Đọc truyện Ăn, Cầu Nguyện, Yêu – Chương 37
Hồi tôi mới lớn, gia đình tôi có nuôi gà. Chúng tôi luôn có chừng một tá gà vào bất kỳ thời điểm nhất định nào và mỗi khi một con chết – do diều hâu hay cáo hay bệnh gà khó hiểu nào đó – bố tôi thường thay thế con gà đã mất. Ông lái xe đến một trang trại gia cầm gần bên và trở về với một con gà mới trong giỏ. Vấn đề cần xem xét là, ta phải rất cẩn thận khi đưa một con gà mới vào đàn chung. Ta không thể chỉ ném nó vào đó với bọn gà cũ, vì chúng sẽ xem nó là một kẻ xâm lấn. Thay vì vậy ta phải đặt con gà mới vào chuồng giữa đêm khi những con kia đang ngủ. Đặt cô nàng lên một chỗ nghỉ cạnh đàn gà rồi rón rén đi ra. Vào buổi sáng, khi tụi gà thức giấc, chúng không nhận ra người mới đến, chỉ nghĩ là, “Hẳn ả đã ở đây từ xưa đến giờ vì ta đâu có thấy ả đến.” Lý lẽ vững chắc ở đây là, tỉnh dậy giữa đàn này, cả cô nàng mới đến cũng không nhớ ra ả là kẻ mới đến, chỉ nghĩ, “Mình chắc là đã ở đây xưa nay rồi…”.
Tôi đến Ấn Độ cũng đúng như vậy đó.
Máy bay của tôi hạ cánh ở Mumbai khoảng 1 giờ 30 sáng. Đó là ngày 30 tháng Mười hai. Tôi tìm hành lý, rồi bắt một chiếc taxi chở tôi hết giờ này sang giờ khác ra khỏi thành phố đến Ashram nằm trong một ngôi làng hẻo lánh. Tôi ngủ gà ngủ gật trên chặng đường xuyên Ấn Độ trong đêm, khi tỉnh dậy để nhìn ra cửa sổ, nơi tôi có thể thấy những hình thù ma quái kỳ lạ của những người đàn bà bị gầy gò mặc xari đi dọc lề đường với những bó củi trên đầu. Vào giờ này ư? Những chiếc xe buýt không đèn pha lướt qua chúng tôi, còn chúng tôi lướt qua những chiếc xe bò. Những cây đa xoải khóm rễ tao nhã của mình khắp các con mương.
Chúng tôi dừng xe ngay cổng trước của Ashram vào lúc 3 giờ 30, ngay trước đền. Khi tôi xuống taxi, một người đàn ông trẻ mặc đồ tây và mũ len từ bóng tối bước ra và tự giới thiệu – anh là Arturo, một nhà báo hai mươi bốn tuổi từ Mexico và là một tín đồ của Sư phụ tôi, và anh ở đây đón tiếp tôi. Khi chúng tôi thì thầm những câu làm quen với nhau, tôi có thể nghe thấy những nhịp quen thuộc đầu tiên của bài tụng ca tiếng Phạn mình yêu thích từ bên trong vẳng ra. Đó là arati buổi sáng, bài cầu nguyện sớm mai đầu tiên mà người ta tụng vào 3 giờ 30 sáng hàng ngày khi Ashram thức giấc. Tôi chỉ về ngôi đền, hỏi Arturo, “Tôi có thể…” và anh làm một cử chỉ xin cứ tự nhiên. Vậy là tôi trả tiền taxi, nhét ba lô sau một thân cây, cởi giày, quỳ xuống và chạm trán xuống bậc cầu thang đền thờ rồi rón rén vào bên trong, cùng tham gia vào buổi nhóm họp nhỏ gồm hầu hết là những phụ nữ Ấn đang ngồi ngâm bài tụng ca đẹp đẽ này.
Đây là bài tụng ca mà tôi gọi là “Sự Duyên dáng Kinh ngạc của tiếng Phạn”, đầy niềm khát khao sùng tín. Đó là một bài hát sùng bái mà tôi đã thuộc lòng, không phải vì cố gắng mà đúng hơn là vì tình yêu. Tôi bắt đầu tụng những lời quen thuộc bằng tiếng Phạn, từ phần giới thiệu đơn giản về các giáo huấn Yoga thiêng liêng đến những đoạn cao giọng tán thán (“Tôi tôn thờ nguồn gốc của vũ trụ… Tôi tôn thờ đấng có đôi mắt là mặt trời, mặt trăng và lửa… Ngài là tất cả đối với tôi, Ôi, thần của các thần…”) đến phần kết lại cuối cùng như bảo ngọc của toàn bộ đức tin (“Cái này là hoàn hảo, cái kia là hoàn hảo, nếu ta lấy hoàn hảo ra khỏi hoàn hảo, sự hoàn hảo vẫn còn lại”.)
Những phụ nữ này dứt tụng. Họ im lặng lễ bái rồi đi ra một cửa bên qua khoảng sân tối om đến ngôi đền nhỏ hơn, chỉ được thắp sáng bằng một ngọn đèn dầu và ngát mùi nhang. Tôi theo họ. Trong căn phòng đầy những người sùng tín – người Ấn và người Âu – quấn trong khăn choàng len để chống lại cái lạnh trước rạng đông. Tất cả đều ngồi tham thiền, làm tổ ở đó, ta có thể nói vậy, và tôi lẻn vào trong cạnh họ, con chim mới trong đàn, hoàn toàn không ai thấy. Tôi ngồi xếp bằng, đặt hai tay lên đầu gối, nhắm mắt.
Bốn tháng rồi tôi không thiền. Trong bốn tháng tôi thậm chí không nghĩ đến thiền. Tôi ngồi đó. Hơi thở lắng tĩnh. Tôi đọc thành tiếng câu chú một lần rất chậm rãi và khoan thai, từng âm tiết một.
Om.
Na.
Mah.
Shi.
Va.
Ya.
Om Namah Shivaya.
Tôi tôn kính sự thiêng liêng ngự trị trong tôi.
Rồi tôi lặp lại. Lần nữa. Rồi lần nữa. Không phải tôi đang thiền mà đúng hơn là đang mở ra câu chú một cách cẩn trọng, theo cách ta mở món đồ sứ quý nhất của bà mình khi nó được cất trong hộp suốt một thời gian dài, không được sử dụng. Tôi không biết mình có thiếp đi hay có rơi vào một loại bùa chú nào đó không, hay thậm chí thời gian đã qua bao lâu rồi. Nhưng cuối cùng khi mặt trời lên cao vào buổi sáng hôm ấy ở Ấn Độ và mọi người mở mắt, nhìn quanh, nước Ý giờ đây dường như đã mười ngàn dặm cách xa tôi, và dường như tôi đã ở trong đàn này mãi mãi.