Đọc truyện Ánh Dương Soi Lối – Chương 22
Đèn neon đầu đường loáng thoáng từng tốp từng tốp bóng người, tiếng lốp xe ma sát trên đường cùng tiếng người huyên náo dần biến thành tiếng ù tai gay gắt.
Hứa Liên Nhã nhẹ cựa quậy từ trong ngực Hà Tân, “Về thôi.” Cô đưa mắt tìm Chevrolet màu đỏ.
Hà Tân đi theo cô, Hứa Liên Nhã rất cám ơn anh đã không hỏi gì.
Cô định mở cửa ra thì Hà Tân cản lại, “Bộ dạng em lúc này làm sao lái xe được.” vừa nói vừa lấy chìa khóa trong tay cô, “Anh đưa em về.”
Một lúc lâu sau Hứa Liên Nhã mới phản ứng kịp, “Lúc nãy anh đến đây bằng gì?”
Hà Tân bất đắc dĩ ném cho cô ánh mắt “cuối cùng em cũng để ý đến anh”, “Không cần lo đâu, lát nữa anh lại đây lái xe về.”
Cô đã hiểu, “Tự em lái xe được.”
Hứa Liên Nhã giơ tay ra được giữa chừng thì tay lại rơi vào khoảng không, Hà Tân quơ chìa khóa, mở cửa xe ra, “Lên xe đi.” Lời nói đến đây đã lại có vẻ muốn kiểm soát.
“…” Hứa Liên Nhã chỉ đành ngồi lên ghế phụ.
Dọc đường không nói gì. Hứa Liên Nhã chống tay lên cửa kính, không khí cứ tuần hoàn bên trong, cô cảm thấy bực bội nên hạ cửa kính xe xuống, nhưng bụi đất và khói xe cũng chẳng khá hơn chút nào, may mà còn có gió.
Hứa Liên Nhã không khỏi nhớ lại buổi tối cùng Khương Dương ra biển, bọn họ cũng ngồi chung chiếc xe này.
So sánh như thế, trong lòng lại bực dọc không thôi.
Hà Tân lái xe xuống tầng hầm. Thấy anh muốn đi lên theo, Hứa Liên Nhã nói: “Tự em lên cũng được.”
“Anh mang Tước gia về.”
Bốn mắt chạm nhau, Hứa Liên Nhã lại nhanh chóng dời mắt sang chỗ khác, “Được.”
Về đến nhà, Hứa Liên Nhã im lặng dọn dẹp hành lý của Tước gia, thức ăn cho chó, bát, đồ dùng tắm, đồ chơi,… từng thứ một đều cho vào trong thùng, như người mẹ đang chuẩn bị cho cậu con trai đi trại hè.
Cuối cùng cô nâng đầu nó lên, xoa xoa, “Có rảnh thì quay về đây chơi.”
Hà Tân ai oán, “Anh tới nhiều lần vậy rồi mà cho đến giờ vẫn không nghe thấy em nói vậy với anh. Đãi ngộ của anh còn không bằng một con chó nữa.”
Hứa Liên Nhã khẽ nhếch khóe miệng, đây là nụ cười đầu tiên Hà Tân nhìn thấy tối nay, nhưng chỉ tiếc rằng, cũng không phải vì anh.
Cô không tiếp lời, không khí trở nên có chút lúng túng. Nhưng tâm trạng của Hà Tân lại tốt lạ thường, cười nói: “Thời gian này đã làm phiền em rồi.”
“Sau này đối tốt với nó là được rồi.”
Hà Tân không ngờ cô lại không khách khí như thế, không thể làm gì hơn là nói lảng sang chuyện khác, “Cuối tuần này đám đồng nghiệp anh sẽ đến vịnh Tốn Liêu, bên đó khá ít người, cũng yên tĩnh, thích hợp giải sầu. Em cũng đến đi.”
Đề nghị này còn chưa chạy vào đầu cô đã đi ra, “Để xem sao đã.”
Bỗng anh đưa tay đặt lên tóc cô, vuốt ve đầy trìu mến, “Đến đó chơi bài, bơi lội một chút, trong lòng cũng sẽ nhanh thanh thản hơn. Ở đây ngơ ngẩn một mình lại dễ nghĩ lung tung, không cẩn thận lại choáng váng đầu óc.”
Im lặng một hồi, Hứa Liên Nhã mở miệng, “Có thể không được…”
Sắc mặt Hà Tân biến đổi.
“Trong tiệm của em xảy ra chút chuyện, thời gian này không dư dả nhiều.”
“Trong tiệm làm sao?”
Hứa Liên Nhã che giấu: “Tiểu Chu xin nghỉ làm, trong tiệm chỉ có hai người là em với Hạ Nguyệt.”
Hà Tân lập tức ý thức được vấn đề, “Vậy ca đêm thì sao? Ai ở lại?”
Đây chính là vấn đề khiến Hứa Liên Nhã mệt mỏi, cô sốt ruột nói: “Tạm thời đừng hỏi được không, anh để em suy nghĩ đã, giờ em đến một manh mối cũng không có…”
Dứt lời mới nhận ra cô đã nói lời giống hệt Khương Dương – “bây giờ anh không muốn nói” – trong mắt anh có lẽ cũng thấy cô đang dồn ép mình.
Hà Tân: “…”
Hứa Liên Nhã đưa thùng giấy đã đóng gói kỹ cho anh, lại dặn dò thêm mấy câu, làm như anh từng nuôi chó bao giờ.
“… Tiểu Nhã, có chỗ nào cần thì cứ lên tiếng, thân gái như em một mình ra ngoài cũng không dễ dàng.” Hà Tân không thể làm gì khác ngoài việc dắt Tước gia ra khỏi cửa.
Hứa Liên Nhã chỉ ừ một tiếng cho có, nhìn anh đi xa mới đóng cửa lại.
***
Khi Khương Dương xuống lầu thì đã không còn bóng dáng Hứa Liên Nhã đâu nữa, cũng không thấy chiếc Chevrolet màu đỏ kia ở đầu hẻm.
Anh không phải đang đuổi theo cô, chẳng qua chỉ đơn giản xác nhận một sự thật.
Anh đi dọc theo đèn đường, bước chân vô định, anh càng đi càng nhanh, cuối cùng lại chạy, âm thanh huyên náo lọt vào tai thành lời nói của gió.
Người qua đường cũng không thấy dị nghị gì, cho là anh chạy thể dục ban đêm, chỉ là ngửi thấy mùi rượu nhàn nhạt thì trong lòng không khỏi tò mò, nhưng lại khong để ý đến chai rượu anh đang cầm trong tay.
Mồ hôi chảy xuống, nhưng không rửa được xấu hổ trong anh; gió thổi ngang qua, nhưng không thổi hết quá khứ của anh*.
(*Tác giả chơi chữ, hai chữ 过去 vừa có nghĩa là đi ngang qua, vừa có nghĩa là quá khứ.)
Một giọt mồ hôi thấm vào trong mắt anh, hai giọt nước tuôn trào.
Khương Dương chạy đến trên cầu, tay buông lỏng chai rượu, đập mạnh vào lan can.
Do quá trình công nghiệp hóa nhanh, nước sông bị ô nhiễm thoang thoảng đưa đến mùi hôi thối, như cười nhạo mà đáp lại anh.
Anh dựa vào lan can ngồi trượt xuống đất, gạt đi nước trên mặt. Xe trên cầu đi tới đi lui, cho dù có người để ý đến anh thì cũng nghĩ anh là kẻ lang thang.
Đầu trống rỗng không có khái niệm thời gian, cũng chẳng biết đã bao lâu trôi qua, Khương Dương nghe thấy âm thanh ồn ào không giống xe hơi, nhưng lại không ngẩng đầu lên.
Một chiếc xe ba bánh màu xanh từ từ đi đến, cuối cùng dừng lại ở bên người anh, người lái xe nhìn xung quanh một lúc lâu, xác nhận không có ai mới gọi một tiếng thăm dò: “… Cảnh sát Triệu?”
A Khang trong xe lôi cũng sủa một tiếng theo chủ.
Cát Tường lại gọi hai tiếng, A Khang phụ họa, cuối cùng người kia mới ngẩng đầu lên như vừa tỉnh lại từ trong mộng, hai mắt đỏ bừng dọa ông ta giật mình.
Cát Tường dừng xe lại, mò lấy gậy từ trong thùng xe ra, chân sau vừa chạm xuống đất thì một mùi rượu nồng nặc liền xông vào mũi.
“Sao lại ngồi trên đất vậy?”
Khương Dương gãi đầu một cái, “… Mệt.”
“Tôi đưa anh về nhé?”
Về đâu đi đâu, trong đầu Khương Dương trống rỗng.
“Cảnh sát Triệu?”
“… Đã nói với chú là đừng gọi tôi vậy nữa rồi mà.”
Cát Tường cười hà hà, “Bây giờ cũng không có người khác nghe thấy.”
“… Hiện tại tôi không phải là cảnh sát.”
“Trong lòng tôi anh vẫn luôn là thế.”
“…”
Cát Tường không quen một cao một thấp nói chuyện với anh như thế, xem chừng định ngồi xuống, nhưng Khương Dương lại ngọ nguậy đứng lên, im lặng leo lên xe ba bánh.
Bất ngờ là xe lôi khá sạch, chỉ có một bình nước suối 2 lít còn một nửa, miệng chai thắt dây đỏ, hẳn là Cát Tường đã uống.
Anh mới vừa ngồi xuống, A Khang liền lại gần liếm đầy nước dãi lên mặt anh.
Khương Dương mấy lần cản nó, cuối cùng A Khang cũng thức thời ngồi xổm bên cạnh anh.
Cát Tường cũng vui vẻ ngồi lên xe, cất gậy đi, “Ngồi vững nào.”
Vừa mới nói xong, xe ba bánh liền chạy qua mấy gờ giảm tốc, mặc dù Cát Tường đi với tốc độ chậm, nhưng rung lên thế vẫn khiến anh tỉnh lại mấy phần.
Cát Tường nói: “Cảnh sát Triệu, anh ở đâu?”
Cát Tường gần như cuồng sùng bái với xưng hô này, Khương Dương cũng lười sửa, nói: “Không về.”
“…” Cát Tường nghĩ một hồi rồi nói: “Vậy tôi đưa anh đi hóng gió.”
Khương Dương kê đầu lên bình nước, xe đấu quá ngắn, anh chỉ đành gập chân.
Trời đêm trong thành phố không nhìn thấy sao đâu, chỉ có ánh đèn rực rỡ bất tận.
Cát Tường nói: “Cảnh sát Triệu, nhắc đến cũng khéo, lần trước tôi cũng thấy anh ở bên đường đấy.”
“Thế à?”
“Đúng vậy, lúc đó hình như anh cũng đã uống nhiều rồi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh ở bên này, nói với anh rất nhiều, rốt cuộc anh cũng nhớ lại tôi là ai.”
“Ồ…” Khương Dương có chút ấn tượng.
Lúc đó bạn gái cũ chia tay anh đòi về quê, tâm trạng anh không tốt, đi uống rượu rồi lại nôn ở ven đường. Cát Tường nhặt anh về, khi ấy ông ta chưa có xe ba bánh, vừa chống gậy vừa đỡ anh.
Hôm nay anh tỉnh táo với hôm đó nhiều, nhưng tâm trạng lại không được thoải mái như hồi đó, có lẽ là do tuổi tác nên thấy bình tĩnh, khiến người ta càng không dễ mượn rượu giải sầu.
“Hồi đó cách lần đầu tiên tôi gặp anh có mấy năm rồi, thật không ngờ còn có thể được gặp lại anh, thật sự rất vui.” Nhắc đến chuyện này, Cát Tường lại lộ ra giọng hưng phấn như trẻ con.
“… Lần đầu tiên chú gặp tôi, là lúc tôi vừa tốt nghiệp.” Suy nghĩ của Khương Dương cũng lay động theo lời của ông ta, “Cũng phải bảy tám năm rồi…”
Nhân lúc dừng đèn đỏ, Cát Tường quay đầu lại nhìn anh, “Đã qua lâu rồi nhưng tôi vẫn không hề quên.”
“…”
Khương Dương cũng không quên, cứ coi như là lần đầu tiên anh tiếp xúc với loại người kia.
Cấp trên phái anh theo một đường dây ở Phàn Chi Hoa, cũng là tình cờ, lúc anh đi ngang qua một con hẻm thì đầu bị thứ gì đó đập phải – là một cục giấy được vo tròn bọc nắp bia, giấy là giấy bọc thuốc lá, bên trên viết “cứu mạng 407”.
Đổi lại là người khác, có thể xem xong sẽ vất đi, hoặc cùng lắm ngẩng đầu lên nhìn trời một lúc, ngay đến cả cục giấy cũng sẽ không mở ra.
Suy đoán ban đầu của Khương Dương là tổ chức đa cấp nên một mình đi lên. Mà lúc đó anh cũng chỉ mới bước chân ra xã hội, đổi thành bây giờ chỉ cảm thấy lỗ mãng.
Đúng luc ấy có một người đàn ông chạy ra khỏi phòng 407, ánh mắt lấm lét, Khương Dương lập tức bắt hắn ta lại tại chỗ, kéo đến một góc tra hỏi trong phòng còn mấy người.
kẻ nọ vừa lên tiếng, sắc mặt Khương Dương chợt biến đổi.
Anh ngửi được mùi cao su nồng nặc, nhìn kỹ lại lần nữa, quả nhiên trên đôi môi khô nứt có chất gì màu trắng.
Kẻ nọ hốt hoảng ú ớ, không nói được một câu đầy đủ nào. Cửa phòng lại bị mở ra lần nữa – xem chừng là người giám sát, đã phát hiện không thấy người đâu.
Khương Dương không kịp thông báo với đồng nghiệp, vội vã xông lên.
…
Đám người này từ Phổ Nhị Vân Nam đến Phàn Chi Hoa Tứ Xuyên, ba người chuyên vận chuyển thuốc phiện và bốn kẻ giám sát. Ba người này: một người vừa mới chạy trốn ra ngoài, là người câm điếc; một người do không kịp loại bỏ thuốc nên đã bỏ mạng, thần trí hồ đồ; người còn lại chính là Cát Tường vừa ném giấy cho anh, mất một chân. Một đám này lợi dụng tính cảnh giác thấp của người thường với người tàn tật mà tiến hành dùng cơ thể người để vận chuyển thuốc phiện. Có kẻ vì kế sinh nhai mà xuống nước, cũng có người bị ép buộc như Cát Tường.
Lúc Khương Dương phá cửa vào thì “hàng hóa” trên người đã được lấy ra, đang được tách bỏ. Trên lưng anh bị ăn một nhát dao mới có thể chế ngự được bốn tên kia.
Mùi hôi thối trong nhà đậm đặc, trên bàn bày biện rất nhiều chuối tiêu, còn cả từng đống bao cao su vừa được lấy ra nữa.
Đây là lần đầu tiên anh đến hiện trường, cảnh tượng in hằn sâu sắc trong đầu anh so với khung cảnh xung quanh đó là, ánh mắt của Cát Tường rúc trong góc nhìn anh chăm chú, như trông thấy cứu tinh, đồng thời giữ lại lo lắng âm thầm.
Người giấu thuốc rất khổ sở, trên đường đi không được ăn, nếu khát cũng chỉ có thể nhấp chút nước dãi. Chứ nếu acid trong dạ dày ăn mòn bao cao su thì chỉ có một con đường chết.
Sau khi đưa đến bệnh viện làm sạch mọi thứ trong bụng, người đàn ông tầm tuổi cha chú Khương Dương cuối cùng cũng bật cười trong nước mắt.
…
Cũng bởi vì lần quả cảm ấy, Khương Dương bộc lộ tài năng, bắt đầu chân chính bước lên con đường này.
Cát Tường nói: “Cảnh sát Triệu, tôi vẫn cảm thấy anh là người tốt, không phải vì anh là cảnh sát mà là vì bản thân anh là một người tốt. Nếu không cũng sẽ không đi lên cứu tôi, đúng không?”
Sau thùng xe mãi không có tiếng đáp lại, Cát Tường dừng xe ngoái đầu nhìn, phát hiện người đàn ông sau giàn xe đã ngủ thiếp đi không biết tự lúc nào, khẽ nhếch môi, phát ra tiếng ngáy trầm thấp. A Khang thấy chủ quay đầu lại thì ẳng một tiếng từ bên cạnh Khương Dương đứng lên, Cát Tường vội vã xuỵt xuỵt, thấp giọng nói: “Nhỏ tiếng chút.”
A Khang lại ngoan ngoãn nằm xuống, Cát Tường khởi động xe lần nữa, từ từ đi về phía trước.
Gió hiu hiu tựa như bàn tay mềm mại của tình nhân, vỗ về người say ngủ, mong anh có thể có giấc mơ đẹp cùng làm bạn.