Anh Chàng Ngu Ngơ Và Cô Nàng Rắc Rối

Chương 28: Heaven


Đọc truyện Anh Chàng Ngu Ngơ Và Cô Nàng Rắc Rối – Chương 28: Heaven

Tôi đến chỗ làm sớm một giờ để tham dự “cuộc họp”. Jean Paul và Bruce đã ở đó, vẫy tôi vào văn phòng. Cuộc gặp trang trọng kiểu này không tốt chút nào. Nó khiến tôi cảm thấy như Eddie Haskell. Ý tôi là, tất nhiên là tôi phải tự vệ rồi. Chưa gì mà họ – và rõ ràng là tất cả những người tôi từng phục vụ – đã chống lại tôi rồi. Họ đọc to từng lời phàn nàn tôi nhận được, bắt tôi ký vào cuối mỗi câu, để đảm bảo rằng tôi đã hiểu và đồng ý. Rác rưởi gì thế này? Tôi hiểu họ nói cái gì mà. Tôi hiểu, vì họ đọc cho tôi bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi còn gì. Nhưng đồng ý ư? Chà… không đâu! Tôi gần như không hề đồng ý một chút nào. Và ai mà lại viết ra từng lời phàn nàn thế này nhỉ?

Tất cả những lời phàn nàn về tôi được hai gã giám đốc viết vào một quyển Sổ tai nạn mà tôi thậm chí còn không biết nó tồn tại. Họ có vẻ rất hào hứng cho tôi biêt rằng tôi chính là người duy nhất làm nên quyển sổ này. Thật là một thành tựu! Quyển sổ có tên tôi ghi trên bìa chứ. Thậm chí còn có một lời phàn nàn được ghi toàn bằng chữ viết hoa rất sắc nét. Họ phải thừa nhận… tôi thật nổi tiếng!

Thế là họ ngồi đó đọc lớn cho tôi nghe từng lời phàn nàn, hết lời này sang lời khác. Chỉ có ba người trong phòng nên cũng chẳng sao. Tôi cảm thấy như mình đang ngồi ở một phiên tòa, và nghe đọc cáo buộc tội danh trước mặt ban hội thẩm – đầy những người tôi đã phục vụ và trút giận. Tôi, tất nhiên, có lời bình cho từng lời phàn nàn một.

Jean Paul mở lời. “Bàn số 11. Bà Feldstein nói: ‘Cô ta’”, rồi gã nâng mắt nhìn tôi, “nghĩa là cô đấy… ‘rất lạnh lùng và thô lỗ. Phục vụ tệ’”.

“Tệ thế nào?”, tôi hỏi.

“Họ không nói chi tiết.”

“Thế anh không muốn biết à?”

“Tiếp theo…”, gã lật trang. “Từ ông Giorgio: ‘Hành vi thô lỗ. Phục vụ tệ. Đã được cảnh cáo bởi những người ngồi bàn số 7 rằng không nên ngồi trong khu vực cô ta phục vụ’.”

“Cái gì? Ai ngồi bàn số 7?’

“Tôi không biết”, gã nói, “nhưng họ cảnh báo ông này đừng ngồi đó”.

“Bàn số 7 có phàn nàn với anh không?”, tôi hỏi.

“Không, họ phàn nàn với bàn số 11.”


“Bàn số 11 đâu có gần bàn số 7”, tôi nói, đó là sự thật mà. “Và đó là lời đồn không có thật”, tôi tuyên bố. Cả ba chúng tôi như im lặng, ngạc nhiên trước khoảnh khắc như trong phiên tòa của tôi. “Vô căn cứ’, tôi lặng lẽ tự sửa lời.

“Bàn số 9”, Jean Paul tiếp tục. “Thô lỗ. Nói với chúng tôi rằng, và tôi trích nguyên văn, ‘tôi chỉ có hai tay’. “Tôi nhìn Bruce và Jean Paul, chân thành đưa tay lên.

“Nhưng việc đó đúng mà”, tôi nói. “Đây. Tôi chỉ có hai tay. Thấy không?”

“Cô rõ ràng là hiểu sai trọng tâm rồi”, gã nhún nhường. “Tất cả chúng ta đều chỉ có hai tay, nhưng cô không thể nói vậy với khách hàng.”

“Và cô cũng không cần phải trả treo lại mọi điều”, Bruce đế thêm. “Như vụ này… ‘Khi tôi phàn nàn thức ăn nguội, cô phục vụ nói rằng mốt bây giờ là ăn đồ nguội!’” Vân vân và vân vân.

Họ tiếp tục lải nhải về hành vi kém cỏi, giao tiếp nhầm lẫn, biểu cảm gương mặt gây hiểu lầm, những lời chửi thề thường xảy ra, chúng chẳng bao giờ cố tình lọt vào tai khách hàng cả. Sau ít phút, tôi đại khái không nghe nữa. Cảm tạ Chúa vì họ chưa biết về vụ nhổ nước bọt. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm thấy kinh dị.

Bỗng nhiên hàng loạt suy nghĩ linh tinh nhảy vào đầu tôi, chẳng hạn như khi cậu bạn Franklin của tôi đi du lịch châu Âu, và đặt ra mục tiêu học cách nói câu “eat a dick”[1] bằng càng nhiều ngôn ngữ càng tốt. Hình như cậu ta đã nói với tôi rằng câu đó trong tiếng Pháp nói là “mange a bitte”. Suy nghĩ này khiến tôi cười khùng khục, vì Jean Paul là người Pháp. Giờ thì tôi bỗng nhiên rất muốn nói câu này. Tất nhiên tôi không nói, nhưng lại nghĩ nếu nói thì sao, thật ghê rợn. Chẳng hạn như, nếu tôi bỗng dưng mắc chứng thần kinh Tourrette và buột miệng thì sao.

[1] Một câu chửi bậy, gần như “chết tiệt”, “khốn kiếp” nhưng thô tục hơn.

“Vậy, các anh có ý tưởng gì?”, tôi hỏi. Có những người từng nói với tôi rằng một cách để tránh mâu thuẫn là hỏi người đó anh ta hoặc cô ta có ý tưởng gì.

“Tôi gợi ý cô nên cố gắng hơn trong việc phục vụ các bàn. Đối xử với khách hàng như thể họ là khách tới nhà cô ấy.”

“Khách tới nhà tôi không đối xử với tôi như cọng rác – cách mà những người này làm.”

“Nếu đây là cách cô nói chuyện với chúng tôi – cấp trên của cô”, Jean Paul nhảy vào, “thì tôi không thể tưởng tượng nổi điều cô làm tại các bàn”.


Cấp trên của tôi? Ôi Chúa ơi, tôi cần một công việc mới. Các người quản lý một cái nhà hàng. Các người không hề cao hơn tôi. Tất nhiên tôi không nói ra. Nhưng lần này tôi phải cắn cả lưỡi để giữ lời nói trong miệng.

“Tôi đang nói chuyện với các anh rất thẳng thắn, như đồng nghiệp với nhau”, tôi nói. “Tin tôi đi, nếu tôi làm vậy tại các bàn, các anh sẽ gặp nhiều vấn đề hơn đấy”, tôi nói.

“Tôi nghĩ cô đã có đủ lời phàn nàn rồi”, Bruce nói. “Nghe đây, chúng ta làm ngành dịch vụ. Đây là sự nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Nếu người khác xử tệ với ta, thì đó chẳng phải là lỗi của ai khác, mà là lỗi của chính chúng ta. Và người ta sẽ làm thế, mỗi ngày. Đó là lựa chọn của chúng ta. Vậy nên cô chỉ cần học cách xử sự với điều đó tốt hơn. Tốt hơn thật nhiều. Vì sẽ chẳng có điều gì thay đổi đâu. Khách hàng luôn luôn đúng.”

Tôi muốn hét lên. Đây có thể là điều họ lựa chọn, nhưng chắc chắn, chắc chắn, không phải điều tôi chọn. Tôi làm PR mà. Tôi có một sự nghiệp. Mọi thứ chỉ đang trì hoãn một chút thôi. Tôi muốn nói với họ như vậy, nhưng tất nhiên tôi không nói. Tôi không thể. Vì họ đã chọn đây làm sự nghiệp. Đây là mái nhà của họ, hẳn thế. Họ quản lý một nhà hàng xịn và thành công. Họ còn muốn gì hơn nữa chứ… ngoài việc chấm dứt sự xúc phạm không ngừng nghỉ của tôi đối với khách hàng?

Kết quả cuối cùng của buổi họp là tôi bị cảnh cáo. À, sáu lần cảnh cáo, nếu đếm. Rồi lại cái cảnh cáo thứ bảy, rằng nếu tôi phạm tội một lần nữa tại nhà hàng (và nếu họ biết), thì tôi bị đuổi. Tôi thực sự sốc là họ chưa đuổi ngay, nhưng chắc là cũng như trong mọi ngành nghề khác ngày nay, họ phải lưu lại giấy tờ trong trường hợp cần chứng minh tôi đã được cảnh cáo chứ không phải bị đuổi việc một cách bất công.

Ồ, và phòng khi bạn cần dùng tới, thì câu “eat a dick” trong tiếng Đức nói là “Essen der Gockel”.

Ca buổi tối bắt đầu đã lâu, Jean Paul dắt tới ba mụ đàn bà xấu xí bốn-mươi-lăm-tuổi và đặt họ ngồi tại một chiếc bàn sáu người. Ba mụ ngồi một cái bàn sáu người nghĩa là không hay, nhưng tệ hơn, họ còn chia nhau ăn mọi thứ. Họ chia ba cả phần chả giò khai vị, hai người ăn chung món gà lá chanh, và người còn lại gọi món Cá Chiên, nghĩa là cá chiên nguyên con.

Hôm nay là sinh nhật của một trong số ba mụ này, và thật tình, đây là tình huống buồn, rất buồn. Đây là ba mụ đàn bà già nua, cô đơn và cay đắng, cùng đến một cái nhà hàng cực-mốt với hy vọng sẽ có một bàn khác gồm ba gã trai độc thân quyến rũ gửi tặng sang các món đồ uống, thế là tình yêu đích thực nảy sinh.

Nhưng việc đó không xảy ra. Và mỗi lần họ gọi thêm rượu pinot grigo, họ lại tuyệt vọng thêm một chút.

Tôi rất lịch thiệp với họ suốt cả tối, cố gắng khiến họ cảm thấy đặc biệt và được chăm sóc thật kỹ. Có vẻ như hầu hết những lời phàn nàn về tôi bắt nguồn từ phái nữ, thế nên để tấn công lại, tôi sẽ “giết họ bằng lòng tử tế”. Rồi thì đến lúc phục vụ họ món chính.

Tôi mang cả ba đĩa thật thăng bằng trên hai tay. Tôi đưa đĩa đựng món gà cho hai mụ ăn chung trước. Người gọi món cá kẹt trong góc, rất xa chỗ của tôi. Hãy nhớ, đây là bàn cho sáu người, thế nên nó là một cái bàn tròn to, lại còn đặt đối diện một vách tường, và tôi không thể đi vòng quanh. Tôi không thể nào với tới mụ ta để đặt đĩa xuống trước mặt, thế là đành nghiêng tới trước, cố gắng đưa đĩa cho mụ. Mụ không hề nhúc nhích.


Tôi nhướng mày một chút, ý nói, “Này, bà ơi, đây là dấu hiệu để bà lấy đĩa đấy”. Không. Không một động thái gì. Lẽ ra bà ta phải tự lấy đĩa từ tôi chứ? Không đâu, thưa cô! Tôi sẽ phải là người đặt cái đĩa cá chiên này trước mặt mụ ta, không thì mụ ta sẽ không ăn,

Thế là tôi vươn tới, rướn người, cố gắng giữ thăng bằng trên một chân, để có thể đặt đĩa trước mặt mụ ta.

Thật không may, con cá trượt ra khỏi đĩa. Tất nhiên rồi.

Nhưng nó chỉ đáp xuống tấm khăn trải bàn trắng tinh khôi. Tôi đơ người. Tôi không biết phải làm gì, bèn nhanh chóng ghim nó bằng một con dao ăn bít tết, đặt nó trở vào đĩa. Mụ ta không vui chút nào.

“Tôi rất xin lỗi”, tôi nói. “Tôi đã cố gắng đưa nó cho bà để tránh xảy ra việc này, nhưng…” Mụ ta nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt lạnh như băng. “Tôi sẽ mang cho bà một con khác.” Mụ ta nheo mắt với tôi, bắn về phía tôi một cái nhìn dơ bẩn tới mức có thể sánh ngang ánh nhìn dơ bẩn của tôi hồi trung học. Mụ ta vẫn không nói lời nào. Tôi bèn hỏi, “Bà có muốn tôi mang đến một con cá khác không?”

“Ý cô là tôi có muốn ngồi đây chờ thêm nửa giờ trong lúc các bạn của tôi ăn không ấy à? Không.”

“À vâng,” tôi nói.

“Nhưng tôi muốn một cái đĩa khác.” Hả?

Tôi mang con cá cùng chiếc đĩa bị xúc phạm trở vào bếp, đặt con cá lên chiếc đĩa mới. Tôi thậm chí còn rắc lên trên đó ít mùi tây để nó trông đẹp hơn. Tôi hoàn toàn bối rối về việc tại sao mụ ta vẫn ăn con cá, nhưng lại muốn một chiếc đĩa mới. Chẳng có gì không ổn với chiếc đĩa mà, ngoại trừ vết dầu mà con cá để lại từ vụ ra đi vội vã kia thôi. Nhưng khách hàng luôn luôn đúng, thế nên tôi làm điều mụ ta yêu cầu.

Tôi mang con cá trở lại trên chiếc đĩa mới được bày biện lại, và trước khi tôi kịp đặt đĩa xuống, mụ lại cố gắng lấy con cá khỏi đĩa và đặt nó lên chiếc đĩa bánh mỳ mà mụ đã dùng để ăn chả giò.

“Nếu bà đưa tôi cái đĩa kia”, tôi nói, “tôi sẽ đặt chiếc đĩa này xuống. Như vậy sẽ rộng rãi hơn”.

“Không”, mụ nói. “Nếu cô có thể giữ cái đĩa kia trong một phút thôi, thì tôi sẽ lấy được con cá.”

Thế là tôi đứng như một con khỉ ngoan ngoãn, giữ chiếc đĩa. Một khi con cá đã được chuyển đi an toàn, tôi sẽ mang chiếc đĩa mới về bếp và tiếp tục với bàn khác.

Nhưng tôi cảm thấy sau gáy mình nóng rẫy, và khi quay lại, tôi thấy mụ ăn cá đang nhìn tôi trân trối. Tôi bước lại, mỉm cười.


“Còn thứ gì tôi có thể lấy giúp bà chăng?” Tôi nói với vẻ xởi lởi hết mức có thể.

“À… đúng! Một con dao mới!” Và mụ ta đang cầm con dao ăn bít tết. Con dao mà tôi đã mượn tạm để đâm con cá phản bội kia và đặt lại trên đĩa. Mụ ta không thể dùng con dao mà tôi đã đụng vào – con dao lúc nãy đã đâm xuyên thịt con cá của mụ ta.

“Tất nhiên”, tôi nói. Và tôi lấy con dao từ mụ, quay trở lại với một con dao mới, giữ nó trong một miếng khăn ăn bằng vải trắng để duy trì trạng thái “trinh nguyên”. Tôi bước đi, cười thầm trong bụng… nếu mụ ta biết sự thật về cái máy rửa chén đĩa ở đây thì…

Phần còn lại của buổi tối, tôi cố hết sức để tỏ ra tốt bụng. Tôi mang cho khách nhiều đồ uống hơn. Và tới cuối bữa ăn, tôi thậm chí còn tập hợp các phục vụ bàn, bồi bàn khác lại và hát Happy Birthday cho mụ có sinh nhật.

Họ boa cho tôi vừa xấp xỉ năm phần trăm. Tiền đô Mỹ.

Nhưng ghê hơn là, họ thậm chí không thèm giữ mặt mũi mà biến đi cho nhanh sau khi làm thế. Không hề xấu hổ chút nào. Họ bước lại quầy bar lúc này đã vắng tanh, và đứng đó dùng đồ uống sau bữa tối. Chúng được cậu phục vụ quầy rượu Doug mời, vì cậu ta đã tuyệt vọng trong việc tìm được một cô nàng để hẹn hò tới mức sẽ mời bất cứ ai đồ uống.

Thế là ba mụ này đứng đó dùng đồ uống miễn phí. Và ở lại thêm nửa giờ. Tôi viết lên một mảnh giấy, giơ lên cho Doug thấy:

“Họ boa tôi chỉ năm phần trăm. Đồ bủn xỉn!”

Ngay phút đó – qua chiếc gương phía sau quầy bar – tôi trông thấy ảnh phản chiếu của một mụ trong số đó. Mụ đang đọc tờ giấy tôi viết.

***

“Nàng là bằng chứng duy nhất về Chúa mà tôi từng thấy, ngoại trừ sức mạnh bí ẩn làm biến mất một chiếc tất khỏi máy sấy mỗi lần tôi giặt đồ.”

– Kirby, St. Elmo’s Fire

“Cậu có biết chân thì to bằng cánh tay – đoạn từ cùi chỏ tới cổ tay không?”

– Vivian, Pretty Woman


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.