Âm Trung Quỷ

Chương 18: Hồi ức kinh hoàng


Đọc truyện Âm Trung Quỷ – Chương 18: Hồi ức kinh hoàng

(Theo lời kể nạn nhân)

Tháng 8/1948, cuộc chiến tranh đang đi vào giai đoạn khốc liệt.

Bùm…Bùm từng quả pháo được quân địch dội liên tục vào điểm tập kích. Nhìn xung quanh đồng đội tôi đang bò từng chút một dưới đất, ai nấy mặt mũi lấm lem bột pháo, mong phá được vòng vây của địch.

Tiếng súng không ngớt vang lên khiến tai tôi ù đi. Trước mắt là mù mịt khói bụi, tầm nhìn của tôi bị giảm xuống, tôi vẫn nã súng về phía quân địch, mong hạ được vài tên, phá lỏng thế kìm đang ngày càng thắt lại dần.

Quân tiếp viện đến, mang theo lựu đạn, bom ba càng. Tiểu đội trưởng cau mày kiên định rồi hét: “Tôi sẽ cầm bom ba càng đi trước, các cậu bọc hậu theo sau. Hãy nhớ, phá được vòng vây, lập tức rút quân, không ngoái đầu lại!” Mọi người phản đối: “không được! Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi đồng đội”. Tiểu đội trưởng tức giận: “Không có hi sinh, không lối thoát. Một người vì mọi người, xông lên!…” – nói rồi anh ôm bom ba càng xông lên phía trước. Mọi người đành phải bọc hậu sát theo sau. Khi tới gần vòng vây của địch, tiểu đội trưởng ôm bom lao vào. Quả bom phát nổ. Địch tản mác.

Mọi người nuốt đau xót và căm hận chạy thẳng ra phía ngoài, người mở đường phía trước, người bọc hậu phía sau, cả tiểu đội rút lui.

Hơn 2 chục con người chạy lầm lũi khi tiếng súng phía sau ngày càng sát dần. Khu rừng nơi địa hình hiểm trở này có thể là một mê cung không lối thoát.

“Đoàng” tiếng súng lại vang lên, Hoàng- người chạy cuối đội gục xuống, tôi sững lại.

“Chạy tiếp đi!” Thiêm hét lên, tôi đành chạy tiếp.

Từ trong lùm cây trước mặt, một vài tên lính Pháp nhảy ra chặn đường. Chúng tôi bị mai phục.

Chúng nã súng về phía chúng tôi. Mọi người nhanh chóng nấp sau tảng đá, gốc cây. Sau vài đợt đạn, chúng tiến lại gần hơn.

Thiêm ngoắc đầu. Chúng tôi chia ra làm 3 hướng chạy.

Tôi cùng ba người nữa lẩn xuống khu dốc đồi bên phải. Địch theo sát. Tiếng súng vẫn ầm ì phía sau.

“Đoàng” tiếng súng vang lên rất gần và tôi thấy cơ thể nặng trĩu, mất đi trọng lực.

Tôi lăn xuống đồi, cỏ cây quật buốt rát mặt. Điều cuối cùng tôi nghe thấy là tiếng gọi của Nam: “Bình ơi..!”

*

Mưa rơi từng giọt lộp độp…

Tôi mở mắt ra

Từng cơn đau nhức dồn dập khiến tôi không thở được.


Cơ thể đơ cứng tôi không cử động nổi. Tôi vẫn nằm ở nơi cây cỏ phủ đầy, rậm rạp. Tôi sờ vào túi áo ngực đình rút ra cây sáo quen thuộc nhưng tay quá yếu không thể làm được.

“Cứu…cứu tôi với…” tôi thều thào. Tôi thầm nghĩ sao tôi không chết đi…

Tôi lại ngất đi tiếp…

Sáng. Ánh nắng chiếu thẳng vào mắt làm tôi lại tỉnh

Tôi yếu ớt giơ tay lên che mắt. Tay tôi khô đọng những máu.

Bất chợt một…à không…hai bóng đen tiến lại gần. Họ cúi xuống, che mất ánh mặt trời chói chang.

“Cứu…cứu tôi…”

Họ đỡ tôi dậy. Những cơn đau càng như thét gào. Rồi xung quanh tôi mọi thứ lại tối mịt.

*

Mở mắt ra lần ba, tôi thấy mình đang nằm trên giường. Khắp người là bông băng trắng. Tôi đang ở đâu đây?

“Tỉnh rồi à?” Một người phụ nữ trung niên bước vào. “Đây, cháo đây. Để tôi đỡ cậu dậy húp”.

Húp cháo xong tôi yếu ớt hỏi:” Tôi đang ở đâu thế này? Còn đồng đội của tôi đâu?…”

“Hai hôm trước tôi đi lượm củi nhóm bếp với ông chồng tôi thì thấy cậu đang nằm ở trong rừng thì cứu về. Tôi là con ở của nhà này thôi. Tôi xin phép ông chủ rồi. Cậu sẽ được ở đây tới khi khoẻ lại…”

“Tốt… Tốt quá…” – Tôi lắp bắp. “Cháu cảm ơn lắm…mà bác có thấy ai đó khác không…Đồng đội của cháu…? Họ cũng mặc quần áo như này…”

“Tôi chỉ nghe tin là địch mai phục một đại đội quân ta ở gần đây. Nghe nói là chỉ vài người thoát được…cậu cũng may mắn đấy. Thôi đừng suy nghĩ nữa. Cố nghỉ ngơi cho khoẻ”

Chân tôi bị nẹp cứng lại. Chắc gãy chân rồi. Ngã thế là còn nhẹ. Không hiểu sao tôi vẫn sống sót mà nằm đây. Bên chân phải bông băng kín. Đau nhức vô cùng. Tôi nhớ ra rồi. Tôi bị đạn bắn vào chân.

Những ngày dài trôi qua, tôi được nhận sự chăm sóc của hai vợ chồng người giúp việc. Có vài lần tôi bước ra khỏi căn phòng kho nhỏ nơi tôi nằm. Căn nhà rộng rãi vô cùng nhưng có vẻ không phải lúc nào ông bà chủ cũng có mặt ở đây.

Hỏi chuyện thì tôi nhận được lời giải thích: “Đây cũng chỉ là một trong những căn nhà của ông bà chủ tôi thôi. Gia đình tôi làm cho nhà ông chủ cũng mấy đời rồi, nhà ông chủ là địa chủ nức tiếng vùng này đấy, giàu lắm. Giờ ông bà chủ sống ở Thái Nguyên, giao căn nhà này cho chúng tôi trông nom, chủ yếu là để thờ phụng gia tiên.”

Tôi gật gù cho qua câu chuyện. Tôi vô cùng sốt ruột, vết thương lâu lành mà tôi muốn trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu với mọi người.


Có một lần sáng dậy, tôi không thấy vợ chồng người ở qua phòng, tôi tập tễnh đứng dậy, khó nhọc lết ra ngoài đi tìm họ.

Tôi đinh ninh rằng ở nhà không có ai cho đến khi tôi đi gần đến cánh cửa của gian nhà chính. Họ ở đây ư?

Tò mò tôi tiến lại gần cánh cửa mở hé

Không phải. Không phải họ.

Bên trong có khá đông người. Họ đang bàn luận chuyện gì đó

Chủ yếu là những người đàn ông ăn mặc sạch sẽ, sang trọng đang ngồi thưởng trà trong chén do một người phụ nữ liên tục châm trà.

Người đàn ông ngồi giữa có dáng người bệ vệ, ria mép, đưa chiếc tẩu lên hút. “Nhìn bộ vest tây mới tậu của tôi này. Cũng kiểu cách đấy…”

Người đàn ông khác ngắt lời: “Còn chuyện kia…như thế nào đây? Cũng phải tìm người rồi chứ?…”

“Người thì thiếu gì.” Người đàn ông hút tẩu đáp. “Chưa chi ở nhà tôi đã sẵn có rồi.”

“Tuỳ ông thôi. Điều gì tốt cho dòng họ chớ có lơ là.”

Tôi toát mồ hôi. Ngón tay run run.

Tôi lặng lẽ rút khỏi cánh cửa, rời khỏi cuộc trò chuyện

Họ đang toan tính điều gì vậy?

Tôi chẳng nghĩ thêm gì nữa. Dù sao cũng là việc của gia đình họ. Điều tôi mong mỏi nhất bây giờ đó là có thể trở về cùng với mọi người. Tiểu đội của tôi…Còn lại những ai?

Có những đêm, tôi không ngủ được, hình ảnh nơi chiến trường quá khốc liệt khiến tôi càm thấy hư hư ảo ảo. Cuộc sống yên bình nhàm chán ngày ba bữa cơm này dường như không phải của tôi. Tôi nhớ những đêm nằm chiến dịch, ăn khoai và củ rút chấm muối cùng anh em đồng đội. Tôi thích thổi sáo. Tôi hay giữ lấy một cây bên mình, trong túi áo ngực, lúc nào cũng thế. Một lần, một viên đạn đã sượt qua ngực tôi nhưng đã bị cây sáo chặn lại. Từ đó tôi càng trân trọng cây sáo của mình hơn. Mất cây này tôi lại đẽo thêm cây khác. Có những khi lạc đồng đội, chỉ cần thổi một bài sáo nhỏ rồi chờ đợi, kiểu gì cũng có người đến tìm tôi. Việc thổi sáo khiến tôi nghĩ lại những năm tháng êm đềm ngày thơ ấu, đi chăn trâu với bọn trẻ trong làng và thi nhau thổi sáo.

Có những đêm tôi nằm mơ thấy ác mộng. Cả tiểu đội tôi chạy, chạy mãi không tới nơi, từng người, từng người một dần biến mất. còn lại mình tôi trong đêm đen đặc. Vết thương cứ nhức mãi mà chẳng thấy lành. Dạo này tôi ít khi gặp vợ chồng ông bà người ở, chỉ có một cô bé nhếch nhác mang cơm tới cho tôi, đến rồi đi chẳng nói câu nào. Tôi cảm giác như mình bị cầm tù vậy.

Một tối, thấy bóng dáng người phụ nữ bước lại gần căn phòng tôi ở, tôi hết sức mừng rỡ. Thấy bà ta, tôi vội vàng mở lời: “Bác! Lâu lắm không thấy bác. Cháu có chuyện muốn nói…”.


Người phụ nữ ngắt lời: “Bình. Ông bà chủ định đưa cậu về Thái Nguyên để tiện bề chăm sóc hơn. Nghe nói vết thương cậu mãi chưa lành nhì. Tôi cũng thấy lo lắm. Lên đó sẽ tốt hơn là ở đây với hai ông bà già bận bịu suốt ngày này”

Tôi vội vàng: “Không không. Cháu không cần đâu. Về chiến khu cũng có thuốc mà. Dù có thiếu thốn nhưng cháu còn đồng đội. Giờ ở đây không ai biết cháu sống chết thế nào, chắc mọi người lo lắng lắm. Xin bác nhờ nói với ông bà chủ. Cháu vô cùng cảm kích, nhưng cháu phải về thôi.”

“Bác không nói trước được đâu…Tính ông chủ…Bao năm nay nói rồi khó mà không theo…Thôi bác đi có việc chút…”

Nói rồi người phụ nữ bước ra khỏi cửa thật nhanh như lúc đến.

Đêm đó, tôi lập kế hoạch để bỏ trốn. Đồ đạc tôi chẳng có gì, mang theo ít đồ ăn dắt vào bộ quần áo bộ đội cũ, tôi mặc nó lên người rồi đợi khi đêm đến sẽ lẻn ra ngoài.

Ông bà chủ vẫn đang ở đây. Họ chưa vào thăm tôi lần nào, tôi có gặp bà chủ vài lần, bà ta cũng chỉ gật đầu chào. Tại sao tự dưng họ lại nhiệt tình chữa bệnh cho tôi như vậy?

2h đêm. Xung quanh chỉ còn tiếng ếch kêu ộp oạp. Tôi nằm chờ đến lúc rồi nhìn ngó quanh, lẻn ra ngoài sân rồi đi về hướng cổng sau. Từng bước từng bước một tôi rón rén cẩn thận ngó trước sau.

Tới gần cánh cổng gỗ mục sau sân vườn, tôi đẩy cửa nhưng nó đã bị khóa lại. Nếu như cái chân của tôi lành lặn thì…tôi đã trèo qua tường ra ngoài dễ dàng rồi. Túm lấy hòn gạch vỡ nằm gần đó, dùng sức bình sinh tôi đập thật mạnh vào chiếc khóa. Vài ba nhát đập nó đã lung lay dần. May quá. Nhưng tôi không hề để ý rằng, tiếng động đã vang lên to thế nào.

Độp. Một thứ rất nặng giáng vào đầu tôi…

*

Mở mắt ra tôi thấy mình đang chòng chành trên một chiếc xe cổ kiểu Pháp. Tôi chỉ nhìn thấy nó qua tranh ảnh sách báo chứ chưa được nhìn tận mắt bao giờ. Bên cạnh tôi là một người đàn ông lực lưỡng. Phía trước có tài xế.

“Tôi đang ở đâu đây? Thả tôi xuống!!”

Tên mập quay sang nói: “Được ăn được ngủ miễn phí, còn chưa trả ơn mà còn đòi bỏ trốn à? Thằng Việt Cộng nảy.”

“Tôi sẽ quay lại! Đồng đội cần tôi. Tôi không thể ở đấy mà sống như một tên đào ngũ!” Tôi hét lên với nó.

“Im đi. Mày khôn hồn thì để ông bà chủ chữa cái chân què này cho mày”.

Xe đi mấy tiếng đồng hồ thì tới một cân nhà đồ sộ trên Thái Nguyên. Tôi bị tống vào một căn phòng nhỏ dưới tầng 2. Ngày ngày có người canh giữ. Tôi chẳng hiểu họ giữ tôi lại làm gì. Thà nộp tôi cho bọn lính Pháp, còn hơn sống không mục đích thế này.

Mang tiếng là ông bà chủ nhưng tôi chưa được nói chuyện riêng với họ lần nào. Chăm sóc tôi chỉ có mấy cô hầu gái, tôi gặng hỏi gì họ cũng không trả lời. Tôi gần như phát điên.

1 tháng sau đó tôi bị ép ăn uống và uống thuốc đều đặn. Sức khỏe của tôi cải thiện rõ rệt. Tại sao lúc ở ngôi nhà kia lại không được như vậy nhỉ? Vết thương của tôi gần như lành hẳn. Ở trong phòng tôi vẫn tập đi đều đều, giờ cũng đi lại gần như bình thường rồi.

Sáng hôm ấy, tôi được đánh thức rồi mời ra phòng khách, ông chủ gặp. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến ông ta.

Tôi được ngồi vào trong một căn phòng ăn lớn, có tấm bàn kính ở giữa. Thời buổi nhân dân lầm than, ông ta vẫn giàu có như vậy, thật là đáng nể.

Một lát sau một người đàn ông trong bộ vest bước vào. Chính là ông ta. Người đàn ông tôi nhìn thấy qua khe cửa lần trước. Ông ta cười tươi chạy lại bắt tay tôi. Bữa ăn được dọn ra. Toàn sơn hào hải vị mà một đứa như tôi từ bé đến giờ cũng chưa dám mơ tới. Tôi từ chối bữa ăn vì cảm thấy không quen. Ông ta nhiệt tình mời, trên tay sóng sánh một ly rượu.

“Nghe nói lần trước cậu định phá cổng sau đi đâu? Chẳng nhẽ hai ông bà Thiện đối xử với cậu tệ quá à? Để tôi tra vấn họ?”


“Không không” – Tôi xua tay. “Họ đối xử với tôi rất tốt…Cả ông bà chủ nữa. Tôi không dám phàn nàn gì, trả ơn còn chưa hết. Chỉ là…chỉ là tôi muốn về với đơn vị…”

“Ha haa cậu cứ ở đây cho khỏe hẳn đi. Xong xuôi tôi sẽ đưa cậu về. Trước đó, cậu giúp tôi một việc được chứ?” Ông ta cười lạ lẫm.

“Vâng…Mong ông chủ cho tôi về sớm…Quả thực ở đây không thiếu thứ gì nhưng tôi không quen lắm….”

“Thế được rồi. Cậu cứ ăn đi. Người đâu, rót rượu cho cậu ấy. Rượu ngon của Pháp đấy. Cậu thử đi, dám chắc là cậu chưa bao giờ được thử nhỉ. Mà dạo này, trông thần sắc cậu khá hơn nhiều đấy.”

“Vâng…Tôi gần như bình phục hẳn rồi. Chắc không phải phiền ông bà thêm nữa…”

Nói rồi tôi đón lấy ly rượu trên tay người bồi bàn. Húp một hơi to. Rượu ngon thật, ngon hơn thứ rượu cay xè đắng ngắt tôi uống cùng anh em. Tôi ăn một miếng súp lơ to với một miếng thịt bò trông lạ hoắc. Lạ. nhưng ngon. Húp một hơi rượu nữa. Tôi thấy bắt đầu chếnh choáng. Rượu này ngấm nhanh thế sao? Tôi cố mở to mắt ra nhìn nhưng mọi thứ xung quanh bắt đầu chao đảo. Điều tôi nhìn thấy chỉ là khuôn mặt đang mỉm cười của ông chủ. Thế rồi tôi đổ rầm xuống.

Tôi lại tỉnh dậy. Lần này khung cảnh không còn tươi sáng như những lần trước. Đầu tôi nặng như chì. Tôi định cử động nhưng chân tay dường như đang bị cột chặt lại. Lẻng xẻng, tiếng xích kéo lê dưới nền đất.

Tôi đứng dậy, đập cánh cửa gỗ trước mặt: “Có ai không??? Cứu với…”

Sao tôi lại ở đây? Hay tôi bị nộp cho quân Pháp rồi. “Có ai không”

Tôi ở đó 1 ngày 1 đêm, người tôi lả đi. Có những lúc tôi vẫn vùng dậy đập cửa ầm ĩ.

Sáng hôm sau, cánh cửa bật mở. Dường như tôi đang ở trong một căn hầm tối.

“Ai..ai đó…Cứu..cứu…” Tôi lắp bắp.

Người đó bịt chặt miệng tôi lại khiến tôi chỉ có thể ú ớ. Đôi mắt tôi cũng bị bịt chặt theo. Không được, thả tôi ra. Tôi ú ớ.

Người đó nói: “Ở đây mà làm nhiệm vụ của mình đi nhé”. Nói rồi hắn ta đóng sập cửa lại.

Ngày lại ngày trôi qua, tôi ngày một yếu dần, Tôi không nhìn thấy gì cả, tay chân đều bị trói, chỉ có thể đi lại được thôi. Có những lúc điên cuồng tôi chạy khắp căn phòng cào cấu để tìm được lối thoát. Tôi đã làm gì nên tội?

Đói

Khát

Tôi yếu dần

Trong hơi thở cuối cùng, tôi sờ tay lên ngực, rút cây sáo thô kệch ra. Giá như tôi có thể thổi một giai điệu nhỏ để đồng đội tôi đến cứu nhỉ…

Giá mà….

Bình buông tay, cây sáo rơi xuống đất. Đầu anh gục xuống, hơi thở cuối cùng bay đi nhẹ như gió thoảng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.