1Q84 - Tập 1

Chương 09: Cảnh sắc thay đổi, quy tắc thay đổi - P1


Bạn đang đọc 1Q84 – Tập 1: Chương 09: Cảnh sắc thay đổi, quy tắc thay đổi – P1

Aomame đến thư viện quận gần nhà nhất, đề nghị được đọc bản thu nhỏ các số báo trong vòng ba tháng từ tháng Chín đến tháng Mười một năm 1981. Có các tờ Asahi, Yomiuri, Mainichi, Nihon Keizai, cô muốn xem loại nào? Nhân viên thư viện hỏi. Đó là một phụ nữ trung niên đeo kính, thoạt nhìn không giống nhân viên thư viện chút nào, mà như một bà nội trợ đi làm thêm. Người không béo lắm, nhưng cánh tay thì nần nẫn như chân giò hun khói kiểu Anh.
Loại nào cũng được, Aomame đáp. Loại nào mà chẳng như nhau.
“Có lẽ vậy, nhưng nếu cô không chỉ ra một loại thì tôi chẳng biết phải làm thế nào,” người đàn bà nói bằng thứ ngữ điệu không trầm không bổng, như thể muốn từ chối tranh luận. Aomame cũng chẳng có ý muốn tranh cãi với bà ta, bèn chọn đại tờ nhật báo Mainichi, chẳng với lý do gì. Sau đó, nàng ngồi xuống cái bàn có vách chắn, giở sổ ghi chép ra, một tay cầm bút bi, ánh mắt lần theo những tin tức đăng trên báo.
Đầu mùa thu 1981, chưa xảy ra sự kiện gì trọng đại lắm. Tháng Bảy năm đó, thái tử Charles và công nương Diana cử hành hôn lễ, dư âm đến nay vẫn chưa lắng xuống. Hai người đó đi đâu, làm gì, Diana ăn mặc thế nào, đeo trang sức gì, báo đều viết cả. Chuyện thái tử Charles và công nương Diana kết hôn, đương nhiên Aomame cũng biết, nhưng nàng không hứng thú. Nàng hoàn toàn không hiểu tại sao người ta lại quan tâm số phận của thái tử và công nương nước Anh đến thế. Nhìn bề ngoài, thái tử Charles giống một ông giáo sư vật lý bị đau dạ dày hơn là một vị hoàng thái tử.
Ở Ba Lan, “Công đoàn Đoàn kết” do Lech Walesa[1] lãnh đạo đã gia tăng sự đối lập với chính phủ, chính phủ Liên Xô bày tỏ “quan ngại” trước sự việc này. Nói cho rõ ràng hơn, nếu chính phủ Ba Lan không thể xử lý tình hình, chúng tôi sẽ gửi quân đoàn xe tăng tới chỗ các vị giống như sự kiện “mùa xuân Praha”[2] năm 1968. Những thông tin này Aomame vẫn nhớ mang máng, nàng còn biết sau khi trải qua một loạt biến cố, Liên Xô cuối cùng cũng từ bỏ, không can dự nữa, vì vậy không cần phải đọc kỹ nội dung bài báo ấy làm gì. Chỉ có một chỗ, viết rằng, có lẽ để kiềm chế Liên Xô, tổng thống Mỹ Reagan đã tuyên bố: “Hy vọng tình hình căng thẳng ở Ba Lan không làm cho kế hoạch hợp tác xây dựng căn cứ mặt trăng của hai nước Xô-Mỹ gặp phải trở ngại.” Xây dựng căn cứ mặt trăng? Chuyện này đúng là chưa nghe bao giờ. Nhưng nghĩ lại thì hình như lần trước chương trình tin tức trên ti vi cũng có nhắc đến chuyện này. Chính là buổi tối hôm nàng làm tình với người đàn ông trung niên có mái tóc lưa thưa người Kansai.
[1] Lech Walesa là chính trị gia, nhà hoạt động công đoàn và hoạt động cho nhân quyền người Ba Lan. Ông là người đồng tổ chức Công đoàn Đoàn kết, một công đoàn độc lập đầu tiên trong khối cộng sản Đông u. Ông đã đạt giải Nobel hòa bình năm 1983, và làm tổng thống Ba Lan từ năm 1990 tới năm 1995.
[2] “Mùa xuân Praha” là giai đoạn phi Xô Viết nền chính trị tại Tiệp Khắc trong thời kì nước này chịu ảnh hưởng từ Liên bang Xô Viết sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bắt đầu từ tháng Một năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubcek lên nắm quyền lực, và kéo dài tới tháng Tám cùng năm khi Liên Xô và các thành viên khối hiệp ước Warsaw tấn công nước này nhằm chặn các cuộc cải cách.
Ngày hai mươi tháng Chín, ở Jakarta tổ chức giải thi thả diều quy mô lớn nhất thế giới, hơn mười nghìn người tụ tập về đây tham gia thả diều. Tin này thì Aomame không biết, nhưng không biết cũng chẳng lạ. Một giải thi thả diều ở Jakarta từ ba năm trước đến giờ ai còn nhớ nổi?

Ngày sáu tháng Mười ở Ai Cập, tổng thống Anwar El Sadat bị tổ chức Hồi giáo cực đoan ám sát. Aomame còn nhớ sự kiện này, lại thêm một lần thương cảm tổng thống El Sadat. Nàng khá ưa kiểu đầu hói của ông ta, và xưa nay luôn căm ghét các tổ chức tôn giáo cực đoan. Chỉ nghĩ tới cái thế giới quan lệch lạc, hẹp hòi, thái độ kiêu ngạo luôn ình hơn người và sự áp đặt tàn nhẫn với người khác là nàng đã không kìm được lửa giận bùng lên. Nàng không thể nào dễ dàng khống chế cơn giận ấy được, nhưng chuyện này không liên quan đến việc trước mắt. Aomame hít thở sâu mấy hơi lấy lại bình tĩnh, rồi tiếp tục lật trang.
Ngày mười hai tháng Mười, ở vùng cư dân quận Itabashi, Tokyo, một nhân viên thu tiền phí của đài NHK (năm sáu tuổi) cãi vã với một sinh viên không chịu trả tiền, đã dung con dao trong túi mang theo người đâm trúng bụng đối phương, gây thương tích nặng. Người thu phí đó bị cảnh sát bắt tại chỗ. Lúc ấy, ông ta vẫn cầm con dao dính đầy máu đứng thẫn thờ, hoàn toàn không kháng cự khi bị bắt. Người này được nhận vào từ sáu năm trước, thái độ làm việc rất nghiêm túc, thành tích công việc cũng thuộc loại xuất sắc, một đồng nghiệp của ông ta nói.
Aomame không hề biết đã xảy ra chuyện này. Nàng đặt định kỳ tờ Yomiuri, ngày nào cũng xem một lượt, không để sót mục nào, các tin ở trang xã hội… đặc biệt là tin tức liên quan đến tội phạm… thì càng đọc kỹ. Bài báo này chiếm gần nửa trang trong phần tin xã hội, chắc không thể có chuyện để sót cả một bài báo quan trọng thế này được. Dĩ nhiên, cũng có thể vì nguyên nhân gì đó mà nàng không đọc đến. Khả năng này rất thấp, nhưng cũng không thể khẳng định là tuyệt đối không có.
Nàng cau trán, ngẫm nghĩ về khả năng đó hồi lâu, sau đó ghi lại ngày tháng và tóm tắt sự việc vào sổ tay.
Người thu tiền cước đó tên là Akutagawa Shinnosuke. Cái tên oai thật. Nghe cứ như văn hào[3]. Báo không đăng hình ông ta, chỉ có hình của nạn nhân tên là Tagawa Akira (hai mốt tuổi). Tagawa là sinh viên năm thứ ba khoa Luật đại học Nihon, đệ nhị đẳng kiếm đạo, nếu trong tay có kiếm tre dùng để luyện tập thì chắc anh ta đã không dễ bị đâm đến thế. Dĩ nhiên, người bình thường chẳng ai cầm kiếm tre ra nói chuyện với nhân viên thu phí của đài NHK, còn nhân viên bình thường của đài NHK cũng không mang dao trong túi xách mà đi quanh. Aomame xem kỹ các bài báo mấy ngày sau, không phát hiện ra bài nào đưa tin anh sinh viên bị đâm kia đã chết, có lẽ tính mạng anh ta đã được an toàn.
[3] Ý muốn nói đến nhà văn Akutagawa Ryunosuke.
Ngày mười sau tháng Mười, mỏ than ở Yubari, Hokkaido xảy ra sự cố nghiêm trọng. Lửa bùng lên tại hiện trường khai thác ở độ sâu một nghìn mét dưới lòng đất, hơn năm mươi người đang làm việc tại đó đã chết ngạt. Hỏa hoạn lan lên đến gần mặt đất, khiến hơn mười người nữa thiệt mạng. Để ngăn ngọn lửa lan rộng, công ty thậm chí còn không xác nhận xem những công nhân khác còn sống hay đã chết, đã sử dụng máy bơm nước nhấn chìm đường hầm. Tổng cộng có chín ba người chết. Một sự kiện đau lòng. Than đá là nguồn năng lượng “bẩn”, khai thác than là công việc nguy hiểm. Công ty khai thác không chịu đầu tư thiết bị, điều kiện lao động tệ hại, thường xuyên xảy ra tai nạn, công nhân không thể tránh được các bệnh liên quan đến phổi. Nhưng than đá là tài nguyên giá rẻ, vì vậy vẫn còn những người và doanh nghiệp cần đến nó. Aomame còn nhớ rõ tai nạn này.

Sự kiện Aomame muốn tìm xảy ra vào ngày mười chín tháng Mười, khi dư âm của sự cố hỏa hoạn tại mỏ than Yubari vẫn còn chưa lắng xuống. Aomame không hề hay biết chuyện đó, cho tới khi Tamaru kể với nàng mấy tiếng đồng hồ trước. Không thể nào lại như vậy. Bởi vì nhan đề bài báo về sự kiện ấy được in đậm bằng cỡ chữ to đến mức không thể bỏ sót được ở ngay trang nhất số ra buổi sáng.
ĐẤU SÚNG VỚI PHẦN TỬ QUÁ KHÍCH Ở
YAMANASHI: BA CẢNH SÁT TỬ VONG
Một tấm ảnh lớn cũng được đăng kèm. Đó là bức không ảnh chụp hiện trường vụ án. Ở gần hồ Motosu. Còn có cả bản đồ sơ lược. Hiện trường ở trong núi, từ khu vực được quy hoạch làm đất xây biệt thự phải đi vào sâu hơn. Ảnh chân dung ba cảnh sát tỉnh Yamanashi đã thiệt mạng. Lính dù đặc nhiệm của lực lượng phòng vệ[4] xuất kích bằng trực thăng. Trang phục rằn ri, súng bắn tỉa lắp ống ngắm, và súng trường tự động báng ngắn.
[4] Sau năm 1945, quân đội Nhật Bản bao gồm Lục quân Đế quốc Nhật Bản và Hải quân Đế quốc Nhật Bản bị giải tán, Cục phòng vệ Nhật Bản được lập ra để bảo vệ nước Nhật. Đơn vị này bao gồm ba binh chủng, là Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Vì vậy, từ sau năm 1945, người Nhật gọi quân đội của mình là lực lượng phòng vệ.
Khuôn mặt Aomame biến dạng một lúc lâu. Để có thể thoải mái biểu lộ cảm xúc, nàng kéo giãn hết cỡ toàn bộ cơ mặt mình. Hai bên bàn đều có vách ngăn, vì vậy không ai nhìn thấy sự biến đổi ghê gớm trên gương mặt nàng. Sau đó Aomame hít thở thật sâu, rút hết không khí xung quanh vào mình, rồi lại thở hết ra. Giống như con cá voi hít vào thở ra toàn bộ không khí trong lá phổi khổng lồ của nó lúc nổi lên trên mặt biển. Một học sinh cấp ba đang ngồi quay lưng về phía nàng học bài giật mình trước âm thanh ấy liền ngoảnh đầu lại nhìn Aomame, nhưng dĩ nhiên không thể thốt lên một tiếng nào. Chỉ run bắn vì sợ.
Sau khi khiến gương mặt biến dạng một lúc, nàng cố thả lỏng các cơ thịt, để khuôn mặt trở lại như cũ. Rồi nàng lấy cán bút bi, gõ “cách cách” vào răng cửa, cố sắp xếp lại tư duy cho hợp lý. Ở đây chắc chắn có lý do gì đó. Phải có lý do gì đó mới đúng. Tại sao một sự kiện nghiêm trọng gây chấn động toàn nước Nhật như thế mà mình lại bỏ sót được?

Không, không chỉ là sự kiện này. Cả vụ án người thu cước của đài NHK đâm bị thương cậu sinh viên, mình cũng không hề biết. Kỳ lạ thật. Không thể nào liên tiếp xuất hiện những sơ suất nghiêm trọng như vậy được. Nói gì thì nói, mình cũng là người tỉ mỉ và cẩn thận. Sai sót dù chỉ một mi li mét cũng không bao giờ bỏ qua. Mình cũng rất tự tin với trí nhớ của mình. Có thể mới đưa được mấy người sang thế giới kia mà chưa phạm phải sai sót nào, và mới có thể sống tới ngày hôm nay. Ngày nào mình cũng đọc báo rất cẩn thận, mà nói “Đọc báo cẩn thận” tức là không bao giờ bỏ qua bất cứ thông tin nào có ý nghĩa.
Tất nhiên, sự kiện hồ Motosu xuất hiện đầy trên các mặt báo nhiều ngày sau đó. Để truy bắt mười thành viên của nhóm phần tử quá khích, lực lượng phòng vệ và cảnh sát đã tiến hành lùng sục trên quy mô lớn trong núi, bắn chết ba người, làm trọng thương hai người, bắt sống bốn người (trong đó có một phụ nữ), còn một người biến mất. Báo chí liên tiếp đăng tải về sự kiện này, khiến các bài về vụ nhân viên thu phí đài NHK đâm bị thương cậu sinh viên ở quận Itabashi chìm nghỉm hoàn toàn.
Đài NHK, dĩ nhiên không thể hiện ra ngoài, chắc chắn đã thở phào nhẹ nhóm. Vì nếu không xảy ra sự kiện lớn kia, các phương tiện truyền thông chắc chắn sẽ không buông tha vụ án này, rồi sẽ lớn tiếng chất vấn hệ thống thu cước phí và phương thức tổ chức công việc của NHK. Từ đầu năm đó đã xảy ra việc Đảng Dân chủ Tự do chỉ trích chương trình đặc biệt đưa tin về vụ hối lộ đài NHK của công ty Lockheed[5], buộc đài này phải thay đổi nội dung. Trước khi phát sóng, đài NHK đã trình bày tường tận nội dung chương trình với mấy chính trị gia của đảng cầm quyền, khúm núm xin ý kiến: “Nội dung là như vậy, không biết có thể phát sóng hay không?” Kinh ngạc hơn, đây lại là một quy trình thường nhật. Dự toán ngân sách của đài NHK cần được Quốc hội phê chuẩn, lãnh đạo đài này luôn sợ làm mất lòng đảng cầm quyền và chính phủ. Trong đảng cầm quyền luôn có ý coi đài NHK chẳng qua chỉ là công cụ tuyên truyền của mình. Khi những nội tình ấy bị bóc trần, dân chúng dĩ nhiên bắt đầu có cảm giác bớt tính nhiệm với tính độc lập và khách quan về mặt chính trị của đài NHK. Do vậy phong trào từ chối trả phí nghe nhìn cũng ngày một lan rộng.
[5] Vụ scandal hối lộ của công ty hàng không Mỹ Lockheed vào cuối những năm 1950 đến khoảng năm 1970 để thúc đẩy tiến trình bán máy bay.
Ngoại trừ sự kiện hồ Motosu và vụ án của nhân viên thu phí của đài NHK, các sự kiện, biến cố và tai nạn khác xảy ra trong tuần ấy, Aomame đều nhớ rõ như in. Mọi tin tức khác ngoài hai vụ việc này, nàng đều không bỏ qua. Nàng nhớ khi ấy đã đọc kỹ từng bài báo một. Vậy mà, chỉ riêng vụ đấu súng ở hồ Motosu và vụ án của nhân viên đài NHK là không để lại chút ký ức nào trong đầu nàng. Vì sao? Cứ cho là đầu óc mình có vấn đề, nhưng liệu có thể có việc mình chỉ bỏ sót các bài báo đưa tin về hai sự kiện này, hoặc chỉ khéo léo xóa đi những phần liên quan đến chúng trong ký ức được sao?
Aomame nhắm mắt lại, lấy đầu ngón tay ấn mạnh lên huyệt Thái dương. Không, biết đâu là có chuyện ấy thật. Trong óc mình đã hình thành thứ gì đó tương tự như chức năng thay đổi hiện thực, nó chọn ra một số tin tức đặc biệt nào đó, che kín bằng một lớp vải đen dày, không để mắt mình nhìn thấy, cũng không để chúng lưu lại trong trí nhớ. Chẳng hạn như chuyện đổi súng và sắc phục của cảnh sát, Liên Xô và Mỹ hợp tác xây dựng căn cứ mặt trăng, nhân viên thu phí đài NHK dùng dao đâm bị thương sinh viên, các phần tử quá khích và lính đặc nhiệm của lực lượng phòng vệ đấu súng kịch liệt bên hồ Motosu… những tin kiểu như thế.
Thế nhưng, rốt cuộc giữa những sự kiện này có điểm gì chung?
Có nghĩ nát óc, cũng chẳng thấy có điểm chung nào.

Aomame lấy cán bút bi gõ gõ lên răng cửa, vắt óc trầm ngâm.
Sau một lúc lâu, Aomame đột nhiên nghĩ:
Thế này chẳng hạn, có thể cho rằng… không phải mình có vấn đề, mà vấn đề nằm ở thế giới xung quanh mình hay không? Không phải ý thức và tinh thần mình có gì bất thường, mà là do ảnh hưởng của sức mạnh kỳ bí nào đó, bản thân thế giới xung quanh mình đã chịu một sự thay đổi nào đó.
Nghĩ đi nghĩ lại, Aomame nhận thấy giả thiết này có vẻ tự nhiên hơn. Không có cảm giác nào khiến nàng thấy ý thức của nàng bị khiếm khuyết hay biến dạng.
Rồi nàng tiếp tục triển khai rộng hơn giả thiết này.
Xảy ra hỗn loạn không phải mình, mà là thế giới.
Đúng, đúng thế.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.