Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 3: Chương 12 – Phần 1
Chương 12: Tengo
Các quy tắc của thế giới trở nên lỏng lẻo
Ăn xong bữa sáng, Tengo đi tắm. Anh gội đầu, cạo râu ở bồn rửa mặt, rồi thay quần áo khô ráo sạch sẽ. Xong xuôi đâu đấy, anh ra khỏi lữ quán, mua tờ báo sáng ở ki-ốt chỗ nhà ga, đoạn đi vào quán cà phê bên cạnh gọi một tách cà phê đen nóng.
Trên báo không có sự kiện nào đáng chú ý. Ít nhất là, theo báo ngày hôm nay, thế giới này là một nơi nhạt nhẽo, buồn tẻ. Rõ ràng là báo ngày hôm nay, mà anh lại có cảm giác như đang đọc lại báo của một tuần trước vậy. Tengo gấp tờ báo lại, nhìn đồng hồ đeo tay. Lúc này là chín giờ rưỡi, thời gian thăm bệnh nhân ở viện điều dưỡng bắt đầu từ mười giờ.
Chuẩn bị cho chuyến trở về rất đơn giản. Hành lý của anh vốn đã không nhiều. Một ít quần áo để thay, đồ vệ sinh cá nhân, vài quyển sách, một tập giấy viết, chỉ có vậy. Chỉ cần một chiếc túi đeo chéo bằng vải buồm là có thể đựng gọn gàng. Tengo quảy túi lên vai, trả tiền trọ, rồi bắt xe buýt ở trước ga tàu đến viện điều dưỡng. Giờ đã là đầu đông, gần như không có ai mới sáng sớm đã ra bờ biển làm gì. Tengo là người duy nhất xuống xe ở bến xe trước cửa viện điều dưỡng.
Ở bàn tiếp tân, anh điền họ tên và thời gian vào sổ đăng ký thăm nom như thường lệ. Ngồi ở bàn là một cô y tá trẻ thi thoảng anh mới gặp một lần, tay và chân cô gái mảnh và dài một cách khác thường, nơi khóe miệng nở một nụ cười, trông như một chú nhện lương thiện dẫn đường cho người ta trong rừng sâu. Bình thường chỉ có y tá trung niên đeo kính Tamura ngồi ở đó, nhưng sáng nay chẳng thấy cô đâu. Tengo thở phào một hơi. Anh đang ngại sẽ bị cô ơ hờ châm chọc cho vài câu về chuyện đi tới nhà Adachi Kumi đêm hôm trước. Cũng không thấy bóng cô y tá Omura vẫn hay dùng bút bi gài búi tóc trên đầu. Có lẽ bọn họ đã bị đất hút xuống chẳng để lại dấu vết gì rồi, giống như ba mụ phù thủy trong Macbeth vậy.
Đương nhiên không thể có chuyện đó. Adachi Kumi hôm nay không có ca trực, hai người còn lại đều nói hôm nay họ đi làm bình thường. Chắc chỉ đang làm việc ở nơi khác thôi.
Tengo lên cầu thang, đi vào phòng bệnh của cha anh ở tầng hai. Anh khẽ gõ nhẹ mấy tiếng, rồi đẩy cửa ra. Cha anh đang nằm trên giường ngủ say, tư thế giống hệt như mọi lần. Trên cánh tay ông cầm ống truyền dịch, trong niệu đạo có ống dẫn nước tiểu, không có thay đổi gì so với ngày hôm qua. Cửa sổ đang đóng, rèm cửa cũng vậy. Không khí trong phòng nặng trịch và ngưng trệ. Mùi thuốc, mùi hoa cắm trong lọ, mùi hơi thở, mùi chất bài tiết của người bệnh, cùng với vô số mùi của các hoạt động sống, tất cả hòa làm một, không thể nào phân biệt. Dù cho sức sống đã suy nhược, dù cho ý thức đã tiêu biến từ lâu, song nguyên lý trao đổi chất vẫn không thay đổi. Cha anh vẫn đang ở phía bên này của đường ranh giới vĩ đại kia. Nói cách khác, sống tức là tỏa ra đủ thứ mùi khác nhau.
Việc đầu tiên Tengo làm sau khi đi vào phòng bệnh là bước thẳng tới trước cửa sổ kéo rèm cửa, mở toang cửa sổ ra. Một buổi sáng dễ chịu. Căn phòng này cần có không khí mới, rất cần. Bên ngoài tuy khá mát mẻ nhưng vẫn chưa đến mức lạnh. Ánh mặt trời tuôn vào, gió biển đung đưa rèm cửa. Một con hải âu cưỡi gió, hai chân nép thẳng dưới thân mình, chao liệng giữa không trung phía trên rừng thông chăn gió. Đàn chim sẻ đậu rải rác trên dây điện, không ngừng đổi vị trí như những nốt nhạc đang được viết lại. Một con quạ có cái mỏ to tướng đậu trên ngọn đèn hơi thủy ngân, thận trọng đảo mắt quan sát xung quanh, âm thầm tính toán xem tiếp theo nên làm gì. Vài dải mây trôi trên bầu trời cao xa tít tắp, quá cao xa đến nỗi thoạt nhìn chúng tựa như những khái niệm trừu tượng hoàn toàn không liên quan gì đến những sự vụ của con người.
Tengo quay lưng về phía người bệnh, ngắm nhìn phong cảnh ấy trong chốc lát. Thứ có sự sống, thứ không có sự sống. Thứ chuyển động, thứ không chuyển động. Những gì anh thấy ngoài cửa sổ là phong cảnh như mọi lần, không có gì thay đổi, chẳng có chỗ nào mới lạ. Thế giới này không thể không nhích lên. Giống như chiếc đồng hồ báo thức rẻ tiền, chỉ yên ổn hoàn thành sứ mệnh nó được giao phó. Vì muốn trì hoãn cái thời điểm mặt đối mặt với cha nên Tengo mới dõi mắt ngắm cảnh một cách không mục đích như vậy. Song tình trạng này không thể kéo dài mãi.
Rốt cuộc, Tengo cũng hạ được quyết tâm, anh ngồi xuống chiếc ghế bằng ống sắt cạnh giường. Cha anh nằm ngửa, mặt hướng lên trần nhà, hai mắt nhắm nghiền. Cái chăn luôn đắp đến tận cổ hết sức phẳng phiu. Hốc mắt ông sâu hoắm, tựa như có một phần nào đó đã bị dỡ bỏ đi nên hốc mắt không còn giữ nổi nhãn cầu nữa, toàn bộ nhãn cầu lún hẳn xuống. Thậm chí nếu bây giờ ông mở mắt ra thì những gì ông thấy chắc cũng giống như ta nhìn thế giới từ dưới đáy một hố sâu.
“Bố,” Tengo gọi ông.
Cha anh không đáp. Cơn gió luồn vào phòng đột nhiên dừng lại, rèm cửa sổ rũ xuống như một người đang dở tay làm việc chợt nhớ ra chuyện gì đó quan trọng. Thoáng sau đó, cơn gió dường như đã lấy lại tinh thần, lại bắt đầu nhè nhẹ thổi.
“Con phải về Tokyo ngay,” Tengo nói, “không thể ở đây mãi được.
Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Con không thể tiếp tục xin nghỉ làm được nữa. Mặc dù cuộc sống ấy không ra gì, nhưng dẫu sao con cũng có một cuộc sống để quay về.”
Gò má cha anh lún phún râu, khoảng hai ba ngày chưa cạo. Y tá vẫn hay dùng dao cạo điện cạo giúp ông, nhưng không phải ngày nào cũng làm. Râu của ông màu muối tiêu. Cha Tengo mới sáu mươi tư tuổi nhưng trông già yếu hơn nhiều. Tựa như có người bất cẩn ấn nhầm vào nút tua nhanh về phía trước khiến cuốn phim cuộc đời ông chạy quá lên, chiếu phần của tương lai lên màn ảnh.
“Suốt thời gian con ở đây bố không hề mở mắt lần nào. Nhưng nghe bác sĩ nói, tình trạng của bố không xấu đi là mấy. Điều đáng kinh ngạc là, bố hầu như vẫn khỏe mạnh như trước.”
Tengo ngừng giây lát, đợi cho những lời vừa nói ngấm vào bên trong cha anh.
“Không biết bố có nghe thấy con nói không. Cho dù âm thanh có làm chấn động màng nhĩ bố nhưng đường dây phía sau có thể đã đứt rồi. Hoặc có thể những gì con nói truyền được đến ý thức của bố, song bố không thể phản ứng lại. Con không biết. Có điều, cho đến thời điểm này, con vẫn luôn giả thiết là bố có thể nghe thấy, nên mới nói chuyện và đọc sách thành tiếng cho bố nghe. Nếu không giả thiết như thế thì việc con nói chuyện với bố chẳng còn ý nghĩa gì. Còn nữa, con không thể giải thích được, nhưng hình như có thứ gì đó giống như phản ứng. Ý của con là, cho dù không phải toàn bộ nhưng ít nhất thì những điểm quan trọng đã được truyền đạt đến bố rồi.”
Không có phản ứng.
“Những lời con sắp nói đây có thể là cực kỳ ngu xuẩn. Nhưng con sắp phải về Tokyo rồi, con không biết đến lúc nào mới trở lại đây được, vì vậy con cần phải nói hết những điều đang nghĩ trong đầu ra. Nếu cảm thấy hoang đường quá, bố cứ thoải mái mà cười thành tiếng, đừng khách khí. Tất nhiên, ý con là giả dụ bố có thể cười được lên thành tiếng”
Tengo thở dài, quan sát gương mặt cha. Vẫn không có phản ứng gì.
“Thân thể bố nằm ngủ ở nơi này, đã mất đi cả ý thức lẫn cảm giác, chỉ còn sống dựa vào hệ thống máy móc duy trì sinh mệnh. Xác sống, các bác sĩ gọi như vậy, chỉ là họ dùng cách biểu đạt uyển chuyển hơn thôi. Nhưng trên góc độ y học thì đại khái là như vậy. Có điều, liệu có khi nào đây chỉ là một biểu hiện giả tạo? Có khi nào ý thức của bố không thực sự mất đi? Có khi nào bố để lại thân thể ở đây say ngủ, còn ý thức đã chuyển dịch đến một nơi khác và tiếp tục sống? Con luôn có cảm giác này, luôn cảm thấy kiểu như vậy.”
Im lặng.
“Con biết đây là ý nghĩ kỳ quặc. Chuyện này có kể cho ai nghe, chắc họ sẽ đều cho rằng con đang nghĩ vớ nghĩ vẩn. Nhưng con không thể không tưởng tượng như vậy được. Đại để là bố đã hết hứng thú với cái thế giới này rồi. Thất vọng, chán nản, mất hết mọi hào hứng. Vì vậy bố mới từ bỏ thân xác trong hiện thực, chuyển dịch đến một nơi khác, sống cuộc sống khác. Có lẽ là một thế giới ở bên trong bố.”
Càng thêm im lặng.
“Con xin nghĩ để đến thị trấn nhỏ này, ở trọ trong lữ quán, ngày ngày đến đây thăm bố, nói chuyện với bố, đến giờ sắp được hai tuần rồi. Nhưng mục đích con làm điều này không chỉ là đến thăm bố, chăm sóc bố. Con còn muốn làm rõ rốt cuộc mình sinh ra như thế nào, dòng máu mình có mối tương liên với cái gì. Có điều, giờ thì những chuyện này không quan trọng nữa. Cho dù có hay không có liên hệ máu mủ với ai hay cái gì, con vẫn là con. Mà bố là người được coi là bố của con. Như vậy chẳng phải rất tốt rồi sao? Con không biết như thế này có thể gọi là hòa giải hay không. Hoặc là con tự hòa giải với chính mình. Không khéo chính là như vậy đấy”
Tengo hít thở sâu, hạ thấp âm điệu xuống.
“Hồi mùa hè, bố vẫn còn tỉnh táo. Trí não bố tuy đã đờ đẫn, nhưng ý thức vẫn còn hoạt động. Lúc đó, chính trong gian phòng này, con đã gặp lại một cô gái. Sau khi bố được đưa đến phòng kiểm tra, cô ấy đã xuất hiện. Đó chắc là phân thân hay gì đó tương tự của cô ấy. Con đến thành phố nhỏ này suốt một thời gian dài như vậy là vì nghĩ có thể gặp lại cô ấy thêm lần nữa. Thật tình thì đó chính là lý do khiến con đến đây.”
Tengo thở dài, hai bàn tay chập lại phía trên đầu gối.
“Nhưng cô ấy không xuất hiện. Thứ đưa cô ấy đến đây, gọi là nhộng không khí, đó là vật chứa cô ấy. Giải thích ra thì dài dòng lắm. Nhộng không khí là một sản phẩm tưởng tượng, một vật thể hư cấu, nhưng giờ đây nó không còn là vật thể hư cấu nữa. Ranh giới đã trở nên mờ mịt, không còn biết đâu là thế giới hiện thực còn bắt đầu từ đâu là sản phẩm của trí tưởng tượng. Trên trời có hai mặt trăng. Hai mặt trăng ấy cũng được mang đến từ thế giới hư cấu.”
Tengo quan sát gương mặt cha. Ông ấy có theo kịp những gì mình nói không nhỉ?
“Trong hoàn cảnh như thế, nếu bố có tách rời ý thức ra khỏi thân xác, chuyển dịch đến một thế giới khác, hành động một cách tự do thoải mái ở đó thì cũng không có gì là lạ. Kể ra, ở xung quanh bố con mình, các quy tắc của thế giới cũng đã trở nên lỏng lẻo. Như con vừa nói đấy, con có một cảm trạng kỳ lạ rằng liệu có phải bố đang thực sự làm như thế không. Chẳng hạn như đến nhà con ở Koenji gõ cửa. Chắc là bố hiểu nhỉ? Tự xưng là nhân viên thu phí của đài NHK, rồi ra sức gõ cửa, hét ầm lên trong hành lang, lớn tiếng dọa nạt. Giống như hồi trước bố thường làm khi bố con ta đi thu tiền ở Ichikawa ấy.”
Anh cảm thấy áp suất không khí trong phòng dường như có thay đổi. Cửa sổ mở rộng, nhưng hầu như không có âm thanh nào lọt vào, chỉ có lũ chim sẻ thi thoảng lại kêu một hai tiếng.
“Trong căn hộ của con ở Tokyo giờ có một cô gái. Không phải bạn gái, chỉ vì một số chuyện xảy ra nên cô ấy tạm thời phải nấp trong nhà con lánh nạn. Cô ấy kể với con trên điện thoại là mấy hôm trước có một nhân viên thu phí đài NHK đến, cô ấy kể ông ta đã gõ cửa như thế nào, đã nói váng cả hành lang ra sao. Đến là giống cách làm của bố trước đây. Những lời cô ấy nghe được giống hệt như những lời con vẫn nhớ. Đó là những lời con đã gắng sức quên đi. Con đang nghĩ, người nhân viên thu phí ấy liệu có thể nào chính là bố hay không. Có phải con đã sai không?”
Tengo im lặng khoảng ba mươi giây. Nhưng cha anh thậm chí không động đậy lấy một sợi lông mi.
“Con chỉ có một yêu cầu: xin bố đừng đến gõ cửa nữa. Nhà không có ti vi. Vả lại, những ngày chúng ta cùng đi thu tiền phí nghe nhìn đã kết thúc từ lâu lắm rồi. Chuyện này chúng ta đã nói rõ với nhau, trước mặt cô giáo… con không nhớ nổi tên cô ấy nữa, cô giáo vóc người nhỏ nhắn đeo kính, chủ nhiệm lớp con ấy. Bố vẫn còn nhớ chứ? Vì vậy xin bố đừng gõ cửa nữa. Không chỉ nhà con mà nhà ai cũng thế, xin bố đừng đi gõ cửa nhà người ta nữa. Bố không còn là nhân viên thu phí của đài NHK nữa rồi, bố không có quyền làm chuyện đó để dọa nạt người khác nữa.”
Tengo đứng dậy khỏi ghế, đi tới bên cửa sổ nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Một ông già mặc áo len dày chống gậy đi qua phía trước khu rừng chắn gió. Chắc là đi tản bộ. Tóc trắng, dáng người cao dỏng, điệu bộ ngay ngắn, nhưng dáng đi hơi loạng choạng, tựa như ông đã quên mất phải đi như thế nào, đang vừa cố gắng hồi tưởng lại cách đi vừa nhích từng bước một. Tengo nhìn cảnh tượng đó một lúc. Ông già tốn khá nhiều thời gian đi qua khu vườn, vòng qua chỗ góc tòa nhà rồi biến mất, tựa như đến cuối cùng ông vẫn không nhớ ra phải đi bộ như thế nào. Tengo quay đâu lại nhìn cha.
“Không phải con trách móc gì bố. Bố có quyền để ý thức của mình đi đến nơi nào bố muốn. Đó là cuộc đời của bố, ý thức của bố. Có một số chuyện, nếu bố cho là đúng đắn, chắc hẳn bố sẽ làm. Có lẽ con không có quyền chuyện gì cũng chõ miệng can thiệp vào. Có điều, bố không còn là nhân viên thu phí của đài NHK nữa, vì vậy không thể tiếp tục mạo xưng được nữa. Làm như vậy chẳng có ích lợi gì cho bố cả.”
Tengo ngồi xuống bệ cửa sổ, tìm kiếm câu chữ trong không gian của phòng bệnh chật hẹp.
“Con không hiểu cuộc đời bố như thế nào, không hiểu trong cuộc đời ấy có bao nhiêu hỉ nộ ai lạc. Nhưng, kể cả là có nhiều điều không làm bố thõa mãn, thì bố cũng không nên chạy đến trước cửa nhà người khác để tìm kiếm sự thỏa mãn ấy. Cho dù nơi đó là nơi bố quen thuộc nhất, và chuyện đó là chuyện mà bố làm giỏi nhất đi chăng nữa.”
Tengo lặng lẽ nhìn chăm chú vào mặt cha.
“Xin bố đừng đi gõ cửa nhà người khác nữa. Con chỉ yêu cầu bố có một chuyện ấy thôi. Giờ con phải đi rồi. Con đã đến đây mỗi ngày, nói chuyện với bố dù bố đang hôn mê, đọc sách cho bố nghe. Vả lại, ít nhất chúng ta cũng đã phần nào hòa giải. Đây là thực tế xảy ra trong thế giới hiện thực này. Có lẽ chuyện này không thể làm bố thỏa mãn, song tốt nhất bố vẫn nên quay trở lại đây. Vì nơi đây mới là chốn về của bố.”
Tengo nhấc chiếc túi, khoác vai lên. “Con đi đây.”
Cha anh không nói một lời, thân thể không hề nhúc nhích, hai mắt nhắm nghiền. Vẫn như mọi khi. Nhưng dường như ông đang nghĩ ngợi. Tengo nín thở, chăm chú quan sát. Anh có cảm giác cha mình có thể sẽ thình lình mở bừng mắt, nhổm người ngồi dậy. Thế nhưng không xảy ra chuyện đó.
Cô y tá chân tay mảnh khảnh như con nhện vẫn ngồi ở bàn tiếp tân, ngực đeo tấm biển tên bằng nhựa đề chữ “Tamaki.”
“Giờ tôi phải về Tokyo rồi,” Tengo nói với y tá Tamaki.
“Suốt thời gian anh ở đây, cha anh không thể tỉnh lại lần nào, thật là đáng tiếc,” cô nói như thể an ủi, “có điều, anh ở bên ông ấy lâu như vậy, chắc hẳn ông ấy vui lắm.”
Tengo không nghĩ ra nên trả lời thế nào cho phải. “Phiền cô cho tôi gửi lời hỏi thăm mấy y tá khác. Cha con tôi làm phiền các cô quá.”
Cuối cùng, anh không gặp y tá Tamura đeo kính. Cũng không gặp y tá Omura có bộ ngực đồ sộ hay cắm bút bi trên búi tóc. Hơi buồn một chút. Bọn họ là những y tá xuất sắc, cũng thân thiết với Tengo. Nhưng không gặp mặt có lẽ tốt hơn. Vì xét cho cùng, anh có ý định một mình trốn thoát khỏi thành phố mèo này.
Lúc tàu hỏa rời khỏi ga Chikura, anh nhớ lại đêm mình ở lại căn hộ của Adachi Kumi. Kỳ thực, chỉ mới đêm hôm qua. Chiếc đèn bàn Tiffany nhái và chiếc ghế tình nhân ngồi rất không thoải mái, tiếng tiết mục hài hước trên ti vi từ nhà bên cạnh vẳng sang, tiếng cú mèo rúc trong khu rừng gỗ tạp, khói cần sa, chiếc áo phông in hình mặt cười, lông mu rậm rạp ép chặt lên đùi anh. Những thứ ấy, mới chưa hết một ngày mà đã như chuyện quá khứ xa xôi rồi vậy. Cảm giác gần xa của ý thức khó mà nắm bắt nổi. Tựa như một chiếc cân đang không ngừng đung đưa bất định, điểm cốt lõi của chuyện này không thể ổn định một chỗ.
Tengo chợt cảm thấy bất an, liền đưa mắt nhìn quanh quất. Đây có thật là hiện thực không? Liệu có khi nào anh đã chạy đến một hiện thực khác rồi? Anh hỏi thăm hành khách ngồi bên cạnh, xác nhận đây đúng là tàu đến Tateyama. Đừng lo lắng, không lầm đâu. Ở Tateyama mình có thể chuyển sang tàu nhanh trở về Tokyo. Anh đang rời khỏi thành phố mèo bên bờ biển, mỗi lúc một xa dần.
Sau khi anh đổi tàu và ổn định chỗ ngồi, cơn buồn ngủ ập đến như đã chờ sẵn từ lâu. Một giấc ngủ sâu, tựa hồ anh bước hụt một bước để rồi rơi xuống vực sâu không đáy. Mí mắt tự dưng khép lại, chỉ nháy mắt sau, ý thức đã biến mất không còn tăm tích. Lúc anh tỉnh giấc, đoàn tàu đã đến Makuhari. Trong toa tàu không nóng lắm, nhưng dưới nách và sau lưng anh đẫm mồ hôi, trong miệng có mùi rất khó chịu. Cái mùi giống như thứ không khí tù đọng mà anh hít vào trong phòng bệnh của cha. Anh lấy kẹo cao su trong túi ra, bỏ vào miệng nhai.
Tengo tin chắc mình sẽ không đến thị trấn nhỏ ấy nữa. Ít nhất là trong thời gian cha anh còn sống. Đương nhiên, trên đời này không thể khẳng định một trăm phần trăm về việc gì được, nhưng anh không còn việc gì để làm ở cái thị trấn nhỏ ven biển ấy nữa rồi.