Bạn đang đọc Ai Rồi Cũng Khác: Chương 17
Cách nhau một quãng xót xa…
Ta cũng bình thường như ai
Trong “Hiểu về trái tim”, thầy Minh Niệm viết rằng không có ai là tầm thường. Người phi thường là người may mắn nhận được sự ưu đãi của vũ trụ để có trong mình những khả năng, và những người khác bình thường là để dồn năng lượng cho những người phi thường. Một ông giáo sư tiến sĩ sẽ không thể làm việc nếu không có sự giúp sức từ một người lao công ngày đêm quét dọn để môi trường sạch trong hay một nhà chức trách sẽ không thể làm việc nếu người nông dân không làm ra hạt lúa. Như vậy, sự phi thường không thể tách rời sự bình thường, chúng vốn dĩ là một.
Nhưng rất nhiều người trẻ như chúng ta, lại không nghĩ thế!
Tôi có một cô bạn vừa nổi tiếng. Một hôm chúng tôi đi cùng nhau, cô bạn than thở rằng việc mình đi mua hàng ngoài đường bây giờ khó khăn hơn nhiều lắm. Khi mình được người khác nhận ra là người nổi tiếng, những hành động của mình trở nên mất tự nhiên. Điều đáng nói hơn, mình sợ mất mặt nên không thể… trả giá! Cuối cùng mình luôn tốn nhiều tiền hơn ột sản phẩm mà lẽ ra không cần đến mức đó.
Tôi có một anh bạn khác, cũng nổi tiếng. Bây giờ nếu không có việc gì thì anh sẽ ở nhà, còn nếu đã ra đường thì mất vài tiếng đồng hồ để sửa soạn. Anh sẽ bị phát hiện ra, xin chụp ảnh bất kì lúc nào, không thể để hình ảnh bị xấu đi.
Tôi chợt nghĩ, làm người nổi tiếng thật là khổ! Không gian sống ngày càng hẹp lại, không thể nói hay làm những gì mình thích nữa rồi.
Trong quá trình đi làm trong ngành giải trí của tôi, không ít lần tôi thấy người nổi tiếng này, người nổi tiếng kia quát mắng người khác dù người kia đáng tuổi cha chú của họ, hay những yêu cầu quá quắt mà chương trình phải đáp ứng nếu muốn “ngôi sao” xuất hiện, hay thậm chí là những hành động “dìm hàng” một ca sĩ mới dẫu trước đó mình cũng từng là một người trẻ… Nói chung, cứ hễ nổi bật là người trẻ sẽ khổ, khổ thân lẫn khổ tâm.
Tôi chợt ước, giá như mọi người đều tin vào khái niệm “phi thường và bình thường là một”, thì có lẽ sẽ rất nhẹ nhàng.
Một người nghĩ mình bình thường, sẽ bước đi trong tâm trạng nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Họ có một không gian để đến và đi tự do, thoải mái.
Họ sẽ không bao giờ ngồi đong đếm xem mình đã làm được những thành tích gì, đáng tự hào ra sao… để vuốt ve thêm cái tôi tự mãn mà sẽ dùng thời gian để hướng về những ý tưởng mới, thành công mới.
Họ sẽ không bao giờ lớn tiếng với một người thấp cổ bé họng hơn, vì ai cũng đang làm việc của mình và con người nào cũng cần được tôn trọng.
Họ sẽ bớt đi thời gian chăm chút vẻ bề ngoài, để tập trung phát triển nhân cách và tri thức. Như người xưa dạy “tam thường bất túc”, bớt ăn, bớt mặc, bớt ngủ để tài năng và đức hạnh được sáng ngời.
Có một câu hát nhỏ mà tôi yêu thích đến nỗi cứ nhắc đi nhắc lại mãi trong nhiều tác phẩm của mình.
“Cao sang hay là nghèo khó, cũng xong, cũng xong một chuyến đò người” (Tuấn Khanh)
Câu hát này trích từ ca khúc “Chuyện nhân gian” trong vở nhạc kịch “12 bà mụ”. Con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành sẽ trải qua muôn vàn chuyện, có người sẽ trở thành ông này bà nọ, cũng có người sẽ đầu tắt mặt tối với những việc tay chân. Nhưng cái cuối cùng mà chúng ta sẽ phải trải qua thì giống nhau, và không có một điều gì có thể trường tồn mãi mãi. Nếu ta luôn thấy ta bình thường dù đã làm được nhiều điều hay điều tốt, thì đó là sự thông minh đáng nể phục. Bởi chỉ có bậc tài trí mới biết giới hạn những đòi hỏi của bản thân mình. Khi bạn không hy vọng quá mức, bạn sẽ không thất vọng. Khi bạn luôn ý thức mình sẽ có ngày nhường chỗ ột thế hệ mới, bạn sẽ không đau đáu nỗi ghen tị hay bất an. Và khi bạn ý thức rằng sẽ luôn có một hoàng hôn đâu đó giáng xuống những hành trình của đời mình, thì bạn sẽ yêu lấy buổi bình minh mình đang có. Cuộc đời này là vậy, không cho ai mãi cái gì, cũng không lấy đi hết của ai cái gì. Chỉ có lòng người là mãi cố chấp cứ níu giữ không buông.
Người nào càng buông sớm những đòi hỏi, thì tâm trí sẽ càng sáng trong và bình yên như mặt hồ phẳng lặng.
Ta cũng bình thường như ai…