Đọc truyện 11 Phút – Chương 9
Mặc dù Maria có khả năng viết ra những suy nghĩ rất khôn ngoan, nhưng nàng lại kém trong việc thực hiện những lời khuyên của chính mình. Những thời kỳ chờ đợi trong tuyệt vọng bắt đầu thường xuyên hơn và chiếc điện thoại vẫn từ chối đổ chuông. Để tạm thời lãng quên mọi thứ trong thời gian dài trống trải, và cũng để thực hành vốn tiếng Pháp của mình, Maria bắt đầu mua những cuốn tạp chí viết về những nhân vật nổi tiếng, nhưng rồi nhận ra mình dang điêu quá nhiều tiền, nàng tìm đến một thư viện gần nhất. Người thủ thư nói với nàng rằng họ không cho mượn tạp chí về nhà, nhưng nàng có thể mượn một vài cuốn sách để củng cố khả năng tiếng Pháp của mình.
“Tôi không có thời gian để đọc sách.”
“Cô không có thời gian nghĩa là sao? Cô đang làm công việc gì vậy”
“Rất nhiều việc: học tiếng Pháp, viết nhật ký, và…”
“Và gì nữa?”
Maria chuẩn bị nói là “đợi chuông điện thoại reo”, nhưng nàng nghĩ tốt hơn hết là không nói gì.
“Cô gái của tôi ơi, cô còn rất trẻ, cô có cả cuộc đời phía trước. Đọc sách. Hãy quên hết những gì cô đã được nghe về những cuốn sách và chỉ đọc thôi”
“Tôi đã đọc hàng đống sách”
Đột nhiên, Maria nhớ ra Mailson, nhân viên an ninh đã từng nói với nàng về “sự rung cảm”. Và người phụ nữ này, Maria cảm thấy đó là một người dịu dàng, nhạy cảm, một người có thể sẵn sàng giúp đỡ nàng nếu tất cả mọi việc của nàng đều không ổn. Nàng thấy cần phải lôi kéo bà ấy về phía mình; bản năng của nàng nói cho nàng biết rằng người phụ nữ này có thể trở thành một người bạn của nàng. Vì vậy nàng nhanh chóng thay đổi chiến thuật.
“Nhưng tôi muốn đọc nhiều hơn nữa. Bà có thể giúp tôi chọn một vài cuốn sách được không?”
Người phụ nữ đưa cho Maria cuốn Hoàng tử bé. Nàng bắt đầu đọc lướt cuốn truyện ngay trong đêm đó, ngắm những hình minh họa trên trang bìa, trông nó có vẻ giống một chiếc mũ, nhưng cái hình đó, theo như tác giả thì tất cả trẻ em sẽ ngay lập tức nhận ra là giống hình một con rắn nuốt một con voi. “Ồ, mình không ngờ là mình có thể nghĩ như một đứa trẻ thế”, Maria nghĩ, “với mình, nó giống một cái mũ hơn”. Trong hoàn cảnh không có ti vi để xem, Maria đã đồng hành cùng cậu bé hoàng tử trong suốt cuộc hành trình của cậu, nàng cảm thấy buồn mỗi khi từ “yêu” xuất hiện, nàng đã cấm bản thân mình không được nghĩ về chủ đề ấy vì nghĩ đến nó nàng lại cảm thấy muốn tự vẫn. Tuy nhiên, ngoài những cảnh đau buổn, lãng mạn giữa cậu bé hoàng tử với một con cáo và một bông hồng, thì cuốn sách thật sự rất thú vị, và nàng đã thôi không kiểm tra pin của chiếc máy di động cứ năm phút một lần như trước nữa (vì nàng rất sợ có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn chỉ vì thói bất cẩn).
Maria trở thành khách hàng thường xuyên của thư viện, ở đó nàng nói chuyện với người thủ thư, bà ta có vẻ là một người phụ nữ rất đáng mến. Maria xin bà gợi ý cho nàng thêm vài cuốn sách nên đọc và bàn luận với bà về cuộc sống cũng như về tác giả – cho tới khi số tiền của nàng sắp cạn kiệt. Thêm hai tuần nữa thì thậm chí nàng sẽ không còn có đủ tiền để mua vé máy bay trở về Brazil.
Và, vì cuộc đời luôn luôn đợi cho những cơn khủng hoảng xảy ra rồi mới hé lộ tia sáng của nó, chuông điện thoại cuối cùng cũng reo.
Ba tháng sau khi phát hiện ra từ “luật sư” và sau hai tháng sống bằng tiền bồi thường nhận được cuối cùng thì người ở công ty người mẫu đã gọi điện hỏi liệu đây có phải là số máy của Senhora (tiếng bồ đào nha, là cách gọi quý cô, quý bà một cách lịch sự và tôn trọng) Maria không. Câu trả lời lạnh lùng để không tỏ ra quá mong đợi, háo hức đã được Maria luyện tập lâu, “đúng”. Nàng được thông báo rằng có một quý ông người Ả Rập, làm việc trong ngành công nghiệp thời trang đã bị hấp dẫn bởi những bức ảnh của nàng và muốn mời nàng tham gia một buổi trình diễn thời trang. Maria nhớ những nỗi thất vọng gần đây nhất của mình, nhưng vì số tiền mà nàng đang cần một cách tuyệt vọng, nên nàng chấp nhận lời đề nghị.
Họ sắp xếp cuộc gặp mặt trong một nhà hàng lịch sự. Maria để ý người đàn ông Ả Rập lịch thiệp này, già hơn nhưng có sức cuốn hút hơn Roger rất nhiều. Ông ta hỏi: “Cô có biết ai là tác giả của bức tranh đằng kia không? Đó là Miró. Cô đã nghe nói đến Joan Miró* chưa?”
Maria không nói gì, làm như thể nàng đang tập trung chú ý vào món ăn, quả thật món ăn ở đây khác với những món ăn trong nhà hàng Trung Hoa mà nàng thường ăn. Trong lúc đó, nàng đã ghi nhớ: lần tới đến thư viện, nàng sẽ hỏi mượn một cuốn sách về Miro.
Nhưng người đàn ông Ả Rập lại đang nói:
“Đây chính là cái bàn nơi Fellini luôn ngồi. Cô có biết những bộ phim của ông ta không?”
Maria trả lời nàng rất thích những bộ phim ấy. Người đàn ông bắt đầu hỏi những câu hỏi thăm dò nhiều hơn và Maria biết rõ rằng mình sẽ trượt bài kiểm tra này, nên nàng quyết định phải thẳng thắn với ông ta:
“Tôi sẽ không dành cả buổi tối hôm nay để giả bộ với ông nữa. Tôi chỉ có thể nói về sự khác nhau giữa Coca-Cola và Pepsi mà thôi, nhưng đó là khi chúng ta nói về nó. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta đến đây là để thảo luận về buổi trình diễn thời trang chứ.”
Người đàn ông có vẻ đánh giá cao tính cách thẳng thắn của nàng.
“Chúng ta sẽ bàn bạc vấn đề đó khi chúng ta dùng xong bữa tối.”
Một khoảng ngập ngừng, trong khi họ nhìn nhau, mỗi người đều cố gắng tưởng tượng xem người kia đang nghĩ gì.
“Cô rất đẹp”, người đàn ông nói. “Nếu cô cùng tôi lên phòng và uống với tôi một ly, tôi sẽ trả cô một nghìn franc.”
Maria hiểu ngay lập tức. Đó có phải là nhầm lẫn của công ty người mẫu không? Hay đó là sai lầm của nàng? Đáng lẽ nàng nên tìm hiểu kỹ bản chất của buổi tối nay trước chứ? Không, đó không phải sự nhầm lẫn của công tay người mẫu, không phải lỗi của nàng hay của người đàn ông này: đây đơn giản là cách mọi việc diễn ra. Đột nhiên, Maria thấy nhớ thị trấn quê hương mình, nhớ Brazil, nhớ vòng tay mẹ. Nàng nhớ ra Mailson, ở trên bãi biển, khi anh ta nói đến một món tiền phí ba trăm đô la; lúc đó nàng chỉ nghĩ rằng nó thật khôi hài, và quá nhiều so với số tiền nàng mong nhận được cho việc ngủ qua đêm với một người đàn ông. Thế nhưng, giờ đây, Maria nhận ra rằng nàng không có một ai ở bên cạnh, hoàn toàn không có ai trên thế giới này nàng có thể nói chuyện cùng, và không có kinh nghiệm nào có thể giúp nàng quyết định xem nên trả lời ra sao.
“Làm ơn rót thêm cho tôi chút rượu nữa.”
Người đàn ông Ả Rập rót đầy ly của nàng, và những ý nghĩ của nàng lướt rất nhanh hơn cả khi chàng Hoàng tử bé trong những chuyến du hàng đi tới tất cả các hành tinh. Nàng đã bước vào cuộc hành trình tìm kiếm sự phiêu lưu, tiền bạc và một người chồng nếu có thể; nàng đã biết rằng nàng sẽ kết thúc việc đạt được những kế hoạch đó giống như thế này, bởi vì nàng không ngây thơ, không trong trắng và đã quá quen với đàn ông. Nhưng nàng vẫn tin vào những công ty người mẫu, tin vào địa vị của một ngôi sao, tin vào việc có một người chồng giàu sang, một gia đình, những đứa con, những đứa cháu, quần áo đẹp, và một chuyến trở về quê hương đầy vẻ vang. Nàng đã mơ vượt qua được tất cả những khó khăn chỉ bằng sự quyết đoán thông minh của nàng, bằng vẻ quyến rũ và sức mạnh sẵn có của nàng.
Nhưng thực tế đang đổ sập xuống người nàng. Trước sự ngạc nhiên của người đàn ông, nàng bắt đầu khóc. Ông ta không biết phải làm gì giữa một bên là nỗi lo sợ sẽ xảy ra một vụ scandal và một bên là khao khát, bản năng muốn bảo vệ nàng. Ông ta gọi người phục vụ để thanh toán, nhưng Maria đã ngăn ông ta lại.
“Không, đừng làm thế. Rót cho tôi thêm chút rượu vang nữa và hãy để tôi được khóc một lúc.”
Và nàng nghĩ về chàng trai nhỏ đã hỏi mượn cây bút chì, về chàng trai trẻ đã hôn nàng và cách nàng vẫn giữ cho miệng mình mím chặt khi hôn, về Rio, về người đàn ông đã lợi dụng nàng và không để lại cho nàng thứ gì cả, về những đam mê và tình yêu đã mất suốt quãng đường dài nàng vừa trải qua. Bất chấp sự tự do đang có, cuộc đời nàng chỉ toàn là những giờ đồng hồ dài bất tận ngồi đó chờ đợi một phép màu, một tình yêu đích thực, một cuộc phiêu lưu với cùng một kết thúc lãng mạn mà nàng đã thấy trong những bộ phim và đọc trong các cuốn sách. Một nhà văn đã từng nói không thể thay đổi tâm trí một con người bằng tri thức; thứ duy nhất có thể làm thay đổi tâm trí một con người là tình yêu. Thật vớ vẩn. Người viết này rõ ràng mới chỉ biết một mặt của vấn đề thôi.
Tình yêu, không nghi ngờ gì, là một thứ sức mạnh có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc đời một con người, từ giây phút nó xuất hiện. Nhưng đó mới chỉ là một mặt,mặt kia là khi nó có thể khiến sự tồn tại của một con người bước vào một hành trình hoàn toàn khác với những gì anh ta hay cô ta đã lên kế hoạch; và điều đó được gọi là sự tuyệt vọng. Đúng thế, có lẽ tình yêu có thể khiến con người hoàn toàn thay đổi, nhưng sự tuyệt vọng làm công việc đó còn nhanh hơn. Nàng nên làm gì đây? Nàng có nên tiến một bước nhỏ về phía trước, xét cho cùng thì cũng chỉ có một đêm thôi, mà lại ở trong một thành phố nơi nàng không biết ai và cũng chẳng ai biết nàng cả. Phải chăng sẽ là một đêm và những đồng tiền dễ dàng đó có nghĩa là chắc chắn nàng sẽ tiếp tục cho đến khi nàng chạm đến điểm tột cùng mà nàng sẽ không thể có đường lui nữa? Điều gì đang xảy ra ở đây- một cơ hội lớn hay là một thử thách mà Đức Mẹ Mary đặt ra cho nàng?
Người đàn ông Ả Rập đang nhìn quanh những bức tranh của Joan Miró, nhìn chỗ ngồi nơi Fellini đã từng ăn trưa, nhìn cô gái làm nhiệm vụ giữ áo khoác và nhìn những người khách khác đến và đi.
“Cô đã không hiểu rõ phải không?”
“Thêm rượu vang nữa, làm ơn”. Maria nói, vẫn đẫm nước mắt.
Nàng đang cầu nguyện rằng người phục vụ sẽ không đi về phía này và sẽ không thấy điều gì đang xảy ra. Còn người phục vụ, vẫn quan sát mọi việc từ xa, không để điều gì lọt khỏi tầm mắt thì lại đang cầu mong người đàn ông và cô gái sẽ mau chóng thanh toán hóa đơn đi, bởi vì nhà hàng đang đầy ắp khách đang chờ bàn.
Cuối cùng, sau những điều có vẻ như kéo dài vô tận ấy, nàng nói:
“Có phải ông đã nói một nghìn franc để uống một ly rượu không?”
Chính Maria cũng bị ngạc nhiên khi nghe âm sắc trong giọng nói của mình.
“Đúng vậy”, người đàn ông trả lời, cảm thấy hối tiếc vì đã đưa ra lời đề nghị đó ở chỗ hạng nhất này. “Nhưng tôi thực sự không muốn…”
“Hãy thanh toán hóa đơn đi và chúng ta sẽ uống một ly ở khách sạn của ông.”
Một lần nữa, dường như nàng giống một người xa lạ với chính bản thân mình. Cho tới khi đó, nàng đã luôn là một cô gái tốt bụng, tươi tắn, được dạy dỗ tốt, và nàng sẽ không bao giờ nói nhưng điều như thế với một người xa lạ. Nhưng cô gái đó, dường như đã chết vĩnh viễn rồi: trước khi cô ta bước vào một sự tồn tại khác, nơi mà uống một ly rượu đáng giá một nghìn franc, hay nếu dùng một loại tiền tệ khác thì nói khoảng sáu trăm đô la.
Và mọi thứ diễn ra đúng như mong đợi: nàng đến khách sạn của người đàn ông Ả Rập, uống champagne đến gần như say mèm, giạng chân, và đợi ông ta có một cơn cực khoái (điều đó thậm chí còn không xảy ra đến với nàng để nàng có thể giả vờ là mình cũng có sự thỏa mãn như vậy), nàng tắm trong phòng tắm bằng cẩm thạch, nhận tiền, và tự cho phép mình được xài sang là trở về nhà trên một chiếc taxi.
Nàng buông mình xuống giường và chìm vào một giấc ngủ không mộng mị cho tới sáng
Trích từ nhật ký của Maria, ngày hôm sau:
Tôi nhớ rõ mọi điều, dù không nhớ rõ lắm thời điểm mà tôi đưa ra quyết định đó. Thật kỳ lạ, tôi không hề có cảm giác tội lỗi gì cả. Tôi đã từng nghĩ rằng những cô gái lên giường với đàn ông vì tiền là do họ không có lựa chọn nào khác, và giờ đây tôi thấy nó không giống những gì tôi đã nghĩ. Tôi có thể nói “đồng ý” hoặc “không”; không ai ép buộc tôi phải chấp nhận bất kỳ điều gì.
Tôi đi dạo trên phố và nhìn ngắm tất cả mọi người, tôi tự hỏi liệu họ có lựa chọn cuộc sống cho mình không? Hay họ cũng giống tôi, “lựa chọn” bằng số phận? Bà nội trợ mơ trở thành người mẫu, nhân viên ngân hàng muốn trở thành nhạc công, người nha sĩ cảm thấy mình có thể viết sách và hiến dâng bản thân cho văn chương, cô gái trẻ muốn được một ngôi sao truyền hình yêu nhưng lại thấy mình đang làm nhân viên kiểm soát ở một siêu thị.
Tôi không hề cảm thấy nuối tiếc cho bản thân mình. Tôi không phải là một nạn nhân,bởi vì tôi có thể rời khỏi nhà hàng đó với phẩm giá còn nguyên vẹn và một cái túi rỗng. Tôi có thể cho người đàn ông ngồi đối diện lúc đó một bài học về đạo đức hay cố gắng để ông ta thấy rằng trước mặt ông ta là một nàng công chúa và nàng sẽ không bao giờ bán đi phẩm giá của mình. Tôi có thể đối đáp lại bằng tất cả các cách khác, nhưng- giống hầu hết mọi người- tôi đã để số phận lựa chọn con đường tôi nên đi.
Tôi không phải là người duy nhất, thậm chí dù số phận có đặt tôi ra ngoài vòng pháp hay bên lề xã hội. Tuy nhiên, trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc, tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau; không có ai trong chúng ta được hạnh phúc- không phải nhân viên nhân hàng/ nhạc công, người nha sĩ/ nhà văn, cô gái làm nhân viên kiểm soát ở siêu thị/ nữ diễn viên, hay bà nội trợ/ người mẫu.