Anna Karenina

Chương 227Quyển 8 -


Đọc truyện Anna Karenina – Chương 227: Quyển 8 –

Những tư tưởng đó dằn vặt chàng lúc dữ dội, lúc dịu đi, nhưng không bao giờ buông tha hẳn. Chàng đọc sách và suy nghĩ, nhưng càng đọc sách và suy nghĩ, càng thấy xa cái mục đích hằng theo đuổi. Thời gian gần đây, ở Moskva và ở nông thôn, đinh ninh là không thể tìm thấy lời giải đáp ở những nhà duy vật, chàng đọc lại Platon, Xpinôza, Kăng, Selinh, Heghen và Xcôpenhao, những triết gia tìm cách giải thích cuộc sống ở cái khác ngoài vật chất. Chàng thấy những tư tưởng đó chỉ phong phú khi dùng để bác bỏ học thuyết khác, đặc biệt những học thuyết duy vật; nhưng mỗi khi dùng để giải đáp vấn đề, chàng bao giờ cũng thấy mình đứng nguyên chỗ cũ. Sau phần định nghĩa dài dặc những danh từ mơ hồ như: tinh thần, ý chí, tự do, thực chất, cố ý tự gieo mình vào cái cạm-bẫy-danhtừ do các triết gia dăng ra hoặc tự mình dăng ra, chàng thấy hình như bắt đầu hiểu ra ít nhiều. Nhưng chỉ cần quên quá trình giả tạo đó của tư tưởng và quay lại tiếp xúc với cuộc sống, quay lại những cái làm chàng mãn nguyện khi suy nghĩ theo một đường dây định sẵn, là đột nhiên tất cả cái dàn dáo giả tạo đó sụp đổ như toà lâu đài bằng quân bài giấy và chàng thấy rõ toà dinh thự đó chỉ xây bằng những danh từ được di chuyển vị trí, thiếu sự trợ lực của một cái gì trong cuộc sống còn quan trọng hơn lí tính.

Một hôm, nhân đọc Xcôpenhao, chàng đã thử thay thế cái ông ta gọi là ý chí bằng tình yêu và triết học mới này làm chàng yên tâm được vài ngày trước khi từ bỏ nó; nhưng khi trở về tiếp xúc với cuộc sống, chàng quay lại nhìn thì nó cũng sụp đổ như mọi triết học khác: chàng thấy nó cũng giống bộ quần áo the, không sao chống nổi cái rét.

Ông anh Xergei Ivanovich khuyên chàng đọc những trước tác thần học của Khomiacov, Levin liền đọc tập hai của tác phẩm đó và mặc dầu cái giọng luận chiến cùng bút pháp kiểu cách lúc đầu làm chàng chán ghét, chàng vẫn xúc động vì học thuyết của ông ta về giáo hội. Thoạt đầu, chàng ngạc nhiên chú ý tới ý kiến cho rằng sự giác ngộ chân lí thần thánh không phải dành cho một người, mà cho khối cộng đồng những người gắn bó với nhau bằng tình yêu, tức là giáo hội. Sau đó, chàng vui sướng với ý kiến cho rằng cứ tin ở một giáo hội sống, liên kết mọi tín ngưỡng của tín đồ, có Chúa đứng đầu, do đó, là một giáo hội thần thánh, không thể lầm lỗi, rồi sau mới tiếp thu lời răn dạy của giáo hội về Chúa, sự sáng thế, sự sa ngã và sự chuộc tội, làm thế dễ dàng hơn là bắt đầu bằng tín Chúa, một đức Chúa Trời thần bí và xa xôi, sự sáng thế v.v… Nhưng ít lâu sau, đọc xong hai quyển lịch sử giáo hội, quyển thứ nhất do một nhà văn Cơ đốc giáo viết và quyển kia do một nhà văn Chính giáo viết, chàng nhận thấy hai cái giáo hội căn bản không thể lầm lỗi đó đã phủ định lẫn nhau: trước mắt chàng, cả học thuyết của Khomiacov cũng mất nốt vẻ lí thú và toà kiến trúc đó tan thành tro bụi như những kiến trúc khác của mọi triết gia.


Suốt mùa xuân, chàng không còn là chàng nữa và phải trải qua những giây phút khủng khiếp.

“Nếu không biết mình là cái gì và tại sao mình tồn tại, thì quả là không thể sống được. Và mình không biết điều đó, vậy mình không thể sống được”, Levin tự bảo.

“Trong khoảng vô tận của thời gian, vật chất và không gian, một bong bóng hữu cơ đã hình thành, tồn tại ít lâu, rồi nổ vỡ. Và cái bong bóng đó… chính là ta”.


Lời nguỵ biện đau đớn đó là kết quả duy nhất và cuối cùng của những suy tưởng hàng trăm năm nay của con người trên bước đường đó.

Đó là niềm tin tối hậu nâng đỡ toàn bộ những tìm tòi của trí tuệ con người trong hầu khắp các ngành. Đó là niềm xác tín bao trùm và giữa tất cả những cách giải thích khác, Levin tự mình cũng không hiểu vô hình chung, chàng đã thấm nhuần cách giải thích đó từ lúc nào và như thế nào, chắc hẳn vì đó là cách giải thích rõ ràng nhất.

Song, đó không chỉ là một lời nguỵ biện mà còn là sự nhạo báng bỉ ổi của một thế lực yêu quái và thù địch mà ta không có quyền khuất phục. Phải tự giải thoát khỏi thế lực đó. Và sự giải thoát đó vừa tầm khả năng mỗi người. Phải chấm dứt sự chế ngự của thế lực xấu xa đó. Chỉ còn một phương tiện duy nhất: cái chết.


Và người bố của gia đình hạnh phúc đó, con người khoẻ mạnh đó nhiều lần đã suýt tự tử, đến nỗi phải cất giấu từ sợi dây nhỏ nhất e có lúc nảy ra ý định thắt cổ và mỗi lần cắp súng đi săn, lại sợ sẽ tự bắn vào sọ mình.

Nhưng Levin không tự tử và tiếp tục sống.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.