Bạn đang đọc 39 Manh Mối (Tập 4: Bước Vào Cõi Tử): Chương 09
CHƯƠNG 9
HILARY VALE luồn lách qua mạng giao thông của thành phố Cairo với một chân đạp số và một tay bấm còi. Bà tăng tốc, phanh, đảo tay lái để tận dụng mọi khoảng không nhỏ tí xíu có thể nhét chiếc xe vào được.
“Tránh đường nào, đồ đầu đất!” bà thò đầu ra cửa sổ hét lên giọng phấn khởi với bất kỳ ai dám cả gan cắt ngang đầu xe.
Mắt Dan sáng rỡ. “Bà ấy thật là ngon lành,” nó thì thầm với Amy.
Cuối cùng, bà chạy khỏi đường lớn, vọt sang một con phố đáng yêu, và rẽ vào một con đường lái xe vào nhà chạy uốn quanh một khu vườn đầy ắp cây cọ cùng các loại cây hoa cảnh. Bà đỗ xịch xe trước một ngôi nhà màu trắng tao nhã.
Mọi người bước ra khỏi xe, cảm thấy còn hơi buồn nôn sau chuyến xe vũ bão và cú thoát thân trong tích tắc. Sau tiếng ồn và cái nóng gay gắt của phố xá, ngôi nhà mới mát mẻ và yên ắng làm sao. Bà Hilary bước thẳng vào một phòng khách nhỏ, được trang trí bằng những tấm thảm và những chiếc sofa có hoa văn sặc sỡ. Một cây dương cầm nằm ở góc phòng. Những chiếc đèn bằng sứ mờ đặt trên các mặt bàn, những chiếc chậu được xếp thành đống đầy ắp những đóa hoa nở rộ.
Hilary mở cửa chớp. Khi ánh sáng mặt trời soi vào, Amy mới nhận ra các tấm đệm sofa đã sờn, và chiếc bàn đã được đặt vào cốt để che đi một chỗ thủng trên tấm thảm. Tồi tàn nhưng thoải mái, quả là một nơi để ngả lưng và đọc sách hàng giờ liền. Cái bẽn lẽn của con bé cũng vơi đi ngay khi có mặt tại căn phòng này.
“Bây giờ thì hãy cởi… ừm, áo choàng ra đi, và cứ tự nhiên nhé các cháu,” Hilary nói. “Ta đoán có vẻ các cháu đã quên chưa thanh toán chúng cho khách sạn. Có phải vì thế mà các cháu bị mấy tên bị thịt kinh khủng ấy đuổi theo không? Ôi các cục cưng đáng yêu.”
“Đúng thế,” Dan trả lời. “Chúng cháu đâu biết ở đây bọn họ nghiêm khắc với nạn ăn cắp áo choàng đến vậy.”
Bà chạm nhẹ ngón tay vào cằm Amy và khẽ xoay mặt nó về hướng ánh sáng. “Cháu rất giống Grace,” bà nói. “Đáng yêu vô cùng!”
“Này. Xem thử cái này xem,” Dan kêu lên.
Amy thấy Dan đang ngắm nhìn một bức ảnh nằm trong một cái khung mạ bạc đặt trên cây dương cầm. Con bé bước đến gần. Đó là một bức ảnh trắng đen hình hai thiếu nữ đứng trước tượng Nhân sư.
Con bé nhận ra Grace ngay lập tức. Tóc bà xõa xuống hai vai, đen óng và hơi xoăn. Bà mặc một chiếc váy trắng và mang giày gót thấp. Cánh tay mảnh dẻ, rám nắng của bà vịn vào cô gái tóc vàng xinh xắn đứng bên cạnh.
“Grace là người bạn thân nhất của ta,” Hillary Vale nói. Bà nhẹ nhàng cầm tấm ảnh lên. “Chúng ta gặp nhau tại ký túc xá ở Mỹ. Ta được gia đình gửi sang Mỹ khi Thế chiến thứ hai bắt đầu – cha và mẹ của ta sống tại Cairo này. Grace là gia đình thứ hai của ta trong nhiều năm liền, khi mà việc liên lạc với gia đình còn rất khó khăn vì chiến tranh. Bà ấy đã bao bọc ta, dù ta ít tuổi hơn và phát âm giọng Mỹ của ta nghe rất mắc cười. Sau chiến tranh, ta đã mời bà ấy sang đây trong một dịp nghỉ lễ. Bà ấy rất yêu Ai Cập.” Sự buồn bã trong mắt Hilary thình lình tan biến khi bà vỗ vỗ hai tay vào nhau. “Đã đến giờ tiffin rồi! Các cháu hãy tự nhiên, thoải mái nhé, ta sẽ quay trở lại.”
“Tiffin là gì?” Dan thì thầm. “Một con mèo chăng
“Một bữa ăn nhẹ,” Nellie đáp. “Thường là rất ngon lành.” Cô đặt con Saladin vào lồng và ngả người ra chiếc đi-văng thêu hoa. “Grace đã bao giờ nhắc đến bà ấy chưa nhỉ?”
“Em cũng không nhớ nữa,” Amy trả lời. “Em biết là Grace đã đến Ai Cập, nhưng bà chẳng nói gì nhiều về nơi này.” Chà, có lẽ nó biết, cũng có lẽ không. Mọi thứ đều quá mơ hồ.
Cairo là một thành phố lý thú.
Bà đến đó chưa vậy, bà Grace?
Tất nhiên là rồi cháu yêu. Nhiều lần. Ôi, lạnh quá, hãy nhìn cơn mưa lạnh lẽo kia. Chúng ta làm thêm một ít bánh sôcôla ăn cho vui nha, cháu nghĩ sao nào?
Đánh lạc hướng và ngụy tạo. Giờ thì Amy đã nhận ra Grace vẫn thường đổi đề tài ra sao mỗi khi ai đó hỏi về các chuyến du hành của mình. Sự ngờ vực len lỏi trong Amy, một lần nữa hất nó ra khỏi sự cân bằng.
Có thêm nhiều bức ảnh khác trên các kệ sách nối từ nền lên đến trần nhà. Amy cầm lên một bức hình đóng khung bạc. Ai đó đã viết bằng bút mực trắng lên trên. Chúng ta, Luxor, 1952. Grace mặc quần dài trông rất bụi bặm và chiếc áo thun nhạt màu, tay áo được xắn lên. Bà đang nheo mắt nhìn mặt trời. Hilary Vale mặc một chiếc váy hoa và đội nón rộng vành. Hình như cả hai đang đứng trước một ngôi đền nào đó. Grace đang đùa với tư thế của người Ai Cập, khuỷu tay cong còn bàn tay hướng ra phía ngoài.
Vừa lúc đó Hilary bước vào phòng tay bưng một chiếc khay lớn và đặt nó xuống cái bàn tròn nhẵn bóng cạnh cửa sổ. Nellie nhanh tay giúp bà dọn những đĩa bánh bột và trái cây đã cắt sẵn xuống giữa bàn.
“Ta thấy các con đang xem mấy bức ảnh ngày xưa,” Hilary nói. “Khó mà tin ngày trước ta trẻ trung đến thế, phải không nào? Hằng năm, Grace đều đến đây và ở cùng với ta. Trong rất nhiều năm.”
“Hằng năm sao?” Amy thắc mắc.
“Có lẽ bà ấy chỉ lỡ chừng dăm ba lần mà thôi. Và dĩ nhiên càng về cuối đời thì việc đi lại của bà càng trở nên khó khăn hơn. Bà ấy cho ta biết về căn bệnh ung thư – Grace rất chân thành. Nhưng khi nghe điều đó ta vẫn rất sốc. Ta chưa bao giờ nghĩ có thứ gì có thể đánh bại được Grace.”
Hilary chỉ tay vào mấy cái ghế, và thế là tất cả ngồi xuống. Amy lướt bàn tay mình dọc theo hai tay vịn bằng gỗ láng bóng. Có lẽ Grace đã từng ngồi trên chiếc ghế này. Con bé ước sao có thể cảm thấy gần gũi với Grace hơn, dù chỉ bằng suy nghĩ ấy. Nhưng nó không thể.
Hilary rót một thứ chất lỏng giống như sữa từ chiếc bình rất đẹp bằng bạc. “Đây gọi là sahlab,” bà giải thích. “Người ta dùng nó trong các quán cà phê trên khắp Ai Cập. Hy vọng các cháu sẽ thích nó.”
Tỏ ra lịch sự, Amy nhấp một ngụm. Ngọt và béo, không giống với bất cứ thứ gì mà nó từng nếm trước đây, nhưng Amy không sao nuốt trôi. Cổ họng con bé nghẹn lại vì những giọt nước mắt lăm le chực tràn ra ngay nếu nó nhắc đến tên Grace.
“Món này thật là tuyệt vời,” Nellie nhồm nhoàm một cái bánh ngọt và cho con Saladin ăn. “Vậy bà nói rằng Grace đã liên lạc với bà trước khi qua đời. Bà ấy đã nói gì với bà ạ?”
Amy gửi tới Nellie một cái nhìn hàm ơn. Nellie đã trông thấy sự bẽn lẽn của nó và hành động thay cho Amy. Lúc nào cũng có thể trông cậy vào Nellie. Dan đang bận bịu bẻ chiếc bánh chanh nên chẳng có thì giờ để ý tới chuyện đó.
Hilary mỉm cười, đứng dậy. “Đúng thế, hãy ngắn gọn nhé, như người Mỹ các cháu vẫn ưa nói như thế. Grace đã gửi cho ta một lá thư và nhờ ta gửi cho bà một vài thứ.” Bà đến bên một chiếc tủ nhỏ và mở nó, lấy ra nhiều món đồ đoạn quay lại ghế ngồi, đặt chúng lên đùi. Amy có cảm giác nó phải ngay lập tức cầm lấy và chạy đi đâu đó để đọc chúng một mình, nhưng nó buộc phải ép mình uống thêm một ngụm sahlab nữa và giữ ình bất động.
Hilary đặt lên bàn một quyển sách. “Trước hết, đây là quyển cẩm nang du lịch mà Grace đã sử dụng trong nhiều năm. Bà muốn các cháu giữ nó.” Bà đẩy quyển sách qua chỗ Amy.
Quyển sách dày, bìa cong queo và đã ố vàng, trang sách được giở đi giở lại rất nhiều lần.
“Tất nhiên là nó đã lỗi thời rồi,” Hilary nói kèm theo một nụ cười. “Nhưng mọi thứ ở đây cũng không thay đổi gì nhiều.”
Amy giở quyển sách ra. Nó nhìn thấy các chú thích ở lề sách viết bằng nét chữ nhiều nét móc của Grace.
Thưởng thức bữa ăn tại đây, chuyến đi năm 1972.
Chà, cái này xem chừng không có ích lắm.
“Đây là tấm thiệp Giáng sinh cuối cùng của Grace,” Hilary nói tiếp. “Bên trong có thông điệp bà ấy gửi cho hai cháu.”
Bà trao tấm thiệp cho Amy. Dan dịch chiếc ghế đến gần hơn để xem.
Tấm thiệp từ Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Grace đã nhiều lần dắt chúng đến đây. Tấm thiệp vẽ lại một bức tranh quen thuộc, “Ba nhà thông thái mang quà đến bên máng cỏ”.[1]
[1] Ba nhà Thông thái mang quà đến chúc phúc cho Chúa Hài Đồng trong đêm Giáng sinh. Chúa Hài Đồng sinh ra trong máng cỏ, theo Kinh Thánh.
Hilary thương mến,
Chị chúc em và gia đình một mùa Giáng sinh tràn đầy hạnh phúc. Chị tin rằng hai đứa cháu của chị sẽ sớm đến Cairo. Đã đến lúc chị phải nhờ em thực hiện giúp chị một lời hứa mà trước kia em đã từng hứa.
Em hãy gửi bức thư này đến Dan và Amy yêu dấu của chị –
Kho báu của bà,
Ai Cập đầy ắp điều tuyệt diệu.
Chào mừng hai con – Bà mong các con sẽ thấy hạnh phúc khi ở đó.
Ai Cập là một đất nước vẫn thắm[2] vào trong những giấc mơ của bà. Giá như bà được bằng một nửa grandmother[3] của các con mà lẽ ra bà nên thế, bà ước sẽ được tự mình mang các con đến nơi đó. Bà ước sao mình có thể theo chân hai con khi cả hai đang bước theo những bước chân của bà. Chớ quên nghệ thuật nhé! Hai con có thể luôn kết thúc với những điều cơ bản.
[2] Trong nguyên tác, Grace cố tình viết sai chính tả chữ resonates (âm vang) thành resonates (thấm nhựa). Chúng tôi dịch thoát để giữ tinh thần của văn bản.
[3] Chữ grandmother (bà) chúng tôi giữ nguyên không dịch ra.
Thương mến, Grace.
Tái bút: Bà Fenwich gửi lời chúc tốt đẹp đến cho S.
Dan và Amy nhìn xuống phía dưới tấm thiệp. Chính tay của Grace đã cầm bút viết ra những dòng chữ, cả dấu móc kia. Bà dùng một chiếc bút máy như cách bà vẫn thường làm với những bức thư quan trọng. Ở cuối chữ “g” trong “grandmother” có một chấm đen. Dù chúng biết khi viết lá thư này bà đã mắc bệnh, song nét chữ vẫn rất mạnh mẽ và rắn rỏi. Grace biết chúng sẽ đọc lá thư này sau khi mình đã qua đời.
Thậm chí chữ thắm viết sai cũng khiến Amy cảm thấy xốn xang, giống như bà ngoại chúng vẫn còn đang ở căn phòng kế bên, đang ngồi viết thiệp Giáng sinh và gọi nó, “Hãy mang cho bà ly eggnog[4] nào hai cháu cưng? Bà chẳng tìm đâu ra lời chúc Giáng sinh cả!”
[4] Cocktail làm từ trứng, sữa, rượu và kem tươi, phổ biến trong ngày Giáng sinh tại Bắc Mỹ.
Grace để lại cho chúng một lá thư. Sau nhiều tuần nghĩ ngợi, thì rốt cuộc đã xuất hiện lá thư. Nhưng mà lá thư làgì? Nó rất riêng tư – lúc nào bà cũng gọi chúng là kho báu – nhưng đồng thời như thế cũng rất bâng quơ. Giọng của Grace thì rất hồ hởi, như thôi thúc chúng đi tham quan cả Ai Cập. Như thể chẳng còn điều gì khác phải làm ngoài duy nhất một chuyện là tham quan.
Amy nhìn Dan. Con bé biết phản ứng của thằng em cũng hệt như của mình – đau lòng và bối rối. Thông điệp cuối đời kiểu gì thế không biết?
Dan cầm lấy chiếc phong bì. “Dấu bưu điện ở Nantucket[5]” nó nói. “Gửi từ năm ngoái.”
[5] Đảo Nantucket, nằm ở 30 dặm phía Nam mũi Cod, thuộc bang Massachusetts, Mỹ. Theo tiếng thổ dân thì từ này có nghĩa là vùng đất ở rất xa.
Amy và Dan đưa mắt nhìn nhau. Trong cái nhìn ấy cả hai đã rời bỏ căn phòng của Hilary, rời bỏ thành phố nóng nực, lạ lùng này và trở về một nơi rất đỗi thân quen. Grace có một ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Sconset nằm trên đảo Nantucket, cách xa bờ biển Massachusetts. Chúng nhớ bầu trời xanh, những đám mây bông, bầu không khí mằn mặn vị muối. Grace đang vừa nướng bắp trên vỉ nướng vừa làm món bơ chanh. Bà la to, “Con cuối cùng là một con trăn kìm!” và mùi hương biển mát lạnh.
“Chị có nhớ lão bà Fenwick không?” Dan hỏi.
Amy mỉm cười. Betsy Fenwick là hàng xóm của chúng. Amy không còn nhớ nó hay Dan đã gán cho bà biệt danh ấy. Bà đến từ “một trong những gia đình lâu đời nhất vùng Beacon Hill” ở Boston, đó là điều mà bà ấy cố gắng nhét cho bằng được vào mỗi cuộc đối thoại. Bà chê trách Grace, vì bà ngoại chúng đã để mặc cho hoa hồng mọc um tùm, và vận những chiếc quần cũ, đầu đội mũ Yankee trong khi làm vườn.
Lão bà Fenwich cũng không thích mèo, nhưng lại dành hẳn một lòng căm ghét đặc biệt cho Saladin, con vật vì một lẽ nào đó đã chọn khu vườn nhà Fenwick làm nhà vệ sinh riêng của nó. Grace nói, bà cũng không hiểu vì sao có chuyện phiền nhiễu ấy – rốt cuộc thì, chẳng phải việc ấy đã giúp Betsy Fenwich tiết kiệm được tiền mua phân bón cây hay sao? Nhưng cứ như thể mọi thứ đều là trò đùa, bà Fenwich không chấp nhận chuyện này. Bà cấm Saladin bén mảng vào khu vườn và yêu cầu Grace phải cột quả chuông vào cổ chú mèo. Saladin ghét quả chuông ấy. Nó xem thứ đó thật hạ đẳng chẳng xứng tầm với nó. Ta là một con mèo chứ có phải là chiếc chuông cửa đâu? Dường như nó muốn nói thế.
Nụ cười của Amy nhạt dần đi. Những ký ức về Nantucket khiến nó thậm chí còn thấy rối rắm hơn. Tất cả quãng thời gian họ đã có với nhau! Chẳng làm gì ngoài duy nhất một việc là tận hưởng mùa hè. Tất cả những buổi trưa thật dài, những buổi tối nhìn mặt trời tan vào đại dương… chừng ấy cơ hội để Grace quay sang nói với chúng, Nhân đây, hai con cũng có quyền thừa kế của dòng họ. Và cả một gánh nặng. Ta cần phải giúp hai con.
“Hai con có thể luôn kết thúc với những điều cơ bản.” Nellie đọc lá thư. “Nó có nghĩa là gì?”
“Mỗi khi Grace dắt theo chúng em, bà chẳng bao giờ cho chúng em xem trước cẩm nang,” Dan giải thích. “Hai đứa trước hết phải quan sát, rồi mới đọc xem người khác đã nói gì về nó.”
Hilary nhấc một chiếc hộp nhỏ ra khỏi đùi mình và nói, “Và giờ thì đến lượt lời hứa của ta. Chiếc hộp này đã nằm trong két sắt ở Cairo suốt năm mươi năm nay. Grace đưa ta một chiếc chìa khóa. Ngày hôm qua luật sư của bà ấy vừa mang đến đây. Một ông McIntyre nào đó?”
“Ông McIntyre đang ở Cairo sao?” Amy hỏi lại.
“Một con người đáng mến, dù có hơi cứng nhắc. Ta và ông ấy đã cùng ra ngân hàng để mở két. Bên trong chỉ có duy nhất chiếc hộp này. Ông nói các cháu sẽ sớm đến Cairo và ta sẽ mở nó ra ngay trước mặt mọi người. Các cháu thấy niêm phong vẫn còn, phải không nào? Ta cần cho các cháu thấy rằng nó vẫn còn nguyên vẹn. Nào. Bắt đầu nhé.”
Hilary xé niêm phong. Nắp hộp phát ra tiếng cót két khi bà mở nó. Bên trong có một vật nhỏ được bọc trong vải lanh. “Cho phép ta mở nó nhé?”
Dan và Amy gật đầu đồng ý. Thật nhẹ nhàng, Hilary cầm món đồ lên và mở lớp vải ra.
Một cặp mắt bằng ngọc lục bảo, cổ xưa và ranh mãnh, chằm chằm nhìn vào mọi người. Đó chính là bức tượng Sakhet bằng vàng.