Bạn đang đọc Ai dắt em đi qua nỗi đau – Chương 14
Nhớ lại khoảng thời gian Kiều Thanh bỏ đi sang xứ người, cô và Hoàng Minh vẫn thường hay ngồi ở quán café Petite Fille này. Tâm Lan hay lựa chọn ình một cốc Capuchino, còn Hoàng Minh lại tỏ ra thích thú với việc ngắm nhìn cô thưởng thức hương vị của nó.
Tâm Lan tỏ ra rất từ tốn. Thay vì uống từng ngụm, cô lại thích nhấm nháp từng chút từng chút một. Đôi mắt bồ câu xinh đẹp nhắm nghiền lại, cảm nhận những hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Cô thích đón nhận mọi điều từ đôi môi – nơi mà nhiều người vẫn ngỡ là nó mỏng mềm và ưa thích sự nhẹ nhàng nhưng lại hết sức đượm ngọt. Giống như người đàn bà cuộn tròn mình và nằm ngoan ngoãn trong vòng tay người đàn ông mình yêu thương và luôn khao khát. Người đàn bà thích liếm láp bờ môi khô, vuốt ve dọc sống mũi thẳng hay hà hít cái thứ mùi mồ hôi nồng nồng, rất đặc trưng của họ.
Những phút giây đấy đã từng trải qua trong cuộc đời Tâm Lan, dẫu đẫm nước mắt vì là kẻ đến sau nhưng lại vô cùng dịu ngọt.
– Anh biết Capuchino mang hơi thở gì không?
Tâm Lan nhìn anh sau khi thưởng thức vị Capuchino đầu tiên vào một ngày cuối tuần rực nắng. Nhưng thật tệ, Hoàng Minh lại lắc đầu, dù anh biết rõ và thừa hiểu câu trả lời là gì. Bởi anh và Kiều Thanh cũng đã từng có một khoảng thời gian đẹp nhưng Kiều Thanh khác Tâm Lan nhiều quá thể. Kiều Thanh sống “vật chất” bao nhiêu thì Tâm Lan sống lại tỏ ra cực kỳ “tinh thần” bấy nhiêu. Nghĩa là, họ thuộc hai kiểu đàn bà quá ư là khác nhau.
Người thì chỉ thích đám đàn ông mê mẩn mình đưa đi mua đồ hàng hiệu, ăn quán xá đắt tiền và đến những chốn vui xa hoa, phù phiếm, chẳng cần biết đến ngày mai. Người lại chỉ thích được tặng những món quà nho nhỏ, rẻ tiến nhưng mang đầy sắc thái tình cảm. Và người đàn ông đó phải đảm bảo rằng, họ chấp nhận sự mơ mộng, lãng mạn để người phụ nữ ấy mải miết đi tìm thứ tình yêu đẹp đẽ, có phần hoang tưởng giữa dòng đời còn nhiều lắm những xô bồ và đầy rẫy sự bất công.
***
Sinh nhật Hoàng Minh, Kiều Thanh tặng anh chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền bằng cả hai tháng lương anh phải làm quần quật hết giờ hành chính lại đến giờ tăng ca vào ban đêm. Điều đó đã tạo một áp lực lớn cho anh bởi mức sống của Kiều Thanh, suy nghĩ của Kiều Thanh đang cách xa anh quá…. Và rồi anh đã phải tháo chiếc đồng hồ này ra chỉ sau hai ngày đeo ở tay bởi nó quá nặng và mới chạm tay nhẹ vào nhưng anh đã cảm thấy lạnh buốt tới tận xương, tủy… Kiều Thanh vô tư, gặng hỏi cho bằng được:
– Anh Minh? Đồng hồ em tặng anh vào hôm sinh nhật đâu?
– Anh…
– Đừng nói với em rằng, tháng lương của anh không đủ chi tiêu và anh đã bán nó đi để lấy tiền trang trải cuộc sống vào những ngày cuối tháng đấy nhé!– Kiều Thanh chống hai tay vào cạnh sườn. Mặt cô cau có. – Em nói rồi, làm nhà nước thì đến ngay cả cái chuồng lợn với vài mét vuông còn không mua nổi chứ đừng nằm mơ tới một căn nhà cấp bốn đủ để chắn nắng che mưa. Vậy mà lúc nào, anh cũng hối thúc chúng ta tổ chức đám cưới…
Không chờ Kiều Thanh nói hết câu, Hoàng Minh mở tủ lấy chiếc hộp màu đen sang trọng đặt ngay ngắn trước mặt cô.
– Em giữ đi. Anh sợ mình sẽ làm mất nó.
– Ồ! – Kiều Thanh rít lên khi nhấc chiếc đồng hồ ra khỏi vỏ hộp bìa cứng. – Hãy giữ lấy nó cẩn thận. Sẽ không bao giờ anh mua nổi thứ đồ này đâu…
Chưa nói xong câu, Hoàng Minh đã biến mất từ lúc nào mà cô cũng chẳng hề hay biết.
***
Khi chấp nhận tình cảm của Tâm Lan, vào ngày sinh nhật hàng năm của Hoàng Minh, anh không hề có những món quà lấp lánh đắt tiền, chỉ có chiếc áo sơ mi, thậm chí là đôi vớ hay chiếc dây thắt lưng bình thường. Những món quà chỉ nhìn vào đã cảm nhận được ngay sự ấm áp, đụng nhẹ vào là cảm nhận rõ tình yêu thương.
“Em hi vọng là anh sẽ thích nó! Có thể nó không đẹp bằng hàng mua ở ngoài cửa hiệu nhưng em muốn anh biết một điều, tình cảm em dành cho anh không gì đong đếm nổi. Nó nhiều gấp trăm gấp vạn mũi đan ở chiếc áo len này. Đừng từ chối, em sẽ bị tổn thương và lòng quặn đau như chính những mũi kim đan quấn len đã đâm vào đầu ngón tay em mỗi khi đêm xuống. Em vốn không phải là đứa con gái biết thêu thùa may vá nhưng chỉ nghĩ đến nụ cười trên đôi môi anh khi anh mặc nó thì em đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!”.
Hoàng Minh gấp lại tờ thư và để vào ngăn ngoài cùng của chiếc ví rất ngay ngắn, thẳng nếp. Anh mang theo chiếc áo len với hơi ấm của tình yêu từ Nam ra Bắc đón Tết với gia đình. Trên chuyến bay hai giờ đồng hồ, anh ôm món quà trước ngực. Khi không thể chịu nổi sự nhớ nhưng, xa cách, anh rón rén mở nguồn điện thoại, nhấn bàn phím vội gửi đi: “Nếu có em bên cạnh, anh sẽ ấm áp hơn. Cám ơn em vì món quà, anh đang khóc trong sự sung sướng đây này. Anh khóc. Anh đang đổ lỗi tất cả là vì em”.
Ngay sau đó ít phút, nhân viên hãng hàng không đã lên loa thông báo khi phát hiện ra tín hiệu sử dụng điện thoại trong khoang máy và nhắc lại quy tắc một lần nữa: “Đề nghị quý khách thực hiện đúng các quy định được nêu ra trong chuyến bay. Nếu nhân viên hãng hàng không phát hiện ra quý khách nào không tuân thủ đúng quy định, mức phát sẽ lên tới một triệu Việt Nam Đồng”. Hoàng Minh vội khóa nguồn điện thoại cho vào vali và nhắm nghiền mắt. Anh mơ một giấc mơ phiêu bồng giữa những đám mây màu trắng xám, mang vẻ u ám của trời đông khi đã đi được nửa chặng đường.
Và suốt gần mười năm trôi qua, từ một nhân viên sai gì làm nấy, cho đến khi anh đã là một chàng giám đốc tài năng và đầy quyền lực; từ lúc mặc một bộ đồ không biết nơi sản xuất ở chỗ nào, cho đến khi bận những bộ cánh đắt tiền, đề rõ nhãn mác và tủ đựng đồ đầy ắp ngăn trên, ngăn dưới… thì anh vẫn không bao giờ quên và ném đi những kỷ vật đánh dấu từng bước trưởng thành trong cuộc đời nhiều sóng gió tai ương.
***
Capuchino một thời mà cô vẫn thường thưởng thức mỗi lần bên anh, mỗi lần khao khát và ước muốn thì ngày hôm nay, một Capuchino không hề mang hơi thở lãng mạn, nơi đấy chỉ có tiếng nấc, nước mắt và những vết xước dài. Chỉ có người đàn ông yêu cô một cách tàn nhẫn, anh sống mải miết, đào bới quá khứ để xây dựng cho những ngày tương lai. Chỉ có một người đàn bà cố gắng yêu người đàn ông có quá khứ, lúc thì giả vờ mạnh mẽ, lúc lại tỏ ra khờ dại hoặc phản đối một cách yếu ớt như thể chấp nhận mọi nỗi đau vô điều kiện. Đơn giản là vì cô yêu anh hơn chính bản thân mình. Với cô, anh là hơi thở, là cuộc sống, là tất cả những gì khiến cho cô phải sống, phải tồn tại. Kể cả là trong anh, cô không cần tìm một danh phận hay chỗ đứng.
Cô là thế, một Tâm Lan đáng thương.
– Hãy để chị nuôi bé Nguyên Thảo.
Lần này thì Kiều Thanh đã nói trắng phớ ra mục đích mà cô ta cần và phải tìm đến Tâm Lan vào buổi chiều ngày hôm nay. Câu nói như một lời đề nghị, một mệnh lệnh, một lời yêu cầu thẳng thắn. Trong âm điệu của câu nói, Kiều Thanh còn tỏ rõ sự thương yêu và mong muốn có được bé Nguyên Thảo bên mình. Tâm Lan chăm chú nhìn vẻ mặt của Kiều Thanh, cô cảm thấy trong lòng đay nghiến và thêm phần căm giận.
– Chị yêu thương và muốn chăm lo cho bé Nguyên Thảo đến mức đó cơ à? – Cô nói bằng giọng bỡn cợt. – Nếu muốn chăm trẻ thơ thì anh chị có thể bắt đầu làm lại và cùng nhau thực hiện những ước mơ mà ngày xưa cả hai đã từng tô vẽ đi.
Kiều Thanh vẫn im lặng, những ngón tay cô không ngừng mân mê chiếc ly màu trắng. Tâm Lan thấy mặt mình nóng ran và cả cơ thể như mềm nhũn. Rốt cuộc, Kiều Thanh đang muốn làm gì?
Tâm Lan hầm hè nhìn Kiều Thanh nói tiếp:
– Đó là con gái của tôi. Tôi cấm chị đưa nó đi đâu khi chưa được sự đồng ý. Chị thích thì tự sinh con mà chăm ẵm. Hay là… hay là chị không thể…
– Ừ. Chị không thể.
Kiều Thanh nói rất rõ, từng tiếng một như cắt từng khúc ruột của mình ra. Tâm Lan bỗng bối rối và có cảm giác toàn thân mình hình như đang bay lơ lửng:
– Xin lỗi, tôi không cố ý làm điều đó với chị.
– Không có gì. Đó là quả báo với chị. Đó cũng là lý do chị cầu xin em để chị được nuôi nấng bé Nguyên Thảo. Chị hứa, vợ chồng chị sẽ tạo mọi điều kiện để chăm nom cho cô bé, sẽ học Anh ngữ để lớn lên đi du học và vào trường Quốc tế với đầy đủ tiện nghi.
– Chị vẫn thế. Chị vẫn thích khoe tiền. – Tâm Lan lắc đầu, trầm ngâm.
– Không phải thế. Ý chị hoàn toàn không phải thế! – Kiều Thanh xua tay. Nhưng rồi cô lại chẳng biết phải nói gì. Sự im lặng khiến chính bản thân cô phải lúng túng.
– Chị mới nói rằng, anh Minh sẽ giúp chị vượt qua những nỗi đau còn lại của cuộc đời. Vậy ai sẽ là người dắt tôi đi qua những nỗi đau đó? – Tâm Lan nhìn Kiều Thanh như chờ đợi một câu trả lời nhưng chính xác là, cô cũng đang giận hờn và tỏ ra trách cứ một cách mỉa mai. – Chị mới nói rằng, chị muốn được chăm lo và yêu thương cho bé Thảo. Vậy tôi là ai giữa cuộc sống của các người? – Tâm Lan lồng hai bàn tay vào nhau để ngay ngắn lên mặt bàn kính. Cô ngồi thẳng lưng dậy và nhìn người đàn bà trước mặt một cách chăm chú hơn. – Tôi đã nhường chồng cho chị, giờ chị còn muốn tôi đưa giọt máu mang nặng đẻ đau của mình cho chị nữa hay sao? Chị có còn lòng tự trọng nữa không vậy, hả chị Kiều Thanh?
Kiều Thanh vẫn hoàn toàn im lặng. Nhưng dưới đôi mắt và sự nhạy cảm của mình, Tâm Lan phát hiện ra phần vai trần của Kiều Thanh đang khẽ run rẩy, chứ không phải tại cơn gió chiều mỗi lúc một mạnh đang cố tìm cách mơn trớn, vuốt ve làn da trắng đó.
– Chị có còn coi tôi là một con người, là một người phụ nữ mang nặng đẻ đau, là một người mẹ thức trắng những đêm khi con bé bị ho, bị sốt? Là người bọc từng cuốn tập sao cho chúng thẳng mép hay là ủi những bộ đồ để ngay mai con bé còn tung tăng mang cặp sách tới trường?
Đôi mắt Tâm Lan đã ầng ậc nước. Cô nín lặng và để trống một khoảng thời gian rồi chăm chú tìm sự đổi thay trên khuôn mặt đầy son phấn ngay phía đối diện. Nhưng đáp lại điều đó chỉ là sự lặng im từ phía Kiều Thanh cùng đôi mắt in hằn những điều bất ổn. Dường như, một luồng gió khơi gợi của cơn bão tố đang bắt đầu hình thành ở trong lòng người đàn bà tuổi gần bốn mươi ấy.
Nét mặt trịnh thượng, đầy hiếu thắng của Kiều Thanh như lúc buổi đầu cuộc trò chuyện đã không còn nữa. Thay vào đó là sự yếu ớt lẫn hoang mang. Kiều Thanh vẫn nghĩ, Tâm Lan yếu ớt nhu mì ư? Kiều Thanh vẫn nghĩ, Tâm Lan ngoan hiền và dễ bảo sao? Kiều Thanh sai lầm hoàn toàn rồi. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm, nó có thể dập tắt bất kỳ ngọn lửa hay con sóng nào chỉ để bảo vệ đứa con mà chẳng màng đến mạng sống của chính mình. Tình mẫu tử bất diệt lắm, bao nhiêu giá trị vật chất có thể đếm đong đủ đầy đây?
– Bình tĩnh, Tâm Lan. Xin em hãy nghe chị nói đã nào.
Kiều Thanh đưa đôi tay mình lên bàn và nắm chặt lấy hai bàn tay run rẩy của Tâm Lan. Cô ghê tởm đôi bàn tay đó, nó bẩn thỉu và vô cùng dơ dáy. Ngay lập tức, cô hất hai bàn tay của chị ta ra và tiếp tục gằn giọng.
– Đừng chạm vào người tôi.
– Được rồi, được rồi. Hãy nghe chị nói, coi như chị xin em.
Kiều Thanh rụt đôi tay vừa bị hất tung ra về phía mình vẻ đầy lúng túng và gượng gạo. Lúc này, bản thân Kiều Thanh thật lòng chỉ muốn cô hãy bình tĩnh lại chứ không hề có ác ý gì.
Tâm Lan là người luôn bình tĩnh và hóa giải mọi tình huống với những quý thính giả trong chuyên mục bạn nghe đài cô phụ trách. Vậy mà trong chính chuyện tình cảm của mình, cô lại thành thế bị động và không cách nào có thể gỡ rối. Cô phân tích rạch ròi từng luận cứ, luận điểm và đưa ra lời khuyên thiết thực cho những người vợ phải làm gì để chống chế mẹ chồng hà khắc, những anh chàng có cô vợ thường xuyên mặc váy ngắn và chuyên làm mưa làm gió nơi công sở cùng với ông sếp già đầu hói bụng to… Nhưng tới tình huống Hoàng Minh ngoại tình, cô lại bị đánh lừa suốt ngần ấy thời gian mà chẳng mảy may hay biết. Và cho đến một ngày bí mật đó bị phơi bày ra ánh sáng, cô chấp nhận trả anh về cho Kiều Thanh chỉ với vài từ ngắn ngủi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”.
– Chị không bao giờ được làm mẹ nữa. Đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời chị. – Kiều Thanh chậm rãi bày tỏ nỗi niềm của lòng mình. – Còn em thì khác, chắc chắn em sẽ tái hôn và sống cùng một người đàn ông tốt gấp trăm gấp nghìn lần so với Hoàng Minh. Rồi em sẽ có tất cả mọi thứ về sau này. Còn chị, em biết đấy, cũng chẳng có gì…
– Chị thôi đi. Tôi ghê tởm con người của chị. – Tâm Lan cảm thấy đau nhói. – Hãy đối xử với tôi khác đi, để tôi còn hiểu một điều: chị sinh ra trước tôi vài năm tuổi.
Rút tờ tiền từ trong túi xách và đặt mạnh lên bàn. Rất nhanh, Tâm Lan đã mất hút sau vài giây. Cô cần thoát ngay khỏi cái bàn đó – nơi có người đàn bà bẩn thỉu và ích kỷ đang ngồi. Cô không thể nhìn khuôn mặt trơ trẽn của chị ta thêm một lần nào nữa – khuôn mặt khiến cô khinh thường và một thoáng ghen tị của những người đàn bà biết yêu.
Tâm Lan càng không thể lý giải vì sao, đúng hơn là cô không dám đối mặt với câu hỏi: “Vì sao Hoàng Minh lại có thể yêu tha thiết một người đàn bà xấu xa như Kiều Thanh nhiều đến vậy?”. Nhớ lại những ly rượu của đêm mưa ngày nào, Tâm Lan cười thầm: “Chúng đắng chúng chát như thế mà Hoàng Minh vẫn thích uống đấy thôi?”.
Kiều Thanh ngồi thần người một lúc lâu. Nước Mỹ, lão chồng già, một đứa con, Hoàng Minh, con mèo màu trắng… tất cả dội về khiến đầu óc cô gần như quay cuồng, muốn nổ.
***
Những bước chân xiêu vẹo của Kiều Thanh dần tiến về phía thang máy. Cô nhấn nút xuống tầng hầm của tòa nhà. Ở đó là quán bar có tiếng nhất nhì Sài thành với đầy đủ thứ rượu ngoại. Cô gái DJ sở hữu mái tóc vàng hoe, bận chiếc áo hai dây cùng chiếc quần jean cạp trễ đang rất chăm chú cho công việc của mình. Anh chàng bartender cẩn trọng dùng khăn bông sạch lau từng chiếc ly một với đủ hình dáng khác nhau để úp lên giá inox đóng đinh bên tường. Ở giữa sân khấu là chiếc đèn hình tổ ong, chi chít sắc màu, tỏa ra thứ ánh sáng kỳ quái, ma mị. Bốn xung quanh góc phòng, những vị khách lố nhố ngồi thu mình một góc, vẻ đầy mệt mỏi.
Kiều Thanh tìm một chỗ ngồi và gọi rượu. Đôi mắt hơi nhắm hờ và lắng nghe giọng hát của một cô ca sỹ nghiệp dư đang đứng trên sân khấu. Cô ta có khuôn mặt trái xoan thanh tú và đôi mắt được trang điểm kỹ càng. Cô ta có một giọng hát nồng nàn, có thể làm dịu đi những nỗi đau thầm kín của người nghe. Và bỗng Kiều Thanh cảm thấy trong lòng đau nhói.
Lâu lắm rồi Kiều Thanh không hát. Cái chất giọng khàn khàn đặc biệt của cô đã từng được lão chủ quán năm xưa hết lời khen ngợi là “khác biệt” và chắc chắn phải thành “sao”, thành “đẳng cấp”. Vậy mà giấc mộng của cô bỗng tiêu tan khi đã tận mắt nhìn thấy hắn đang môi kề má với một cô ả khác cũng đang non chân mới bước vào cái nghiệp cầm ca. Rồi cô đánh ghen, vì cô đang yêu hay vì bị chia “phần ăn” vốn thuộc cả về mình. Rồi cô hăm dọa cô ả kia, vì cô đang yêu hay vì thói ích kỷ và ảo tưởng từ trước tới nay?
Dần dần, cô hiểu được thế lực của đồng tiền nó ghê gớm tới mức nào. Hơn nữa trong môi trường của cô, việc các ca sỹ nghèo và không chuyên “bị” hay “được” rơi vào tay các ông chủ dâm dê đâu còn là chuyện lạ? Người ngoài thì cười trừ một cái vì lẽ thương thay mà tội nghiệp. Nhưng những cô nàng trong cuộc lại ra điều hãnh diện vì được ông chủ coi trọng, ông chủ cưng chiều. Cô thiết nghĩ:”Họ cũng giống như mình ngày xưa. Cặp bồ với ông chủ đâu thể coi là nhục, là không có lòng tự trọng được đâu…”.
Dòng hoài niệm lội ngược về quá khứ khiến những giọt nước mắt trào ra, lăn dài xuống hai bên gò má Kiều Thanh.
– Đừng khóc! – Một gã đàn ông “hổ báo” tiến lại, giọng như vỗ về. – Tôi sẽ cưng chiều em hơn cưng chiều bất cứ người đàn bà nào trong đêm nay.
– Ông có thể làm gì cho tôi? – Kiều Thanh ghé vào tai hắn, nói thì thầm như hát nhưng cả thân hình đẫy đà vẫn không thôi lắc lư theo tiếng nhạc bị đứt nhịp.
– Làm gì để cho cưng vui là được rồi…
Hắn cười tủm tỉm như thể vừa làm được một hành động đen tối trong quán bar mới bắt đầu giờ mở cửa. Sau một ly rượu cạn sạch, hắn cúi sát đầu xuống bàn, ánh mắt đâm thẳng vào bầu ngực nuột nà trong lớp voan mỏng mà Kiều Thanh đã cố tình phô diễn. Hơi rượu phả ra như đập thẳng tới làn da nóng rát. Kiều Thanh bật cười, tiếng cười gằn lên như một con hổ cái vừa bị lạc mất đứa con đầu tiên trong cuộc đời.