Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 20


Đọc truyện Ăn, Cầu Nguyện, Yêu – Chương 20

Tôi phải làm quen với vài người bạn. Vậy là tôi trở nên khá bận bịu với việc đó, bây giờ là tháng Mười và tôi đã có khá nhiều bạn bè. Giờ thì ngoài mình ra, tôi biết được thêm hai người tên Elizabeth ở Roma nữa. Cả hai là người Mỹ, cả hai đều là nhà văn. Elizabeth thứ nhất là người viết tiểu thuyết và Elizabeth thứ hai là người viết về ẩm thực. Với một căn hộ ở Roma, một căn nhà ở Umbria, một người chồng Ý và một công việc đòi hỏi cô phải đi khắp nước Ý ăn những món ăn và viết lại cho tờ Gourmet, hình như Elizabeth thứ hai hẳn là đã cứu rất nhiều trẻ mồ côi khỏi chết đuối trong một kiếp trước. Không lạ gì khi cô biết tất cả những nơi ăn uống ngon nhất ở Roma, kể cả một gelateria phục vụ loại bánh puddinh gạo đông lạnh (và nếu họ không phục vụ loại này ở thiên đường thì quả thật tôi không muốn đến đó). Mới đây cô dẫn tôi đi ăn trưa, và chúng tôi không chỉ ăn thịt cừu rồi kẹo mềm sô cô la rồi món carpaccio 1 và tiếp theo là kem mút quả phỉ mà còn thêm một suất ăn nhỏ, lạ là lampascione dầm, như mọi người đều biết, thân của hoa dạ lan hương dại.

Tất nhiên, lúc này tôi cũng đã kết bạn với Giovanni và Dario, hai anh em sinh đôi Bạn Giao lưu Xe đạp đôi đẹp trai của tôi. Theo tôi, với sự ngọt ngào của mình, Giovanni là một kho báu của nước Ý. Ngay từ buổi tối gặp gỡ đầu tiên anh đã khiến tôi mến anh mãi mãi. Khi tôi trở nên thất vọng vì không thể tìm ra những từ mình muốn trong tiếng Ý, anh đã đặt tay lên cánh tay tôi và nói, “Liz, chị phải thật nhã nhặn với chính mình khi học hỏi điều gì mới.” Đôi khi tôi cảm thấy như anh già dặn hơn mình, nào là vẻ nghiêm trang rồi thì bằng triết học và những ý kiến chính trị nghiêm túc của anh. Tôi thích chọc anh cười, nhưng không phải lúc nào Giovanni cũng hiểu những câu đùa của tôi. Khó mà nắm bắt được sự hài hước trong một ngôn ngữ thứ hai. Nhất là khi ta lại là một chàng trai trẻ nghiêm túc như Giovanni. Một đêm mới đây anh nói với tôi, “Khi chị châm biếm, tôi luôn sau chị. Tôi chậm hơn. Giống như chị là sét còn tôi là sấm.”

Và tôi nghĩ: Đúng vậy, anh yêu! Và anh là nam châm còn em là thép! Hãy mang em đến thế giới của anh, hãy lấy đi thế giới của em!

Ấy vậy mà anh vẫn chưa hôn tôi.

Tôi ít khi thấy Dario, người anh em sinh đoi kia, dù cậu ta dành rất nhiều thời gian với Sofie. Sofie là bạn thân nhât của tôi ở lớp ngoại ngữ, và cô ấy dứt khoát là người mà bạn cũng sẽ muốn được ở bên cạnh, nếu bạn là Dario. Sofie là người Thụy Điển độ ngoài hai mươi và xinh kinh khủng đến nỗi ta có thể để cô ấy vào một lưỡi câu và dùng cô ấy như một cái mồi để bắt đàn ông thuộc mọi quốc tịch và mọi lứa tuổi. Sofie vừa mới xin nghỉ phép bốn tahsng ở chỗ làm ngon lành tại một ngân hàng Thụy Điển, khiến gia đình cô rất hoảng sợ còn đồng nghiệp rất hoang mang, chỉ vì cô ấy muốn đến Roma và học nói tiếng Ý kiều diễm. Mỗi ngày sau giờ học, Sofie và tôi đến ngồi bên sông Tiber, ăn gelato và cùng học. Bạn thậm chí không thể gọi chính xác cái việc chúng tôi đang làm là “học”. Đúng hơn phải là cùng thưởng thức tiếng Ý, gần như một nghi thức sùng tín, và chúng tôi luôn giới thiệu với nhau những cụm từ và câu mới hay tuyệt. Ví như mới đây, chúng tôi vừa học được unamica stretta là “một người bạn thân”. Nhưng stretta theo nghĩa đen là chật, như khi nói về quần áo, ví dụ một cái váy chật. Nên một người bạn thân, trong tiếng Ý, là một người bạn có thể ôm chặt lấy và cảm nhận sự ấm áp thoải mái ngay trên da ta, và cô Sofie Thụy Điển bé bỏng của tôi đang trở nên như thế đối với tôi…

Lúc đầu, tôi muốn nghĩ Sofie và tôi trông giống như chị em. Thế rồi mới đây khi chúng tôi gọi một chiếc taxi chạy khắp Roma, người lái taxi đã hỏi có phải Sofie là con gái tôi không. Này, mấy anh, cô gái này chỉ nhỏ hơn tôi khoảng bảy tuổi thôi đó. Đầu óc tôi dấn sâu vào chế độ biện bạch, cố thanh minh điều ông ấy vừa nói. (Ví dụ, tôi nghĩ, có lẽ người taxi bản xứ Roma này nói tiếng Ý không chuẩn lắm, và có ý hỏi có phải chúng tôi là chị em không.) Nhưng, không. Ông nói con gái và ông ngụ ý là con gái. Ôi, tôi phải nói gì bây giờ? Trong mấy năm vừa qua tôi có vẻ trải qua rất nhiều thứ. Tôi hẳn có vẻ tàn tạ và già đi sau vụ ly dị ấy. Nhưng như ca khúc đồng quê-Viễn Tây cũ vùng Texas ấy, “Tôi đã bị lừa đảo, bị kiện và đánh đập, vậy mà tôi vẫn đang đứng đây trước mặt anh…”


Tôi cũng trở thành bạn của một đôi tuyệt vời là Maria và Giulio, do cô bạn Anne của tôi giới thiệu – một họa sĩ người Mỹ đã sống ở Roma vài năm trước. Maria từ Mỹ, còn Giulio thì từ miền Nam nước Ý. Anh ấy là một nhà sản xuất phim, còn Maria làm việc cho một tổ chức chính sách nông nghiệp quốc tế. Anh nói tiếng Anh không giỏi lắm, nhưng cô thì nói tiếng Ý rất trôi chảy (và còn nói trôi chảy tiếng Pháp và tiếng Trung nữa, nên điều đó không đáng sợ). Giulio muốn học tiếng Anh và hỏi anh có thể thực tập tiếng Anh với tôi trong một Giao lưu Xe đạp đôi khác không. Nếu bạn thắc mắc tại sao anh ấy không chỉ cần học tiếng Anh với cô vợ người Mỹ của mình, thì đó là vì họ là vợ chồng và tranh cãi quá nhiều mỗi khi một người cố chỉ cho người kia bất kỳ điều gì. Nên giờ đây Giulio và tôi gặp nhau vào giờ ăn trưa hai lần mỗi tuần để thực tập tiếng Ý và tiếng Anh của mình; một nhiệm vụ tốt cho hai người không có bất kỳ chuyện gì làm người kia khó chịu.

Giulio và Maria có một căn hộ rất đẹp mà nét ấn tượng nhât của nó, theo tôi là bức tường một lần Maria đã phủ lên những lời nguyền rủa giận dữ dành cho Giulio (nguệch ngoạc bằng nét bút lông đen) vì họ đã tranh cãi và “anh ấy hét to hơn tôi” nên cô ấy muốn chen lời vào.

Tôi nghĩ Maria cực kỳ gợi tình, và bức grafiti 2 mãnh liệt bộc phát này chỉ minh chứng thêm cho điều đó. Tuy nhiên điều thú vị là, Giulio xem bức tường với chữ viết nguệch ngoạc ấy cho thấy rõ ràng là Maria đã kiềm chế, vì cô viết những câu chửi rủa anh bằng tiếng Ý, mà tiếng Ý là ngôn ngữ thứ hai của cô, thứ ngôn ngữ cô phải suy nghĩ một lát trước khi có thể tìm được từ ngữ. Anh nói nếu Maria đã thực sự cho phép cô giận mất khôn – điều cô không bao giờ làm, vì cô là một tín đồ Tin lành gốc Anglo chân chính – cô ấy đã viết đầy cả bức tường bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh rồi. Anh nói tất cả những người Mỹ đều giống như vậy: kiềm chế. Điều này khiến họ nguy hiểm và rất có khả năng chí mạng khi họ đã nổi nóng.

“Một kiểu người hoang dại”, anh chẩn đoán.

Điều tôi rất thích là tất cả chúng tôi có cuộc chuyện trò này trong một buổi ăn tối thư thả dễ chịu, ngồi ngắm bức tường.


“Thêm chút rượu chứ, cưng?” Maria hỏi.

Nhưng bạn tốt nhất của tôi ở Ý là, dĩ nhiên rồi, Luca Spaghetti. Nhân tiện, ngay cả ở Ý người ta cũng thấy có một cái họ như Spaghetti là buồn cười. Tôi biết ơn Luca vì anh ấy đã cho phép tôi cuối cùng trả đũa được anh bạn Brian của mình, người đã rất may mắn lớn lên ở kế nhà một cậu bé Mỹ bản xứ tên là Dennis Ha-Ha, và vì vậy luôn có thể khoác lác là anh có người bạn với cái tên tuyệt nhất. Cuối cùng, tôi có thể đề nghị cạnh tranh rồi.

Luca cũng nói tiếng Anh rất thạo và là một người sành ăn (trong tiếng Ý là una buona forchetta – một cái dĩa tốt), nên anh là người bạn tuyệt vời với một kẻ háu đói như tôi. Anh thường gọi giữa ngày để nói, “Này, tôi đang ở gần cô đây – muốn hẹn nhau uống một tách cà phê không? Hay một đĩa nuôi bò?” Chúng tôi dành rất nhiều thời gian trong các cửa hàng tầng hầm nhỏ bẩn thỉu tại những con hẻm của Roma. Chúng tôi thích mấy cái quán ăn trong ánh đèn huỳnh quang và không có tên bên ngoài đó. Khăn bàn nilon ca rô đỏ. Rượu mùi limoncello địa phương. Rượu vang đỏ địa phương. Mì ống được dọn ra nhiều đến không thể tin nổi mà Luca gọi là “những Julius Caesar bé bỏng” – những anh chàng địa phương huênh hoang tự đắc với mu bàn tay lông lá và mái tóc hất ngược ra sau được chăm chút rất kỹ. Một lần tôi nói với Luca, “Tôi thấy hình như những anh chàng này tự xem mình trước hết là người Roma, hai mới đến là người Ý và thứ ba là người châu Âu.” Anh chỉnh tôi, “Không – đầu tiên họ là người Roma, thứ hai là người Roma, và thứ ba cũng là người Roma. Và mỗi người họ là một Hoàng Đế.”

Luca là một nhân viên kế toán thuế. Một nhân viên kế toán thuế Ý, theo chính anh miêu tả, có nghĩa là “một nghệ sĩ”, vì ở Ý có vài trăm luật thuế trong sách và tất cả chúng đều mâu thuẫn với nhau. Vậy nên điều một tờ khai thuế ở đây đòi hỏi một khúc jazz ngẫu hứng. Tôi thấy buồn cười khi anh là một nhân viên thuế, vì có vẻ như đây là một công việc quá cứng nhắc cho một chàng trai quá vui vẻ như thế. Còn Luca thì nghĩ thật buồn cười là có một khía cạnh khác ở tôi – khía cạnh Yoga – mà anh chưa từng thấy. Anh không thể hiểu nổi tại sao trong tất cả các nơi, tôi lại muốn đi Ấn Độ – và dến một Ashram! – trong khi tôi chỉ cần ở lại Ý cả năm, nơi rõ ràng là tôi thuộc về. Mỗi khi anh thấy tôi dùng một khoanh bánh mì chấm hết phần nước xốt còn lại trong đĩa của mình và liếm ngón tay, anh nói, “Cô sẽ ăn gì đây khi đến Ấn Độ?” Đôi khi anh gọi tôi là Gandi, bằng cái giọng giễu cợt nhất, thông thường là khi tôi mở chai rượu thứ hai.


Luca đã đi chu du khá nhiều, dù anh tuyên bố không bao giờ có thể sống ở bất kỳ đâu ngoài Roma, gần mẹ anh, vì anh là một người đàn ông Ý, xét cho cùng – anh có thể nói gì đây? Nhưng không chỉ có mamma là người khiến anh quanh quẩn. Anh mới đầu độ tuổi ba mươi, và có một cô bạn gái từ hồi anh còn là thiếu niên đến giờ (cô Giuliana dễ thương mà Luca mô tả một cách trìu mến và thông minh là acqua e sapone – “xà phòng và nước” vì sự ngây thơ ngọt ngào của cô ấy). Tất cả bạn bè của anh đều là những người bạn từ thuở ấu thơ, và tất cả đều cùng là hàng xóm. Mỗi Chủ nhật họ cùng xem các trận bóng đá – ở sân vận động hay trong một quán rượu (nếu mấy đội Roma thi đấu ở xa) – và rồi cả bọn mỗi người một ngả về ngôi nhà nơi họ lớn lên để ăn buổi cơm trưa Chủ nhật thật ê hề do mẹ và bà mình nấu.

Tôi cũng sẽ không đi đâu khỏi Roma, nếu tôi là Luca Spaghetti.

Dù vậy, Luca đã đến Mỹ vài lần và thích Mỹ. Anh thấy thành phố New York hấp dẫn nhưng cho rằng mọi người ở đấy làm việc quá cật lực. Tuy nhiên anh thừa nhận họ có vẻ thích thú điều ấy. Trong khi đó người Roma làm việc cật lực nhưng bực tức chuyện đó khủng khiếp. Thứ Luca Spaghetti không thích là thức ăn Mỹ mà anh có thể mô tả trong hai chữ: “Amtrak Pizza”.

Lần đầu tiên trong đời tôi thử ăn ruột cừu sơ sinh là cùng với Luca. Đây là một món đặc sản của Roma. Về thực phẩm, Roma quả thực là một thành phố khá phàm tục, nổi tiếng với thực ăn truyền thống thô như lòng và lưỡi – tất cả các bộ phận của con thú mà người giàu trên miền Bắc ném đi. Mùi vị món ruột cừu non của tôi cũng được, với điều kiện tôi không nghĩ quá nhiều nó là cái gì. Người ta dọn món ruột cừu này với nước xốt đậm đặc, có bơ, thơm ngon mà tự nó cũng đã tuyệt rồi, nhưng ruột thì có một kiểu như… ờ… trước sau như một vẫn là ruột. Kiểu như gan, nhưng xốp hơn. Tôi cũng xoay xở được cho đến khi bắt đầu cố nghĩ xem mình có thể mô tả món này thế nào, và tôi tự nhủ: Nó trông không giống ruột. Thực ra nó trông như sán dây. Rồi tôi đẩy nó qua một bên và gọi một đĩa xà lách.

“Cô không thích nó à?” Luca hỏi, anh rất thích món này.

“Tôi cá trong đời mình Gandhi chưa bao giờ ăn ruột cừu non,” tôi nói.


“Có thể ông ấy đã ăn.”

“Không, ông ấy không làm vậy, Luca. Gandhi là người ăn chay.”

“Nhưng những người ăn chay có thể ăn món này,” Luca cứ khăng khăng. “Vì ruột thậm chí không phải là thịt, Liz à. Nó chỉ là phân.”

— —— —— —— ——-

1 Thịt bò, thịt bê hay cá ngừ sống thường được thái mỏng hay tán mỏng làm món khai vị.

2 Tiếng Ý: tranh tường.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.