Đọc truyện Ăn, Cầu Nguyện, Yêu – Chương 30
Đôi khi tôi rất ngạc nhiên nhận thấy rằng chị tôi là một người vợ và một người mẹ, còn tôi thì không. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ lẽ ra phải là ngược lại. Tôi nghĩ lẽ ra phải là tôi, có một nhà đầy ủng dính bùn và trẻ con la hét, trong khi Catherine sẽ sống độc thân, làm việc solo, nằm một mình trong giường đọc sách. Chúng tôi lớn lên thành những người khác với điều ai đó có thể thấy trước, khi chúng tôi còn bé. Dù sao, thế này thì tốt hơn, tôi nghĩ. Ngược với mọi dự đoán, hai chị em tôi đã tạo ra đời sống phù hợp với mình. Bản tính cô đơn của chị nghĩa là chị cần một gia đình để không đơn độc; bản tính thích giao du của tôi có nghĩa tôi sẽ không bao giờ phải lo nghĩ về chuyện một mình, ngay cả khi tôi độc thân. Tôi vui vì chị đang trở về nhà với gia đình và cũng vui vì tôi còn chín tháng du lịch nữa trước mặt, khi mà tất cả những gì tôi phải làm là ăn và đọc và cầu nguyện và viết.
Tôi vẫn không thể nói trước sẽ có lúc nào đó mình muốn có con không. Tôi đã rất ngạc nhiên nhận ra rằng mình không có con lúc ba mươi tuổi; hồi ức về sự ngạc nhiên đó khuyên tôi không đặt cược vào chuyện mình sẽ cảm thấy thế nào ở tuổi bốn mươi. Tôi chỉ có thể nói mình cảm thấy thế nào lúc này – biết ơn được một mình. Tôi cũng biết rằng mình sẽ không dấn bước và có con chỉ vì sợ sau này có thể sẽ hối tiếc đã bỏ lỡ điều đó; tôi không nghĩ đây là động cơ đủ mạnh để đưa thêm nhiều trẻ con vào thế gian. Tuy nhiên tôi cho rằng người ta sinh con đẻ cái đôi khi vì lý do đó – để bảo đảm sẽ không tiếc nuối về sau. Tôi nghĩ người ta có con vì đủ mọi loại lý do, đôi khi vì một khát khao đơn thuần là để nuôi nấng và chứng kiến sự sống, đôi khi vì không có sự chọn lựa, đôi khi để bám víu một người bên cạnh hay để có người nối dõi; đôi khi thì chẳng nghĩ về điều đó theo một cách cụ thể nào. Không phải tất cả các lý do có con đều giống nhau, và không nhất thiết tát cả các lý do đó đều vô tư. Nhưng, cũng không phải tất cả các lý do không có con đều giống nhau. Cũng không nhất thiết tất cả các lý do đó đều ích kỷ.
Tôi nói điều này vì tôi vẫn đang giải quyết lời cáo buộc chồng tôi đã chĩa vào tôi nhiều lần khi cuộc hôn nhân của chúng tôi đang sụp đổ – ích ỷ. Mỗi lần anh nói vậy, tôi đồng ý hoàn toàn, thừa nhận tội lỗi, chấp nhận hết tất cả. Lạy Chúa, tôi thậm chí còn chưa có con thế mà tôi đã hờ hững với chúng rồi, đã chọn mình hơn là chúng. Tôi đã là một người mẹ tồi tệ rồi. Những đứa trẻ này – những đứa trẻ ma – xuất hiện rất nhiều trong các tranh luận của chúng tôi. Ai sẽ lo liệu cho tụi nhỏ này? Ai sẽ ở nhà với tụi nhỏ? Ai sẽ chu cấp tài chính cho tụi nhỏ? Ai sẽ cho chúng ăn giữa đêm hôm? Tôi nhớ đã từng nói với cô bạn Susan khi cuộc hôn nhân của chúng tôi trở nên không thể chịu đựng nổi rằng, “Tớ không muốn con mình lớn lên trong một gia đình như thế này.” Susan nói, “Tại sao bồ không để cái gọi là trẻ con đó ra ngoài bàn cãi? Chúng thậm chí còn chưa tồn tại, Liz à. Sao bồ không thể thú nhận là bồ không muốn sống trong bất hạnh thêm nữa? Rằng không ai không hai bạn muốn cả. Nhân tiện, nên nhận ra điều đó bây giờ thì tốt hơn là trong phòng sinh khi bồ đã “mở” được năm centimét.”
Tôi nhớ trong khoảng thời gian đó có dự một buổi tiệc ở New York. Một cặp, một đôi nghệ sĩ thành đạt, vừa mới có con, và người mẹ đang làm lễ ăn mừng khai trương triển lãm các tác phẩm mới của cô. Tôi nhớ đã đứng nhìn người phụ nữ này, người mới vừa làm mẹ, bạn tôi, nghệ sĩ, khi cô đang cố gắng vừa làm bà chủ của buổi tiệc (ở trong phòng áp mái của cô) vừa chăm sóc đứa bé sơ sinh vừa cố thảo luận công việc của mình một cách chuyên nghiệp. Trong đời tôi chưa từng thấy ai trông thiếu ngủ đến vậy. Tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh cô ấy đứng trong bếp khi đã quá nửa đêm, chậu rửa đầy lút chén đĩa đến tận cùi chỏ, cố gắng dọn dẹp sau sự kiện này. Chồng cô (tôi xin lỗi tường thuật chuyện này, và tôi nhận thức đầy đủ rằng đây hoàn toàn không phải tiêu biểu cho mọi ông chồng) đang ở trong một phòng khác, hai chân chính xác là đang gác trên bàn cà phê, ngồi xem TV. Cuối cùng cô ấy hỏi anh ta có thể giúp lau bếp không, và anh ta nói, “Cứ để đấy, em yêu – mình sẽ dọn dẹp vào buổi sáng.” Đứa bé lại bắt đầu khóc. Sữa rỉ ra từ ngực bạn tôi thấm qua chiếc áo dạ hội.
Gần như dĩ nhiên là những người khác dự buổi tiệc này đã ra về với các quan niệm khác quan niệm của tôi. Bao nhiêu người khách khác có thể đã cảm thấy rất ghen tị với người phụ nữ xinh đẹp có đứa con mới chào đời khỏe mạnh, với sự nghiệp nghệ thuật thành công của cô ấy, với cuộc hôn nhân cùng một người đàn ông tử tế, với căn hộ dễ thương, với cái áo dạ hội của cô. Tại buổi tiệc này nhiều người có lẽ sẽ đổi đời mình với cô trong phút chốc, nếu cô cơ hội. Chính người phụ nữ này chắc rằng cũng nhìn lại buổi tối hôm đó – nếu có lúc nào cô nghĩ về nó – như một đêm mệt nhừ nhưng hoàn toàn xứng đáng trong toàn bộ cuộc đời làm mẹ, hôn nhân và sự nghiệp toại nguyện của mình. Dù sao, tất cả những gì tôi có thể nói về phần mình là tôi đã run lên hoảng sợ trong suốt cả buổi tiệc, nghĩ rằng: Nếu mi không nhận ra đây là tương lai của mi, Liz, thì mi mất trí rồi. Đừng để chuyện đó xảy ra.
Nhưng phải chăng tôi có trách nhiệm phải có một gia đình? Ồ, Chúa ơi – trách nhiệm. Từ đó đã tác động lên tôi cho đến khi tôi tác động lại nó, cho đến khi tôi xem xét nó kỹ lưỡng và bẻ nó ra làm hai từ tạo nên định nghĩa đích thực của nó: khả năng đáp ứng. Và điều cuối cùng tôi phải đáp ứng là hiện thực rằng mỗi hạt tồn tại của tôi bảo tôi ra khỏi cuộc hôn nhân của mình. Đâu đó trong tôi một hệ thống cảnh báo sớm dự báo là nếu tôi cứ cố đi qua cơn bão này trong căng thẳng, kết cục là tôi sẽ bị ung thư. Và rằng nếu tôi cứ đem bọn trẻ đến cuộc đời này, chỉ vì không muốn đối mặt với rắc rối phức tạp hay xấu hổ khi tiết lộ vài chuyện thiếu thực tế của bản thân – điều này sẽ là một hành vi vô trách nhiệm tai hại.
Cuối cùng, dù sao, tôi gần như đã đi theo sự dẫn dắt của cái gì đó mà cô bạn Sheryl nói với tôi tại buổi tiệc đêm ấy, khi cô thấy tôi nấp trong phòng tắm trên khu áp mái sang trọng của bạn mình, run rẩy sợ hãi, vã nước lên mặt. Lúc đó Sheryl chưa biết chuyện gì đang xảy ra trong hôn nhân của tôi. Chưa ai biết. Và đêm đó tôi cũng không nói cho cô ấy biết. Tôi chỉ có thể nói được một điều, “Tớ không biết phải làm gì nữa.” Tôi nhớ cô ấy nắm lấy vai tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi với một nụ cười bình thản và nói đơn giản, “Cứ nói thật, nói sự thật, nói sự thật.”
Vậy nên đó là điều tôi đã cố gắng làm.
Dù sao, bước ra khỏi hôn nhân là chuyện rất khó khăn, không chỉ vì sự phức tạp dính dáng đến luật pháp/tài chính hay những biến động to lớn trong lối sống. (Như bạn Deborah của tôi đã từng rất sáng suốt khuyên, “Chẳng ai chết vì chia tách đồ đạc trong nhà.”) Chính sự thoái lui về cảm xúc mới giết ta, cú sốc khi bước ra khỏi lộ tình đời sống quy ước và mãi mãi mất tất cả những tiện nghi bao bọc từng giữ biết bao nhiêu người trên lộ trình đó. Tạo dựng một gia đình với một người chồng hay vợ là một trong những cách cơ bản để một người có thể tìm thấy tính liên tục và ý nghĩa của xã hội Mỹ (hay bất kỳ xã hội nào). Tôi lại nhận ra chân lý này mỗi khi đến dự buổi họp mặt lớn của họ hàng đằng ngoại ở Minesota và thấy mọi người sao mà vững vàng an ổn trong vị trí của mình qua nhiều năm đến thế. Đầu tiên ta là một đứa trẻ, rồi là thiếu niên, rồi là một người còn trẻ lập gia đình, rồi là bố mẹ, rồi về hưu, rồi trở thành ông bà – ở mỗi giai đoạn ta biết ta là ai, ta biết phận sự của ta là gì và ta biết phải ngồi ở đâu trong buổi họp mặt. Ta ngồi với những đứa trẻ, hay thanh thiếu niên, hay bậc cha mẹ trẻ, hay người về hưu. Cho đến khi cuối cùng ta ngồi với những bậc chín mươi tuổi trong bóng tâm, trông nom con cháu mình một cách mãn nguyện. Ta là ai? Không thành vấn đề – ta là người đã tạo dựng ra tất cả thứ này. Sự mãn nguyện khi biết được điều đó diễn ra ngay tức thì, và hơn nữa, được thừa nhận phổ quát. Tôi đã nghe bao nhiêu người khẳng định con cái họ là thành tựu và niềm an ủi lớn nhất của đời họ rồi? Đó là điều họ luôn có thể dựa vào trong một cuộc khủng hoảng siêu hình, hay một phút giây hồ nghi về tính thích hợp của họ – nếu tôi đã không làm được bất cứ gì khác trong đời này, thì ít nhất tôi cũng đã nuôi dạy con cái tử tế.
Nhưng nếu, hoặc do chọn lựa hoặc do bắt buộc khiên cưỡng, ta không tham gia vào cái vòng tròn dỗ dành của gia đình và kế tục này thì sao? Nếu ta bước ra thì sao? Ta sẽ ngồi đâu ở buổi họp mặt? Làm sao ta đánh dấu thời gian trôi qua mà không sợ rằng mình đã lãng phí thời gian trên cõi đời một cách không thích đáng? Ta sẽ phải tìm ra một mục đích khác, một thước đo khác để đánh giá ta có phải là một người thành công hay không. Tôi yêu trẻ con, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không có đứa con nào cả? Điều đó biến tôi thành loại người nào?
Virginia Woolf đã viết, “Bóng một thanh gươm sẽ đổ xuống cắt ngang lục địa rộng lớn là đời một phụ nữ.” Ở bên này của thanh gươm đó, bà nói, là quy ước, truyền thống và trật tự, nơi “tất cả đều đúng”. Nhưng ở bên kia của thanh gươm, nếu ta đủ điên rồ bước qua và chọn một cuộc đời không tuân theo quy ước, “tất cả đều hỗn loạn. Không có gì theo một tiến trình bình thường.” Lý lẽ của bà là bước qua bóng của thanh gươm đó có thể đem đến một tồn tại thú vị hơn rất nhiều cho một phụ nữ, nhưng ta có thể chắc nó cũng sẽ hiểm nghèo hơn.
Tôi may mắn là chí ít tôi còn có công việc viết lách. Đây là điều gì đó mọi người có thể hiểu. À, cô ta từ bỏ hôn nhân để bảo toàn nghệ thuật của mình. Điều này có phần nào đúng, dù không phải hoàn toàn là thế. Rất nhiều nhà văn có gia đình. Toni Morrison, ví dụ, không để việc nuôi dạy con cái cản trở bà giành được cái thứ rẻ tiền nhỏ bé mà ta gọi là Giải Nobel. Nhưng Toni Morrison đã tạo ra con đường riêng của bà, còn tôi phải tạo lập con đường của tôi. Bhagavad Gita – bản kinh Yoga Ấn Độ cổ ấy – nói là sống định mệnh của chính mình một cách không hoàn hảo thì tốt hơn là sống mô phỏng đời của người khác một cách hoàn hảo. Vậy nên giờ đây tôi bắt đầu sống cuộc sống của chính mình. Dù có thể trông không hoàn hảo và vụng về, nhưng giờ thì nó giống tôi, hoàn toàn.
Dù sao, tôi nêu ra tất cả những điều này chỉ để thú nhận là – so với tồn tại của chị tôi, với gia đình của chị, cuộc hôn nhân tốt đẹp của chị và những đứa con chị – tôi có vẻ khá bất ổn trong những ngày này. Thậm chí tôi không có lấy một địa chỉ, và điều này gần như một tội ác chống lại tính chuẩn tắc ở cái tuổi già chín chắn ba mươi tư này. Thậm chí ngay lúc này, tất cả đồ đạc của tôi đang cất trong kho nhà Catherine và chị ấy đã cho tôi một phòng ngủ tạm thời trên tầng trên cùng nhà chị (nơi chúng tôi gọi là “Khu Bà dì Chưa chồng”, vì nó bao gồm một cửa sổ gác xép nơi tôi có thể đăm đăm nhìn ra những cánh đồng hoang ngoài kia trong chiếc áo cưới cũ của mình, u hoài về tuổi trẻ đã mất). Catherine có vẻ hài lòng với thu xếp này, và điều đó tất nhiên thuận tiện cho tôi, nhưng tôi cảnh giác với mối nguy rằng nếu trôi dạt khỏi thế giới này một cách tùy tiện quá lâu, một ngày nào đó tôi có thể trở thành Kẻ Lập dị trong Gia đình. Hoặc chuyện đó có thể đã xảy ra. Hè năm ngoái, đứa cháu gái năm tuổi của tôi mời cô bạn nhỏ đến nhà chị tôi chơi. Tôi hỏi đứa bé nó sinh nhật ngày nào. Cô bé nói là ngày 25 tháng Một.
“Ư-ô!” Tôi nói. “Vậy con là tuổi Bảo Bình rồi! Cô đã hẹn hò với nhiều người tuổi Bảo Bình đủ để biết là họ rắc rối.”
Cả hai đứa bé năm tuổi nhìn tôi ngơ ngác với một chút ngờ vực sợ sệt. Đột nhiên tôi có một ý niệm kinh hãi về người đàn bà mà mình có thể trở thành nếu không thận trọng: Dì Liz Khùng. Một bà ly dị trong cái áo dài lụng thụng với mái tóc nhuộm cam, không ăn thực phẩm bơ sữa mà hút thuốc lá bạc hà, một người lúc nào cũng vừa mới trở về sau chuyến du lịch chiêm tinh trên sông nước hay sau khi đoạn giao với người bạn trai chuyên gia hương dược của bà ta, một người xem bài tarô cho trẻ mẫu giáo và nói những thứ như, “Hãy đem cho Dì Liz một thùng làm lạnh rượu khác, cưng, và ta sẽ cho mi đeo cái nhẫn đá đổi màu của ta…”
Cuối cùng tôi phải trở lại là một công dân đáng tin cậy hơn, tôi biết điều ấy.
Nhưng chưa đâu… xin làm ơn. Vẫn chưa đâu.