Đọc truyện 12 Chòm Sao Và Lớp Học Vui Nhộn – Chương 20: Lý Chiêu Hoàng Là Ai ?
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Những vần thơ Thu Điếu nhẹ nhàng, gần gũi của tác giả Nguyễn Khuyến, vang vọng cả dãy lầu hành lang yên ắng. Chẳng biết lớp học nào, mới sáng sớm đã được thưởng thức văn học giữa tiết trời mùa thu dễ chịu, mát mẻ như thế này. Giờ học ngữ văn bao giờ cũng tràn ngập không khí lãng mạn, cảm xúc thì vô bờ bến, nó bao trùm cả phòng học. Một là chìm đắm vào những câu thơ hoặc những tác phẩm văn học nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Hai là chìm sâu vào giấc ngủ mê man. Giờ học môn lịch sử của lớp 11 a2 cũng có phần đại loại giống như thế. Người yêu thích sẽ nói lịch sử hay ho khó mà diễn tả, kẻ chán ngấy sẽ nói lịch sử là cơn ác mộng của những con số, những sự kiện ngày, tháng, năm xa lắc xa lơ, ít người nhớ đến. Những con số chất cao như núi ấy, ắt hẳn đè bẹp chết một con voi to xác ấy nhỉ!.
“Thiên linh linh, địa linh linh, con sẽ dâng lên cho ngài một nải chuối sứ chín mùi ngon ngọt nhất. Ngài hãy cho con sống sót qua đợt kiểm tra đầu giờ lần này nhé!.”. Song Ngư mắt nhắm hờ, miệng lẩm bẩm đọc câu cầu khấn giống như một vài đứa khác ở trong lớp, bỗng một giọng nói thều thào vang lên bên tai Song Ngư:
“Cô mời em Song Ngư lên bảng”
Song Ngư giật bắn cả người, cánh tay đụng trúng bàn học đau đến nhíu cả mày. Ma Kết ngồi bên cạnh cười khặc khặc. Song Ngư lườm nguýt Ma Kết, rồi nhanh chóng ngồi xuống. Mông vừa chạm ghế chưa bao lâu, lại nghe thấy giọng nói hớn hở, đồng thanh của cả lớp: “Bạn Song Ngư, vừa lúc nảy đứng dậy, xung phong trả bài kìa cô ơi!”.
Song Ngư mở to mắt nhìn ba mươi chín con người luôn hô to khẩu hiệu “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” trong giây phút thi cử. Giờ tận lực phát huy tính đoàn kết, liên hợp mạnh mẽ với chiến thuật “Một đứa chịu trận, cả bầy ấm no”. Thật khiến Song Ngư tức chết đi được.
Đứng trên bục giảng, cô giáo già khó tính nhất trường hết lòng khen ngợi tinh thần xung phong học tập của Song Ngư trước cả lớp. Song Ngư được khen ngợi mà chẳng cảm thấy vui vẻ tí nào. Tối đêm qua, cô mãi mê xem truyện tranh Nữ Hoàng Ai Cập, một chữ môn học lịch sử cô cũng không có đụng đến. Giờ phải trả bài, cô biết phải trả bài bằng cách nào đây. Nhìn Song Ngư mếu máo như thể sắp khóc đến nơi, Ma Kết muốn đứng dậy thay thế Song Ngư trả bài, thì nghe giọng nói run run của Song Ngư vang lên: “Cô ơi, em đứng dậy là muốn xin phép cô cho em đi vệ sinh” Nói xong Song Ngư ôm bụng, vẻ mặt đầy đau khổ nhìn cô giáo già như muốn nói “Em mắc lắm rồi đấy, cô ơi cho em đi vệ sinh”.
Cô Bích Liên nghiêm nghị nhìn Song Ngư, rồi phất tay nói: “Em mau đi đi”
Song Ngư hít hà xoa bụng, nháy nháy mắt, vẫy tay trêu chọc cả đám người dưới lớp. Song Ngư vừa bước gần đến cửa lớp, thì phía dưới lớp vọng lên tiếng cười đùa: “Cậu quên mang theo giấy này” Bạch Dương cầm tờ giấy trắng phe phẩy trước mặt. Cả lớp cười ồ cả lên. Song Ngư gấp gáp chạy đến chỗ Bạch Dương, giựt phất tờ giấy trong tay Bạch Dương, rồi chạy thẳng một mạch ra khỏi lớp.
“Các em trật tự nào. Không có em nào xung phong trả bài. Vậy thì cô sẽ gọi tên.” Cô giáo dõng dạc nói. Cả lớp học nhốn nháo cả lên, đứa này đùn đẩy đứa kia, nhưng chẳng có đứa nào tình nguyện lên bục giảng.
Cô giáo tiếp tục nói:
“Hôm nay là ngày mấy vậy các em?”
“Ngày hai tháng mười ạ ” Cả lớp đồng loạt hô to, rồi đầu óc bắt đầu linh hoạt tính toán cộng, trừ đơn giản. Lẩm nhẩm đếm số thứ tự danh sách lớp, xem ai là người may mắn nhất được xứng tên.
Thiên Bình, Bạch Dương, Bảo Bình cũng giống như bao học sinh khác trong lớp cũng ngồi chỉ tay đếm số. Cái trò lấy ngày tháng đẹp trời, gọi học sinh trả bài thật khiến nhiều học sinh ú tim chết mất thôi.
“Cân Dẹp, cô gọi cậu kìa!” Nhân Mã quay qua nhắc nhở Thiên Bình.
“Tớ ư?” Thiên Bình há hốc mồm, chỉ tay vào người. Nhân Mã tươi cười gật đầu, rồi vẫy tay nói: “Chúc cậu may mắn”.
Thiên Bình chầm chậm bước lên bục giảng, tay khư khư ôm chặt quyển tập trong người, khó khăn lắm cô Bích Liên mới kéo cuốn tập ra khỏi người Thiên Bình. Cô Bích Liên khẽ đẩy gọng kính viễn lên, rồi liếc nhìn Thiên Bình. Thiên Bình rùng mình, sởn cả gai ốc. Câu nói em chưa thuộc bài nuốt hẳn vào trong. Thiên Bình lướt nhìn xuống dưới lớp học, mặt đứa nào đứa nấy cũng nham nhở, vui mừng chưa từng thấy. Bất chợt trong đầu Thiên Bình hiện lên câu nói “Niềm vui của người này là nỗi buồn của người kia” thật là chẳng sai tí nào. Giờ phút này, nếu có một túi mắt mèo, cô sẽ rải rác khắp ghế ngồi của tụi kia, xem thử chúng nó còn có thể hả hê cười được không.
Câu hỏi thứ nhất của cô giáo vang lên, cắt đứt dòng suy nghĩ thích thú của Thiên Bình.
“ Trong lịch sử dựng nước của dân tộc ta, nhà nước đầu tiên được thành lập là nhà nước nào?”
– Dạ thưa cô là nhà nước Văn Lang.
“Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) nhằm chống lại triều đại phong kiến nào?”
– Phong kiến nhà Ngô.
“ Nước ta được chính thức mang tên Đại Việt vào thời nào, năm bao nhiêu?”
– Vào thời Lý, năm 1054.
Thiên Bình mỉm cười trả lời chính xác ba câu liên tiếp. Thật không ngờ cô học tủ có mấy câu thì đã trúng phóc cả ba câu hỏi rồi. Tâm trạng của Thiên Bình đang hưng phấn, nhưng vừa nghe đến câu hỏi kế tiếp, mặt Thiên Bình phút chốc ỉu xìu như quả bóng bay xì hơi.
“Triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, sử dụng tiền giấy đầu tiên?”
– Dạ…thưa cô…là triều đại nhà….Lý. Dạ không phải, hình như triều đại nhà Trần.
Thiên Bình ấp a ấp úng trả lời. Triều đại nào làm sao cô biết được chứ. Thiên Bình len lén quét mắt xuống dưới lớp, tìm kiếm câu trả lời. Cả lớp học bắt đầu xôn xao, Cự Giải liên tục mấp máy môi, nhưng nhìn thế nào Thiên Bình cũng không rõ khẩu hình mà Cự Giải muốn truyền đạt. Bảo Bình và Bạch Dương thì vung tay chỉ loạn xạ các kiểu cứ y như múa tuồng cải lương.
“Rốt cuộc là nhà Lý hay nhà Trần?” Cô giáo nhìn chăm chăm vào Thiên Bình. Cái kiểu học tủ như Thiên Bình có ngày cũng bị tủ đè là đây.
Thiên Bình đang phân vân không biết phải trả lời như thế nào. Vừa ngẩng đầu lên bắt gặp Nhân Mã ra dấu hiệu hình chữ T. Thiên Bình vui mừng trả lời: “Dạ thưa cô là nhà Trần”.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, liếc mắt một cái là cô Bích Liên đã nhận ra sự trợ giúp của Nhân Mã. Cô giáo chấp nhận đáp án của Thiên Bình và hỏi câu tiếp theo:
“Lý Chiêu Hoàng là ai?”
– Lý Chiêu Hoàng là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Lý.
Cô giáo chăm chú nghe Thiên Bình đọc vanh vách, thì liên tục gật đầu tán thưởng, vui mừng chưa bao lâu thì mặt cô Bích Liên liền biến sắc rõ rệt, khi nghe Thiên Bình đọc câu tiếp theo: “Ông vua Lý Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh làm chồng”.
Câu trả lời của Thiên Bình vừa dứt, cả lớp học vỡ òa trong tiếng cười. Cô Bích Liên dở khóc dở cười trước câu trả lời của Thiên Bình. Nhận thấy học trò của mình có một sự nhầm lẫn tai hại, cô Bích Liên bình tĩnh hỏi vặn lại Thiên Bình:
“Trần Cảnh là ai?”
– Trần Cảnh là chồng của Lý Chiêu Hoàng.
Cả lớp cứ ngỡ, lần này Thiên Bình đã phát hiện ra chỗ sai của mình, nhưng thật không ngờ câu thắc mắc không đúng lúc của Thiên Bình, khiến cả lớp phải té ngửa ra khỏi ghế.
“Cô ơi, chuyện giữa nam với nam vào thời kỳ vua chúa được chấp nhận sao?”
Câu nói của Thiên Bình khiến cô Bích Liên mất hết kiên nhẫn, cô cầm ngay viên phấn trắng vẽ một một quả trứng tròn trịa dành tặng cho Thiên Bình, rồi cô Bích Liên vỗ mạnh vào bảng đen nói:
“Em về chỗ chép phạt một trăm lần cho cô câu viết – Lý Chiêu Hoàng, vị hoàng đế thứ chín, cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến năm 1225. Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất.”
Cái gì Lý Chiêu Hoàng là nữ á?. Thiên Bình há hốc ngạc nhiên, trước sự nhầm lẫn giới tính thật là tai hại chết người của bản thân. Thiên Bình mếu máo nhận lại cuốn tập từ trong tay cô Bích Liên, thất thểu trở về chỗ ngồi. Xử Nữ từ bàn trên quay xuống nói: “Cậu thật là, sao cậu không nói Nguyễn Huệ và Quang Trung là bố con luôn đi”.
“Chẳng phải Nguyễn Huệ và Quang Trung là bạn bè chiến đấu cùng nhau sao?”
Câu nói mất gốc lịch sử trầm trọng của Thiên Bình, khiến Song Tử phì cười đến chảy cả nước mắt. Nhân Mã ngồi kế bên chỉ biết vỗ trán thay cho Thiên Bình. Lịch sử Việt Nam theo như lời kể của Thiên Bình chắc hẳn sẽ cho ra một cuốn Đại Việt sử ký toàn thư hoàn toàn khác với bản gốc.
“Em về chỗ chép phạt cho cô một trăm lần câu viết – Nguyễn Huệ còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn”. Sư Tử không biết từ lúc nào đã ngồi cạnh Thiên Bình, bắt chước giọng nói của cô Bích Liên, khiến những đứa xung quanh phải bật cười. Thiên Bình xấu hổ, đẩy Sử Tử loạt xuống ghế, rồi cầm lấy quyển vở lên che đi khuôn mặt đang đỏ bừng.
_________________________
*Đồng hành cùng Khoai Tây và Xú Tiểu Tử
-Khoai Tây: Tớ là Khoai Tây tinh nghịch.
-Xú Tiểu Tử: Còn tớ là Tiểu Tử siêu quậy.
“Chào mừng các bạn đã đến với chương trình – Mỗi chương truyện là một câu đố của chương 20. Truyện 12 chòm sao và lớp học vui nhộn.”
Khoai Tây: Chương trình – Một chương truyện là một câu đố, sao chưa thấy phát sóng tập 20 thế nhỉ?
Xú Tiểu Tử: Tập 20 bỏ phát sóng rồi bà ơi.
Khoai Tây: Ô..ô..ô….Tập 20 cắt bỏ, sao tôi xem được Oppa Minguk đây.
Xú Tiểu Tử: Lố rồi đấy.
Khoai Tây: Ờ.