Đọc truyện Ân Tứ – Chương 140: PN – Mưa dông bão tố (1)
Mặt trời ban trưa vô cùng nhẹ nhàng chiếu rọi khắp sân cỏ trong vườn trường, một cậu trai khoảng chừng 16 tuổi đang nhắm mắt nằm trên bãi cỏ tươi mới xanh biếc, trong miệng ngậm một nhánh cỏ dài, chân lắc lư miệng ngâm nga. Có lẽ là quá thoải mái, cậu trai không để ý mà ngủ thiếp đi. Thỉnh thoảng có một hai nhánh cỏ vụn bay lướt qua, hắn không nhịn được phủi phủi mặt vài cái, lộ ra một khuôn mặt khôi ngô dưới ánh mặt trời.
“Trình Thế… Trình Thế… Dậy dậy, phải đi phát thanh rồi…”
“Hả?” Trình Thế ngồi bật dậy, mở đôi mắt mông lung còn ngái ngủ ra nhìn xung quanh, nhìn người trước mặt một cái, sau đó thở ra một hơi rồi lại tiếp tục nằm xuống. Củng Chí sốt ruột, dùng sức kéo Trình Thế dậy, Trình Thế hé một mắt, thừa dịp Củng Chí không chú ý, gạt chân cậu một cái, Củng Chí ngã lăn ra đất.
“Ha ha ha…” Trình Thế phủi phủi vụn cỏ trên người, vừa ngâm nga bài dân ca nào đó vừa đắc ý đi về phía xa xa, Củng Chí khập khễnh đi theo phía sau.
Trình Thế đi tới phòng phát thanh của trường, thiết bị bên trong thật cổ lỗ sỉ, nhưng vào thời đó đã coi như là hàng hiếm. Trình Thế rất quy củ ngồi trên một băng ghế gỗ, đọc một cách to rõ diễn cảm trước một cái micro nhỏ được bọc vải: “Đây là không gian tuyên truyền kiến thức, nhịp cầu kết nối tình cảm, sân khấu của những màn biểu diễn tài hoa, xin chào mọi người, hiện tại là thời gian phát thanh của trường, tôi là bạn học Trình Thế lớp 4 năm hai. Ngày hôm nay sẽ đọc cho mọi người bài viết “Thanh xuân”, ngày hôm qua phác hoạ nên những kế hoạch to lớn chính là thanh xuân; ngày hôm nay đan dệt nên một khung cảnh hoàn toàn mới cũng chính là thanh xuân. Người xưa nói: lấy sử sách làm gương, có thể nhìn rõ thời cuộc. Ngoảnh đầu nhìn lại quá khứ rồi lại khát khao về tương lai. Nhìn lại đường sắt của người đương thời, cũng như tuổi thanh xuân vậy…” (lớp 4 năm hai kiểu như lớp 11A4 bên mình vại đó)
Giọng nói của Trình Thế bay bổng khắp mọi ngõ ngách trong sân trường, con gái thời đó có người cắt tóc ngắn ngang tai, có người thắt tóc bím, ăn cơm xong mọi người đều ngồi ngay ngắn trật tự trên bậc thang cách phòng học không xa để nghe phát thanh, có người còn cầm một cuốn sổ nhỏ để ghi chép, trích lại những lời hay ý đẹp từ buổi phát thanh.
Không ai không biết Trình Thế, hắn được mệnh danh là “Tài tử vườn trường”, không chỉ có giọng nói êm tai, bộ dáng cũng anh tuấn hiếm thấy. Bình thường trường học tổ chức liên hoan kỷ niệm phong trào ngũ tứ, Trình Thế vừa làm người dẫn chương trình, vừa tham gia văn nghệ hát múa, sớm đã trở thành một nhân vật của công chúng. Hơn nữa ngày thường hắn thích giao lưu kết bạn với người khác, cũng có chút danh tiếng ở các trường học gần xa, bình thường trường khác tổ chức hoạt động gì, cũng sẽ tìm Trình Thế nhờ hắn hỗ trợ. (Phong trào ngũ tứ diễn ra ngày 4/5/1919, là phong trào vận động biểu tình của học sinh sinh viên Bắc Kinh, qua phong trào này chủ nghĩa cộng sản đã nhanh chóng truyền bá vào TQ nên ngta mới kỷ niệm)
Củng Chí học ở một trường cấp ba khác, từ nhỏ đã lớn lên cùng Trình Thế, đối với người bạn Trình Thế này, trước nay Củng Chí đều lấy làm tự hào. Trình Thế thường đến nhà Củng Chí ăn cơm, khi đó nhà Củng Chí khá giả hơn nhà Trình Thế một chút, cha mẹ Củng Chí cũng thích Trình Thế, cứ hay gọi hắn là “con trai, con trai”. Trình Thế thường ở lại nhà Củng Chí hẳn mấy ngày, trong nhà Trình Thế cũng không có ý kiến gì, bởi vì Trình Thế có 2 người anh trai, 2 người em gái, cuộc sống vốn dĩ túng thiếu, có thể bớt đi một bộ chén đũa người nhà hắn cũng không có gì là không vui.
“Cái thằng ngốc tên Trình Thế này một ngày nào đó tao nhất định phải tóm được mày…” Lệ Trung Tín hung hăng mắng chửi một câu, lưu loát nhảy khỏi giường, châm một điếu thuốc đứng trước cửa sổ rít một hơi. Nghe âm thanh bên ngoài, huyệt thái dương của y nhảy lên thình thịch, vẻ mặt u ám lạnh lẽo. Thứ gì vậy! Ngày nào giữa trưa cũng làm ầm ĩ không cho người ta ngủ, khoe khoang cái giọng rách nát, cả ngày léo nhéo mấy bài thơ tào lao.
Lệ Trung Tín 20 tuổi, tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, thời điểm đó học trung cấp chuyên nghiệp so ra tốt hơn học cấp ba một chút, có thể được sắp xếp công việc. Lệ Trung Tín được sắp xếp làm công nhân ở một nhà máy cơ khí, làm chưa đến hai ngày đã không chịu nổi nữa, ẩu đả với xưởng trưởng ba lần, còn tìm một nhóm người đến nhà xưởng trưởng cướp đồ. Lúc xưởng trưởng báo lên thị trấn, Lệ Trung Tín đã ngồi xe lửa đến Bắc Kinh từ lâu, hiện tại y lăn lộn ở đây đã gần một năm. (ở đây chắc là chú Tín học hệ 3 năm của trung cấp, học xong cấp 2 thì vào trung cấp học 3 năm là có bằng cấp 3 và bằng nghề luôn, cho nên mới so sánh với học cấp 3 bình thường)
Trung tâm thành phố Bắc Kinh cũng vừa mới bước vào giai đoạn phát triển, lúc đầu Lệ Trung Tín xem như là không có đồng nào trong người mà đi tới nơi này, hơn nữa người địa phương có tính bài ngoại, y phải trải qua cuộc sống gian khổ một đoạn thời gian. Thời điểm đó kẻ có tiền trên cơ bản đều là bộ tộc “cật lão” ở địa phương, trong nhà có người làm sếp kiếm được chút tiền, đời tiếp theo liền sống khá giả hơn một chút. (cật lão, trích từ cật lão bản, cật là ăn – lão là cũ – bản ở đây là tiền vốn, chỉ việc sử dụng vốn sẵn có trước đó mà ko tạo ra cái mới, ví dụ như làm việc theo nếp cũ ko có đổi mới, hoặc như ở đây là nhà có tiền sẵn chỉ việc xài ko kiếm nguồn tiền mới)
Sau đó Lệ Trung Tín theo nghiệp bảo kê, lúc ấy nghề bảo kê vừa mới nổi lên, đều là làm việc với kẻ có tiền, Lệ Trung Tín nhân cơ hội hung hăng vơ vét được một khoản, còn làm quen không ít nhân vật có mặt mũi. Người trong bang Lệ Trung Tín trước giờ làm việc luôn sạch sẽ lưu loát, y tuổi còn trẻ thủ đoạn lại lão luyện tàn nhẫn. Cho nên ngắn ngủi một năm, Lệ Trung Tín đã phát triển được một thế lực không nhỏ ngay tại Bắc Kinh.
Lệ Trung Tín có thói quen ngủ trưa, y nhìn trúng khu đất này, để tiện tập trung cho sự nghiệp của mình, y mua một căn nhà ở đây. Ai ngờ cái chỗ này lại vừa vặn đối diện với một trường cấp ba của thành phố, buổi trưa nào y cũng bị tiết mục phát thanh vườn trường đánh thức. Khi đó xe cộ trên đường phố rất ít, thậm chí thấy xe hơi còn là một việc rất mới mẻ, cho nên cả thành phố có vẻ rất là an tĩnh, âm thanh từ trạm phát thanh có thể rõ ràng truyền tới khắp mọi nơi.
Tính cảnh giác của Lệ Trung Tín rất mạnh kể cả khi ngủ, có một chút động tĩnh y sẽ lập tức tỉnh lại. Cho nên tiết mục tuyên truyền dào dạt mãnh liệt đầy cảm xúc không khỏi trở thành một cái tâm bệnh của Lệ Trung Tín. Tháng trước y định đến trường học kia, kiến nghị bỏ trạm phát thanh đi, nếu như không đồng ý thì trực tiếp đập luôn cái loa kia luôn. Ai ngờ giữa chừng thì nguồn hàng xảy ra chút vấn đề, y đi Sơn Tây một đoạn thời gian nên quên mất việc này. Vừa mới trở lại đang định nghỉ ngơi xả hơi một trận, lại nghe thấy cái loa phát thanh phiền chết người này, một ngày ba lần, sáng trưa chiều, ngay cả phát thanh viên cũng không đổi, nội dung vĩnh viễn là tuổi trẻ và tổ quốc, Lệ Trung Tín chán nản.
“Trình Thế… Coi như mày khiến tao ghi nhớ rồi, tao không phá được đài phát thanh của tụi mày, tao cũng phải phá cái giọng không ra gì của mày.” Lệ Trung Tín đứng bên cửa sổ, nghiến răng nhìn ngôi trường cách đó không xa.