Anna Karenina

Chương:2Quyển 2 -


Đọc truyện Anna Karenina – Chương 42Quyển 2 –

Anna đầu cui cúi, vừa đi vừa mân mê những quả tua chiếc khăn len trùm đầu. Mặt nàng ngời lên: nhưng không phải là niềm vui sướng mà đúng hơn là cái ánh lửa khủng khiếp của đám cháy trong một đêm tối trời. Trông thấy chồng, nàng ngẩng đầu và mỉm cười với ông như vừa tỉnh giấc mơ.

– Mình chưa đi nằm à? Lạ nhỉ! – nàng nói và cởi khăn len trùm đầu, rồi không dừng bước, đi thẳng vào phòng thay quần áo. – Alecxei Alecxandrovitr, đến giờ đi ngủ rồi đấy, – nàng nói với chồng từ sau cửa.

– Anna, tôi có chuyện muốn nói với mình.

– Nói với em ấy à? – nàng ngạc nhiên hỏi; nàng bước ra và nhìn chồng. – Cái gì vậy? Chuyện gì thế? – nàng ngồi xuống và hỏi chồng. – Nếu cần ta nói chuyện cũng được. Nhưng nên đi ngủ thì hơn.

Anna thuận miệng nói luôn những điều chợt nghĩ, và nghe lời chính mình nói, nàng cũng ngạc nhiên về tài nói dối của mình.

Những lời nàng nói sao mà đơn giản, tự nhiên đến thế và sao mà nàng có vẻ thật sự buồn ngủ đến thế! Nàng cảm thấy mình đã mặc một bộ giáp trụ dối trá không thể nào đâm thủng. Nàng thấy như một sức mạnh vô hình đã nâng đỡ mình.

– Anna, tôi phải nói cho mình biết mà đề phòng.


– Em đề phòng ấy à? Đề phòng cái gì kia chứ?

Nàng nhìn chồng rất ngây thơ và vui vẻ đến nỗi bất cứ ai khác không hiểu rõ nàng bằng chồng ắt không thể thấy chút gì gượng ép trong giọng điệu cũng như lời lẽ của nàng. Nhưng đối với ông là người đã hiểu nàng, đã biết mỗi khi ông chỉ cần đi ngủ muộn năm phút là nàng đã lưu tâm và hỏi xem duyên cớ tại sao, đối với ông là người đã biết nàng thường lập tức thổ lộ cùng chồng mọi nỗi vui buồn, thì việc nàng không buồn đếm xỉa tới cái tình trạng ông đang lâm vào, không chịu bộc bạch nỗi niềm, là một điều rất hệ trọng. Ông thấy tâm hồn sâu kín của vợ, xưa kia bao giờ cũng cởi mở với ông, giờ đây khép chặt lại rồi. Hơn nữa, đến lượt ông nhận thấy nàng không hề bối rối chút nào mà còn nói với ông bằng cái vẻ chân thật vờ vĩnh, phải, tâm hồn nàng đã khép chặt lại đối với ông rồi; sự tình ắt phải như thế và từ nay về sau hẳn cũng sẽ như thế.

Lúc này, ông có cảm giác giống như của một người khi trở về nhà mình, đã thấy cửa đóng then cài. “Có thể ta còn tìm ra được chìa khoá”, Alecxei Alecxandrovitr thầm nghĩ.

– Tôi muốn nói cho mình biết mà đề phòng sự vô ý và nông nổi của mình, khiến người trong giới thượng lưu có cớ để dị nghị về mình, – ông mào đầu, giọng dịu dàng. – Câu chuyện quá sôi nổi của mình tối nay với bá tước Vronxki, (ông chậm rãi nhắc cái tên đó, sau khi ngừng lại một lát), đã làm mọi người chú ý đến mình.

Trong khi nói, ông nhìn vào đôi mắt tươi cười của vợ mà sự bí ẩn giờ đây làm ông khiếp sợ và ông liền cảm thấy trọn vẹn sự vô ích và hão huyền của lời mình nói.

– Mình bao giờ cũng vẫn thế, – nàng trả lời dường như thực tình không hiểu nổi chồng và trong tất cả những lời ông nói nàng chỉ chủ tâm ghi lại câu cuối. – Mình không thích tôi sống buồn tẻ nhưng cũng không thích tôi vui chơi. Tối nay, tôi không đến nỗi bị buồn tẻ. Có phải điều đó làm mình phật ý không?


Alecxei Alecxandrovitr giật mình và chắp hai bàn tay vào nhau bẻ khục răng rắc.

– ồ, tôi xin mình đấy, mình hãy bỏ tay ra, sao mà khó chịu thế, – nàng nói.

– Anna có thật là mình đấy không? – Alecxei Alecxandrovitr dằn giọng nói, gắng để yên hai bàn tay.

– Nhưng có chuyện gì vậy? – nàng nói với một vẻ ngạc nhiên thú vị và thành thực. – Mình muốn gì tôi kia?

Alecxei Alecxandrovitr nín lặng, đưa tay lên mắt và trán. Ông thấy đáng lẽ phải trung thành với ý định của mình, nghĩa là bảo cho vợ biết mà đề phòng lầm lỗi trước mắt mọi người, thì bất giác ông lại đi lo lắng về những cái xảy ra trong lương tâm nàng và bèn vấp phải một trở ngại tưởng tượng.

– Tôi muốn nói với mình như thế này và xin mình nên nghe tôi đến đầu đến đũa, – ông lạnh lùng và bình tĩnh nói tiếp. – Như mình đã biết đấy, tôi coi ghen tuông là thứ tình cảm ô nhục và ti tiện, nên không bao giờ tôi tự để cho thứ tình cảm đó chi phối, nhưng có vài nguyên tắc lễ nghi mà ta không thể vi phạm một cách vô can được.


Hôm nay (không phải chính tôi nhận thấy mà chỉ là suy xét dựa trên cái ấn tượng gây ra đối với mọi người) ai nấy đều nhận thấy mình cư xử không được hoàn toàn như điều người ta có thể mong muốn.

– Tôi quả thực không hiểu gì cả, – Anna nhún vai nói. “Chuyện kia hoàn toàn không làm ông ta bận tâm, nàng thầm nghĩ, cái làm ông ta lo ngại, đó là dư luận công chúng”. – Chắc là mình khó ở đấy, Alecxei Alecxandrovitr ạ, – nàng nói tiếp; nàng đứng dậy và định đi ra; nhưng ông bước lên trước mặt, như muốn ngăn lại.

Chưa bao giờ Anna lại thấy chồng có bộ mặt lầm lầm và đáng ghét đến thế. Nàng dừng bước và ngửa đầu ra sau, nghiêng về một bên, đưa tay thoăn thoắt rút trâm cài tóc ra.

– Thôi được, tôi nghe vậy, – nàng bình tĩnh nói, giọng nhạo báng. – Tôi còn nghe một cách thích thú nữa kia, vì tôi muốn biết đó là chuyện gì, – nàng nói và chính bản thân cũng ngạc nhiên về cái giọng tự nhiên, bình tĩnh và rành rọt của mình cũng như về cách chọn lời lẽ.

– Tôi không có quyền đi sâu vào chân tơ kẽ tóc những tình cảm của mình và nói chung, tôi cho như thế là vô ích và có hại nữa, – Alecxei Alecxandrovitr bắt đầu nói. – Trong khi moi móc tâm hồn mình, ta thường khai thác được những cái xưa nay không nhìn thấy. Tình cảm của mình chỉ do lương tâm mình định đoạt, nhưng đối mặt mình, đối mặt tôi và trước mặt Chúa, tôi bắt buộc phải nhắc mình hãy nhớ tới bổn phận. Cuộc đời chúng ta gắn bó với nhau không phải do ý người mà là do ý Chúa. Cắt đứt mối dây đó là phạm tội và một tội ác như vậy sẽ kéo theo hình phạt.

– Tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa. Mà khổ quá, tôi buồn ngủ ghê lắm rồi! – nàng nói, nhẹ nhàng đưa tay lên tóc rút nốt cái trâm cuối cùng.

– Anna, lạy Chúa, mình đừng nói như vậy! – ông dịu dàng nói. Có thể tôi nhầm, nhưng xin hãy tin rằng điều tôi nói đây là vì lợi ích của cả mình lẫn tôi. Tôi là chồng mình và tôi yêu mình.

Trong khoảnh khắc, khuôn mặt Anna đã dịu xuống và ánh nhạo báng nơi khoé mắt đã tắt dần; nhưng câu tôi yêu mình lại khuấy lên trong lòng nàng nỗi phẫn uất. Nàng nghĩ: “Yêu à? Ông ta mà đủ sức yêu được à? Ví thử ông ta chưa từng nghe thấy nói đến tình yêu thì hẳn không bao giờ ông ta dùng tới chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia”.


– Alecxei Alecxandrovitr, quả thực tôi không hiểu gì cả, – nàng nói. – Mình hãy giảng giải cho tôi biết cái điều mà mình thấy là…

– Khoan đã, để tôi nói nốt. Tôi yêu mình. Nhưng tôi không nói về tôi: những người liên quan chính ở đây là con trai chúng ta và bản thân mình. Tôi xin nhắc lại, rất có thể đối với mình, những lời tôi nói hình như không đúng lúc và hoàn toàn vô ích; có thể những lời đó chỉ là kết quả của một sự lầm lẫn. Trong trường hợp đó, xin mình tha lỗi cho tôi. Nhưng nếu chính mình cũng cảm thấy nó có chút cơ sở nào đó thì mình nên suy nghĩ, và, nếu lòng mình muốn, xin hãy thổ lộ với tôi…

Alecxei Alecxandrovitr không nhận ra là mình đã nói khác hẳn những điều đã dự định:

– Tôi không có gì để nói với mình. Vả lại… – nàng đột nhiên nói vội vàng, kìm lại một nụ cười, – đã đến giờ đi ngủ rồi đấy.

Alecxei Alecxandrovitr thở dài và không nói gì thêm, đi về phòng ngủ.

Đến lượt nàng vào thì ông ta đã nằm trên giường rồi. Ông nghiêm nghị mím chặt môi và không nhìn nàng. Anna nằm xuống, vẫn nơm nớp chờ chồng nói với mình. Nàng sợ điều ông sắp nói và đồng thời lại mong chồng nói. Nhưng ông ta nín lặng. Nàng nằm không cựa quậy, chờ đợi hồi lâu rồi cuối cùng quên hẳn chồng. Nàng nghĩ tới người kia, hình dung thấy chàng và ý nghĩ đó khiến lòng nàng tràn đầy một niềm bối rối và vui sướng tội lỗi. Bỗng nhiên, nàng nghe thấy tiếng ngáy đều đều và bình thản. Lúc đầu Alecxei Alecxandrovitr như khiếp sợ vì chính tiếng ngáy của mình, dừng lại; nhưng sau hai nhịp thở, tiếng ngáy lại bắt đầu, càng đều đều và bình thản hơn.

– Muộn quá rồi, bây giờ thì muộn quá rồi, – nàng mỉm cười, thầm thì nói. Nàng nằm yên không động đậy hồi lâu, đôi mắt mở to và tưởng như nó ngời sáng trong bóng tối.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.