năm thứ hai, mình cũng từng đỏ mặt và rùng mình như vậy, cho thế là hỏng hết; khi làm lỡ cái việc bà chị nhờ làm, mình cũng tưởng là hỏng nốt. Sau đó thì sao? Giờ đây, năm tháng qua đi, mình lại ngạc nhiên sao cái đó lại có thể làm mình buồn phiền đến vậy. Nỗi đau buồn này rồi cũng thế thôi. Thời gian qua đi và mình sẽ dửng dưng với chuyện đó”.
Nhưng ba tháng ròng trôi qua mà chàng vẫn chẳng thấy dửng dưng, ký ức đó vẫn đau đáu như ngày đầu. Chàng không thể trở lại thanh thản, vì sau bao lâu mơ ước cuộc sống gia đình, sau khi tự thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ để đón nó, chàng vẫn chưa thành gia thất và càng cảm thấy chuyện hôn nhân lùi xa hơn bao giờ hết.
Cũng như mọi nhưng chung quanh, chàng mệt mỏi thấy rằng một người đã vào tuổi chàng mà sống cô độc thì chẳng hay hớm gì. Chàng nhớ lại trước khi đi Moxcva, một hôm chàng có nói với gã chăn bò Nicolai, một người chất phác chàng thường thích cùng trò chuyện mỗi khi gặp dịp: “Này, Nicolai, tôi muốn lấy vợ rồi đấy”, và Nicolai đã nhanh nhảu trả lời như đối với một chuyện không thành vấn đề nữa:
“Việc đó đáng lẽ phải làm từ lâu rồi kia đấy, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ”. Thế mà bây giờ việc hôn nhân lại càng lùi xa hơn bao giờ hết. Vị trí bị chiếm đoạt mất rồi và khi tưởng tượng phải đặt thay vào vị trí đó một trong số những thiếu nữ quen biết, chàng cảm thấy hoàn toàn không thể làm nổi. Ngoài ra, ký ức về chuyện bị cự tuyệt cùng vai trò mình đóng trong đó, vẫn hành hạ chàng. Tuy vẫn luôn tự nhủ là mình không hề có lỗi gì, ký ức đó cũng như những kỷ niệm đáng hổ thẹn cùng một loại vẫn làm chàng rùng mình và đỏ mặt.
Cũng giống mọi người, trong dĩ vãng của chàng có những hành động xấu từng cắn rứt lương tâm, như chàng đã thừa nhận, thế nhưng nó không giày vò chàng dai dẳng bằng những ký ức vụn vặt mà nhục nhã này. Những vết thương như vậy không bao giờ hàn gắn được. Và giờ đây, xếp cùng hàng với những hồi nhớ đó, còn có chuyện cự tuyệt và vẻ thiểu não mà hẳn chàng đã phơi bày trước mặt mọi người trong buổi tối đó. Thời gian và lao động đã hoàn thành công việc. Ký ức nặng nề dần dần được những sự việc nhỏ nhặt nhưng quan trọng của đời sống nông thôn xoá nhòa đi.
Song le, mùa xuân đã về, đẹp đẽ, thân thuộc, không lần lữa mà cũng chẳng bất ngờ, một mùa xuân hiếm thấy mà cả cây cỏ, súc vật lẫn con người đều vui mừng. Mùa xuân đẹp càng khiến Levin náo nức hơn và củng cố thêm quyết tâm từ bỏ tất cả quá khứ, để tổ chức cuộc sống độc thân vững chắc hơn và không lệ thuộc gì cả. Mặc dầu phần lớn kế hoạch chàng ấp ủ khi trở về nông thôn, không thực hiện được, nhưng điều cốt yếu: sự trong sạch trong lối sống, đã duy trì được.
Chàng thôi không cảm thấy nỗi hổ thẹn vẫn hành hạ chàng sau lần vấp ngã, và chàng có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Khoảng tháng hai, chàng nhận được thư của Maria Nicolaievna, báo cho biết sức khỏe ông anh Nicolai càng sa sút, nhưng ông ta lại không muốn chữa chạy gì cả. Levin lập tức đi Moxcva và thuyết phục được anh tới bác sĩ khám bệnh và đi dưỡng bệnh nước ngoài. Chàng khéo léo dỗ anh và cho vay tiền để đi mà không làm mếch lòng, đến nỗi về mặt này, chàng rất bằng lòng với mình. Ngoài việc quản lý trại ấp đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt trong mùa xuân và ngoài việc đọc sách, mùa đông đó, Levin còn bắt đầu viết một cuốn sách bàn về nông nghiệp, trong đó chàng xuất phát từ cái ý rằng tính chất công nhân nông nghiệp là một dữ kiện cũng tuyệt đối như khí hậu và đất đai, do đó tất cả những luận án khoa học lấy nông nghiệp làm đề tài, không những phải dựa trên dữ kiện khí hậu và đất đai, mà cả trên dữ kiện về tính chất quen thuộc và bất biến của công nhân nông nghiệp.
Thành thử mặc dầu cô độc, hoặc có khi chính vì cô độc như vậy mà cuộc sống của chàng rất bận rộn; thỉnh thoảng, chàng ao ước được bàn bạc những ý nghĩ nảy ra trong đầu với một người khác ngoài Agafia Mikhailovna, vì chàng vẫn luôn phân tích cho bà ta nghe về vật lý, nông học và nhất là triết học; triết học là đầu đề ưa thích của Agafia Mikhailovna.
Xuân về hơi muộn. Trong những tuần lễ cuối mùa chay, trời lạnh và quang đãng. Ban ngày, tuyết tan dưới ánh nắng nhưng đêm lại xuống tới bảy độ dưới không; băng phủ dày đến nỗi lấp cả đường xe đi. Khắp thôn làng trắng xoá trong ngày lễ Phục sinh. Rồi tới hôm thứ hai của lễ Phục sinh, bỗng nhiên gió nóng nổi lên, mây kéo đầy trời và một trận mưa ấm áp ào ào đổ xuống suốt ba ngày ba đêm. Thứ năm, gió ngừng thổi, và một màn sương mù dày xám bao phủ mặt đất, như muốn che giấu những bí mật của sự biến đổi đang hoàn thành trong thiên nhiên. Giữa lớp sương mù, nước rẽ lối chảy, băng tan răng rắc và trôi về thượng lưu, những dòng thác ngầu bọt lại cuồn cuộn. Hôm thứ hai Quadimôđô 1, về chiều, sương mù tan dần, mây như đàn cừu tản đi dưới bầu trời quang đãng, mùa xuân thực sự hiện ra. Sáng hôm sau, mặt trời chói lọi mọc lên lại nuốt nốt lớp băng mỏng phủ mặt nước và bầu không khí ấm áp rung rinh khắp nơi dưới luồn hơi bốc lên từ mặt đất hồi sinh. Cỏ già năm ngoái xanh tốt lại, cỏ non năm nay như kim đâm tủa trên mặt đất; những chồi cây tuyết cầu, phúc bồn tử và bạch dương dính nháp, sực nức mùi hương, đều căng nhựa và quanh rặng liễu tắm nắng vàng tươi, đàn ong bị nhốt suốt mùa đông trong túp lều bằng cành cây, lại thoát ra, vo ve bay lộn. Chim sơn ca không ai trông thấy tuôn tiếng hót trên đồng cỏ nhung tơ và ruộng rạ phủ băng, chim te te than vãn bên bờ những thung lũng và bãi lầy ngập nước lũ còn ứ đọng; tít trên cao, sếu và ngỗng trời bay qua cất tiếng kêu mừng mùa xuân. Đàn súc vật trụi lông mới loáng thoáng mọc lại, rống lên chạy đến bãi cỏ, cừu non chân cẳng leo khoeo nhảy ton ton quanh đàn cừu mẹ đã gọt lông đang kêu be be; trẻ con thoăn thoắt chạy dọc những con đường nhỏ đang se dần vết chân không của chúng, tiếng phụ nữ rộn lên vui vẻ bên bờ đầm nơi họ đang giặt vải và tiếng rìu của nông dân đang chữa lại cày bừa, vang vang trong các sân nhà. Mùa xuân thực sự đã về.
— —— —— —— ——-
1 Tức 7 ngày sau lễ Phục sinh