1Q84 - Tập 2

Chương 06: Cánh tay của chúng tôi dài lắm - P1


Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 2: Chương 06: Cánh tay của chúng tôi dài lắm – P1

Tengo
Cánh tay của chúng tôi dài lắm
Một khoảng thời gian sau đó, tình hình không có tiến triển gì. Không ai liên lạc với Tengo. Komatsu, Thầy giáo Ebisuno, Fukaeri, không ai nhắn gì cho anh. Có lẽ mọi người đã quên mất Tengo, bỏ lên mặt trăng cả rồi. Nếu đúng thế thật thì chẳng có gì đáng nói, Tengo nghĩ, nhưng sự tình không thể nào lại phát triển một cách quá êm đẹp với anh như vậy được. Bọn họ không thể lên mặt trăng. Chỉ là do họ có quá nhiều việc phải làm, ngày nào cũng bận chẳng ngơi tay, nên chẳng còn cả thời gian lẫn tâm trạng để báo cho anh một tiếng.
Tengo tuân theo chỉ thị của Komatsu, cố gắng kiên trì đọc báo hằng ngày, nhưng ít nhất thì trên các báo anh đọc không còn bài nào về Fukaeri nữa. Báo chí vốn dĩ rất tích cực săn tìm những sự kiện đã xảy ra rồi, nhưng với những vụ việc “kéo dài” thì thái độ của họ lại tương đối tiêu cực. Vì vậy, có thể coi đây là một thứ tin ngầm, rằng “Hiện tại chẳng có chuyện gì to tát cả”. Còn truyền hình có đưa tin gì về sự kiện này không, Tengo không thể biết vì anh không có ti vi.
Tạp chí cuối tuần thì gần như tờ nào cũng nhắc đến vụ này. Thật ra những bài ấy Tengo chưa đọc. Anh chỉ đọc thấy phần quảng cáo tạp chí trên báo, với những nhan đề giật gân như: “Sự thật đằng sau sự kiện nữ tác giả sách bán chạy trẻ trung xinh đẹp mất tích”, “Tác giả Nhộng không khí Fukaeri (mười bảy tuổi) mất tích nơi nào”, “Thân thế bí mật của nữ tác giả trẻ xinh đẹp mất tích”. Có mấy mục quảng cáo thậm chí đăng cả ảnh Fukaeri, đều là ảnh chụp hôm họp báo. Dĩ nhiên, chẳng phải Tengo không muốn biết những bài đó viết gì, nhưng sự quan tâm của anh chưa đến mức bỏ tiền ra thu thập cho đủ cả đống tạp chí ấy. Nếu trong đó có nội dung gì mà Tengo cần phải quan tâm thì chắc hẳn Komatsu đã liên lạc với anh rồi. Anh ta không liên lạc, điều đó chứng tỏ rằng trước mắt chưa có tiến triển gì mới. Nói cách khác, người ta vẫn chưa phát giác ra rằng phía sau Nhộng không khí (biết đâu) còn có một người chấp bút khác.
Xem qua các nhan đề, có vẻ như giới truyền thông đang tập trung vào những chuyện như cha của Fukaeri từng là nhà hoạt động cực đoan nổi tiếng, Fukaeri lớn lên trong công xã cách biệt với thế giới bên ngoài giữa vùng núi sâu tỉnh Yamanashi, hiện giờ người giám hộ của cô là Thầy giáo Ebisuno (từng là nhân sĩ nổi tiếng). Vả lại, cho dù chưa rõ tung tích hiện nay của tác giả nữ trẻ măng, xinh đẹp, bí ẩn này, doanh số Nhộng không khí chỉ tăng chứ không giảm. Chỉ những chuyện ấy thôi cũng đủ thu hút sự chú ý của mọi người.
Thế nhưng, nếu vụ Fukaeri mất tích cứ tiếp tục kéo dài, sớm muộn gì công việc điều tra cũng sẽ được mở rộng. Chừng đó, sự việc có thể sẽ trở nên phiền phức. Chẳng hạn, nếu có ai đấy đến ngôi trường Fukaeri từng học mà điều tra, rất có thể họ sẽ phát hiện được chuyện cô mắc chứng khó đọc và do vậy gần như không đi học. Thành tích môn quốc văn, các bài tập làm văn của cô gái (giả dụ cô có viết ra những thứ ấy) có thể sẽ bị bóc trần. Đương nhiên, rồi người ta sẽ đâm nghi vấn: “Một thiếu nữ mắc chứng khó đọc mà lại viết ra được những dòng văn đẹp như thế thì phải chăng hơi bất bình thường?” Đã đến nước ấy thì không cần phải có trí tưởng tượng thiên tài cũng có thể đưa ra giả thiết “không khéo lại có người viết thay cũng nên”.
Người đứng mũi chịu sào đón nhận sự nghi ngờ này là Komatsu. Anh ta là biên tập viên chính của Nhộng không khí, mọi sự vụ liên quan tới việc xuất bản cuốn sách đều do anh ta phụ trách. Nhưng chắc chắn Komatsu sẽ phủ nhận sạch trơn. Hẳn là, mặt lạnh như tiền, anh ta sẽ lớn tiếng tuyên bố mình chỉ chuyển bản thảo được tác giả gửi đến cho hội đồng giám khảo, bản thân anh ta hoàn toàn không liền quan gì đến quá trình sáng tác của tác giả hết. Komatsu rất giỏi nói dối mà mặt không đổi sắc, cho dù các biên tập viên kinh nghiệm lão làng ít nhiều đều rèn được bản lĩnh này. Chắc khi vừa mới khăng khăng mình chẳng biết gì xong là anh ta sẽ gọi điện ngay cho Tengo: “A lô, cậu Tengo à, lần này thì nước dâng đến cổ rồi,” chẳng khác nào anh ta thích thú cái tai họa ập xuống đầu ấy lắm vậy.
Mà có lẽ anh ta thích thú thật. Đôi khi Tengo có thể lờ mờ nhận thấy ở Komatsu một thứ gần như khát vọng tự hủy diệt. Có khi sâu trong lòng anh ta thực sự mong chờ cả kết hoạch này bại lộ, một xì căng đan to đùng bùng nổ, mọi nhân vật liên quan thảy đều bị hất văng lên trời. Ở Komatsu không phải là không có khuynh hướng ấy. Nhưng đồng thời Komatsu cũng là người theo chủ nghĩa hiện thực rất tỉnh táo. Trên thực tế, khả năng anh ta liều lĩnh bước qua lằn ranh để rơi vào sự hủy diệt là rất nhỏ.
Không chừng Komatsu đã tính toán đâu ra đó, sao cho dù xảy ra chuyện gì anh ta vẫn bình an vô sự. Tengo không biết anh ta dự định sẽ thoát khỏi tình trạng khốn khó lần này như thế nào. Cái tay Komatsu ấy, bất cứ thứ gì, dù xì căng đan hay là hủy diệt hoàn toàn, anh ta cũng đều có thể khéo léo lợi dụng được. Nhưng dù có thế nào, nếu nơi chân trời hiện lên mây mờ nghi vấn về tác giả thật của Nhộng không khí, chắc chắn Komatsu sẽ liên lạc với mình, Tengo tự nhủ. Về chuyện này Tengo khá có lòng tin. Cho đến nay, đối với Komatsu, anh chỉ làm một công cụ vừa tiện lợi vừa hiệu quả, nhưng giờ thì anh lại trở thành “gót chân Asin” của anh ta. Nếu Tengo nói toạc ra sự thật, chắc chắn Komatsu sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Giờ anh đã trở thành một thứ mà Komatsu không thể xem nhẹ. Vì vậy, anh chỉ cần ngồi yên chờ điện thoại của Komatsu. Chừng nào chưa có điện thoại gọi tới thì “nước vẫn còn chưa dâng đến cổ”.
Thầy giáo Ebisuno rốt cuộc đang làm gì? Tengo quan tâm đến chuyện này hơn. Chắc chắn Thầy giáo Ebisuno đang hợp tác với cảnh sát thúc đẩy hành động gì đó, ông đang ra sức tuyên truyền với cảnh sát rằng rất có khả năng Sakigake có liên quan đến việc Fukaeri mất tích, hòng lợi dụng sự kiện này làm đòn bẩy để lật tung lớp vỏ ngoài cứng rắn của Sakigake lên. Liệu có phải cảnh sát đang hành động theo hướng đó? Sợ rằng đúng vậy. Giới truyền thông đã ra sức xào xáo mối quan hệ giữa Fukaeri và Sakigake rồi. Nếu cứ buông tay làm ngơ, mà về sau dựa trên hướng này người ta lại phát hiện ra được chi tiết nào hệ trọng, thì chắc chắn cảnh sát sẽ bị chỉ trích là làm việc thiếu trách nhiệm. Nhưng dù thế nào chăng nữa, việc điều tra sẽ được lẳng lặng tiến hành trong bóng tối. Có nghĩa là, trên báo hay ti vi thì cũng vậy, sẽ không có thông tin quan trọng nào được tiết lộ.

Một hôm, từ trường dự bị trở về nhà, Tengo thấy trong hòm thư nhét một chiếc phong bì dày cộp, người gửi là Komatsu. Trên phong bì có in logo của nhà xuất bản, đóng sáu dấu chuyển phát nhanh của bưu điện. Tengo vào nhà, mở ra xem thì thấy trong phong bì đựng bản photo các bài điểm cuốn Nhộng không khí. Còn có một bức thư của Komatsu, nét chữ nghiêng nghiêng ngả ngả như mọi khi, anh phải mất một lúc lâu mới hiểu được.
Tengo:
Hiện vẫn chưa có tin gì đặc biệt. Vẫn chưa rõ Fukaeri đang ở đâu. Các tin trên tuần báo và ti vi chủ yếu là về vấn đề thân thế của cô ấy, cũng may là vẫn chưa hại gì đến chúng ta. Sách thì càng ngày càng bán chạy hơn. Đến nước này thật khó mà nói được có nên ăn mừng hay không nữa. Có điều nhà xuất bản thì vui lắm, giám đốc còn thưởng cho tôi một cái bằng khen, một mớ tiền thưởng. Làm việc ở nhà xuất bản này đã hơn hai chục năm tôi mới lần đầu tiên được giám đốc biểu dương như thế đấy. Đến khi nào sự thật phơi bày, không biết bộ mặt cái đám người ấy sẽ như thế nào, tôi thật tình rất muốn xem.
Kèm theo đây là các bài điểm sách cùng những bài báo liên quan đến Nhộng không khí. Khi nào rảnh rỗi cậu nên đọc qua một chút, cho đầu cậu nó sáng ra. Trong ấy có một vài thứ chắc sẽ làm cậu thấy hứng thú, và cả một số thứ tức cười nữa, nếu cậu còn có thể cười được.
Tôi đã nhờ người quen điều tra về cái “Chấn hưng Văn nghệ và Học thuật TânNhật Bản” mà cậu nhắc lần trước. Tổ chức này thành lập cách đây mấy năm, đã được chính thức phê chuẩn, đúng là đang hoạt động tích cực. Họ có văn phòng, có nộp báo cáo tài chính hằng năm. Mỗi năm họ chọn ra mấy học giả và nhà văn để cung cấp tiền tài trợ cho. Ít nhất là bản thân họ nói vậy. Nguồn gốc số tiền ở đâu thì không rõ. Người quen ấy của tôi nói thẳng rằng cái hội ấy hết sức đáng ngờ. Đó có thể là một dạng công ty ma được lập ra để trốn thuế. Nếu điều tra kỹ lưỡng thì có khi còn tìm được thêm một số thông tin khác, có điều làm vậy hơi tốn thời gian và công sức, thứ ấy chúng ta lại không dư dật lắm. Dù sao, giống như lần trước tôi đã nói với cậu qua điện thoại, việc tổ chức ấy định cấp ột người vô danh như cậu ba triệu yên thật là rất kỳ quặc. Chỉ e họ có mục đích gì đó không thể nói ra. Không thể loại trừ khả năng có bàn tay của Sakigake nhúng vào đây. Nếu đúng vậy thật thì chứng tỏ họ đã ngửi thấy cậu có liên quan đến Nhộng không khí. Bất kể thế nào, cách khôn ngoan nhất có lẽ là tránh dây dưa với cái tổ chức này.
Tengo nhét thư của Komatsu vào lại phong bì. Tại sao Komatsu lại phải cất công viết thư nhỉ? Có lẽ chẳng qua là lúc gửi các bài điểm sách, tiện thể anh ta nhét thêm bức thư vào phong bì, có điều đây không giống kiểu thường ngày của Komatsu. Nếu có chuyện muốn nói, anh ta chỉ cần gọi điện thoại như mọi khi là được mà. Viết thư kiểu này sẽ để lại chứng cứ. Người hành sự cẩn trọng như Komatsu không thể nào lại không nghĩ đến chuyện đó. Hay là, so với chuyện để lại chứng cứ, anh ta còn sợ điện thoại bị nghe trộm hơn?
Tengo liếc nhìn cái điện thoại. Nghe trộm? Anh chưa từng nghĩ đến việc điện thoại của mình có thể bị nghe trộm. Nhưng nghĩ lại, đã hơn một tuần nay chẳng hề có ai gọi điện tới. Có lẽ ai cũng biết cái điện thoại này bị nghe trộm. Đến cả người tình hơn tuổi của anh, vốn thích gọi điện thoại, cũng không gọi đến một lần nào. Chuyện này rất khác thường.
Không chỉ có thế. Thứ Sáu tuần trước cô không đến nhà Tengo. Đây cũng là chuyện chưa từng xảy ra. Nếu có chuyện không đến được, chẳng hạn con ốm không đi học, đột nhiên có kinh, đại loại như vậy, chắc chắn cô đã gọi điện báo trước rồi. Nhưng thứ Sáu vừa rồi cô không liên lạc, cũng không đến. Tengo nấu một bữa trưa đơn giản đợi cô, kết quả là cả buổi chiều thui thủi một mình. Có lẽ cô gặp chuyện bất ngờ, nhưng thật không bình thường khi cô không nói với anh một lời. Nhưng anh lại không thể chủ động liên lạc với cô.
Tengo thôi không nghĩ về người tình và điện thoại nữa. Anh ngồi trước bàn ăn, lần lượt đọc bản photo các bài điểm sách mà Komatsu gửi đến. Các bài báo được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng, tên tờ báo hay tạp chí cùng ngày tháng phát hành được ghi bằng bút bi ở góc phía trên bên trái. Có lẽ là do cô bé trợ lý bán thời gian của Komatsu, chứ anh ta thì chẳng bao giờ làm mấy việc lặt vặt thế này. Nội dung các bài điểm sách đa phần đều đầy hảo ý, nhiều người bình luận đánh giá cao sự mạnh dạn và sâu sắc của câu chuyện, thừa nhận rằng văn phong chuẩn xác. Vài người còn viết: “khó mà tin được” đây lại là tác phẩm của một thiếu nữ mười bảy tuổi.
Suy đoán khá đấy, Tengo thầm nhủ.

Một bài viết gọi cô bé là “một Françoise Sagan[1] thấm nhuần bầu không khí của chủ nghãi hiện thực huyền ảo”. Tuy bài viết này ý tứ không mấy rõ ràng và đầy những dè dặt hồ nghi, song nhìn tổng thể thì dường như đang khen ngợi tác phẩm.
[1] Françoise Sagan (1935-2004): nhà văn nữ nổi tiếng người Pháp, nổi tiếng từ năm 18 tuổi với tác phẩm Buồn ơi chào mi (Bonjour tristesse).
Nhưng Nhộng không khí và Người Tí Hon rốt cuộc mang hàm nghĩa gì thì khá nhiều nhà bình sách đều phân vân không hiểu, hoặc thấy khó đưa ra nhận xét. Một bài viết kết luận như sau: “Câu chuyện dạt dào cảm hứng, khiến ai đọc cũng say mê đến dòng cuối cùng, nhưng nếu hỏi Nhộng không khí là gì, Người Tí Hon là gì thì rốt cuộc chúng ta bị ném xuống một hồ bơi dập dềnh đầy những dấu hỏi kỳ bí. Có lẽ đây chính là ý đồ của tác giả, nhưng số độc giả coi sự thiếu rõ ràng này là “sự lười biếng của tác giả” chắc chắn không ít. Đối với một tác phẩm đầu tay, điều này âu cũng thể tất được, nhưng nếu tác giả có ý định tiếp tục sự nghiệp viết tiểu thuyết lâu dài, trong tương lai không xa, cô cần phải xem lại cái thái độ cố tình làm ra vẻ kỳ bí này.”
Đọc bài viết này, Tengo không khỏi lấy làm phân vân: nếu tác giả đã viết được thành công “câu chuyện dạt dào cảm hứng, ai đọc cũng say mê đến dòng cuối cùng”, thì ai có thể chỉ trích tác giả ấy “lười biếng” được chứ?
Nhưng nói thực lòng, Tengo không thể nói gì về chuyện này. Biết đâu cách nghĩ của anh là sai lầm, ý của nhà phê bình mới là chính xác. Tengo đã dấn quá sâu vào viết lại Nhộng không khí đến nỗi anh không còn có thể dùng con mắt khách quan của người thứ ba để đánh giá tác phẩm này nữa. Giờ đây, anh đã coi Nhộng không khí và Người Tí Hon như những thứ tồn tại bên trong mình. Thực ra, Tengo cũng không rõ lắm chúng mang hàm nghĩa gì. Nhưng đối với anh, đây chẳng phải vấn đề quan trọng. Có chấp nhận sự tồn tại của chúng hay không, đó mới là điều có ý nghĩa then chốt. Tengo có thể chấp nhận sự tồn tại của chúng mà không hề thấy mâu thuẫn gì, vậy nên anh mới toàn tâm toàn ý tập trung vào việc viết lại Nhộng không khí được. Nếu không thể coi câu chuyện này như một thứ không cần nói cũng hiểu, thì chắc chắn anh đã không đời nào tham gia hành vi lừa đảo kia, dẫu người ta có đem bao nhiêu tiền cám dỗ anh hoặc đe dọa anh thế nào đi chăng nữa.
Nói thì nói vậy, song xét cho cùng đây chỉ là kiến giải của cá nhân Tengo. Đối với các vị độc giả đọc xong Nhộng không khí mà cảm thấy như mình “bị ném xuống một hồ bơi dập dềnh đầy những dấu hỏi kỳ bí”, Tengo không khỏi lấy làm thông cảm. Trước mắt anh hiện lên cảnh tượng một đám người nom vẻ hoang mang, ôm chặt những chiếc phao cứu sinh đủ màu sắc, thả mình trôi vô mục đích giữa một hồ bơi rộng dập dềnh đầy những dấu hỏi. Trên trời tỏa sáng một vầng dương rõ ràng là không có thực. Là một trong những người đã gieo rắc tình trạng này, Tengo không khỏi cảm thấy mình chịu một phần trách nhiệm.
Nhưng rốt cuộc ai có thể cứu vớt toàn bộ người trên thế gian đây? Tengo nghĩ. Có triệu tập toàn bộ thần thánh trên thế giới này lại một nơi thì họ cũng không thể xóa bỏ vũ khí hạt nhân, không thể diệt trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Họ không thể khiến châu Phi hết hạn hán, cũng không thể khiến John Lennon sống lại. Chẳng những thế, chỉ e bản thân các vị thần sẽ chia năm xẻ bảy, đánh nhau loạn xạ và thế giới sẽ càng thêm hỗn loạn. So với cảm giác bất lực mà tình thế ấy có thể mang đến thì để mặc người ta trôi nổi trong cái hồ bơi dập dềnh đầy những dấu hỏi kỳ bí chẳng qua chỉ là một tội lỗi nhỏ mà thôi.
Tengo đọc hết một nửa số bài điểm sách Nhộng không khí mà Komatsu gửi đến, phần còn lại cất trở vào phong bì, không đọc nữa. Chỉ cần đọc một nửa là đã có thể đoán phần kia viết cái gì. Với tư cách một câu chuyện, Nhộng không khí thu hút được nhiều người. Nó thu hút Tengo, thu hút Komatsu, Thầy giáo Ebisuno, và cả một lượng độc giả đáng kinh ngạc. Nó còn phải làm gì hơn nữa chứ?
Chuông điện thoại vang lên vào khoảng hơn chín giờ tối thứ Ba. Tengo lúc ấy đang vừa nghe nhạc vừa đọc sách. Đây là khoảng thời gian anh ưa thích nhất: thoải mái đọc sách trước khi đi ngủ, đọc đến lúc mệt rồi cứ thế mà thiếp đi.
Sau nhiều ngày anh mới lại nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, và anh cảm thấy điềm chẳng lành trong đó. Đây không phải điện thoại của Komatsu. Điện thoại của Komatsu gọi vang lên kiểu khác. Tengo do dự, không biết có nên nhấc ống nghe không. Anh đợi chuông reo năm tiếng mới nhấc kim máy quay đĩa lên, cầm ống nghe. Có thể là điện thoại của người tình cũng nên.

“Có phải ông Kanawa không?” Một người đàn ông hỏi. Giọng một người đàn ông trung niên, thâm trầm, nhẹ nhàng. Tengo chưa bao giờ nghe giọng ấy.
“Vâng,” Tengo thận trọng trả lời.
“Gọi muộn thế này, tôi thật tình xin lỗi. Tôi họ là Yasuda,” Người đàn ông nói, giọng hết sức trung tính, không thân thiện cũng không thù địch, không phải kiểu công vụ, cũng không phải xuề xòa.
Yasuda? Cái họ cũng thường gặp. Song anh không nhớ mình quen ai họ Yasuda cả.
“Tôi gọi là do có việc này muốn chuyển tới anh,” Người kia nói. Đoạn ông ta ngưng lại giây lát, như thể đang kẹp một cái đánh dấu trang vào giữa các trang sách. “Vợ tôi không thể đến thăm anh nữa. Tôi chỉ muốn nói thế thôi.”
Tengo sực hiểu ra. Yasuda là họ người tình của anh. Tên họ đầy đủ của cô là YasudaKyoko. Trước mặt Tengo cô hầu như chẳng có dịp nào nhắc đến tên mình, vì vậy nhất thời anh không kịp nhận ra. Người đàn ông gọi điện đến này chính là chồng cô. Anh có cảm giác cổ họng mình như đang bị thứ gì đó chặn lại.
“Tôi nói đã rõ chưa nhỉ?” Người đàn ông hỏi. Giọng nói không hàm chứa bất cứ chút tình cảm nào. Ít nhất là Tengo không nghe ra có thứ gì đó như thế trong giọng nói ấy. Giọng ông ta có chút khẩu âm địa phương, không phải Hiroshima thì Kyushu. Tengo không phân biệt được.
“Không thể đến nữa,” Tengo lặp lại.
“Đúng vậy. Cô ấy không thể đến thăm anh nữa.”
Tengo lấy hết dũng khí hỏi: “Cô ấy gặp chuyện gì ạ?”
Im lặng. Câu hỏi của Tengo không được hồi đáp, lơ lửng giữa không trung. Sau đó người kia nói: “Tôi đang nói với anh là sau này có lẽ anh sẽ không bao giờ gặp lại vợ tôi nữa. Tôi chỉ muốn cho anh biết thế thôi.”
Người đàn ông này biết việc Tengo và vợ mình vụng trộm qua lại với nhau. Mỗi tuần một lần, đã một năm nay. Về điểm này, Tengo đã hiểu. Nhưng điều lạ là trong giọng người kia không hề có sự phẫn nộ hay oán hận. Bên trong đó hàm chứa một thứ gì đó khác, không giống như xúc cảm cá nhân, mà giống một khung cảnh khách quan hơn: một khu vườn hoang phế um tùm, hoặc bờ sông cạn sau khi cơn lũ rút đi chẳng hạn.

“Tôi không hiểu lắm…”
“Vậy thì thôi,” Người đàn ông như muốn ngăn không cho Tengo nói hết. Trong giọng ông ta có thể nghe ra dấu hiệu của sự mỏi mệt. “Có một điều phải nói rõ ràng. Vợ tôi không còn nữa rồi. Cô ấy không thể đến chỗ anh nữa, dưới bất cứ hình thức nào. Chính là vậy đó.”
“Không còn nữa rồi,” Tengo lặp lại.
“Anh Kawana, tôi không muốn gọi điện cho anh thế này đâu. Nhưng nếu cứ để chuyện trôi qua mà không nhắc gì đến thì tôi không ngủ được. Anh nghĩ tôi thích nói chuyện này với anh sao?”
Người đàn ông vừa ngừng nói thì không còn bất cứ âm thanh nào vang lên từ phía bên kia nữa. Có vẻ người này gọi điện từ một nơi vô cùng yên tĩnh. Nếu không thì xúc cảm trong lòng ông ta có công dụng giống như chân không, hấp thu hết mọi sóng âm ở xung quanh.
Đáng lẽ ra mình phải hỏi anh ta mấy câu, Tengo tự nhỏ. Bằng không, mọi thứ sẽ kết thúc với một đống những ám thị mù mờ khó hiểu. Không thể để cuộc nói chuyện bị ngắt giữa chừng! Nhưng người này vốn không có ý định kể lại tỉ mỉ sự tình cho Tengo. Một khi người kia không có ý định nói rõ ràng thì rốt cuộc anh nên đặt câu hỏi thế nào đây? Đứng trước một khoảng chân không, nên đưa ra những lời như thế nào đây? Tengo còn đang vắt óc lựa chọn từ ngữ thì đầu dây bên kia đã gác máy mà không có dấu hiệu gì báo trước. Người kia lẳng lặng đặt ống nghe xuống, bỏ Tengo lại mà đi mất. Có lẽ là mãi mãi.
Tengo vẫn áp cái ống nghe đã ngắt kết nối vào tai thêm một lúc nữa. Nếu điện thoại bị nghe trộm, ít nhiều anh cũng có thể nghe ra được chút động tĩnh. Anh nín thở lắng nghe, nhưng chẳng tóm bắt được tiếng động khả nghi nào. Anh chỉ nghe thấy tiếng tim mình đang đập. Càng nghe, anh càng có cảm giác mình như một tên trộm nửa đêm lẻn vào nhà người khác, nấp trong xó tối, nín thở chờ mọi người trong nhà chìm vào giấc ngủ.
Để trấn tĩnh lại, Tengo lấy ấm đi đun nước, pha trà xanh. Sau đó anh mang tách trà ra ngồi trước bàn ăn, tái hiện lại trong đầu cuộc trò chuyện qua điện thoại.
“Vợ tôi không còn nữa rồi, cô ấy không thể đến chỗ anh nữa, dưới bất cứ hình thức nào,” Ông ta nói. Dưới bất cứ hình thức nào, cách nói này khiến Tengo phân vân hơn cả. Nó gợi cho anh cảm giác tối tăm, ẩm ướt và nhớp nháp.
Người đàn ông tên là Yasuda dường như muốn truyền đạt đến Tengo rằng: Cho dù vợ ông ta muốn đến tận nhà gặp Tengo lần nữa thì cũng không thể. Tại sao? Nó không thể trong ngữ cảnh như thế nào? “Không còn nữa rồi” nghĩa là ý gì? Trong đầu Tengo hiện lên hình ảnh YasudaKyoko: cô gặp tai nạn bị thương nặng, hoặc mắc phải chứng bệnh vô phương chữa trị, hoặc bị đánh đập dã man, gương mặt biến dạng khủng khiếp. Nếu cô không phải ngồi xe lăn thì cũng mất một phần thân thể, không thì toàn thân quấn băng kín mít, không sao nhúc nhích. Thậm chí cô còn bị xích bằng một sợi xích sắt to tướng dưới hầm ngầm, giống như con chó. Tuy nhiên, bất kể là khả năng nào trên đây thì cũng đều có vẻ quá xa xôi.
Yasuda Kyoko (giờ Tengo đã nhớ đến cô bằng cái tên đầy đủ) gần như chưa bao giờ nhắc đến chồng mình. Chồng cô làm nghề gì? Năm nay bao nhiêu tuổi? Mặt mũi trông thế nào? Tính cách ra sao? Họ kết hôn lúc nào? Ông ta gầy hay béo, cao hay thấp, có đẹp trai không, quan hệ vợ chồng có thuận hòa không? Tất cả những điều ấy, Tengo hoàn toàn không hay biết. Tengo chỉ biết, cuộc sống của cô không khó khăn lắm (hình như cô sống khá sung túc), hình như cô không thỏa mãn lắm với số lần (hoặc chất lượng) làm tình của chồng, chỉ có vậy. Nhưng ngay cả điều này thực ra cũng chỉ là suy đoán của anh. Tengo và cô thường ở trên giường nói chuyện cả buổi chiều, song những lúc như thế chồng cô chưa bao giờ trở thành chủ đề câu chuyện. Tengo cũng không muốn biết về anh ta cho lắm. Nếu có thể, anh nghĩ tốt nhất đừng nên biết rốt cuộc mình cướp vợ từ tay một người đàn ông như thế nào. Anh cảm thấy phép lịch sự đòi hỏi như vậy. Nhưng giờ việc đã đến nước này, anh lấy làm hối hận mình chưa từng hỏi han về chồng cô (nếu anh có hỏi, chắc chắn cô sẽ trả lời thẳng thắn). Chồng cô có ghen tuông không? Hay dục vọng chiếm hữu rất mạnh? Hay có khuynh hướng bạo lực?
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.