Đọc truyện Ăn, Cầu Nguyện, Yêu – Chương 77
Buổi sáng, Mario giúp tôi mua một chiếc xe đạp. Gần như một người Ý thực thụ, anh nói, “Tôi có biết một gã,” và anh dẫn tôi đến cửa hàng của anh họ mình, nơi tôi mua một chiếc xe đạp leo núi xinh xắn, một cái mũ bảo hiểm, một cái khóa và một cái giỏ với chỉ chưa đến năm mươi đô la Mỹ. Giờ thì tôi di động trong thị trấn Ubud mới của mình, hay ít nhất là di động chừng nào tôi có thể cảm thấy an toàn trên những con đường vốn chật hẹp, đầy gió, tu bổ kém và đông đúc xe máy, xe tải và xe buýt du lịch này.
Vào buổi chiều, tôi đạp xe xuống làng của Ketut, la cà với thầy mo của mình cho ngày đầu tiên của… bất cứ việc gì chúng tôi sẽ làm cùng nhau. Thành thật mà nói, tôi không rõ nữa. Bài học tiếng Anh ư? Bài học thiền ư? Ngồi hiên theo kiểu xưa đàng hoàng ư? Tôi không biết Ketut có ý định gì cho tôi, nhưng tôi chỉ vui vì được mời tham dự vào đời ông.
Khi tôi đến thì ông đang có khách. Đó là một gia đình nông dân Bali. Họ bồng đứa con gái một tuổi của mình đến nhờ Ketut giúp. Đứa bé tôi nghiệp đang mọc răng và đã khóc vài đêm rồi. Bố nó là một người đàn ông trẻ đẹp mặc xà rông; bắp chân anh rắn chắc như bắp chân tượng anh hùng chiến tranh Xô Viết. Mẹ bé xinh xắn và e thẹn, nhìn tôi từ xa qua mí mắt cụp xuống nhút nhát. Họ mang đến một món đồ cúng nhỏ đáp lại công của Ketut – 2.000 rupi, khoảng 25 xu, đặt trong một cái giỏ lá cọ làm bằng tay, hơi lớn hơn một cái gạt tàn ở quầy rượu khách sạn. Trong giỏ có một bông hoa cùng với tiền và ít hạt gạo. (Cái nghèo của họ đặt họ vào thế đối lập dễ thấy với gia đình giàu có hơn từ thành phố thủ đàn ông Denpesar đến gặp Ketut muộn hơn cùng buổi chiều hôm đó, người mẹ đội trên đầu một cái giỏ ba tầng đầy trái cây, hoa và vịt quay – một cái mũ lộng lẫy và ấn tượng đến nỗi Carmen Miranda có lẽ cũng phải cúi mình khiêm tốn trước nó.)
Ketut tự nhiên và tử tế với khách khứa của mình. Ông lắng nghe bố mẹ giải thích rắc rối của đứa bé. Rồi ông lục lọi một cái rương nhỏ trên hiên và lôi ra một cuốn sổ cái xưa chi chít những chữ viết Phạn Bali nhỏ li ti. Ông tra cứu cuốn sác như một học giả, tìm kiếm các kết hợp từ ông cần, trò chuyện và cười với bố mẹ đứa bé suốt thời gian đó. Rồi ông lấy một trang giấy trắng từ một cuốn sổ có hình Ếch Kernit, và viết cái mà ông nói với tôi là “kê toa” cho cô gái nhỏ. Đứa bé đang bị một con quỷ nhỏ hành hạ, ông chẩn đoán, thêm vào những khó chịu thể chất khi mọc răng. Về phần mọc răng, ông khuyên bố mẹ bé đơn giản là chà nướu của bé bằng nước hành đỏ ép. Để xoa dịu con quỷ nhỏ, họ phải cúng một con gà nhỏ đã làm thịt và một con heo nhỏ, cùng với một miếng bánh nhỏ, trộn với các loại cỏ đặc biệt mà bà họ nhất định sẽ kiếm được trong vườn thuốc của riêng bà. (Người ta sẽ không bỏ thức ăn này; sau lễ cúng, các gia đình Bali luôn được phép ăn đồ đã cúng các thần của chính họ, vì cúng là siêu hình hơn là nghĩa đen. Theo cách người Bali quan niệm, Thượng Đế nhận cái thuộc về Thượng Đế – thiện chí – trong khi con người nhận cái thuộc về con người – chính thực phẩm đó.)
Sau khi viết toa thuốc xong, Ketut quay lại phía chúng tôi, rót đầy một chén nước, và lầm rầm vào chén nước một câu chú ấn tượng, ớn lạnh. Rồi Ketut ban phước cho đứa bé bằng nước ông thổi quyền năng thiêng liêng vào. Chỉ mới một tuổi, đứa bé đã biết cách đón nhận một sự ban phúc thiêng liêng theo truyền thống Bali rồi. Mẹ bé bồng bé, và bé chìa bàn tay hồng như mận ra đón chén nước, hớp một miếng, rồi hớp lần nữa rồi phả phần còn lại lên đỉnh đầu mình – nghi thức được tiến hành một cách hoàn hảo. Bé không hề sợ hãi ông già sún răng đang tụng niệm về phía mình. Sau đó Ketut lấy phần nước thiêng còn lại và trút ào một cái túi bánh sandwich nhỏ bằng nhựa, cột vào miệng túi và đưa cho gia đình để dùng về sau. Người mẹ mang theo cái túi nhựa đựng nước khi ra về; trông cô như vừa trúng một con cá vàng ở hội chợ bang, chỉ có điều cô quên lấy theo con cá vàng.
Ketut Liyer đã dành cho gia đình này khoảng bốn mươi phút toàn tâm toàn ý, để nhận khoảng hai mươi lăm xu. Nếu họ không có chút tiền nào, ông cũng sẽ làm như vậy; đây là nhiệm vụ của ông với tư cách là một người chữa bệnh. Ông không thể từ chối ai, nếu không các thần sẽ rút tài năng chữa bệnh của ông. Mỗi ngày Ketut có khoảng mười người khách như vậy, những người Bali cần sự giúp đỡ hay lời khuyên về một vấn đề thiêng liêng hay sức khỏe nào đó. Vào những ngày rất tốt lành, khi mọi người muốn một ban phước đặc biệt, ông có thể có hơn một trăm người khách.
“Ông không thấy mệt sao?”
“Đây là nghề của tôi mà,” ông bảo tôi. “Đây là sở thích của tôi – thầy mo.”
Trong suốt buổi chiều một vài người bệnh nữa đến, nhưng Ketut và tôi cũng có ít thời gian một mình trên hiên. Tôi thấy rất dễ chịu với ông thầy mo này, cũng thoải mái như ông của mình vậy. Ông dạy tôi bài học đầu tiên về thiền Bali. Ông bảo tôi là có nhiều cách để tìm thấy Thượng Đế nhưng hầu hết quá phức tạp đối với người Tây phương vậy nên ông sẽ dạy tôi một kỹ thuật thiền đơn giản. Cơ bản nó như vậy: ngồi trong im lặng và mỉm cười. Tôi thích nó. Ngay cả khi đang dạy cho tôi ông cũng cười. Ngồi và mỉm cười. Tuyệt.
“Cô học Yoga ở Ấn Độ hả, Liss?” ông hỏi.
“Đúng vậy, Ketut.”
“Cô có thể tập Yoga,” ông nói, “nhưng Yoga quá khó.” Thế là, ông vặn vẹo mình trong một tư thế hoa sen câu thúc, cố gắng đến nhăn nhó mặt mày rất hài hước và như bị táo bón. Rồi ông thả lỏng và cười, hỏi, “Tại sao khi tập Yoga lúc nào trông họ cũng nghiêm túc đến vậy? Ta làm mặt nghiêm trọng như vậy, ta xua đuổi năng lượng tốt đi. Để thiền, chỉ cần ta mỉm cười. Mỉm cười bằng gương mặt, mỉm cười bằng tâm, và năng lượng tốt sẽ đến với ta và dọn sạch năng lượng xấu. Thậm chí mỉm cười trong gan của ta. Tối nay hãy thực hành ở khách sạn. Đừng dối trá, đừng cố quá. Quá nghiêm túc, cô sẽ làm mình bệnh. Cô có thể kêu gọi năng lượng tốt bằng một nụ cười. Hôm nay vậy là xong. Hẹn gặp lại cô, cá sấu Mỹ. Mai trở lại. Tôi rất vui gặp cô, Liss. Hãy để lương tri dẫn dắt cô. Nếu cô có bạn bè Tây phương đến thăm Bali, mang họ đến tôi xem tướng tay cho. Tôi rất trống trải trong ngân hàng kể từ vụ trái bom.”