1Q84 - Tập 3

Chương 13 - Phần 1


Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 3: Chương 13 – Phần 1

Chương 13: Ushikawa
Thế này là quay lại điểm khởi đầu à?
Tướng mạo của Ushikawa khiến y nổi bật. Y không thích hợp với việc giám thị hay theo dõi người khác. Dù cố trà trộn vào đám đông đến đâu, y vẫn lồ lộ ra trước mắt mọi người, giống như con rết to tướng rơi vào cốc sữa chua vậy.
Người nhà của y chẳng có ai như vậy cả. Ushikawa có cha mẹ, hai anh em trai và một cô em gái. Cha y mở phòng khám tư, mẹ y quản lý tài vụ cho phòng khám, anh trai và em trai thì lần lượt vào đại học y với kết quả xuất sắc, trở thành bác sĩ. Anh trai y hiện đang làm tại một bệnh viện ở Tokyo, còn em trai hiện đang ở trường đại học làm công tác nghiên cứu. Sau khi cha y về hưu, anh trai y là người thừa kế phòng khám của gia đình ở Urawa. Cả anh trai lẫn em trai đều đã kết hôn và có một đứa con. Em gái y từng đi Mỹ học đại học, giờ đã trở về Nhật Bản làm thông dịch viên. Cô đã ngoài ba lăm nhưng vẫn độc thân. Bọn họ người nào người nấy đều có dáng người cao dỏng, mặt trái xoan, dung mạo cân đối.
Trong cái nhà ấy, Ushikawa gần như là một ngoại lệ ở mọi phương diện, đặc biệt là về hình dáng. Dáng y lùn tịt, cái đầu to tướng một cách kì quặc, mái tóc bù xù xoăn tít. Chân y ngắn ngủn, cong như quả dưa chuột. Mắt y lồi hẳn ra ngoài như bị khiếp hãi gì đó, xung quanh cần cổ y có nhiều thịt một cách kì dị, tròn lăn lẳn. Lông mày vừa dài vừa rậm, gắn như nối liền thành một đường, thoạt nhìn như hai con sâu róm to tướng đang đuổi nhau. Kết quả học tập của y đa phần có thể coi là xuất sắc, nhưng thành tích các môn không đồng đều, đặc biệt là không giỏi các môn thể dục thể thao.
Trong cái gia đình giàu có mĩ mãn toàn tinh anh ấy, y mãi mãi là “loại khác,” là một nốt nhạc phô làm rối loạn sự nhịp nhàng của giai điệu. Xem ảnh chụp cả gia đình, chỉ có mình y là thứ duy nhất không thích hợp, trông như một gã xa lạ thô kệch nào đó đã đi nhầm nhà, hoặc ngẫu nhiên bị chụp nhầm vào trong ảnh vậy.
Cả nhà y chẳng ai hiểu nổi vì cớ gì mà cái kẻ tướng mạo hoàn toàn không có gì giống họ lại xuất hiện trong gia đình như thế. Nhưng y rõ ràng là do cha mẹ y sinh ra (bà ấy vẫn nhớ rõ cơn đau đẻ vô cùng dữ dội), chứ không phải có người bỏ vào cái giỏ đem để trước cửa nhà. Sau này có người nhớ ra, trong các họ hàng của cha y cũng có người sở hữu hình dạng to tướng với cái đầu kì quặc, đó là anh họ của ông nội Ushikawa. Thời chiến tranh, người này làm việc trong một xưởng kim loại ở khu Koto, nhưng ông ta qua đời vào mùa xuân năm 1945 trong trận không kích Tokyo. Cha y chưa từng gặp người này, nhưng trong tập album cũ có ảnh của ông ta. Nhìn tấm ảnh ấy, cả nhà sực hiểu: Quả nhiên là giống. Tướng mạo người chú ấy của cha y chang Ushikawa đến đáng ngạc nhiên, khiến mọi người có cảm tưởng y là ông chú kia đầu thai. Chắc là, vì một nguyên cớ nào đó, nhân tố di truyền ở ông chú kia lại xuất hiện một lần nữa.

Giá không có y thì nhà Ushikawa ở Urawa, tỉnh Saitama đã là một gia đình hoàn hảo không chê vào đâu được, bất kể tướng mạo hay thành tích trong học tập và sự nghiệp. Đó sẽ là một gia đình hoàn hảo về mọi mặt mà ai nấy đều ngưỡng mộ. Nhưng hễ thêm Ushikawa là người khác thảy chau mày, lắc đầu. Mọi người đều sẽ nghĩ, trong cái gia tộc này có lẫn vào một con quỷ gây chuyện chuyên môn ngáng chân nữ thần sắc đẹp hay không nữa. Không, cha mẹ y cho rằng người khác chắc chắn sẽ nghĩ thế. Chính vì vậy họ cố hết sức không để Ushikawa xuất hiện trước mặt người khác; những lúc vạn bất đắc dĩ thì họ cố gắng không để y trở nên quá nổi bật. (Đương nhiên những nỗ lực ấy chỉ uổng công.)
Nhưng, dù ở trong hoàn cảnh đó, Ushikawa không bao giờ cảm thấy bất mãn, cô độc hay buồn phiền gì cả. Bản thân y không thích xuất đầu lộ diện, cha mẹ muốn y không quá nổi bật âu cũng hợp ý y. Anh em trai và em gái gần như coi y không tồn tại, nhưng y chẳng để tâm. Vì y không yêu quý gì bọn họ. Bọn họ không chỉ có vẻ ngoài đẹp đẽ mà kết quả học tập cũng xuất sắc, thể dục thể thao môn nào cũng giỏi, lại có rất nhiều bạn bè. Nhưng trong mắt Ushikawa, con người bọn họ nông cạn hết thuốc chữa, tư tưởng tầm thường, tầm nhìn hạn hẹp, thiếu trí tưởng tượng, lúc nào cũng nghĩ đến ánh mắt của người đời. Tệ hại hơn nữa, bọn họ hoàn toàn không biết hoài nghi, sự hoài nghi lành mạnh tối cần thiết ngõ hầu đạt tới sự thông tuệ.
Cha y là bác sĩ nội khoa ở vùng nông thôn, có thể coi là một bác sĩ giỏi, nhưng lại là một nhân vật buồn tẻ đến phát ngấy. Giống như vị vua trong truyền thuyết cầm cái gì là cái đó biến thành vàng, ông ta biến mọi thứ mình nói ra thành những hạt cát nhạt nhẽo. Nhưng nhờ ít nói, ông ta khéo léo che giấu được sự ngu muội và tẻ nhạt của mình trước mặt người đời, tuy có lẽ ông ta không cố ý làm thế. Mẹ y thì ngược lại, lắm lời và nhiều chuyện, một người đàn bà dung tục hết thuốc chữa. Bà ta rất chi li chuyện tiền bạc, lại tự hay ình là đúng, làm xằng làm bậy, thích khoe khoang sự giàu có, hơi tí là lớn tiếng nói xấu người khác. Anh trai y thừa hưởng tính cách của ông bố, thằng em thì tính giống hệt bà mẹ. Cô em gái y tuy có tính tự lập mạnh mẽ song lại thiếu trách nhiệm, không biết thông cảm cho ai bao giờ. Là cô con út trong nhà, cô ta được cha mẹ y nuông chiều nhất mực, đâm sinh hư.
Điều đó giải thích tại sao Ushikawa cô độc cả quãng đời thiếu niên. Tan học về nhà là y chui tót vào phòng mình đóng cửa lại, vùi đầu đọc sách.
Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Ngoài con chó nuôi trong nhà, y không có người bạn nào khác. Mặc dù không có cơ hội cùng người khác bàn luận về những tri thức mình học được, nhưng Ushikawa hiểu rõ mình là một nhà hùng biện có tư duy logic mạnh mẽ, sở hữu năng lực suy xét sáng suốt và y kiên nhẫn một mình rèn luyện khả năng này. Chẳng hạn y giả định ra một mệnh đề, rồi một mình tự đóng hai vai, triển khai thảo luận xung quanh nó. Một người nhiệt tình ủng hộ mệnh đề, người kia phê phán mệnh đề ấy cũng nhiệt tình y như thế. Y có thể đồng hóa bản thân vào cả hai lập trường đối chọi gay gắt ấy, mê mải và chân thành với bất cứ luận trường nào mà y đang ủng hộ. Cứ thế, y bất giác mà nắm được năng lực hoài nghi bản thân. Đồng thời y nhận ra, những thứ thông thường được người đời cho là chân lý, trong rất nhiều trường hợp chẳng qua chỉ là tương đối mà thôi. Y còn hiểu được rằng, chủ quan và khách quan không phải có thể phân biệt một cách rõ ràng như người ta vẫn nghĩ. Nếu ranh giới ấy vốn đã không rõ ràng thì dịch chuyển nó qua lại một cách có mục đích cũng không phải là chuyện khó khăn gì.
Để phép logic và hùng biện thêm rõ ràng, hiệu quả, y nhồi nhét tất cả tri thức tìm thấy được vào đầu. Dù là thứ hữu dụng hay không hữu dụng cho lắm. Dù là thứ y đồng thuận hay là thứ mà nhất thời y chưa thể gật đầu. Cái mà y theo đuổi không phải là sự giáo dưỡng theo ý nghĩa thông thường, mà là những thông tin cụ thể có thể thật sự cầm trên tay mà xác nhận hình dạng và trọng lượng.

Cái đầu to tướng hình dáng kỳ quặc ấy đã trở thành vật chứa hoàn hảo thu nạp những thông tin quý giá. Nhờ vậy, y trở nên uyên bác hơn tất cả những người cùng độ tuổi. Chỉ cần muốn, Ushikawa có thể dễ dàng dùng lời lẽ đánh gục tất cả người xung quanh, không chỉ anh em hay bạn cùng lớp, mà thậm chí cả thầy cô giáo hay bố mẹ. Nhưng Ushikawa luôn chú ý không thể hiện tài năng ấy trước mặt người khác. Y không thích mình nổi bật dù dưới hình thức nào đi nữa. Tri thức và tài năng xét cho cùng chỉ là công cụ, không đáng để đem ra khoe khoang.
Ushikawa cảm thấy như mình là loài thú ăn đêm mai phục ở chỗ tăm tối nào đó trong rừng sâu đợi con mồi xuất hiện. Y kiên nhẫn đợi chờ thời cơ thích hợp, chỉ cần thời khắc đó đến, y sẽ quyết đoán bổ nhào tới. Trước lúc ấy, y không thể để đối phương phát giác ra sự tồn tại của mình. Mấu chốt là phải ẩn dấu hơi thở, làm đối phương lơi là cảnh giác. Từ khi còn là học sinh tiểu học y đã nghĩ như vậy rồi. Y không bao giờ dựa dẫm vào người khác, cũng không tùy tiện biểu lộ tình cảm.
Đôi khi y tưởng tượng, giả sử vẻ ngoài của mình dễ coi hơn một chút thì sẽ thế nào. Không nhất thiết phải tuấn tú phong độ, không cần đến mức khiến người ta thoạt nhìn đã xiêu lòng. Chỉ cần bình thường là được rồi, chỉ cần không xấu đến mức khiến người đi ngang qua thảy đều không kìm được mà ngoảnh đầu nhìn là được rồi. Giả sử có tướng mạo như thế, cuộc đời mình rốt cuộc sẽ như thế nào nhỉ? Nhưng đó là cái “giả sử” vượt quá sức tưởng tượng của Ushikawa. Ushikawa đã quá Ushikawa rồi, không có chỗ cho giả thiết nào nữa. Sở hữu cái đầu to tướng hình dáng kỳ quái cùng cặp mắt lồi, hai chân ngắn ngủn cong queo, đó mới là con người Ushikawa, gã thiếu niên trầm mặc song giỏi hùng biện, luôn hoài nghi và tràn trề khát khao tri thức.
Theo thời gian, đứa trẻ xấu xí lớn lên trở thành gã thanh niên xấu xí, rồi không biết từ lúc nào đã biến thành gã trung niên xấu xi. Dù ở giai đoạn nào của cuộc đời Ushikawa, người qua đường thấy đều ngoảnh lại nhìn y. Ushikawa thường nghĩ, khi nào mình trở thành ông già xấu xí thì chắc sẽ không khiến người ta chú ý như vậy nữa. Vì người già đa phần đều xấu xí, nên sự xấu xí khác thường của một cá thể có thể sẽ không dễ nhận thấy như thời trẻ con nữa. Nhưng chuyện đó thì phải đợi đến khi thành người già mới biết được. Không khéo y lại biến thành một ông già xấu xí xưa nay chưa từng có cũng nên.
Nói tóm lại, cái việc tinh tế kiểu như hòa mình vào khung cảnh xung quanh ấy, y không làm được. Vả lại, Tengo có biết Ushikawa, thành ra nếu y cứ lảng vảng quanh nhà anh ta mà chẳng may bị phát hiện thì mọi chuyện sẽ tan thành bọt nước.
Gặp phải tình huống này, thường thì y thuê thám tử chuyên nghiệp. Từ hồi còn làm luật sư, do đòi hỏi của công việc, Ushikawa đã duy trì liên hệ với văn phòng thám tử tư kiểu này. Rất nhiều người trong số họ là cựu cảnh sát, rất lão luyện kỹ năng điều tra, theo dõi và giám sát. Nhưng lần này y phải cố hết sức không để người ngoài dây vào. Vấn đề quá tế nhị, lại còn dính dáng đến trọng tội giết người. Thêm vào đó, bản thân Ushikawa cũng không thể chắc giám sát Tengo thì y sẽ được cái gì.

Ushikawa cần điều tra rõ mối “liên hệ” giữa Tengo và Aomame, nhưng y thậm chí còn chẳng rõ Aomame trông như thế nào. Y đã tìm đủ mọi cách, nhưng chẳng thể nào tìm được một tấm ảnh cho ra hồn. Kể cả tên Dơi kia cũng không kiếm được. Y từng xem qua tập ảnh tốt nghiệp cấp ba của Aomame, nhưng gương mặt cô ta trong ảnh chụp chung với cả lớp quá nhỏ, và có một vẻ thiếu tự nhiên khó tả, giống như đeo mặt nạ vậy. Trong ảnh câu lạc bộ bóng mềm của công ty thì cô lại đội chiếc mũ có vành rất rộng phủ bóng che hết mặt. Vì vậy, cho dù Aomame có đi qua trước mặt Ushikawa, y cũng không có cách nào xác định đó chính là cô ta. Y chỉ biết cô ta cao khoảng gần mét bảy, vóc dáng xinh đẹp. Mắt và xương gò má của cô ta rất đặc trưng, tóc dài đến vai, thân hình khỏe mạnh. Nhưng phụ nữ như thế thì đâu đâu cũng có.
Nhiệm vụ giám sát này xem ra chỉ có thể do Ushikawa tự mình đảm nhiệm. Kiên nhẫn và chuyên chú canh chừng, âm thầm chờ đợi tình thế thay đổi. Một khi có biến, phải lập tức nhận định tình hình, phán đoán trong chớp mắt xem cần hành động thế nào. Việc tinh tế như vậy, y không thể giao cho người khác được.
Tengo ở trong một căn hộ tầng ba của một khu chung cư ba tầng cũ kỹ kết cấu bê tông cốt thép. Ngoài cổng có gắn hộp thư của các hộ gia đình trong tòa nhà, trong đó có một hộp dán biển tên “Kawana.” Hòm thư hoen gỉ đã tróc hết sơn. Nắp hòm thư tuy có gắn khóa, nhưng hầu như tất cả cư dân đều không khóa. Cổng tòa nhà không khóa, ai cũng có thể ra vào tự do.
Hành lang tăm tối tỏa ra mùi đặc trưng của những khu chung cư lâu năm không được duy tu. Chỗ dột nước không bao giờ được sửa, ga trải giường cũ giặt bằng thuốc tẩy rẻ tiền, dầu ăn đục ngầu đã dùng để rán tempua, cây trạng nguyên khô héo, mùi nước đái mèo bốc ra từ chỗ cỏ mọc rậm rạp ở sân trước, cùng vô số mùi khác không rõ nguồn gốc hòa làm một, hình thành nên một bầu không khí đặc biệt. Sống ở đây lâu năm, có lẽ người ta quen với thứ mùi này. Nhưng đây tuyệt đối không phải thứ mùi khiến người ta thoải mái tinh thần. cho dù đã quen đi chăng nữa.
Cửa căn hộ của Tengo hướng ra đường. Tuy không đến nỗi ồn ào, nhưng người qua kẻ lại không phải ít. Gần đó có một trường tiểu học, vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày sẽ có rất nhiều trẻ con đi qua. Đối diện với tòa nhà, mấy căn nhà dân nhỏ nằm san sát cạnh nhau, đều là loại nhà nhỏ hai tầng không có sân vườn. Phía trước con đường có một quán nhỏ bán rượu, một cửa hàng văn phòng phẩm bán cho học sinh. Cách đó hai khu phố có một đồn công an nhỏ. Gần đây không có nơi nào có thể ẩn mình, nếu y cứ đứng bên đường ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào căn hộ của Tengo thì kể cả dù may mắn không bị anh ta phát hiện, xóm giềng chắc chắn cũng sẽ ném về phía y ánh mắt nghi ngờ. Huống hồ, với một nhân vật có tướng mạo “không tấm thường” như y, mức cảnh giác của cư dân hẳn sẽ tăng lên hai bậc. Không khéo, họ còn coi y là một tên biến thái có ý đồ với lũ trẻ con tan học về nhà mà gọi cảnh sát cũng nên.
Muốn giám sát người khác, trước tiên cần tìm được nơi thích hợp. Đó phải là một nơi không bắt mắt, có thể quan sát đối phương hành động, đảm bảo được việc bổ sung thức ăn nước uống. Lý tưởng nhất là một phòng đơn mà từ đó có thể nhìn trọn căn hộ của Tengo. Ở đó lắp giá ba chân, gần máy ảnh có ống kính tele, giám sát động tĩnh trong căn hộ, ai đi ra đi vào đấy. Y làm việc một mình nên không thể giám sát liên tục hai tư tiếng một ngày, nhưng mỗi ngày chừng mười tiếng thì y có thể xoay sở. Nhưng khỏi phải nói, nơi lý tưởng như vậy chẳng dễ gì tìm được.
Mặc dù vậy, Ushikawa vẫn chạy đôn chạy đáo quanh khu đó, tìm một nơi như thế. Y không phải loại người dễ bỏ cuộc. Sự ương bướng chính là điểm mạnh của y. Nhưng sau khi tốn cả nửa ngày trời sục sạo mọi ngóc ngách ở khu lân cận, Ushikawa đành bỏ cuộc, Koenji là nhu vực nhà dân đông đúc, địa thế bằng phẳng, không có nhà cao tầng, những nơi có thể thấy được căn hộ của Tengo trong tầm mắt cực kỳ ít ỏi. Vả lại, ở góc này, không có nơi nào y có thể ẩn nấp được cả.

Những khi trong đầu không có ý tưởng nào hay ho, Ushikawa luôn ngâm mình trong chiếc bồn bằng acrylic, nghe hòa tấu cho violon của Sibelius[1] trên radio. Không phải y muốn nghe Sibelius cho lắm, vả lại các bản hòa tấu của ông khó mà gọi là thứ âm nhạc thích hợp để nghe trong lúc ngâm mình trong bồn tắm sau khi kết thúc một ngày dài làm việc. Có lẽ người Phần Lan thích vừa tắm bồn sục vừa nghe Sibelius trong những đêm dài đằng đẵng ở xứ họ. Nhưng trong một buồng tắm chật hẹp gộp chung cả nhà vệ sinh của một căn hộ hai phòng ngủ ở Koninata, khu Bunkyo này, âm nhạc của Sibelius quá đỗi nồng nhiệt, chất chứa quá nhiều cảm giác bức bối. Nhưng Ushikawa chẳng để tâm. Y chỉ cần có nhạc nền là được. Nếu là nhạc của Rameau[2], hẳn y cũng không phàn nàn, nếu là bản Carnaval của Schumann cũng thế. Đài phát thanh chỉ tình cờ đang phát bản hòa tấu cho violon của Sibelius đúng vào lúc này. Chỉ có vậy.
[1] Jean Sibelius (1865-1957): nhà soạn nhạc Phần Lan cuối thời kỳ lãng mạn, được coi là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Âm nhạc của ông góp phần quan trọng trong việc xác định Phần Lan trên bản đồ âm nhạc thế giới.
[2] Jean-Philippe Rameau(1683-1764): nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn organ, đàn clavecin, đàn violon, nhà nghiên cứu lý thuyết âm nhạc, nhà sư phạm người Pháp. Ông là nhà soạn nhạc thuộc thời kỳ Baroque.
Như mọi lần, Ushikawa để một nửa ý thức của mình trống rỗng cho nó nghỉ ngơi, dùng nửa còn lại để suy nghĩ. Vậy là, âm nhạc của Sibelius do Davad Oistrakh[3] diễn tấu chủ yếu đi qua phần trống rỗng kia, như cơn gió nhẹ tràn qua lối vào mở rộng, rồi lại đi ra qua lối ra cũng rộng mở. Đây có lẽ không phải là phương pháp thưởng thức âm nhạc đáng được khen ngợi. Nếu biết được âm nhạc của mình bị người ta đối đãi như thế, Sibelius hẳn sẽ nhíu cặp lông mày rậm rạp, trên cái cổ thô kệch của ông hẳn sẽ hằn thêm vài nếp nhăn. Nhưng Sibelius đã qua đời từ lâu lắm roi, Davis Oistrakh cũng đã xuống mồ, vì vậy Ushikawa không cần kiêng nể ai trong số họ cả, cứ việc để âm nhạc lọt từ tai trái sang tai phải, dùng nửa ý thức vẫn chưa trống rỗng kia để lan man suy nghĩ.
[3] David Oistrakh (1908-1974): nghệ sĩ violon nổi tiếng của Liên Xô cũ.
Những lúc thế này, Ushikawa thích suy nghĩ không giới hạn đối tượng. Y để cho ý nghĩ mặc tình tự do chạy nhảy, kiểu như thả một đàn chó ra giữa cánh đồng mênh mông. Bảo chúng rằng thích đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, sau đó thì thả chúng. Còn y thì ngâm mình ngập trong nước ấm đến tận cổ, khép hờ hai mắt, hờ hững nghe nhạc, thả hồn bay bổng. Lũ chó chạy cung quãng khắp nơi, lăn lộn trên triền dốc, đuổi nhau không biết chán, lúc phát hiện ra lũ sóc thì hùng hục đuổi theo, khắp người đầy bùn đất lá cây, chơi chán rồi chúng quay về bên cạnh y, Chừng đó Ushikawa xoa đầu lũ chó, rồi đeo vòng cổ cho chúng. Lúc này, âm nhạc kết thúc. Bản hòa tấu của Sibelius dài ba mươi phút, vừa vặn đủ dài. Phát thanh viên giới thiệu, bản nhạc tiếp theo là Sinfornietta của Janáček. Sinfonietta của Janáček, hình như Ushikawa đã nghe tên khúc nhạc này ở đâu đó, nhưng y không thể nhớ ra là ở đâu. Y cố gắng lục tìm trong ký ức, nhưng tầm nhìn không hiểu sao lại trở nên mơ hồ, như thể mắt bị phủ một tầng sương mù màu vàng nhạt. Nhất định là do ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Ushikawa đành bỏ cuộc, tắt đài radio rồi leo ra khỏi bồn tắm, chỉ quấn khăn tắm ngang hông, rồi lấy bia trong tủ lạnh ra uống.
Ushikawa sống một mình. Hồi trước, y từng có vợ và hai con gái. Bọn họ mua một căn nhà nhỏ ở khu Chuorinkan, thành phố Yamaro tỉnh Kanagawa. Nhà tuy nhỏ nhưng có một khu vườn phủ cỏ xanh, và nuôi một con chó. Vợ y mặt mũi cũng được, lũ con có thể coi là xinh xắn. Hai đứa con gái hoàn toàn không kế thừa tướng mạo của Ushikawa. Y thở phào nhẹ nhõm vì điều ấy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.