Đọc truyện 5 Giờ 25 Phút – Chương 13: Xóm nhỏ Sittaford
Emily thán phục ngắm phong cảnh vùng núi, bốn bề tuyết phủ trắng xóa. Ra khỏi thị trấn Exhampton khoảng ba cây số, xe ngoặt vào một con đường chạy giữa đồng cỏ hoang vắng. Đã đến làng Sittaford.
Cô thấy một con phố nhỏ có xưởng rèn và một cửa hiệu tạp hóa kiêm bưu điện. Xe ôtô rẽ sang một con đường nhỏ hơn, đến một xóm có sáu ngôi nhà giống hệt nhau, được gọi là sáu “biệt thự”. Lái xe đỗ lại trước ngôi biệt thự thứ hai, báo tin đây là nhà bà Curtis.
Bà Curtis, bé nhỏ, gầy gò, có vẻ đang rất xúc động. Tin đại úy Trevelyan bị giết vừa mới lan đến đây sáng nay.
– Tất nhiên tôi có thể để hai anh em tiểu thư nghỉ tại đây, và hy vọng hai người ăn được những món ăn tôi nấu. Ôi! Ai mà ngờ được đại úy Trevelyan bị giết? Nghe tin mà tôi suýt ngất đi đấy. Ấy chết, mời ông và tiểu thư vào nhà. Đang có nước sôi trên bếp, tôi pha ấm trà hai vị uống cho ấm. Đi đường chắc lạnh lắm.
Emily và “ông anh họ” mỗi người ở một phòng bên cạnh nhau.
– Vậy là chúng ta đã có mặt tại chỗ – Enderby phấn khởi nói – Tôi cam đoan chỉ chưa đầy nửa giờ nữa là chúng ta sẽ biết tất cả những người trong xóm nhỏ này.
Lát sau, bà Curtis mời khách xuống gian bếp.
Tại đây, bà giới thiệu hai “anh em” với chồng, ông Curtis, một ông già tóc hoa râm, vẻ mặt như thể giận dữ với ai không biết. Họ uống trà nóng, ăn bánh phết bơ và trứng luộc. Vừa ăn, hai “anh em” vừa nghe bà Curtis thao thao kể đủ mọi chuyện. Và đúng như Enderby nói, chỉ sau nửa giờ, họ đã biết họ tên và nét lớn về mọi người trong cái xóm nhỏ này.
Đầu tiên là bà Percehouse, ở biệt thự số 4, không chồng, tuổi trung niên và tính nết hâm hâm. Bà ta đã đến đây được sáu năm và bảo sẽ chết tại nơi này.
Bà Curtis kể.
– Khí hậu ở đây rất tốt, từ ngày lên đây ở, bà Percehouse khỏe khoắn hẳn lên. Bà ta có một người cháu, anh ta thỉnh thoảng đến đây thăm cô. Lúc này anh ta đang ở đây. Theo tôi, anh ta lên đây không phải để thăm bà ta, mà chỉ để canh giữ cho gia tài của bà cô khỏi lọt ra ngoài. Tên anh là Garfield.
Hai anh em đưa mắt nhìn nhau, họ đã nghe nói đến cái tên này trong số những người chơi trò “bàn ma”.
Bà Curtis nói tiếp:
– Ngôi biệt thự số 6, đối diện với nhà tôi ở bên kia đường là của ông Duke. Thoạt đầu tôi tưởng ông ta là cựu quân nhân, nhưng không thấy ông ta có dáng dấp nhà binh tý nào. Không như thiếu tá Burnaby, nhìn từ xa đã biết ông ta là người nhà binh rồi.
– Biệt thự số 3 là của cụ Rycroft độc thân. Nghe đâu cụ thỉnh thoảng đi đến những vùng đất xa lắc kiếm những giống chim lạ cho Bảo tàng British. Nhà ông cụ toàn sách là sách chẳng có đồ đạc gì khác.
– Biệt thự số 2 là của đại úy Wyat, thương binh, có một tên đầy tớ Châu Phi. Anh này rất kém chịu lạnh, cho nên trong nhà lúc nào cũng nóng như lò lửa.
– Thiếu tá Burnaby ở biệt thự số 1, chỉ có mỗi một mình. Sáng sáng tôi sang đó dọn dẹp giúp ông ấy. Thiếu tá thân với đại úy Trevelyan như anh em ruột. Họ kết bạn với nhau từ thuở xa xưa, hồi cùng phục vụ trong hải quân.
– Còn thuê tòa lâu đài là hai mẹ con phu nhân Willett. Không ai biết lai lịch họ. Có vẻ họ giàu lắm. Đến đây, họ đem theo cả một lũ đầy tớ gái. Để đám đầy tớ khỏi buồn chán ở nơi heo hút này, phu nhân Willett mỗi tuần hai lần chở họ bằng ôtô dạo chơi đến tận thị xã Exter.
– Tôi phải dọn cái bàn này thôi! – Bà Curtis thở dài tiếc rẻ phải ngừng câu chuyện.
Hai “anh em” phải vất vả lắm mới ngốn được số thông tin phong phú bà chủ nhà vừa cung cấp. Chàng nhà báo Enderby hỏi:
– Thiếu tá Burnaby đã về đây chưa, thưa bà Curtis?
Đang bưng chiếc khay, bà ta đứng lại nói:
– Ông ấy cuốc bộ, giống như mọi khi, và về đến đây trước hai người nửa giờ rồi. Tôi bảo ông ta: “Thiếu tá Burnaby, làm sao ông cuốc bộ từ thị trấn Exhampton về đến đây được?”. Ông ta trả lời: “Sao không được? Khi ta có hai chân thì việc gì cần bốn bánh xe kia chứ? Bà không thấy à, tuần nào tôi chẳng cuốc bộ một chuyến như vậy cho khỏe người?”. Hôm nay còn đỡ, chứ như chiều thứ sáu vừa rồi mà ông ấy cuốc bộ từ đây ra thị trấn được thì quá giỏi. Hẳn là do lo lắng cho bạn mà ông ta cố gắng, bởi hôm ấy tuyết dày phủ kín trên đường, sau lại thêm một trận mưa tuyết dữ dội nữa. Thế mới biết tình bạn ghê gớm thật.
Nói xong, bà Curtis quay đi, bưng khay thức ăn ra ngoài.
Chồng bà nhìn theo vợ, nói:
– Bà ấy thích nói? Nói mà chẳng biết mình nói những gì.
Enderby nói khẽ:
– Ông nhận xét đúng đấy, ông Curtis.
Rồi anh đứng lên:
– Tôi phải sang gặp thiếu tá Burnaby, báo ông ấy biết sáng mai sẽ có nhiếp ảnh đến chụp ông ấy.
– Anh đợi tôi cùng đi với – Emily nói.