Ám Ảnh

Chương 2: Mnemophobia - Sợ Ký Ức


Đọc truyện Ám Ảnh – Chương 2: Mnemophobia – Sợ Ký Ức

Máy bay gây khó chịu vì bạn nhìn quá chăm chú ra ngoài bầu trời và điều đó làm bạn nghĩ linh tinh, ý tôi là những điều mà có thể bạn không muốn nghĩ đến.
Mnemophobia là một nỗi sợ thật sự. Tôi không nói quá lên đâu. Tôi thề. Bạn có thể thấy sợ ký ức của mình. Không dễ dàng có được nút “tắt” cho bộ não của bạn. Sẽ thật sự, thật sự tuyệt vời nếu có một nút bấm như thế.
Vì thế, tôi chọc ngón tay của mình vào mi mắt, cố gắng ngăn không để mình nghĩ đến mọi việc. Tôi tập trung vào hiện tại, lúc này. Chính là những gì mà người ta vẫn nói với bạn qua các chương trình truyền hình: Hãy sống cho hôm nay.
Tôi quấn một sợi chỉ trắng quanh ngón tay mình khi ba tôi qua đời. Tôi giữ nguyên nó ở đó để nhắc tôi rằng tôi đã từng cảm thấy rắn rỏi, từng có một người cha, một cuộc sống. Nó xoắn xuýt đến mức nút thắt hằn vào ngón tay của tôi. Tôi cứ xoay xoay nó đến nỗi gã ngồi kế tôi cũng cảm thấy khó chịu, gã bắt chéo chân và hất chiếc giày to đùng của gã xỉa vào đùi tôi.
“Tôi xin lỗi,” gã nói.
“Không sao.” Tôi quyết định cất toàn bộ những giấy tờ về lời kêu gọi Hành động khẩn cấp mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đang nài nỉ tôi viết thêm mấy lá thư nữa nhân danh những giáo sĩ bị tra tấn hay những sinh viên mất tích.
“Trông cô như thây ma cử động ấy.”
Tôi cố xoay đầu nhìn gã. Gã có một cái mũi to tướng, quai hàm khỏe, một vẻ mặt đàn ông da trắng. Miệng tôi cử động: “Gì cơ?”
Gã mỉm cười. Mồm gã phả ra toàn mùi cà phê. “Suốt chuyến đi này, cô cứ như một người ở chế độ điều khiển tự động vậy, viết những lá thư kia, cứu vớt thế giới, nhưng cô chẳng khác gì một xác chết cử động.”
Có gì đó nhói lên trong tôi. “Ba tôi vừa mất. Thật ra là ba dượng. Tôi gọi ông ấy là ba. Ông ấy đã nuôi tôi lớn.”
Nụ cười ngờ ngệch của gã biến mất. “Ôi. Xin lỗi cô.”
Tôi cảm thấy tội nghiệp cho sự vụng về của gã. “Không sao. Tôi chỉ…”
Chẳng có từ nào để diễn đạt tình trạng này: chết ở bên trong, từ zombie-esque ư? Như thế đâu phải là một từ. Hayzombified nhỉ?
Gã vẫn lải nhải. “Thế, cô đang trở lại trường học ở Maine à?”
Tôi lắc đầu đáp không, nhưng tôi không thể giải thích gì với gã, với cả chính mình. Mẹ tôi gửi tôi tới đây vì suốt bốn tháng tôi không thể mỉm cười, không thể khóc hay cảm nhận hoặc làm bất cứ việc gì.
“Tôi đến chỗ bà nội để ở lại đó,” cuối cùng tôi cũng lên tiếng.
Gã gật đầu, ho húng hắng – tất cả đều vụng về – gã nói, “Thế à. Hay quá. Mặc dù ở Maine đang là thời kỳ tệ nhất trong năm. Mùa đông. Lạnh chết thôi.”
Bà nội Betty của tôi, chính xác là mẹ của dượng tôi, đón tôi ở sân bay Bangor tại Maine, có lẽ đó là sân bay nhỏ nhất có đường băng dài nhất thế giới. Máy bay của chúng tôi hạ cánh từ bầu trời u ám không một tia nắng. Các bạn cũng biết rằng mọi thứ chẳng thể tươi đẹp khi mà ngay cả bầu trời cũng u ám và lạnh lẽo.
Tôi nhìn cái áo choàng lông của mình, nhưng không khoác lên người. Khoác lên thì khác gì đầu hàng quá sớm.
Mới cuối tháng Mười, phải không? Tệ đến mức nào nhỉ?
Thật tệ.
Không khí lạnh ùa vào ngay khi tiếp viên mở cánh cửa máy bay. Tôi rùng mình.
“Ồ, chúng ta không còn ở vùng nhiệt đới nữa,” gã ngồi cạnh tôi nói. Gã lôi một chiếc áo choàng lông ra khỏi túi xách. Gã tinh quái hơn tôi tưởng nhiều. Ba tôi từng nói rằng chúng tôi cần kỳ vọng những gì tốt đẹp nhất ở con người.
Người ta nói ba qua đời vì một cơn đau tim, sự thật là quả tim đã hạ gục ông ấy. Nó quyết không đập nữa, nó không bơm những dòng máu quý giá trong mạch máu của ba nữa. Nó xơ cứng và tắt lịm.
Ba qua đời ngay trên sàn bếp cạnh một chai nước tôi đánh rơi. Chẳng có vẻ gì là sự thật nhưng đúng là như vậy.
Tôi theo cầu thang dẫn ra khỏi máy bay xuống đường băng được rải bằng nhựa đá dăm. Người đằng sau tôi, chính là gã ngồi cùng dãy ghế, tóm lấy cánh tay tôi.
“Sẽ không thể cứu được thế giới khi cô còn chưa cứu nổi chính mình.” – gã nói, toàn những điều khôn ngoan dạy đời.
Tôi tập tễnh thêm vài bước và sự khó chịu bắt đầu cuộn lên trong dạ dày.
“Sao cơ?” – tôi hỏi mặc dù tôi đã hiểu những gì gã nói, tôi chỉ không tin vào điều gã nói. Nó quá ư tầm thường. Gã không nhắc lại.
Gió thổi mạnh và tóc tôi quất vào má. Tôi cúi thấp người, như một cách để chống chọi với những cơn gió lạnh cóng.
“Quý khách sẽ thích Maine.” – người tiếp viên đứng ở chân cầu thang nói.
Cô ta chẳng hề mỉm cười.
Điều tôi sợ, lúc này đây, trong khoảng khắc này, là chẳng bao giờ còn cảm nhận được gì nữa, sợ cái tâm trạng bất lực khi nhìn ba tôi chết vì đau tim ngay trên sàn bếp mà chẳng làm được gì.
Nhưng điều đó đã xảy ra rồi, phải không?
Cho nên, tôi sẽ tiếp tục với nỗi sợ thứ hai của mình, sợ rét. Chứng này gọi là cheimaphobia, cheimatophobia, frigophobiahoặc psychophobia. Có rất nhiều từ để gọi nó.
Tôi không quen chịu lạnh. Nhưng tôi sẽ chóng quen thôi. Ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Ba tôi luôn nói như thế. Bạn phải đối diện với chúng.
Và tôi ca ngợi chúng. Mỗi bước chân trơn trượt trên đường nhựa dẫn vào ga, tôi lại thì thầm một trong những từ này:
Cheimatophobia.

Frigophobia.
Psychobhobia.
Cheimaphobia.
Nhưng sao gọi tên như thế mà chẳng thấy tốt hơn chút nào nhỉ?
Bà nội tôi, Betty, đang đợi trong nhà ga. Lúc bà nhìn thấy tôi, bà sải bước như một người thợ rừng và ôm chầm lấy tôi trong hai cánh tay dài của bà. Bà trông giống như ba tôi và tôi thích được tựa vào bà, hạnh phúc có ai đó ở bên nhưng đồng thời cũng thầm ước bà chính là ba tôi.
“Nào, cháu không bị đau mắt chứ. Chuyến đi vất vả lắm hả?” bà hỏi rồi kéo tôi ra bãi đỗ xe hướng về chiếc xe tải màu đen to đùng của bà. Bà quẳng tất cả va li cùng túi xách của tôi lên thùng xe. Tôi đã ký gửi hết toàn bộ quần áo ở Charleston, không phải tất cả số áo sơ mi và áo lót sẽ có tác dụng nhiều ở Maine. Bà ngoái lại và mỉm cười với tôi trong khi tôi chật vật leo lên ca bin.
“Đây đúng là một con quái vật, nội ạ.” – tôi nói, cố nhét người vào trong. Tôi bắt đầu rùng mình. Tất cả xương của tôi cảm giác như gãy vụn vì lạnh. “Xe tải của bà thật khủng khiếp.”
Bà đập đập vào bảng đồng hồ và cười. “Cháu nên tin tưởng nó. Sẽ thoải mái hơn khi ta đặt đít vào.”
“Đặt đít ạ?”
“Cháu muốn ta nói là mông chứ gì? Ta không muốn tác động đến sự nhạy cảm của cháu.”
Nhạy cảm à? Tôi suýt phì cười, nhưng tôi không thể cười. “Rất mới mẻ ạ?”
“Ừ. Mẹ đã tiễn cháu phải không?” – bà hỏi.
“Mẹ đã khóc.” Ngón tay tôi lần lần dọc theo mép cửa kính xe rồi dừng lại. “Cháu thấy sợ khi mẹ khóc.”
Tôi mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt bà. Đôi mắt có màu nâu nhạt giống mắt ba tôi. Chúng hơi xếch về phía đuôi mắt, phía thái dương xếch lên, chỉ chút xíu thôi. Chúng hơi dịu lại khi tôi nhìn vào đó. Vì tôi không hề biết cha ruột nên bà Betty là người bà duy nhất của tôi. Ông bà ngoại tôi đã mất khi mẹ tôi còn bé. Thực tế là mẹ sống ở đây cùng bà Betty, chồng của bà – ông Ben – và ba dượng của tôi khi mẹ học trung học. Bà Betty thật kỳ lạ, cứ đón nhận mẹ tôi như thế, chẳng khác gì bà vừa đón nhận tôi.
Bà Betty gật đầu và khởi động xe. “Mẹ cháu khóc là đương nhiên. Mẹ cháu thấy rất buồn khi để cháu đi xa.”
“Tức là mẹ không định bỏ cháu?” “Cháu nghĩ mẹ cháu làm như thế ư?” Tôi nhún vai và đặt tay lên đùi.
“Mẹ cháu đang cố giữ gìn cháu…”
“Giữ gìn cháu sao?”. Tôi gượng cười nhưng lộ rõ vẻ cay đắng, xót xa trong từng lời nói mà không thể bật hết ra được. Nó cứ vang vọng mãi trong ngực tôi.
“Mẹ đẩy cháu đến một nơi hầu như không có sự sống là để giữ gìn cháu ư?
“Nghe có chút gì đó chua chát hả cưng?” “Vâng. Cháu biết. Cháu xin lỗi!”
Bà Betty lại cười. “Chua chát còn hơn là không có gì cả. Mẹ cháu kể với ta rằng cháu đã suy sụp khủng khiếp sau khi ba mất, không còn vẻ cứng rắn thường thấy ở cháu nữa, hãy biết tự cứu lấy bản thân mình cháu ạ.”
“Ba chết rồi bà ạ!”
“Ta biết. Nhưng ba cháu luôn muốn chúng ta tiếp tục cuộc sống của mình. Lạy chúa, nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại là sự thật.”
Bà Betty mang vẻ đẹp của một người đã đứng tuổi. Bà từng lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ nhưng bà đã xin nghỉ hưu sau khi ông nội tôi qua đời. Không còn hứng thú với việc chơi golf và câu cá hàng ngày nên bà quyết định bắt đầu một công việc kinh doanh mới.
Bà nói với ba tôi rằng: “Mẹ sẽ thay đổi cuộc sống của mình và sau đó là mọi người trong cộng đồng.” Vì vậy, bà bắt đầu tập chạy cho đến khi bà hoàn thành cuộc thi chạy đường dài dành cho lứa tuổi 65 diễn ra ở Boston. Bà đã đạt được mục tiêu đề ra và dành được đai đen. Sau đó, bà quyết định trở thành một nhân viên cấp cứu và tiếp tục công việc này cho đến hôm nay.Hiện tại, bà đang là nhân viên cấp cứu hàng đầu của công ty Downeast Ambulance ở Bedford, Maine. Tuy nhiên, bà không yêu cầu công ty trả bất cứ khoản phí nào cho mình. “Mẹ đã có tiền lương hưu. Mẹ muốn người ta trả số tiền công đó cho những người trẻ tuổi hơn và gia đình họ.” Bà đã giải thích với ba tôi như vậy sau khi trở về từ ngày làm việc đầu tiên trên chiếc xe cứu thương. “Điều đó là công bằng.” Và thực sự bà Betty là một người cực kỳ công tâm.
Khi xe xuống đến đường 1A để rẽ vào Bedford, bà nói với tôi: “Ta không chắc là có công bằng không khi cháu phải sống với một bà cụ như ta.” Tôi chỉ nhún vai vì tôi không muốn nghĩ đến điều này.
“Cháu trông những chiếc lá kìa, chúng thật đẹp!” Đó là cách mà bà Betty chuyển cuộc nói chuyện sang một chủ đề khác.
“Vâng. Chúng thật tuyệt!” – Tôi trả lời. Chúng tôi đi qua những rừng cây đang dần chuyển màu. Tôi biết đó là những cánh rừng cuối cùng. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ khoác trên mình dáng vẻ trơ trụi và chết chóc. Chúng đẹp thật đấy nhưng cũng chỉ là những chiếc lá trơ trọi còn bám lại trên cành cây mà thôi. Tất cả rồi sẽ rụng xuống. Hầu hết đã rụng rồi. Chúng sẽ bị mục nát trên mặt đất, bị nhóm lại thành đống, bị đốt cháy và giẫm đạp. Không phải dễ dàng gì cho một chiếc lá ở vùng New England này.
Tôi lại cảm thấy rùng mình.
“Cháu biết không? Tất cả chúng ta đều lo lắng cho cháu. Cháu vẫn cố gắng để cứu thế giới này à?”
Tôi nhún vai, như một phản xạ vô điều kiện trong mọi tình huống, nhưng đó là tất cả những gì mà tôi tự mình làm được lúc này.
Bà Betty bật chiếc máy sưởi lên và nó phả thẳng vào mặt tôi. Bà cười và nói: “Cháu giống một cô người mẫu quyến rũ đang bước trên sàn với mái tóc tung bay nhờ những chiếc quạt tạo gió.”
“Cháu cũng ước thế.” Tôi lẩm bẩm.
“Cháu sẽ thích nghi với cái lạnh ở đây nhanh thôi.”
“Nó thật khác xa so với Charleston, lạnh lẽo và ảm đạm…”. Tôi chống đầu lên tay mình và nhận ra đã quá lời. “Cháu xin lỗi. Cháu than vãn nhiều quá.”
“Cháu được phép than vãn mà.”
“Không. Cháu không thích than vãn. Cháu không có điều gì để phải than vãn, đặc biệt là với bà. Chỉ có điều vùng đất này dường như không có chút sinh khí nào của sự sống. Tất cả như đang sẵn sàng để bị chôn vùi trong những lớp tuyết lạnh lẽo của mùa đông, mùa của sự chết chóc. Ngay cả những đám cỏ kia trông cũng tuyệt vọng.”

Bà mỉm cười và nói với vẻ khá rùng rợn: “Còn những cái cây kia. Chúng sẽ vây lấy cháu đến nỗi cháu không thể nhìn thấy bất cứ vật gì trước mắt hay ở trên mặt đất nữa, chúng ẩn dưới những cây dương xỉ, nấp sau những thân cây to hay các bụi rậm.”
Tôi ấn mạnh các ngón tay của mình in lên cánh cửa sổ lạnh cóng và tạo ra những dấu vân tay trên đó.
“Đó không phải một bộ phim kinh dị đâu Zara.” Bà nhìn tôi mỉm cười và tôi biết rằng bà là người đáng yêu nhưng cũng rất thích châm chọc người khác. Đó là tính cách của bà.
“Cháu biết mà”.
“Dù sao, Maine cũng lạnh hơn Charleston. Cháu sẽ phải bó cả người mình khi ở nơi này đấy.”
“Vâng.”
Cheimaphobia.
“Cháu nói về những nỗi sợ đấy à?”
“Cháu đã nói điều đó à?”
“Ừ.” Bà buông tay lái và vỗ nhẹ vào đùi tôi trước khi chỉnh lại nhiệt độ chiếc máy sưởi.
“Ta đã có một học thuyết về nó đấy.”
“Bà đã phát hiện ra nó à?”
“Ừ. Ta nghĩ cháu là một trong số những người tin rằng nếu họ có thể gọi tên một điều gì đó thì họ có thể chiến thắng và chế ngự được chúng. Đó là điều mà cháu sẽ sắp phải làm để vượt qua nỗi đau khi ba cháu qua đời và ta biết điều đó rất đau lòng, Zara ạ! Nhưng…”
“Bà Betty!” – Tôi hét lên. “Có một gã cao lớn đang đứng bên vệ đường và nhìn chằm chằm…”
Bà Betty bẻ quặt tay lái khiến chiếc xe lao sang bên kia dải phân cách và sau đó quay trở lại phần đường cũ.
“Chết tiệt!” Bà thét lên. “Thằng ngốc!”
Bà gần như đang thở hổn hển trong khi tay tôi bám chặt lấy ghế ngồi của mình. Bà cố gắng hít thở sâu và nói: “Đừng bao giờ nói chuyện kiểu như ta nhé, nếu không mẹ cháu sẽ giết ta mất.”
Cuối cùng tôi cũng có thể cất lời: “Bà cũng nhìn thấy anh ta đúng không?”
“Tất nhiên. Tên ngốc chết tiệt đứng ngay giữa đường. May mà ta kịp trông thấy hắn nếu không đã đâm phải hắn rồi.”
Tôi nhìn chằm chằm vào bà, cố gắng để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau đó, tôi quay lại nhìn ra phía sau xe. Nhưng chúng tôi đã chạy qua một đoạn đường vòng nên nếu gã kia còn đứng ở đó thì chúng tôi cũng không thể nhìn thấy hắn nữa.
“Bà thực sự đã nhìn thấy hắn ta chứ?” Tôi hỏi.
“Đương nhiên rồi. Sao cháu lại hỏi thế?”
“Bà sẽ nghĩ cháu là đứa ngớ ngẩn.”
“Ai dám chắc là ta chưa từng như thế chứ?” Bà mỉm cười vì thế tôi biết bà đang nói đùa.
“Bà là người rất cừ đấy.”
“Ta biết. Vậy sao cháu lại hỏi ta như thế?”
Bà Betty không phải là loại người dễ từ bỏ ý định của mình, vì vậy, tôi cố làm ra vẻ như không có vấn đề gì ghê gớm xảy ra cả. “Cháu chỉ nghĩ là mình đã thấy một người giống như vậy ở đâu đó, một gã cao to, tóc đen và làn da nhợt nhạt. Dù sao cũng không thể nào là anh ta được.”
“Có phải cháu đã thấy ở gã đó Charleston?”
Tôi gật đầu. Tôi ước gì có thể đặt chân đến nhà ngay bây giờ để không phải cảm thấy mình ngốc nghếch và nhỏ bé như thế này.
Bà Betty ngẫm nghĩ trong tích tắc rồi nói tiếp: “Và bây giờ cháu lại nhìn thấy gã ở đây?”
“Cháu biết. Điều đó thật buồn cười và lạ lùng.”
“Không ngốc đâu cháu yêu, nhưng thật sự là rất lạ lùng.” Bà bấm còi với một chiếc xe tải lớn đi ngược chiều. “Ông ta là John Weaver, một thợ xây, một lính cứu hỏa tự nguyện, một người tốt. Này Zara, ta không có ý làm cháu sợ nhưng ta muốn cháu phải ở trong nhà vào ban đêm được chứ? Không làm những chuyện ngốc nghếch và không đi ra ngoài.”
“Sao ạ?”
“Chỉ là lời đồn về một lão già.”
“Hãy nói cháu biết tại sao đi.”

“Một đứa bé vừa đi lạc tuần trước. Người ta e là có chuyện gì đó khác thường đã xảy ra với cậu ta.”
“Có lẽ cậu bé chỉ đi quá xa thôi.”
“Cũng có thể là vậy, cũng có thể là không. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả các giả định. Cháu thấy đấy, tất cả công việc của ta là để cứu người. Ta biết cháu vẫn thường ra ngoài tập chạy vào buổi tối khi ở Charleston nhưng ở đây không có nhiều đèn đường như vậy. Và ta không muốn phải cãi cọ với chính cháu gái của mình ở con đường Beechland này, hiểu ý ta chứ?”
“Vâng. Chắc chắn rồi.” Tôi nhìn chằm chằm vào những đám cây bên ngoài và mỉm cười bởi vì nghĩ rằng tất cả những chuyện này thật khôi hài. “Cháu sẽ không chạy nhiều như trước nữa.”
“Cháu sẽ không làm bất cứ điều gì như trước nữa mới là điều mà ta muốn nghe, cháu yêu ạ.”
“Vâng.” Tôi chạm vào sợi chỉ trên ngón tay mình. Tôi đã rút nó ra từ chiếc chăn mà ba đã mua. Nó từng có màu trắng nhưng bây giờ gần như đã chuyển sang màu xám ảm đạm.
Tôi cảm thấy tê tái. Bà Betty và tôi nói vài câu chuyện phiếm nữa trong suốt quãng đường còn lại. Tôi cố gắng trò chuyện với bà về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Terror đối với vấn đề nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, tôi không thực sự chú tâm vào nó cho nên hầu như phần lớn thời gian chúng tôi chỉ im lặng.
Tôi không để ý đến điều đó.
“Gần đến nhà rồi.” Bà nói. “Ta chắc là cháu mệt lắm.”
“Một chút thôi ạ.”
“Nhìn cháu có vẻ mệt. Da cháu tái đi rồi kìa!”
Ngôi nhà của bà Betty có nhiều gian lớn, được lợp bằng cây thủy tùng với một dãy hành lang ở phía trước. Nó trông rất ấm cúng và dễ chịu, giống như một chiếc hang nằm sâu trong khu rừng lạnh lẽo vậy.
Tôi nghe mẹ nói rằng, ngôi nhà của bà có ba phòng ngủ trên gác và một ở dưới. Bên trong nhà được xây chủ yếu bằng gỗ và gạch, trần của nhà bếp được xây cao và có một chiếc lò sưởi bằng gỗ ở phòng khách.
Việc đầu tiên mà bà Betty làm khi chúng tôi rẽ vào con đường mòn dẫn vào nhà là chỉ tay vào chiếc Subaru đang đậu gần đó.
Miệng tôi há ra vì ngạc nhiên. Mãi tôi mới thốt ra thành lời: “Mấy cánh cửa kính xe vẫn còn được dán kín.”
“Nó là chiếc mới tinh đấy. Lái xe ở Maine này là khá khó khăn. Ta muốn cháu được an toàn. Và ta không thể lái xe đưa cháu lòng vòng khắp nơi như thể một gã tài xế chết tiệt nào đó được.”
“Bà vừa nguyền rủa đấy.”
“Ta giống như một người đánh cá. Tốt hơn cháu nên quen với điều đó.” Bà nhìn thẳng vào tôi: “Cháu thích chiếc xe chứ?”
Tôi dang tay về phía bà. Bà cười và vỗ nhẹ vào lưng tôi. “Chẳng có gì ghê gớm đâu cháu yêu. Ta vẫn đứng tên nó. Không có gì to tát cả.”
“Vâng. Đúng thế.” Tôi nhảy ra khỏi xe tải chạy về phía chiếc xe của mình. Ôm ghì lấy chiếc xe lạnh cóng, phủ đầy tuyết cho đến khi tay tôi tê cứng và bà Betty đẩy tôi vào trong nhà.
“Cháu không xứng đáng được có nó.” – tôi nói.
“Tất nhiên là cháu xứng đáng, cháu yêu.”
“Không. Cháu không xứng đáng.”
“Đừng bắt ta phải mắng mỏ cháu. Hãy nói cảm ơn và nhận lấy nó.”
“Cảm ơn bà, Betty. Cháu sẽ nhận nó.”
“Con bé này!” Bà khịt mũi.
“Cháu… rất yêu nó, bà Betty ạ!” Một lần nữa tôi dang tay về phía bà. Chiếc xe là điều tuyệt vời đầu tiên mà tôi có khi đặt chân đến Maine. Điều tuyệt vời mà tôi có được kể từ rất lâu rồi.
Hiển nhiên là ở những nước thuộc thế giới thứ ba, người ta phải dành dụm cả đời để mua được một chiếc xe như thế nhưng ngay đây, nơi lạnh lẽo này tôi đang có một chiếc như vậy, nó đang ở đó và chờ đợi tôi. Đầu tôi cảm thấy lâng lâng.
“Cháu không xứng đáng được có nó.” Tôi nhắc lại điều đó khi bắt đầu bước vào phòng khách ấm áp của ngôi nhà. Bà Betty cúi xuống bên cạnh chiếc lò sưởi, đánh lửa, vò mấy tờ giấy và châm lửa vào những khúc gỗ đã được chất đống trong lò.
“Nói như thế đủ rồi đấy Zara.” Bà vừa nói vừa đứng dậy. Lưng bà kêu răng rắc. Nó nhắc tôi hiểu rằng nội đã già. Không phải dễ dàng gì để nhớ được điều đó. “Cháu xứng đáng được có nhiều thứ.”
“Nhưng vẫn còn rất nhiều người đói khổ trên thế giới này. Những người không có nhà cửa, những người…”
Bà giơ một ngón tay lên. “Cháu nói đúng. Ta không muốn nói là cháu sai nhưng có điều họ đói khổ không có nghĩa là cháu cũng phải đói khổ.”
“Nhưng…”
“Và không có nghĩa cháu không thể dùng những gì mình có để giúp cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn.” Bà Betty bỏ chiếc mũ của mình ra, lướt các ngón tay dọc theo mái tóc xoắn tít của mình, một mái tóc màunâu nhạt. “Cháu sẽ hoàn thành những công việc của mình như thế nào nếu không có xe? Cháu sẽ đến trường bằng cách nào? Hả?”
Tôi nhún vai.
“Bởi vì ta khá là bận rộn, Zara ạ!” – Bà tiếp tục. “Mặc dù vậy, ta đã thay đổi thời gian làm việc của mình và sẽ không phải làm những ca đêm nữa. Chúng ta sẽ ăn tối cùng nhau và quanh quẩn trong nhà mà thôi.” Bà khẽ mỉm cười và nói nhẹ nhàng hơn. “Cháu rất giống nó.”
Ý bà muốn nói là giống ba tôi. Cổ họng tôi nghẹn lại nhưng vẫn cố gắng thì thầm: “Như thế nào ạ?”
“Luôn cố gắng để cứu thế giới. Luôn than phiền rằng mình có quá nhiều thứ trong khi nhiều người khác không có gì.” Bà nói. “Và luôn tìm cách để không phải đến trường.”
Bà bước những bước nặng nề, khẽ ôm lấy tôi và hôn lên đầu tôi. Đôi khi, bà giống như một huấn luyện viên bóng đá thực thụ.
Tôi gọi cho mẹ mặc dù tôi không hề muốn.
“Con đến nơi rồi.” Tôi nói.
“Ôi, con yêu. Thật tốt vì con đã đến nơi an toàn. Thời tiết thế nào?”
“Lạnh lắm.”

“Đó là điều mà mẹ nhớ về Maine.” Mẹ cười và không nói gì nữa. Tôi lắng nghe trong im lặng. “Con vẫn giận mẹ vì đã để con đến đó ư?”
“Vâng.”
“Điều đó chỉ để con cảm thấy tốt hơn.”
“Phải. Mẹ có biết một đứa bé vừa đi lạc vào tuần trước?”
“Sao? Con chuyển máy cho bà nội được chứ? Zara… mẹ rất yêu con.”
Tôi quay sang bà Betty: “Mẹ muốn nói chuyện với bà.”
“Con cũng yêu mẹ!” Tôi nói với mẹ trước khi bà Betty chộp lấy điện thoại từ tay tôi.
Bà dùng tay che điện thoại rồi nói với tôi: “Hãy lên phòng của mình và sắp xếp lại mọi thứ. Phòng thứ hai bên trái. Ngày mai cháu sẽ phải đi đăng ký lại xe dưới thị trấn và bắt đầu đi học. Điều đầu tiên: Không được giận dỗi trong nhà.”
Tôi gật đầu và chạy lên cầu thang. Tôi dừng lại ở giữa cầu thang và nghe rõ giọng bà Betty thì thào: “Con bé không còn như trước nữa. Con đã đúng.”
Bà Betty nặng nề bước ngang qua phòng khách và phát hiện ra tôi đang thụt thò ở cầu thang. “Cháu đã nghe hết những gì ta nói với mẹ cháu?”
Cổ họng tôi tắc lại. Tôi chỉ miễn cưỡng gật đầu. “Hãy đi ngủ đi cô bé!”
Tôi bước tiếp mấy bậc cầu thang nữa và hướng về phòng ngủ của mình. Chiếc rèm bằng ren trên cửa sổ, một tấm chăn ấm áp trải kín chiếc giường, trông không tệ chút nào. Một chiếc tủ quần áo được kê sát vào tường. Tôi cởi phăng chiếc quần jean và áo khoác ngoài của mình, với tay chộp lấy chiếc khăn tắm treo sau cánh cửa. Nó là chiếc khăn màu xanh của trẻ con rất mềm mại, phía trên được thêu chữ “Z”, chữ cái đầu của tên tôi. Tôi quấn nó quanh người và bỗng nhiên cảm thấy cực kỳ hạnh phúc. Dòng nước ấm áp từ vòi hoa sen như thổi bay tất cả bụi bặm bám lên người tôi trong suốt chuyến bay, ngạc nhiên hơn nữa là tất cả gạch lát sàn ở đây đều được dán một hình vẽ bằng cao su cực kỳ dễ thương. Tôi lau khô người và quay lại phòng ngủ. Bà Betty để cho tôi tự sắp xếp căn phòng của mình. Tôi thậm chí còn treo cả tấm áp phích của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Nó là hình vẽ một cây nến được bao quanh bởi dây thép gai, biểu tượng của tổ chức Ân xá Quốc tế. Tôi nhìn thẳng vào ngọn lửa và cảm thấy ấm áp nhưng không phải là hoàn toàn như vậy. Bà Betty thò đầu vào cửa phòng khi tôi đang rút tập báo cáo của mình ra. “Cháu sắp xếp ổn rồi chứ?”
“Vâng. Cảm ơn bà đã cho phép.” Tôi đặt tập tài liệu lên kệ giường và đứng dậy mỉm cười với bà.
Bà cũng cười với tôi và tiến đến khép nửa tấm rèm cửa sổ lại. “Ta rất trân trọng những khoảnh khắc được ở bên cạnh cháu gái duy nhất của ta.”
Tôi chạy đến bên cửa sổ định khép nốt tấm rèm kia nhưng trước đó tôi muốn được nhìn mọi vật bên ngoài. Tôi phải lau sạch hơi lạnh bám trên cửa sổ mới có thể nhìn thấy rõ mọi thứ. Không có gì ngoài cây cối và bóng đêm. Tôi đưa tay kéo chiếc rèm lại. “Cháu thực sự không muốn đến trường vào ngày mai.”
Bà đến đứng cạnh tôi. “Tất nhiên là cháu không muốn.”
“Cháu không muốn làm quá nhiều thứ.”
“Ta biết. Nhưng mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn thôi.” Bà chạm nhẹ vào tôi, đặt cánh tay của bà lên vai và ôm ngang người tôi. “Cháu có thể cầu nguyện cho một ngày thật nhiều tuyết.”
Tôi ôm lấy người bà. “Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Cháu có thể có những điệu nhảy với tuyết.”
Bà mỉm cười. “Ba đã dạy cháu điều đó à?”
“Vâng. Bà hãy để một tảng băng trong nhà vệ sinh rồi vừa nhảy quanh nó vừa hát: “Tuyết, tuyết, tuyết.”
“Cho đến khi chúng tan ra. Nó là con trai ta mà. Ta thực sự thấy nhớ nó quá.” Bà khẽ quay người lại đối diện với tôi trong chốc lát. Vỗ nhẹ cánh tay to khỏe của bà vào lưng tôi. “Nhưng dù sao thì ta cũng rất vui vì có cháu ở đây để cùng bầu bạn với ta. Bây giờ đừng lo lắng về điều gì nữa. Cháu sẽ ổn thôi, Zara ạ! Ta hứa với cháu điều đó.”
“Cháu chỉ không biết chuyện gì xảy ra khi cháu đến trường…” Tôi rời khỏi cánh tay của bà và đứng bắt chéo tay trước ngực.
Bà hôn nhẹ lên đỉnh đầu tôi. “Mọi cái sẽ tốt cả thôi, Công chúa ạ! Nếu đứa nào lộn xộn với cháu, bà sẽ quạt cho nó một trận, được chứ?” Nghĩ tới hình ảnh một người già nua đang đánh đập kẻ khác để cứu mình làm tôi phì cười, dù biết rằng tôi chưa bao giờ xem bạo lực là một trò đùa.
“Ý ta là vậy, Zara ạ! Nếu có kẻ nào đó gây rắc rối cho cháu thì hãy cho ta biết. Bất cứ điều gì đe dọa hay làm phiền lòng cháu, cứ nói ta nghe. Đó là trách nhiệm của người bà. Hãy để ta lo điều đó. Được chứ?”
Ngoài trời tuyết vẫn rơi. Bây giờ vẫn đang là tháng Mười. Tôi rùng mình và ngước lên nhìn vào đôi mắt củabà. Đôi mắt màu hổ phách hệt như mắt của những con mèo hoang. Ánh mắt nội mở đầy quyết tâm và tôi biết rằng nội nói là sẽ làm.
Tôi nắm lấy tay bà, khẽ trả lời. “Được ạ!”
Một tiếng hú làm tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm.
Đó là một âm thanh dài, có vẻ như chứa đựng nhiều tâm sự trong đó.
Tôi cảm thấy nổi da gà và ngồi dựa lưng vào giường.
Con vật gì đó ở bên ngoài lại hú lên một lần nữa. Nó dường như ở ngay gần đây thôi.
Chắc là lũ chó rừng?
Những âm thanh kích động và đi kèm với nhiều tiếng hú. Tôi nhớ mình đã xem một bộ phim như thế trong chương trình “Động vật hoang dã” nói về hoạt động của lũ chó rừng khi chúng vừa giết được con mồi. Tiếng hú vừa rồi phần nào có vẻ giống như thế, nhưng chính xác thì không hẳn là chó rừng, trầm hơn, giống chó nhà hay chó sói hơn.
Tôi rón rén đến bên cửa sổ, vạch tấm rèm và nhìn ra bên ngoài. Màu trắng bao phủ lên tất cả bãi cỏ và chiếc xe của tôi. Ánh trăng chiếu thẳng vào chúng khiến những bông tuyết bám trên đó giống như được làm từ những hạt pha lê hay kim cương, lấp lánh và tỏa sáng, trông thật đẹp.
Tôi bỗng thở hắt ra. Lẽ nào tôi đã nín thở? Và tại sao tôi lại nín thở?
Bởi vì tôi đang nghĩ về ba.
Ba đã lớn lên ở chính nơi này. Và ba sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy tuyết, nhìn thấy ngôi nhà của mình, thấy những cánh rừng hay nhìn thấy tôi được nữa. Ba đã bị cách ly khỏi những điều đó, bị cách ly khỏi tôi, cách ly khỏi cuộc sống này, như một người tù vậy. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để trả tự do cho ba.
Tay tôi ấn vào khung cửa sổ lạnh buốt. Có cái gì đó di chuyển ở lề rừng, một cái bóng thì đúng hơn, màn đêm dường như tối hơn dưới những tán cây to ngoài kia.
Tôi nghiêng đầu và nhìn kỹ một lần nữa. Hoàn toàn không có gì.
Và bỗng nhiên nó đến, một cảm giác thực sự. Giống như có một con nhện đang bò trên da của tôi. Sợ hãi.
Tay tôi rời khỏi cửa sổ. Kéo tấm rèm và lại rón rén quay lại giường. Tôi cố gắng phóng nhanh đến chiếc giường trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng không có nghĩa là chạy.
“Không có gì ở đó.” Tôi tự nhủ.
Đó là cách mà người ta hay tự dối lòng mình. Thật khó để tin đó là sự thật. Tốt hơn là nên lẩm nhẩm về những nỗi sợ hãi trong đầu và đối mặt với chúng. Nhưng tôi không làm được. Chưa thể làm được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.