Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 2: Chương 02: Ngoại trừ linh hồn thì chẳng còn gì cả – P1
Tengo
Ngoại trừ linh hồn thì chẳng còn gì cả
Anh đặt đĩa nhạc Sinfonietta của Janáček vào mâm quay đĩa, ấn nút phát tự động. Dàn nhạc giao hưởng Chicago do Ozawa Seiji chỉ huy. Mâm quay đĩa bắt đầu chuyển động với vận tốc ba mươi ba vòng rưỡi một phút, cần máy dịch chuyển từ mép đĩa vào trong, đầu kim nhích dần dọc theo các rãnh trên đĩa. Sau đoạn kèn đồng mở đầu, trong loa vọng ra tiếng trống định âm đẹp đẽ. Đây là phần Tengo thích nhất.
Tengo vừa nghe nhạc vừa nhìn màn hình word mà gõ chữ. Mỗi sáng sớm nghe Sinfonietta của Janáček, đó là một trong các thói quen thường ngày của anh. Từ khi Tengo trở thành nhạc công cấp tốc tham gia diễn tấu khúc nhạc này hồi trung học, nó đã trở thành một bản nhạc có ý nghĩa đặc biệt với anh. Nó luôn cổ vũ anh, bảo vệ anh – ít nhất là anh có cảm giác như thế.
Có lúc anh và người tình hơn tuổi cùng nghe bản Sinfonietta này của Janáček.
“Cũng hay,” cô nói. Nhưng so với nhạc cổ điển, cô thích các đĩa nhạc Jazz cũ hơn, càng cũ càng tốt. Đối với đàn bà ở tuổi cô, đây là một sở thích hơi khác người. Cô đặc biệt thích album tập hợp các điệu blues của W.C Handy do Louis Armstrong[1] biểu diễn thời trẻ. Barney Bigard[2] chơi kèn clarinet, James Trummy Young thổi kèn trombone. Cô tặng đĩa nhạc này cho Tengo. Nhưng để cho cô nghe thì đúng hơn là cho Tengo.
[1] Louis Armstrong (1901-1971), nghệ danh Satchmo, Sachimo hay Pops, là nghệ sĩ kèn trumpet và ca sĩ nhạc Jazz của Mỹ.
[2] Barney Bigard (1906-1980): nghệ sĩ chơi kèn clarinet và saxophone của Mỹ.
Sau khi làm tình, hai người thường nằm trên giường nghe đĩa nhạc. Cô có thể nghe cả trăm lần không thấy chán. “Louis Armstrong thổi trumpet và hát dĩ nhiên là tuyệt vời rồi, nhưng nếu anh hỏi ý kiến em thì ở đây thứ đáng ình phải chú tâm nghe là tiếng kèn clarinet của Barney Bigard,” cô nói. Nói thì nói vậy, song thực ra trong đĩa nhạc này cơ hội độc tấu của Barney Bigard rất ít, hơn nữa mỗi lần lại chỉ có mỗi đoạn nhạc phụ họa mà thôi. Louis Armstrong mới là cây đinh trong đĩa nhạc này. Nhưng những đoạn độc tấu hết sức ngắn ngủi ấy của Bigard đều được cô yêu quý, mỗi lần nghe cô đều khẽ ngâm nga theo, từng nốt thuộc nằm lòng.
Cô nói, có thể còn nhiều nghệ sĩ kèn clarinet xuất sắc hơn Bigard, có điều diễn tấu nồng nàn mà tinh tế như ông ấy thì chẳng thể nào tìm ra người thứ hai đâu. Những bài ông ấy chơi hay nhất luôn khơi lên trong tâm trí ta một hình ảnh đặc biệt. Ngoài Bigard ra còn những những nghệ sĩ Jazz nào chuyên chơi clarinet nữa, Tengo hoàn toàn không biết; tuy nhiên, nghe hết lần này đến lần khác, dần dần Tengo cũng lờ mờ nhận ra một vẻ đẹp thuần khiết ở những đoạn diễn tấu clarinet trong đĩa nhạc, hoàn toàn tự nhiên, rất giàu tưởng tượng. Nhưng muốn cảm được đến mức ấy, anh cần tập trung tinh thần nghe đi nghe lại nhiều lần, ngoài ra còn phải có một người hướng dẫn giỏi. Nếu chỉ nghe một cách hờ hững thì sẽ bỏ qua những điểm vi tế đó ngay.
“Barney Bigard giống như một cầu thủ chơi chốt hai[3] thiên tài, diễn tấu thật hay.” Có lần cô nói. “Ông ấy độc tấu dĩ nhiên cũng rất đặc sắc, nhưng ông chỉ thực sự tỏa sáng khi lùi lại phía sau để khiến người khác nổi bật lên. Điều này cực khó, vậy mà ông ấy dễ dàng làm được. Chỉ những ai tinh tế mới nghe ra giá trị thực sự của ông mà thôi.”
[3] Một vị trí trong môn bóng chày.
Mỗi lần bản nhạc thứ sáu của mặt B chiếc đĩa than Atlanta Blues cất lên, cô đều nắm chặt bộ phận nào đó trên người Tengo, tấm tắc khen đoạn độc tấu ngắn gọn mà tuyệt diệu của Bigard, nằm giữa đoạn Louis Armstrong hát và chơi kèn trumpet. “Nghe đi, mình nghe cho kỹ đi. Cái âm thanh đầu nghe như tiếng khóc trẻ con, kéo dài, khiến tim người ta như muốn rung lên ấy! Thế là kinh ngạc? Hân hoan vui sướng? Hay thổ lộ niềm hạnh phúc? Rồi liền đó nó hóa thành tiếng thở dài khoan khoái, ngoằn ngoèo tiến lên phía trước men theo dòng sông âm thanh diễm lệ, để rồi bị hút êm vào một nơi tuyệt đẹp không ai biết đến. Đấy! Nghe đi! Ngoài ông ấy, không ai thổi được điệu nhạc khiến tim ta phải đập liên hồi như thế. Jimmy None, Bechet, Russell, Goodman[4], đều là nghệ sĩ kèn clarinet xuất sắc, nhưng họ không thể tạo ra những khúc nhạc đẽo gọt tinh tế như tuyệt phẩm điêu khắc thế này được.”
[4] Jimmy Noone (1895-1944), Sidney Bechet (1897-1959), Charles Ellsworth Russell (1906-1969), Benny Goodman (1909-1986): những nghệ sĩ nhạc Jazz chơi kèn clarinet nổi tiếng của Mỹ.
“Sao mình lại am hiểu nhạc Jazz xưa thế?” có lần Tengo hỏi.
“Em có nhiều quá khứ mà mình không biết lắm. Những quá khứ không ai có thể thay đổi được,” cô vừa nói vừa đưa tay dịu dàng ve vuốt tinh hoàn của Tengo.
Khi đã hoàn thành công việc buổi sáng, Tengo đi bách bộ ra nhà ga, mua một tờ báo ở quầy báo. Sau đó anh vào quán cà phê gần đấy, gọi một phần ăn sáng gồm bánh mì nướng phết bơ mà trứng luộc. Trong lúc đợi phục vụ đưa đồ ăn lên, anh vừa uống cà phê vừa đọc báo. Đúng như Komatsu đã dự đoán, trang Xã hội đã lên bài về Fakaeri. Bài báo không dài lắm, đăng ở phần dưới, ngay phía trên quảng cáo xe Mitsubishi. Tít bài là “Nhà văn tuổi hoa mới nổi đã mất tích?”
Việc tác giả cuốn tiểu thuyết bán chạy Nhộng không khí, cô “Fukaeri” (tức Fukada Eriko, 17 tuổi), mất tích đã được chứng thực vào chiều ngày x x. Theo lời người giám hộ của cô là nhà nhân loại học văn hóa Ebisuno Takayuki (63 tuổi) cho biết khi đến cục cảnh sát thành phố Ome trình báo, từ tối ngày 27 tháng Sáu Eri không trở về nhà ở thành phố Ome, cũng không về căn hộ của cô tại Tokyo và từ đó đến giờ không ai liên lạc được với cô. Trả lời phỏng vấn của bổn báo qua điện thoại, ông Ebisuno cho biết, khi ông gặp Eri lần cuối, cô vẫn như mọi ngày, hoàn toàn không có gì bất thường, ông cũng không nghĩ ra bất cứ lý do gì khiến cô cần phải ẩn nấp. Từ trước đến nay cô chưa từng tự tiện đi qua đêm mà không xin phép ông như thế, nên ông rất lo không biết liệu cô có gặp chuyện gì bất trắc hay chăng.
Ông Komatsu Kobayashi, biên tập viên phụ trách Nhộng không khí của nhà xuất bản xx cho biết: “Cuốn sách này đứng đầu bản xếp hạng sách bán chạy liên tiếp sáu tuần, rất được chú ý, nhưng cô Fukada không thích công khai lộ diện trước giới truyền thông. Hiện nhà xuất bản chúng tôi chưa thể xác định được liệu lần mất tích này có liên quan đến ý hướng đó của bản thân cô hay không. Cô Fukada trẻ tuổi mà rất đỗi tài hoa, là một tác giả trẻ có tương lai rộng mở. Chúng tôi mong sớm gặp lại cô ấy bình an mạnh khỏe.” Cảnh sát đã nghĩ đến mấy khả năng có thể xảy ra và hiện đang tăng cường điều tra sự việc.
Trong giai đoạn hiện tại, chắc báo chí cũng chỉ có thể viết được đến đó thôi, Tengo nghĩ. Nếu chuyện bé xé ra to, biến nó thành tin động trời, chẳng may một hai ngày sau Fukaeri bình an vô sự trở về nhà như chẳng có gì xảy ra, thì phóng viên nào viết bài báo ấy chắc chắn sẽ bị tẽn tò, cả tòa báo cũng một phen bẽ mặt. Về phía cảnh sát cũng vậy. Cả hai bên đều đưa ra những phát biểu ngắn gọn vô thưởng vô phạt, như là thả bóng thám không vậy, để xem sự thể rồi sẽ ra sao. Sự việc sẽ chỉ ầm ĩ lên một khi các tạp chí tuần nhúng tay vào đài truyền hình bắt đầu to mồm nhắc đến. Từ giờ đến lúc ấy còn mấy ngày nữa.
Nhưng chắc chắn, không sớm thì muộn sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng. Sóng gió là không thể tránh khỏi. Trên đời này, chắc chỉ có bốn người biết rằng cô ấy không hề bị bắt cóc mà đang một thân một mình ẩn náu ở nơi nào đó. Bản thân cô dĩ nhiên là biết. Tengo biết. Thầy giáo Ebisuno và con gái ông, Azami, cũng biết. Ngoài ra không còn ai biết màn kịch mất tích này chỉ là một trò bịp nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Đã rõ sự thực, Tengo không biết mình nên vui sướng hay lo lắng nữa. Có lẽ là vui sướng: ít nhất thì anh không cần lo lắng cho sự an toàn của Fukaeri. Cô đang ở một nơi an toàn. Nhưng bên cạnh đó, điều rõ ràng là bản thân anh lại bị đẩy vào tình thế phải bảo vệ cho âm mưu phức tạp này. Thầy giáo Ebisuno đã dùng một cây xà beng bật tung tảng nham thạch khổng lồ chẳng lành ấy lên, để ánh mặt trời chiếu rọi vào trong, và chờ xem rốt cuộc có thứ gì bò ra từ bên dưới tảng nham thạch ấy. Và Tengo, mặc dù không muốn chút nào, buộc lòng phải đứng bên cạnh ông. Sau rốt sẽ có thứ gì bò ra, Tengo không muốn biết. Anh không muốn thấy nó. Thứ bò ra khỏi tảng nham thạch ấy chỉ có thể là những phiền phức cực khó giải quyết. Nhưng anh cảm thấy mình không có cách nào khác ngoại trừ đứng nhìn.
Tengo uống cà phê, ăn bánh mì nướng và trứng gà, gấp tờ báo đã đọc hết lại, bước ra khỏi quán. Về đến nhà, anh đánh răng, tắm rửa, chuẩn bị đến trường dự bị.
Trong giờ nghỉ trưa ở trường dự bị, Tengo tiếp kiến một vị khách lạ. Sau giờ học buổi sáng, anh về phòng điều độ nghỉ một lát, đang định lật xem mấy tờ báo buổi sáng chưa đọc thì thư ký thường trực vào thông báo: có người muốn gặp anh. Cô này lớn hơn Tengo một tuổi, rất tháo vát nhanh nhẹn. Tuy cô chỉ giữ chức danh thư ký, nhưng kỳ thực hầu như mọi việc liên quan đến điều hành nhà trường đều do một tay cô xử lý. Dung mạo cô hơi thiếu cân đối, khó mà gọi là đẹp, nhưng thân hình thon thả ưa nhìn, ăn mặc trang điểm cũng rất tao nhã.
“Là một người họ Ushikawa,” cô nói.
Chưa bao giờ anh nghe thấy cái họ này.
Không hiểu sao, cô hơi nhíu mày. “Anh ta nói có việc rất quan trọng, nếu được thì muốn nói chuyện riêng với anh.”
“Việc rất quan trọng?” Tengo kinh ngạc thốt lên. Ở cái trường dự bị này, chưa có ai đến tìm anh bàn chuyện quan trọng bao giờ.
“Đúng lúc phòng khách đang còn trống, tôi đã dẫn anh ta đến đó trước rồi. Thường thì giáo viên không thể tùy tiện dùng chỗ đó, nhưng chắc là…”
“Cám ơn cô quá,” Tengo nói, đoạn nở nụ cười rất tươi với cô thư ký.
Thế nhưng cô chẳng buồn nhìn mà nhanh chân rảo bước đi mất, gió lùa vào chiếc vest mùa hè mẫu mới của Agnes B trên người cô, làm vạt bay lất phất.
Ushikawa lùn tịt, tuổi chừng bốn mươi lăm. Y béo đến nỗi chẳng thấy vòng eo đâu nữa, quanh cổ bắt đầu có thịt thừa đùn ra. Nhưng tuổi tác y thì Tengo không đoán ra được. Vì tướng mạo y đặc biệt (hoặc có thể nói là không tầm thường), nên những yếu tố để suy đoán tuổi tác thành ra rất khó nắm bắt. Y vừa có thể nhiều tuổi hơn một chút, lại vừa như trẻ hơn một chút – bất cứ tuổi nào từ khoảng ba mươi hai cho đến năm mươi sáu. Hàm răng khấp khểnh, cột sống vẹo vọ một cách kỳ dị. Đỉnh đầu y hói bóng tạo thành một hình phẳng dẹt đến độ bất tự nhiên cùng đường viền nham nhở. Mảng phẳng lì bẹt dí ấy khiến người ta nghĩ đến sân bay trực thăng quân dụng được xây bằng cách phạt ngang đỉnh một ngọn đồi chiến lược. Tengo từng thấy một cái như thế trong một đoạn phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Xung quanh mảng hói phẳng dẹt méo mó ấy là một đám tóc xoăn vừa đen vừa thô dày còn sót lại, dài đến mức không cần thiết, xõa xượi che kín hai tai. Nhìn bộ tóc ấy, e rằng một trăm người phải có đến chín mươi tám người liên tưởng đến đám lông bờm xờm quanh bộ phận sinh dục. Hai người còn lại nghĩ gì thì Tengo chịu không biết được.
Từ thân hình cho đến gương mặt, tất cả mọi thứ của người này hình như đều không đối xứng. Tengo vừa đưa mắt nhìn đã nhận ra ngay. Tất nhiên, cơ thể mọi người ít nhiều đều thiếu cân đối, và điều ấy không có gì là trái tự nhiên. Ngay bản thân anh, mí mắt phải và trái cũng không hoàn toàn giống nhau, tinh hoàn trái thì hơi thấp hơn so với tinh hoàn phải. Cơ thể chúng ta không phải là đồ sản xuất hàng loạt theo quy cách thống nhất trong nhà máy. Nhưng ở trường hợp người này, sự sai lệch giữa hai bên phải trái đã vượt quá phạm vi nhận thức thông thường của con người. Sự mất cân đối lồ lộ ấy ai có mặt cũng thấy được. Nó không thể không kích thích thần kinh những người có mặt quanh y, khiến họ có cảm giác gai gai khó chịu như đang đứng trước một tấm gương nhà cười vậy.
Bộ vest màu xám trên người y chi chít nếp nhăn li ti, khiến người ta liên tưởng đến mặt đất bị băng hà xâm thực. Bên trong là chiếc sơ mi trắng mà một cổ áo vểnh cả ra bên ngoài áo vest, nút thắt cà vạt thì méo xệch, như thể đã tự oằn mình ra vì không sao kham nổi cảm giác khó chịu khi phải đậu trên chỗ đó. Bộ vest, cà vạt và sơ mi, ba thứ ấy có vẻ không hợp nhau lắm về kích cỡ. Hoa văn trên cà vạt nôm giông giống những sợi mì rữa rối nùi vẽ theo phong cách ấn tượng chủ nghĩa bởi tay một học sinh mỹ thuật vụng về. Mỗi món đồ trên người y đều có vẻ là hàng rẻ tiền mua cả mớ trong hiệu hạ giá. Mặc dù vậy, càng nhìn lâu Tengo lại càng cảm thấy tội nghiệp ớ quần áo ấy, tội nghiệp do bị người này mặc. Tengo gần như chẳng bao giờ bận tâm đến quần áo mặc trên người mình, nhưng từ bé lại đặc biệt để ý đến cách ăn mặc của người khác. Nếu bắt anh chọn ra kẻ ăn mặc không ra gì nhất mà anh gặp suốt mười năm nay, người này chắc chắn sẽ lọt vào nhóm đầu bảng. Chẳng những ăn mặc không ra gì, y thậm chí còn gây ra cho người ta ấn tượng rằng y đang cố ý lăng nhục khái niệm mặc quần áo.
Khi Tengo bước vào phòng tiếp khách, người đó liền đứng dậy, lấy trong hộp đựng ra một tấm danh thiếp, cúi khom người đưa cho anh. Trên tấm danh thiếp là bốn chữ “Ngưu Hà Lợi Trị”. Bên dưới in hàng chữ Latinh Ushikawa Toshiharu. Tên thì nghe cũng bình thường, nhưng còn họ, “Ushikawa”? Dòng sông bò? Cái họ này Tengo chưa nghe bao giờ. Phần chức vụ ghi “Quỹ tài chính Hội Chấn hưng Văn nghệ và Học thuật Tân Nhật Bản – Quản lý chuyên trách”. Địa chỉ của hiệp hội ở Kojimachi, khu Chiyoda, và số điện thoại. Cái “Hội Chấn hưng Văn nghệ và Học thuật Tân Nhật Bản” này là tổ chức thế nào, quản lý chuyên trách là chức vụ gì, Tengo không hiểu rõ lắm. Nhưng trên danh thiếp còn in nổi cả logo, trông rất hoa mỹ, không giống như loại in tức thời để đối phó. Tengo nhìn chằm chằm vào danh thiếp một lúc, rồi lại ngước lên nhìn người đối diện. Một nhân vật có vẻ ngoài khác xa với cái chức danh nghe rất kêu “Quản lý chuyên trách của Hội Chấn hưng Văn nghệ và Học thuật Tân Nhật Bản” đến như thế này thì quả là có một không hai, anh nghĩ.
Hai người lần lượt ngồi xuống ghế, nhìn nhau qua chiếc bàn trà thấp. Người kia lấy khăn tay lau mạnh vài lần cái trán đẫm mồ hôi, sau đó nhét chiếc khăn đáng thương vào lại túi áo ngực. Nữ nhân viên lễ tân mang trà lên cho hai người. Tengo cám ơn cô.
Ushikawa không nói một lời với cô lễ tân, nhưng nói ngay với Tengo: “Xin lỗi đã làm phiền lúc anh đang nghỉ ngơi, lại cũng không liên hệ từ trước, quả thực tôi vô cùng áy náy.” Từ ngữ chọn dùng cũng khá là khách khí, nhưng giọng y lại có gì đó nghe suồng sã lạ thường khiến Tengo cảm thấy gần như phản cảm. “À, anh dùng cơm trưa chưa? Nếu anh không ngại, hay chúng ta ra ngoài vừa ăn vừa nói chuyện?”
“Lúc làm việc tôi không ăn bữa trưa.” Tengo nói. “Dạy lớp buổi chiều xong tôi sẽ ăn qua loa gì đó. Vì vậy anh không cần để ý chuyện ăn uống làm gì.”
“Tôi hiểu. Vậy ta nói chuyện ở đây nhé. Ở đây hình như có thể nói chuyện thoải mái, mà lại yên tĩnh nữa.”
Y đảo mắt nhìn quanh gian phòng một lượt, như thể đang định giá. Đây là một gian phòng tiếp khách không có gì nổi bật. Trên tường treo một bức tranh sơn dầu lớn, vẽ một ngọn núi. Ngoài việc dùng màu tương đối nổi bật ra, bức tranh không gây ấn tượng gì đặc biệt. Trong bình hình như cắm hoa thược dược, loài hoa khiến người ta nghĩ đến một người đàn bà đần độn tuổi trung niên. Tại sao trường dự bị lại cần một văn phòng tiếp khách u ám thế này nhỉ, Tengo tự hỏi.
“Tự giới thiệu bây giờ thì e hơi muộn. Như trên danh thiếp có viết, tôi họ Ushikawa. Bạn bè gọi tôi là Ushi[5]. Xưa nay chẳng ai gọi tôi là ‘anh Ushikawa’ theo đúng khuôn phép cả. Cứ gọi luôn là Bò thôi,” Ushikawa nói, miệng mở một nụ cười.
[5] Nghĩa là “con bò”.
Bạn bè? Hạng người như thế nào lại muốn làm bạn với cái gã này nhỉ, Tengo thắc mắc, thuần túy do hiếu kỳ.
Thực lòng mà nói, tay Ushikawa làm Tengo nghĩ đến thứ gì đó bò ra từ lỗ sâu trong đất khiến người ta rởn cả gai ốc, một thứ gì đó trơn chuội, hình dạng không rõ ràng. Một thứ gì đó vốn không nên xuất hiện dưới ánh mặt trời. Không chừng người này chính là một trong những thứ mà Thầy giáo Ebisuno đã dẫn dụ ra bên dưới tảng nham thạch kia. Tengo nhíu mày một cách vô thức, đặt tấm danh thiếp nãy giờ vẫn cầm trên tay xuống bàn trà. Ushikawa Toshiharu. Đó là tên họ người đàn ông này.
“Chắc là anh Kanawa rất bận, nên tôi sẽ không nói chuyện nhảm nữa mà nói thẳng nói thật, đi luôn vào chủ đề chính,” Ushikawa nói.
Tengo khẽ gật đầu.
Ushikawa nhấp một ngụm trà, rồi cất tiếng: “Tôi nghĩ, chắc là anh Kanawa vẫn chưa nghe đến cái tên ‘Hội Chấn hưng Văn nghệ và Học thuật Tân Nhật Bản’.” Tengo gật đầu. “Chúng tôi là một quỹ tài chính mới thành lập gần đây. Hoạt động chủ yếu là tuyển chọn những người trẻ tuổi, có nét đặc sắc riêng, hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn nghệ và học thuật, đặc biệt là những người còn chưa được xã hội biết đến, và tài trợ cho họ. Nói ngắn gọn, tôn chỉ của chúng tôi là bồi dưỡng các nhân tài đang chớm hé mà rồi sẽ trở thành một nhân vật dẫn đầu trong thế hệ kế tiếp trên mọi lĩnh vực của nền văn hóa Nhật Bản hiện đại.
Ở mỗi lĩnh vực, chúng tôi ký kết hợp đồng với nhân viên điều tra chuyên nghiệp để tìm ứng cử viên. Mỗi năm sẽ có năm nghệ sĩ hoặc nhà nghiên cứu được chọn để nhận tiền tài trợ. Trong vòng một năm, họ có thể tùy ý làm bất cứ gì mình thích. Điều kiện duy nhất của chúng tôi là đến cuối năm họ nộp một bản báo cáo, mang tính hình thức thôi, giải trình qua xem trong năm mình đã làm những gì, đạt được thành quả nào, thế là được rồi. Báo cáo sẽ được đăng trên tạp chí do quỹ chúng tôi phát hành. Thế thôi, không có gì phiền phức cả. Vì hoạt động này chúng tôi chỉ mới bắt đầu nên cho dù thế nào, điều quan trọng nhất với chúng tôi lúc này là có thành tích thực tế trước đã. Nói cách khác, hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn gieo hạt. Cụ thể hơn, thế nghĩa là chúng tôi phát ỗi người ba triệu yên tiền tài trợ trong một năm.”
“Hào phóng quá nhỉ,” Tengo nói.
“Muốn tạo ra hoặc phát hiện ra những thứ quan trọng, cần có thời gian, và cần cả tiền bạc. Dĩ nhiên, không phải chỉ cần bỏ thời gian và tiền bạc vào là bảo đảm gặt hái được thành quả lớn. Nhưng thời gian hay tiền bạc thì đầu tư bao nhiêu cũng không đủ. Đặc biệt là thời gian, vì tổng lượng thời gian là đặc biệt hữu hạn. Kim đồng hồ, ngay giờ này phút này, đang tích tắc tích tắc ghi lại thời gian. Thời gian đang trôi qua. Cơ hội đang liên tục mất đi. Thế nhưng, có tiền, ta có thể mua thời gian. Chỉ cần ta muốn thì tự do cũng có thể mua được. Thời gian và tự do, đó là những thứ quan trọng nhất mà con người có thể mua được bằng tiền.”
Tengo nghe anh ta nói vậy liền liếc mắt nhìn xuống đồng hồ đeo tay như một phản xạ có điều kiện. Đúng thế, thời gian đang không ngừng trôi tích tắc tích tắc.
“Chiếm dụng thời gian của anh thế này thực là áy náy quá,” Ushikawa vội nói, rõ là coi động tác ấy như minh chứng cho lập luận của chính y. “Tôi nói ngắn gọn thế này. Lẽ đương nhiên, hiện nay mà chỉ dựa vào món tiền ít ỏi ba triệu yên một năm thì không thể sống sung túc được. Nhưng với một người trẻ tuổi thì hẳn có thể coi đó là một món trợ cấp không nhỏ. Đấy chính là ý định của quỹ chúng tôi: làm sao người nhận trợ cấp không phải vất vả lo toan cuộc sống, có thể dồn hết tinh thần và sức lực vào nghiên cứu hay sáng tác trong vòng một năm. Trong kỳ xét duyệt cuối năm, chỉ cần ban trị sự nhận định trong năm đó đương sự nhận được thành quả khả quan, thì có khả năng người đó sẽ tiếp tục được nhận tài trợ chứ không chỉ trong năm đó.”
Tengo không nói không rằng, đợi đối phương tiếp tục.
“Hôm trước tôi đã mạn phép nghe anh giảng bài ở trường này suốt một tiếng đồng hồ,” Ushikawa nói. “Chà chà, thú vị vô cùng. Tôi là kẻ hoàn toàn không có chuyện môn gì về toán, thậm chí đây luôn là môn mà tôi kém nhất nữa, hồi đi học tôi ghét cay ghét đắng giờ toán. Chỉ cần nghe thấy hai chữ ‘toán học’ thôi là đầu đã nhức buốt cả lên, chỉ muốn chuồn đi càng xa càng hay. Nhưng bài giảng của anh, ôi chà chà, quả thực là quá thú vị. Tất nhiên, tôi chẳng hiểu gì về lý thuyết vi phân tích phân, nhưng mà, mới chỉ nghe anh giảng có một tiết thôi, tôi đã bắt đầu nghĩ, thì ra toán học thú vị như vậy cơ đấy, hay từ giờ mình cũng học toán nhỉ. Thực sự là anh có thể tự hào về mình. Anh Kanawa, anh sở hữu một tài năng khác thường, có lẽ nên gọi là khả năng thu hút lòng người. Nghe nói anh là thầy giáo rất được yêu quý ở trường này. u cũng là lẽ dĩ nhiên thôi.”
Tengo hoàn toàn không biết Ushikawa đến nghe mình giảng bài vào lúc nào và ở đâu. Mỗi khi đứng lớp, bao giờ anh cũng chú ý quan sát trong phòng học có những ai. Mặc dù anh không nhớ mặt tất cả học sinh, nhưng nếu trong lớp xuất hiện một nhân vật có tướng mạo đặc biệt như Ushikawa thì tuyệt đối không có chuyện anh không nhận ra. Con người này chắc chắn là bắt mắt hệt như con rết trong hộp đường kính vậy. Nhưng Tengo không truy vấn thêm. Gặng hỏi nữa chỉ khiến cuộc nói chuyện đã dài lại càng dài.
“Chắc anh cũng biết, tôi chẳng qua cũng chỉ là thầy giáo làm thuê dạy vài cua ở trường dự bị này.” Để đỡ phí thời gian, Tengo lên tiếng. “Tôi không phải người chuyên nghiên cứu về toán học gì đâu. Tôi chỉ cố gắng giảng giải sao cho thật lý thú và dễ hiểu những thứ được coi là tri thức phổ cập cho học sinh, đồng thời dạy chúng một số phương pháp giải đề thi đại học tương đối hiệu quả. Có lẽ tôi thich hợp với công việc như thế. Nhưng rất lâu rồi tôi đã từ bỏ ý muốn trở thành người nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Một mặt tình hình kinh tế không cho phép tôi tiếp tục học lên cao, nhưng chủ yếu là vì tôi tự thấy mình không đủ tố chất hay năng lực để giành được thành công trong giới học thuật. Vì vậy, tôi không thể giúp gì được cho anh đâu.”
Ushikawa vội giơ tay lên. “Không, không, tôi không có ý đó. Có lẽ tại tôi hơi phức tạp hóa vấn đề. Cho tôi xin lỗi. Giờ toán của anh đúng là vô cùng thú vị, rất độc đáo, giàu tính sáng tạo. Có điều hôm nay tôi không đến đây để nói chuyện ấy. Điều chúng tôi quan tâm là hoạt động với tư cách tiểu thuyết gia của anh cơ.”
Bị đối phương làm cho bất ngờ, suốt mấy giây liền Tengo không thốt được tiếng nào.
“Hoạt động với tư cách tiểu thuyết gia?” anh hỏi.
“Vâng ạ.”
“Tôi không hiểu lắm. Đúng thế, mấy năm nay tôi đang viết tiểu thuyết, có điều chưa lần nào in thành sách cả. Người như tôi chắc không thể gọi là tiểu thuyết gia. Làm sao mà tôi lại được các anh chú ý như thế chứ?”