Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 1: Chương 16: Anh rất vui vì em thích nó – P2
“Các kiểu câu hỏi khác nhau. Về tác phẩm, về bản thân em, cuộc sống riêng tư, sở thích cá nhân, kế hoạch sau này. Tốt nhất là nên chuẩn bị các câu trả lời ngay từ bây giờ.’
“Tại sao?”
“Bởi vì như thế sẽ an toàn hơn. Sẽ không đến nỗi không thể trả lời, và tránh được những câu gây hiểu lầm. Có những chuẩn bị nhất định cũng không hại gì. Giống như diễn tập trước vậy.”
Fukaeri không nói một lời, chỉ lẳng lặng uống ca cao. Sau đó ngước nhìn Tengo với ánh mắt như thể muốn nói “Em chẳng hứng thú gì với chuyện này, nhưng nếu anh cho rằng cần thiết thì…” So với lời nói, đôi lúc ánh mắt của cô còn thuyết phục hơn nhiều, ít nhất cũng có thể nói ra được nhiều câu hơn. Nhưng không thể chỉ dùng ánh mắt mà tham dự buổi họp báo ấy được.
Tengo lấy trong túi xách ra một tờ giấy, trải ra, bên trên đã viết sẵn những câu hỏi có thể xuất hiện trong buổi họp báo. Hôm qua, Tengo đã mất nhiều thời gian suy nghĩ mới viết ra được danh sách này.
“Anh sẽ hỏi. Em cứ tưởng tượng anh là phóng viên, rồi trả lời câu hỏi của anh, được không?”
Fukaeri gật đầu.
“Em đã viết rất nhiều tiểu thuyết phải không?”
“Rất nhiều.”
“Bắt đầu viết tiểu thuyết từ bao giờ vậy?”
“Từ rất lâu rồi.”
“Vậy là tốt lắm rồi,” Tengo nói, “Trả lời ngắn gọn là được rồi. Không cần nói thêm những điều thừa thãi. Như vậy là rất tốt, Có phải ý em muốn nói, là nhờ Azami ghi lại, đúng không?”
Fukaeri gật đầu.
“Nhưng chuyện này thì đừng nói ra nhé. Đây là bí mật của anh và em thôi.”
“Không nói ra chuyện này,” Fukaeri nói.
“Lúc gửi bản thảo tham gia tranh giải Tác giả mới em có nghĩ mình chiến thắng không?”
Cô khẽ mỉm cười, không mở miệng. Im lặng kéo dài.
“Em không muốn trả lời à?” Tengo hỏi.
“Phải.”
“Tốt lắm. Nếu không muốn trả lời, em cứ im lặng không nói gì, mỉm cười một cái là được. Đằng nào thì đó cũng là một câu hỏi vô vị.”
Fukaeri lại gật đầu.
“Câu chuyện trong Nhộng không khí được lấy cảm hứng từ đâu vậy?”
“Từ con dê núi mù.”
“Con dê núi mù không hay,” Tengo nói, ‘nên nói là con dê núi mắt lòa không thấy đường’ thì tốt hơn.”
“Tại sao?”
“‘Mù’ là một từ mang tính kỳ thị.”
“Từ mang tính kỳ thị.”
“Giải thích ra thì dài dòng lắm. Tóm lại, em đừng nói là ‘con dê núi mù’, mà đổi thành ‘con dê núi mắt lòa không thấy đường’, thế được không?”
Fukaeri im lặng giây lát, rồi nói: “Từ con dê núi mắt lòa không thấy đường.”
“Tốt lắm.” Tengo nói.
“Không được nói ‘mù’,” Fukaeri xác nhận lại.
“Đúng. Vừa nãy em trả lời rất tốt,” Tengo tiếp tục đặt câu hỏi, “Các bạn ở trường nói gì về việc em được giải lần này?”
“Em không đi học.”
“Tại sao em không đi học?”
Không trả lời.
“Sau này em có tiếp tục viết tiểu thuyết không?”
Vẫn im lặng.
Tengo uống hết cà phê, đặt tách lên đĩa. Từ chiếc loa gắn trên trần nhà nhè nhẹ vẳng ra tiếng nhạc đệm của bộ phim Giai điệu hạnh phúc do nhạc cụ dây diễn tấu. Hạt mưa, hoa hồng, ria mèo…
“Em trả lời không tốt.” Fukaeri hỏi.
“Không phải không tốt,” Tengo nói, “Không có gì không tốt. Thế là rất tốt rồi.”
“Hay quá,” Fukaeri nói.
Tengo nói thực lòng. Tuy mỗi lần chỉ thốt ra một câu, tuy thiếu mất dấu câu, nhưng câu trả lời của cô xét về mặt nào đó đã có thể coi là trọn vẹn. Hài lòng nhất là cô trả lời rất nhanh. Hơn nữa cô luôn nhìn thẳng vào mắt đối phương, mỗi khi trả lời hai mắt đều không chớp. Điều này chứng tỏ rằng cô đang trả lời thành thực. Không phải có ý khinh miệt gì người ta mà trả lời cụt lủn. Thêm vào đó, lời cô nói có ý nghĩa gì, thực ra chẳng có ai có thể lý giải được một cách chính xác. Đây chính là hy vọng của Tengo. Tạo cho người ta ấn tượng thành thực, nhưng lại khiến đối phương mù mờ không hiểu gì cả.
“Tiểu thuyết ưa thích của em là gì?”
“Truyện kể Heike.”
Trả lời hay lắm! Tengo thầm nhủ. “Em thích Truyện kể Heik ở điểm nào?”
“Toàn bộ.”
“Ngoài ra còn gì nữa?”
“Truyện kể Konjaku.”
“Em không đọc văn học hiện đại à?”
Fukaeri nghĩ ngợi giây lát. Đại phu Shansho[1].
[1] Cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về một viên quan dưới thời Heian của nhà văn Mori Ogai (1862-1922).
Hay thật. Mori Ogai viết Đại phu Shansho vào những năm đầu của thời Taisho[2], đây chính là văn học hiện đại trong nhận thức của cô.
[2] Thời Taisho kéo dài từ năm 1912 đến 1926, nước Nhật khi ấy nằm dưới sự trị vì của Nhật hoàng Taisho.
“Em có sở thích gì không?”
“Nghe nhạc.”
“Loại nhạc gì vậy?”
‘Bach nghe hay lắm.”
“Thích nhất là gì?”
“Từ BWV846 đến BWV893[3].”
[3] Viết tắt của Bach-Werke-Verzeichnis (tiếng Đức nghĩa là Danh mục tác phẩm của Bach). Tiền tố BWV kèm theo một con số ngày nay được chấp nhận và sử dụng phổ biến để nhận diện nhanh các tác phẩm của Bach.
Tengo suy nghĩ giây lát, sau đó nói: “Tập mười hai khúc Bình quân luật cho đàn Clavier, tập thứ nhất và tập thứ hai.”
“Đúng.”
“Tại sao em lại trả lời bằng số hiệu thế?”
“Như thế dễ nhớ.”
Với những người học toán, “Tập mười hai khúc Bình quân luật cho đàn Clavier” có thể coi như nhạc của nước Trời. Sử dụng đồng đều toàn bộ mười hai thang âm, dùng điệu trưởng và điệu thứ lần lượt sáng tác khúc dạo đầu và tẩu pháp (furge). Tổng cộng có hai mươi bốn nhạc khúc. Tập thứ nhất và tập thứ hai hợp lại thành bốn mươi tám khúc nhạc. Tạo nên một vòng tròn hoàn mỹ.
“Ngoài ra còn gì nữa?”
“BWV244.”
BWV244 là gì, Tengo không thể nhớ ra ngay. Số hiệu thì có ấn tượng đấy, nhưng tên khúc nhạc thì không sao nhớ ra.
Fukaeri bắt đầu hát.
Buß’und Reu’
Buß’und Reu’
Knirscht das Sündenherz entzwei
Buß’und Reu’
Buß’und Reu’
Knirscht das Sündenherz entzwei
Knirscht das Sündenherz entzwei
Buß’und Reu’
Buß’und Reu’
Knirscht das Sündenherz entzwei
Buδ’und Reu’
Knirscht das Sündenherz entzwei
Daß die Tropfen meiner Zhren
Angenchme Spezerei
Treuer Jesu,dir gebren.
Trong khoảnh khắc, Tengo không thốt được tiếng nào. Quãng âm không được chuẩn cho lắm nhưng phát âm tiếng Đức của cô thì hết sức rõ ràng, hơn nữa còn chính xác đến đáng ngạc nhiên.
“‘St Matthew Pattion’,” Tengo nói. “Em học thuộc cả ca từ cơ à.”
“Em không thuộc,” thiếu nữ nói.
Tengo muốn nói gì đó, nhưng lời không sao thốt lên được. Hết cách, anh đành hướng mắt vào tờ giấy cầm tay, chuyển sang câu hỏi tiếp theo: “Em có bạn trai chưa?”
Fukaeri lắc đầu.
“Tại sao lại chưa có?”
“Vì em không muốn có thai”
“Có bạn trai cũng không nhất định phải có thai mà.”
Fukaeri không nói gì, chỉ lẳng lặng chớp mắt mấy cái.
“Thế tại sao em không muốn có thai?”
Fukaeri mím chặt môi. Tengo cảm thấy dường như mình vừa hỏi một câu cực kỳ ngu xuẩn.
“Chúng ta dừng ở đây thôi,” Tengo nhét tờ giấy ghi các câu hỏi vào túi da, “Chẳng ai biết thực tế bọn họ sẽ hỏi cái gì, những câu đó em muốn trả lời thế nào thì cứ trả lời thế ấy. Chắc chắn sẽ được thôi mà.”
“Tốt quá.” Fukaeri hình như đã yên tâm, nói.
“Chắc là em cảm thấy chuyện trả lời câu hỏi lúc phỏng vấn, có chuẩn bị sao thì cũng vô dụng thôi, đúng không?”
Fukaeri chỉ khẽ nhún vai một cái.
“Anh cũng tán thành ý kiến của em. Anh không thích thú gì khi làm chuyện này, chẳng qua vì đã nhận lời với anh Komatsu mà thôi.”
Fukaeri gật đầu.
“Nhưng mà,” Tengo nói, “Chuyện anh viết lại Nhộng không khí ấy, em tuyệt đối không được nói cho bất kỳ người nào biết. Em hiểu chưa?”
Fukaeri gật đầu hai lần. “Là một mình em viết.”
“Tóm lại, Nhộng không khí mà anh sửa lại cho em đó, em đã đọc chưa?”
“Azami đọc cho em nghe rồi.”
“Thế nào?”
“Anh viết hay lắm.”
“Vậy là, em thích nó chứ?”
“Giống như là tự em viết vậy,” Fukaeri nói.
Tengo chăm chú nhìn gương mặt Fukaeri. Cô nâng cốc lên uống ca cao. Phải khó khăn lắm anh mới buộc được ánh mắt mình trượt ra khỏi phần gồ lên xinh xắn trước ngực cô.
“Nghe em nói thế, anh vui lắm,” Tengo nói. “Viết lại Nhộng không khí là một việc hết sức thích thú, tất nhiên là rất vất vả, vì anh cần phải chú ý không làm nhòa đi sự thực rằng Nhộng không khí là tác phẩm của cá nhân em. Tác phẩm hoàn toàn có thể khiến em vui vẻ hay không, với anh là rất quan trọng.”
Fukaeri lặng lẽ gật đầu, sau đó, như để xác nhận lại gì đấy, cô đưa bàn tay lên chỗ thùy tai nhỏ nhắn xinh đẹp của mình.
Nhân viên phục vụ đi tới, rót thêm nước lạnh vào cốc thủy tinh của hai người. Tengo uống một ngụm cho thấm giọng, sau đó lấy hết dũng khí, đẩy ý nghĩ nãy giờ vẫn giấu trong lòng ra thành lời.
“Anh có một yêu cầu cá nhân, tất nhiên, phải được sự đồng ý của em trước đã.”
“Chuyện gì.”
“Nếu được, em có thể mặc bộ quần áo ngày hôm nay đến buổi họp báo được không?”
Fukaeri ngước nhìn Tengo, vẻ mặt băn khoăn, sau đó mới cúi xuống kiểm tra quần áo đang mặc trên người, như thể đến giờ cô vẫn chưa biết mình mặc gì vậy.
“Em mặc bộ này đến đó,” cô hỏi.
“Đúng thế. Em mặc bộ đang mặc này đến buổi họp báo.”
“Tại sao.”
“Vì em mặc rất đẹp. Ý anh là, hình dáng bộ ngực đẹp vô cùng. Đây chỉ là suy đoán của riêng anh thôi… đám phóng viên săn tin có lẽ sẽ không tự chủ được mà tập trung hết ánh mắt vào đó, như vậy họ sẽ không đặt ra các câu hỏi hóc búa. Nhưng mà, nếu em không muốn cũng không sao, anh không yêu cầu em nhất định phải làm như thế.”
Fukaeri nói: “Quần áo đều do Azami chọn cho cả.”
“Em không tự chọn đồ ình à?”
“Em mặc gì cũng được.”
“Bộ hôm nay em mặc cũng là Azami chọn cho à?”
“Azami chọn đấy.”
“Bộ này đẹp lắm.”
“Mặc thế này hình dáng bộ ngực đẹp,” cô rút đi dấu chấm hỏi, hỏi.
“Ý anh là vậy. Nên nói thế nào nhỉ, trông rất bắt mắt.”
“Là cái áo len và áo ngực kết hợp với nhau đẹp.”
Trước ánh mắt chăm chú của Fukaeri, Tengo cảm thấy mặt mình đỏ bừng lên.
“Mấy chuyện kết hợp đó anh không được rõ lắm, tóm lại, nên nói như thế nào nhỉ, hiệu quả rất tốt,” anh trả lời.
Fukaeri vẫn nhìn đăm đăm vào ánh mắt Tengo, sau đó nghiêm túc hỏi: “Sẽ không tự chủ được mà tập trung ánh mắt nhìn vào chỗ đó.”
“Không thể không thừa nhận như vậy,” Tengo cẩn trọng lựa chọn từ ngữ, đáp.
Fukaeri kéo cổ áo len ra, như thể muốn thò cả mũi vào, cúi nhìn bên trong. Như thể cô đang xác nhận lại xem hôm nay mình mặc áo lót gì. Sau đó lại ngẩng lên nhìn Tengo đang đỏ mặt tía tai, tựa hồ như nhìn một thứ hiếm gặp. “Em sẽ làm như anh nói,” một lúc sau, cô nói.
“Cám ơn em,” Tengo nói. Vậy là, cuộc nói chuyện kết thúc.
Tengo đưa Fukaeri ra ga tàu điện Shinjuku. Rất nhiều người đã cởi áo khoác bên ngoài đi lại trên phố. Thậm chí còn gặp cả cô mặc áo cộc tay nữa. Tiếng người nhốn nháo hòa trộn với tiếng xe cộ, tạo ra thứ âm thanh cởi mở đặc trưng của chốn đô hội. Cơn gió mát mẻ đầu mùa hạ phất nhẹ qua phố. Rốt cuộc gió từ đâu thổi tới mà mang đến đầu phố Shinjuku này luồng không khí mát rượi? Tengo cảm thấy thật khó tin.
“Giờ em phải về căn nhà đó hả?” Tengo hỏi Fukaeri. Xe điện chật cứng người, đường về nhà vừa dài đằng đẵng vừa khó chịu.
Fukaeri lắc đầu. “Có nhà ở Shinano.”
“Hôm nào muộn thì ở lại đó à?”
“Vì Futamtao xa quá.”
Trên đường tới ga tàu điện, Fukaeri vẫn nắm chặt tay trái Tengo như lần trước, giống như một cô bé nắm tay người lớn. Mặc dù vậy, khi được một thiếu nữ xinh đẹp như cô nắm tay, Tengo tự nhiên cũng thấy tim mình đập nhanh hẳn lên.
Sau khi vào trong ga, Fukaeri buông tay Tengo ra. Sau đó cô ra máy bán vé tự động mua một vé đi Shinano.
“Anh đừng lo lắng về buổi họp báo.”
“Anh không lo lắng.”
“Anh không lo lắng em cũng làm tốt được.”
“Anh hiểu,” Tengo trả lời, “Anh không lo lắng chút nào cả. Nhất định sẽ thuận lợi.”
Fukaeri không nói thêm gì nữa, rồi biến mất trong đám người ở chỗ soát vé.
Sau khi chia tay với Fukaeri, Tengo vào quán rượu nhỏ gần hiệu sách Kinokuniya, gọi một ly Gin Tonic. Đây là quán anh thường ghé, có hai thứ anh thích, đó là lối trang trí cổ điển và không bật nhạc. Anh ngồi một mình trước quầy bar, nhìn bàn tay trái một lúc lâu như thể đang suy ngẫm gì đó. Chính là bàn tay vừa nãy Fukaeri mới nắm, trên tay vẫn còn vương lại cảm giác những ngón tay của cô thiếu nữ. Sau đó anh lại nhớ đến hình dáng bộ ngực cô. Bộ ngực ấy có hình dáng rất đẹp, thậm chí là quá đầy đặn, quá đẹp đẽ, tới mức gần như đã mất đi cả ý nghĩa tính dục.
Nghĩ ngợi miên man một hồi, Tengo chợt muốn gọi điện cho người tình hơn tuổi của mình. Chủ đề gì cũng được, than phiền chuyện nuôi dạy con cái hay tỷ lệ ủng hộ với chính phủ Nakasone, bất cứ chuyện gì. Anh chỉ khao khát được nghe thấy giọng người đàn bà ấy. Nếu được, anh muốn lập tức tìm nơi nào đó làm tình với cô. Nhưng anh không thể gọi điện đến nhà cô được, người nghe điện có thể sẽ là chồng cô, có thể là con cô. Anh không thể chủ động gọi điện thoại cho cô. Họ đã giao hẹn với nhau từ trước.
Tengo gọi thêm một lý Gin Tonic nữa. Trong lúc chờ phục vụ đưa tới, anh tưởng tượng ra cảnh mình đang ngồi trên con thuyền nhỏ xuôi dòng nước xiết. “Mà khi rơi từ trên đỉnh thác xuống thì cũng để cả hai chúng ta cùng vui vẻ rơi xuống một lượt đi!” Komatsu đã nói thế trong điện thoại. Nhưng, có thể hoàn toàn tin lời anh ta không? Liệu khi thấy mình sắp rơi xuống thác, anh ta có tự nhảy sang một tảng đá bên cạnh để thoát thân không? Rồi còn bồi thêm một câu: “Tengo à, xin lỗi nhé. Tôi sực nhớ ra là còn có việc phải làm. Chuyện sau đây nhờ vào cậu cả.” Vậy là chỉ còn mình mình không nơi tháo chạy, vui vẻ rơi từ trên đỉnh thác xuống… có lẽ đó chính là kết cục. Khả năng này không phải là không có. Ngược lại, hoàn toàn có thể xảy ra.
Trở về nhà, đi ngủ, nằm mơ. Lâu rồi không có giấc mơ nào ấn tượng rõ ràng như thế. Trong mơ, anh biến thành một mảnh nhỏ của bức tranh ghép hình khổng lồ. Không phải một mảnh cố định đâu đó, mà là một mảnh ghép mỗi lúc một biến đổi hình dạng, vì vậy không vị trí nào có thể chứa được anh. Đây cũng là lẽ dĩ nhiên. Ngoài ra, trong khi tìm kiếm vị trí của mình, anh còn phải tìm kiếm bản nhạc phổ của trống định âm trong thời gian quy định. Những tập trống phổ ấy đã bị trận cuồng phong thổi bay tứ tán khắp nơi, anh phải nhặt lên từng trang, xác định số trang, rồi sắp xếp lại theo thứ tự. Khi làm việc ấy, bản thân anh vẫn không ngừng biến đổi hình dáng như con a míp nguyên sinh. Tình thế trở nên không thể cứu vãn. Sau đó Fukaeri không hiểu từ đâu chạy đến, nắm lấy tay trái anh. Vậy là Tengo liền ngừng biến hình, cơn gió cũng đột nhiên dừng lại, nhạc phổ không còn bay tung lên nữa. Tốt rồi, Tengo thầm nhủ. Nhưng cùng lúc ấy, thời gian quy định cũng kết thúc. “Dừng ở đây thôi,” Fukaeri nhỏ nhẹ tuyên bố. Vẫn chỉ một câu như trước. Trái đất dừng chuyển động, âm thanh và ánh sáng đều tan biến vào hư không.
Sáng hôm sau khi anh mở mắt ra, thế giới vẫn còn nguyên đó, vẫn đang tiếp tục. Đồng thời, sự vật đã chuyển động về phía trước. Như thể vòng luân xa khổng lồ nghiền nát tất thảy mọi sinh vật phía trước nó trong thần thoại Ấn Độ.