1 Cm Ánh Dương

Chương 3: Quá nhiều chuyện cũ


Đọc truyện 1 Cm Ánh Dương – Chương 3: Quá nhiều chuyện cũ

Chú út Quý nhanh chóng đi học tiếp, nghe nói đến Tết mới lại về.

Thế thì chắc là đến kỳ nghỉ đông rồi.

Lúc đi học bao giờ cũng có cảm giác thời gian trôi rất chậm, đặc biệt là
lúc học Tiểu học và Trung học, gần như là đếm từng ngày trôi qua vậy.
Khi kỳ nghỉ đông đến, Kỷ Ức đã có chút quên mất Quý Thành Dương rồi, cô
bé bắt đầu kỳ vọng có thể đến nhà ba mẹ để nghỉ đông. Suốt một kỳ nghỉ
đông dài hơn hai mươi ngày, kiểu gì mẹ cũng sẽ rảnh rỗi vài hôm và đón
cô bé sang bên đó.

“Nhà” trong khái niệm của Kỷ Ức kể từ khi còn
nhỏ có nghĩa là nhà của bố mẹ, nhà của ông nội, chứ chưa bao giờ có ý
niệm về “Nhà mình”. Nhà của ba mẹ đối với Kỷ Ức rất xa lạ, mấy tháng mới được đến một lần, nhưng mỗi lần đến cô bé vẫn cảm thấy rất thoải mái tự tại, có thể đó chính là sức mạnh của huyết thống.

Kỷ Ức ngồi xe tuyến* để đến nhà ba mẹ, sau đó thuận lợi tìm được đến cửa và dùng chìa khóa đeo trên cổ cẩn thận mở ra.

*Những tuyến xe của viện đi theo các lộ trình khác nhau.

Giờ này vẫn chưa có ai về.

Kỷ Ức thay dép đi trong nhà rồi mới vào bên trong, đi một lượt tất cả các
phòng rồi mới đặt cặp sách xuống để bắt đầu nghiên cứu xem có những thứ
gì mới mà mình chưa từng trông thấy. Cô bé xem kỹ từng thứ một, nhưng
chỉ đứng nhìn chứ không dám động chạm đến. Mãi cho tới khi trông thấy
hai hộp quà lớn là cà phê Nestle đặt ngoài ban công, Kỷ Ức mới chợt nghĩ đến… một mùi vị.

Mùi vị khiến cô bé mất ngủ vào đêm bị sốt.

Kỷ Ức muốn mở ra uống thử, nhưng phải đợi mẹ về đã.

Nhược điểm duy nhất ở nơi này là không ai nấu cơm đúng giờ cả, bởi vì buổi
trưa trong nhà chẳng có ai, nhưng trong tủ lạnh thì có đồ ăn. Kỷ Ức
nhanh chóng tìm thấy một hộp cơm và rất nhiều đồ ăn đã được làm sẵn để
dành cho Kỷ Ức, nhưng toàn là những món có nhiều dinh dưỡng mà Kỷ Ức
không thích, nên Kỷ Ức chỉ ăn mỗi ớt xanh trộn các món ăn kèm mà mẹ rất
thích ăn vào buổi sáng.

Món này cực kỳ cay, nhưng khi ăn cùng với cơm khiến Kỷ Ức cảm thấy rất vui vẻ. Đây là món mà mẹ thích, nên dĩ
nhiên cô bé cũng nhất định phải thích.

Sau đó mẹ về, cuối cùng Kỷ Ức cũng tò mò hỏi, cô bé có được lấy mấy hộp cà phê đó về uống không.
Dường như mẹ chẳng thấy có gì không ổn nên đồng ý luôn. Thế là ngày hôm
sau khi về nhà, Kỷ Ức liền xách theo hai hộp quà màu đỏ toàn cà phê
Nestle để lên xe về nhà. Trên xe cực ít người, chú bộ đội lái xe nhìn cô bé mà phá ra cười: “Tây Tây, cháu mang đi tặng ai thế?”

Tặng ai ư?

Sao mình không nghĩ ra chuyện đó nhỉ? Tặng cho chú út Quý một hộp là được mà.

Kỷ Ức mỉm cười: “Cháu tặng một hộp, còn một hộp để uống ạ.”

“Đây không phải là thứ cho trẻ con uống đâu nhé.”

Kỷ Ức mím môi cười.

Chẳng có ai quản đâu.

Bởi vì cô bé phải xách rất nặng nên chú bộ đội sau khi lái xe vào khu căn
hộ liền đổi lộ trình đi ngang qua cửa tòa nhà có nhà của ông nội và dừng xe lại. Kỷ Ức nhảy xuống khỏi xe, bất kể gặp các chú dì quen biết hay
nhân viên bán hàng ở siêu thị, Kỷ Ức đều chào hỏi từng người, cho dù họ
đeo trên vai bao nhiêu ngôi sao hay chỉ đơn thuần là người nhà thì đối
với cô bé cũng chẳng hề khác biệt.

Lúc ấy, Kỷ Ức cứ ngỡ tất cả
chúng sinh đều là bình đẳng, mãi cho đến ba ngày sau xảy ra một chuyện
hoàn toàn đập tan suy nghĩ này.

Cứ vào cuối tuần, Kỷ Ức và Noãn Noãn cũng sẽ có một buổi sáng đi đến cung thiếu niên Cảnh Sơn, gió mặc gió, mưa mặc mưa.

Kỷ Ức đi học múa, Noãn Noãn buồn chán, học mô hình máy bay và tàu thuyền…

Xe đi ngang qua một phố lớn ven sông Bắc Hà, ở đó có cửa hàng tên là Trịnh Uyên Khiết*, sau khi kết thúc buổi học hai cô bé thường đến đó lượn lờ
dạo phố một vòng rồi mới lên xe về viện. Lỗ Bì Bì và Lỗ Tây Tây** là
tình yêu lớn của họ, đồng thời cũng là tình yêu lớn của Triệu Tiểu Dĩnh, nên cuối tuần nào, Triệu Tiểu Dĩnh cũng tiễn hai cô bé lên chuyến xe
trưa đầy ngưỡng mộ, đến năm giờ chiều lại ra bến xe đứng chờ họ trở về.

*Trịnh Uyên Khiết là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng, chuyên sáng tác truyện
cổ tích cho thiếu nhi, truyện của ông được hàng trăm triệu độc giả từ
trẻ con đến người lớn yêu thích, được mệnh danh là “Phù hợp cho tất cả
mọi người trong gia đình”.

**Lỗ Bì Bì và Lỗ Tây Tây là hai anh em sinh đôi, nhân vật chính trong truyện Pipi Lu và Xixi Lu của nhà văn
Trịnh Uyên Khiết. Đó là hai nhân vật truyền kỳ mà không một đứa trẻ
Trung Quốc nào không biết đến.

Kỳ nghỉ đông năm nay, Kỷ Ức cuối cùng cũng nhận ra, đã đến lúc cần phải đưa Triệu Tiểu Dĩnh đi chơi rồi.

Nhân cơ hội mẹ Tiểu Dĩnh không có nhà, Kỷ Ức và Noãn Noãn hợp tác dụ dỗ mãi
mới lừa được Triệu Tiểu Dĩnh lên xe tuyến. Ba cô bé trên đường đi vui
mừng phát điên, cứ luân phiên nhau hát cho chú lái xe nghe. Tâm trạng
hưng phấn như thế nên sau khi đến nơi, Kỷ Ức liền vui vẻ dẫn Triệu Tiểu
Dĩnh đến xem nơi Kỷ Ức học.

Tuy không đẹp bằng những bức tường đỏ cây xanh như trong mùa hè, nhưng dù sao đây cũng là một thế giới khác bên ngoài viện.


Triệu Tiểu Dĩnh nhẫn nại đợi hai cô bạn thân kết thúc buổi học rồi cùng nhau
đến cửa hàng. Trong cửa hàng, từ kem đánh răng đến mũ, cái gì cũng có
đầy đủ, quả thực là thiên đường đối với trẻ con. Triệu Tiểu Dĩnh chăm
chú xem từng thứ một.

“Bà địa chủ, nhanh trả tiền nào.” Noãn Noãn thúc giục Kỷ Ức.

Bố mẹ Noãn Noãn vì sợ con gái chạy lung tung khắp nơi nên không cho cô bé
một đồng nào, vì thế mỗi lần đến đây toàn do “địa chủ” Kỷ Ức thanh toán.

Kỷ Ức cũng coi đó là chuyện đương nhiên, dù sao tiền tiêu vặt của cô bé
cũng chẳng biết dùng làm gì. Thế là Noãn Noãn phụ trách chọn đồ, Kỷ Ức
phụ trách thanh toán. Họ mua cho Triệu Tiểu Dĩnh kem đánh răng ban ngày
và ban đêm, rồi cả mũ, áo sơ mi, áo khoác, cứ tung tăng hớn hở như Tết
đến, thành ra lại bị lỡ mất chuyến xe về.

Thế là… họ đành phải ngồi chuyến xe muộn để về viện.

Trên đường về, Triệu Tiểu Dĩnh đã bắt đầu thấp thỏm không yên, cô bé sợ không kịp về nhà trước khi mẹ đi làm về.

“Không sao đâu!” Noãn Noãn ôm lấy vai bạn, “Mẹ cậu thích tớ lắm, có tớ mẹ cậu sẽ không mắng đâu!”

Kỷ Ức cũng thấp thỏm lo lắng, dù sao mẹ của Triệu Tiểu Dĩnh cũng là người rất hung dữ, bà thật sự có thể đánh người.

Kết quả là sự việc vẫn phát triển theo chiều hướng tồi tệ nhất. Khi ba cô
bé xuống xe, trời đã tối om, mẹ của Triệu Tiểu Dĩnh đã đứng chờ sẵn ở
bến, mặt bà gần như trắng bệch, vừa trông thấy họ liền lao tới xách tai
Triệu Tiểu Dĩnh: “Mẹ đã dặn con ở nhà làm bài tập, thế mà lại chỉ biết
trốn đi chơi thôi à? Hả?”

“Dì ơi…” Kỷ Ức nhìn cảnh ấy mà cũng thấy sợ hãi.

“Dì ơi, bọn cháu chỉ muốn đưa bạn đi xem…” Noãn Noãn ra mặt, bắt đầu phụ trách ngăn cản.

Nhưng xem ra mẹ của Triệu Tiểu Dĩnh có vẻ rất lo lắng, nên chỉ mắng mỏ cô bé. Từ nhỏ Kỷ Ức đã sợ phải nhìn người khác cãi chửi nhau nên cứ đứng thần
người ra, cuối cùng, khi Noãn Noãn trông thấy cánh tay Triệu Tiểu Dĩnh
bị nhéo tím bầm liền không kìm được mà gào lên: “Nếu dì mà còn đánh bạn
ấy nữa thì cháu sẽ mách mẹ cháu đấy!”

Tất cả mọi người đều im lặng.

Một cô giáo tiểu học bị con gái của hiệu trưởng trường mắng. Mà lại còn là
một lời uy hiếp rõ lồ lộ như thế… Thực ra Noãn Noãn vốn không biết những lời mình nói có ý nghĩa gì, cô bé chỉ biết rằng mẹ của Triệu Tiểu Dĩnh
rất ghê gớm, nhưng lúc nào cũng rất dễ tính với mẹ mình… Cô bé cứ ngỡ
rằng, chỉ cần nói thế sẽ có hiệu quả, có thể cứu được bạn thân của mình.

Nhưng hậu quả lại vô cùng đáng sợ.

“Nghe thấy chưa, nghe thấy chưa?” Mẹ Triệu Tiểu Dĩnh bắt đầu đánh mạnh vào
lưng cô bé: “Mày làm sao mà sánh được với người ta? Người ta Quý Noãn
Noãn có về quê ngoại cũng được ngồi chuyên cơ, còn mày thì phải ngồi xe
buýt! Thậm chí còn chẳng đủ khả năng để đi tàu! Mẹ người ta nói một câu
thì mẹ mày nào dám không nghe. Kỷ Ức là tiểu thiên tài, ông người ta học lên tận đại học, còn ông mày chỉ là nông dân thôi! Đã hiểu ra sự khác
biệt chưa? Người ta dù chẳng biết làm gì cũng có cả đống trường quân đội chờ đón nhận, còn mày đã dốt lại không chịu học hành. Không chịu học
thì cứ ở đấy mà chờ đi nhặt rác con ạ!”

Bà nói cả một chuỗi liên
hoàn cứ như để cho hai cô bé nghe. Kỷ Ức nghe hiểu hết, hiểu từng chữ
một, và càng nghe càng thấy buồn hơn.

Những thứ Kỷ Ức tặng cho Triệu Tiểu Dĩnh bị ném hết xuống đất, cuối cùng cô bạn cũng chẳng mang theo được gì.

Noãn Noãn tức phát khóc, cô bé ôm hết đống đồ chạy đi ném vào thùng rác bên đường.

Còn Kỷ Ức cứ đứng bần thần ở đó.

Có người lớn đến khuyên can mẹ con Triệu Tiểu Dĩnh, nhưng chẳng ai dám
động vào tiểu Bá vương Noãn Noãn cả, lại có người đến xoa đầu Kỷ Ức, nói rằng dì Triệu khẩu xà tâm Phật, không phải dì ấy đang mắng hai cháu
đâu…

Sau này Kỷ Ức không dám đến, không dám bước chân vào nhà
Triệu Tiểu Dĩnh lần nào nữa. Thực ra Kỷ Ức rất thích nhà của họ, tuy căn nhà rất nhỏ nhưng chỗ nào cũng treo đầy các loại búp bê và những bài
tập thủ công của Triệu Tiểu Dĩnh từ hồi học mẫu giáo đến nay. Hơn nữa
ngày nào mẹ Triệu Tiểu Dĩnh cũng nhắc cô bé ăn cơm, làm bài tập, đi tắm…

Rất ấm áp.

Trưa hôm sau, Kỷ Ức dậy rất muộn, lúc đang đánh răng vẫn nghĩ tới chuyện tối qua. Kỷ Ức không phân biệt được sự khác nhau giữa hai hào tiền vé xe
buýt và hai tệ tiền vé tàu điện ngầm. Bởi lẽ từ xưa đến nay Kỷ Ức lúc
nào cũng được đi xe tuyến miễn phí…

Kỷ Ức lặng lẽ đánh răng rồi cầm chìa khóa tủ sữa và đi xuống tầng dưới lấy sữa.

Không ngờ tuyết đã rơi.

Vừa chạy ra khỏi căn nhà có nhiệt độ là hai mươi thì bỗng nhiên đi vào một
bầu trời giăng đầy tuyết trắng. Tuyết phủ xuống những bờ cỏ khô héo, phủ lên nhà để xe, những chiếc xe đạp để bên ngoài nhà để xe cũng tích một
lớp tuyết dày. Kỷ Ức để bình chứa đầy sữa màu trắng ra. Cô bé chợt đi ra ngoài, cúi đầu dẫm một vòng lên bãi cỏ quanh khu nhà.

Năm ngoái
vào thời điểm này, ba cô bé đang chơi đánh trận tuyết, nhưng có khi nào
sau ngày hôm qua, Triệu Tiểu Dĩnh sẽ không chơi với họ nữa không?

Chợt thấy trên người nằng nặng, Kỷ Ức bỗng nhiên được bao phủ bởi một làn hơi vô cùng ấm áp.


Cô bé ngơ ngác quay đầu lại.

Kỷ Ức nhìn thấy chú út Quý đã nửa năm không gặp, vẫn đang ngậm thuốc trên
môi, lẩm bẩm không rõ tiếng mà hỏi rằng: “Cúi đầu làm gì thế? Đang tìm
vàng à?”

Vì anh đã cởi áo lông vũ ra để choàng cho Kỷ Ức, nên trên người lúc này chỉ còn độc chiếc áo sơ mi kẻ ca rô màu nâu sậm.

Có mấy chiếc va li lớn đặt trước cửa khu nhà, trên đó lấm tấm một lớp tuyết mỏng vừa rơi xuống.

Kỷ Ức bỗng nhiên nhận ra, hình dáng của anh đã thay đổi rồi, hoặc nói cách khác là cô đã nhìn rõ gương mặt anh hơn.

Hóa ra mắt anh hai mí.

Kỷ Ức ôm bình sữa trong tay, lắc lắc đầu.

Bởi vì nhìn thấy Kỷ Ức nên Quý Thành Dương không vội lên nhà mà đưa cô bé về trước.

Kỷ Ức đổ sữa vào nồi, đun nóng, rồi bóc trứng gà đã luộc sẵn ra thả vào
trong nồi. Cô bé chuẩn bị xong bữa sáng cho bản thân liền mở hộp cà phê
đã bóc từ trước rồi lấy cà phê và sữa tươi ra, pha cho anh một cốc. Khi
mang cốc cà phê ra phòng khách, Quý Thành Dương thoáng bất ngờ, anh cúi
xuống ngửi: “Cà phê ư?”

“Vâng.” Kỷ Ức dùng thìa chọc chọc vào quả trứng gà trong bát sữa: “Nhưng cháu pha không ngon bằng chú…”

Anh nhịn không được phải bật cười, nhấc cốc cà phê lên nhấp một ngụm, sau đó chau mày: “Khó uống thật đấy.”

Kỷ Ức tiếp tục chọc quả trứng của mình.

“Để chú dạy cháu pha nhé, nhưng cháu còn nhỏ thế này không nên uống cà phê
đâu, mọi người trong nhà…” Anh định hỏi vì sao không có ai quản lý,
nhưng về sau nghĩ kỹ lại, đành bỏ qua. Có hỏi cũng bằng thừa.

Anh quả thật liền đứng dậy đi vào bếp, đổ cốc cà phê đi rồi nhìn thấy hai
hộp chỉ còn lại hơn phân nửa, anh rất kinh ngạc vì Kỷ Ức lại có thể uống được nhiều đến thế… Sau đó anh liền dạy cô bé phải dùng tỉ lệ cứ nửa
thìa cà phê lại cho một thìa sữa. Thực ra nếu Quý Thành Dương uống sẽ
dùng một thìa cà phê và hai thìa sữa, nhưng vì để pha cho Kỷ Ức nên anh
giảm đi một nửa.

Kỷ Ức gật đầu, khẽ lẩm bẩm: “Thì ra hết nhanh như thế là vì cháu đã pha quá nhiều rồi.”

“Nếu cháu cảm thấy đắng thì cứ cho thêm đường.” Anh khoắng thìa, bỗng nhiên
suy nghĩ đến việc có nên tặng Kỷ Ức một bộ cốc uống cà phê không… Nhưng
một đứa trẻ thế này mà lại uống cà phê… Haizz….

“Chú có cho đường không?” Kỷ Ức chống tay lên giá ngước lên nhìn anh.

Anh cúi xuống: “Không.”

“Thế thì cháu cũng không cho.” Kỷ Ức cảm thấy cách uống của anh nhất định là chính thống.

Quý Thành Dương bật cười, bây giờ anh mới nhớ ra định hỏi Kỷ Ức khi nãy lại gặp phải vấn đề gì mà tâm trạng có vẻ không vui: “Cháu kiểm tra không
tốt à?”

Kỷ Ức hơi trề môi: “Cháu vẫn luôn đứng thứ nhất.”

“Thế thì có chuyện gì? Sao không ở nhà cho ấm mà lại chạy ra ngoài trời tuyết tìm vàng?”

“Cháu đi lấy sữa.”

Kỷ Ức suy nghĩ một lát, cuối cùng vẫn kể hết cho anh nghe những chuyện đã xảy ra và những lời mẹ Tiểu Dĩnh nói.

Cô bé kể mang tính trần thuật, có kèm một chút cảm xúc, là hoang mang đau
lòng chứ không phải nóng nảy hấp tấp như Noãn Noãn. Quý Thành Dương
dường như đã hiểu, anh quỳ xuống, đưa cốc cà phê lên môi Kỷ Ức, cô bé
lại gần nhấp một ngụm.

Ừm… Hương vị quen thuộc quá.

“Mẹ
bạn ấy nói đúng, cháu có thể ăn những thứ mà bạn ấy không được ăn, đến
những nơi bạn ấy không thể đến, chơi những thứ bạn ấy không thể có. Đó
là điều đã được quyết định ngay từ khi mới sinh ra.” Quý Thành Dương
cũng ghé sát đến uống một ngụm để xóa tan cơn lạnh trong tuyết khi nãy.
“Nhưng nếu cháu tin rằng mọi người đều bình đẳng thì cháu có thể làm
được điều này. Cháu không thể ép buộc người khác, nhưng có thể ràng buộc bản thân, hoặc cháu có thể nghĩ như thế này: Ưu thế trời sinh của cháu
có thể giúp đỡ cho người khác tốt hơn, đó cũng là trách nhiệm của cháu.”

Kỷ Ức cảm thấy… dường như mình hiểu hết những lời anh nói: “Cháu biết rồi, chú út Quý.”

Kỷ Ức lại ghé tới nhấp thêm một ngụm nữa: “Noãn Noãn đau lòng lắm, lát nữa về chỉ cần chú nói với bạn ấy vài câu là bạn ấy sẽ lại vui lên ngay.”

“Noãn Noãn ấy à?” Quý Thành Dương chẳng mấy để tâm, “Nó vô tư vô tâm lắm, có khi hôm nay đã quên hết rồi.”

Kỷ Ức gật đầu theo thói quen, nhưng bỗng nhớ ra: “Bạn ấy cũng không vô tâm lắm đâu, năm ngoái chú gọi điện về cho bạn ấy nhưng không nói đủ ba
phút, khiến bạn ấy cứ buồn mãi.”

“Thật không?”


“Thật mà.”

“Thế để lần sau chú gọi cho nó bốn phút vậy. Chú sẽ đặt sẵn thời gian.”

… Kỷ Ức ôm cốc cà phê trong tay, theo chân anh ra phòng khách.

Bỗng nhiên, tiếng máy BB vang lên, trong lúc Kỷ Ức đang nhìn khắp nơi để tìm kiếm thì Quý Thành Dương đã đi tới bên ghế sô pha, nhấc chiếc lông vũ
của mình lên và lôi chiếc máy ra khỏi túi áo. Sau khi nhìn vào, anh
thoáng chau mày, có vẻ không được vui lắm.

Anh không nói năng gì mà cứ thế nhấc điện thoại nhà Kỷ Ức lên, định gọi thì Kỷ Ức đã đưa tay ra chặn lại.

Quý Thành Dương thoáng nhíu mày.

“Đây là điện thoại nội bộ.” Kỷ Ức nhấc một chiếc ống nghe khác đưa cho anh, “Còn đây mới là điện thoại bên ngoài.”

Anh bừng tỉnh, đón lấy điện thoại rồi bấm một dãy số. Kỷ Ức ngồi xuống ghế
sô pha, dựng tai lên nghe ngóng. Kỷ Ức thấy Quý Thành Dương cầm ống nghe một lúc lâu mà chẳng nói lời nào, đầu dây bên kia vang lên giọng nữ, âm lượng càng ngày càng lớn.

Cuối cùng Quý Thành Dương ném thẳng
điện thoại xuống bàn, có vẻ chẳng muốn quan tâm. Anh nhấc cốc cà phê Kỷ
Ức để trên bàn lên uống mấy ngụm là hết. Kỷ Ức không mở lời, cô bé không hiểu rõ tình hình nên cứ im lặng ngồi yên. Mãi một lúc sau mới thấy anh nhấc điện thoại lên: “Tôi vừa mới về nước, không cần thiết phải gặp
riêng.”

Đầu dây bên kia trả lời sao? Kỷ Ức không rõ.

Ngừng lại một lát, Quý Thành Dương lại trả lời: “Chuyện họp lớp các cậu làm
gì cũng được, tôi không muốn tham gia tổ chức. Bảo Vương Hạo Nhiên thông báo thời gian, địa điểm cho tôi là được.”

Anh dập máy, tâm trạng có vẻ bình thường.

Rất nhanh sau đó anh liền ra về.

Mấy ngày sau, Kỷ Ức đột nhiên nhận được món quà năm mới, đó là một con thỏ non.

Kỷ Ức và Noãn Noãn mỗi người được một con, chẳng biết Quý Thành Dương lấy ở đâu, đó là một con thỏ non trắng muốt, có vẻ mới sinh chưa được bao
lâu. Anh còn tặng kèm cả lồng cho thỏ nữa. Noãn Noãn chơi được một buổi
chiều là bỏ bê, còn Kỷ Ức rất nhẫn nại, đưa thỏ con ra ban công sưởi
nắng, được một lát lại mang khăn bông ra lau móng cho thỏ.

Đến buổi chiều, cô bé tắm xong bỗng nghĩ đến việc nên tắm cho thỏ.

Nhưng tắm cho thỏ xong thì phát hiện có chuyện không ổn.

Con thỏ bắt đầu run lên, hong khô lông mà vẫn run không ngừng. Lúc đầu Kỷ
Ức cứ ngỡ nó bị lạnh nên mang chăn ra ủ ấm cho nó và khe khẽ dỗ dành.
Nhưng càng về sau cô bé càng phát hiện ra tình hình bất ổn, con thỏ bắt
đầu co giật.

Đến lúc này, Kỷ Ức sợ lắm rồi, cô bé không dám rời khỏi phòng nên nhấc điện thoại lên gọi đến nhà Noãn Noãn.

“Kỷ Ức à?” Noãn Noãn nhận ra giọng bạn, “Sao thế? Nhớ tớ à?”

“Chú út của cậu có nhà không?” Kỷ Ức hơi căng thẳng, chỉ sợ con thỏ xảy ra chuyện gì.

“Có chứ, cậu đợi chút nhé.”

Điện thoại được chuyển sang tay Quý Thành Dương, giọng Kỷ Ức lập tức mất hết vẻ bình thường, thậm chí còn đi kèm cả giọng mũi: “Chú út Quý, con thỏ
mà chú tặng cháu… hình như bị ốm rồi, chú có thể xuống đây xem hộ cháu
không?”

Quý Thành Dương lập tức cúp máy và đi xuống nhà cô bé.

Con thỏ bé xíu ngoài run rẩy ra thì chẳng còn phản ứng gì nữa. Anh nâng con thỏ lên, vuốt ve nhúm lông vẫn còn hơi ươn ướt là lập tức hiểu ra vấn
đề: “Con thỏ này mới sinh chưa lâu, chắc vì tắm vào mùa đông nên bị cảm
lạnh rồi.”

Kỷ Ức hoang mang, nhưng ngay sau đó sắc mặt liền trắng bệch: “Nó sắp không run được nữa rồi…”

Quý Thành Dương nhìn đôi mắt đỏ hoe của Kỷ Ức mà bỗng thấy nóng giận, chẳng biết anh đang giận mình vì đã tặng con thỏ để rồi cô bé phải đau lòng
hay giận vì phản ứng của Kỷ Ức chắc chắn là đang tự trách… Anh dùng hai
tay ôm lấy con thỏ, không nói một lời. Kỷ Ức hoàn toàn không phát hiện
ra cơn giận của anh, cô bé càng ngày càng tự trách bản thân sao lại quá
ưa sạch sẽ đến thế để rồi làm hại một chú thỏ non. Kỷ Ức thậm chí còn
nghĩ đến tình huống xấu nhất, giọng nói bắt đầu run lên: “Chú út Quý…”

“Được rồi! Thỏ sẽ không có chuyện gì đâu!”

Nước mắt vẫn đang vòng quanh trong đôi mắt Kỷ Ức, nên vừa bị anh quát liền lập tức trào ra ngoài.

Anh đờ người, không biết bản thân đã làm gì. Anh đưa tay lau đi những giọt
nước mắt của Kỷ Ức, những ngón tay anh lập tức ướt đẫm. Người lớn như
anh quát một con bé con để làm gì?

Anh sững sờ một lát rồi nhỏ giọng dỗ dành: “Kỷ Ức ngoan nào, chú không trách cháu đâu.”

Quý Thành Dương vừa nói vừa cảm thấy con thỏ thật sự không ổn rồi.

Anh cũng chẳng nghĩ ra được cách gì, liền cởi, liền cởi khuy áo sơ mi sợi
bông của mình ra và đặt thẳng con thỏ vào trong lòng để ủ ấm với hy vọng có thể dùng thân nhiệt của mình giúp con thỏ bình thường lại được. Dù
sao cũng đang giữa mùa đông, dù trong nhà có máy sưởi ấm nhưng phải ôm
một con thỏ lạnh toát trong người cảm giác cũng chẳng dễ chịu gì. Kỷ Ức
rõ ràng vẫn chưa bình tâm lại, cô bé lau hết nước mắt thấy áo sơ mi của
Quý Thành Dương mở toang để lộ cả da thì lại càng thấy áy náy.

Quý Thành Dương đang nghĩ lời để an ủi cô bé thì chuông cửa chợt réo vang.

Anh thấy mắt cô bé vẫn đỏ hoe chỉ quan tâm đến chú thỏ nên đứng dậy tự ra
mở cửa. Khi nhìn thấy người đứng ở bên ngoài qua lỗ mắt mèo, lông mày
anh liền lập tức chau lại.

Cửa mở ra, anh còn chưa kịp nói gì thì một cánh tay gầy trắng mịn đã vươn đến nắm lấy cánh tay anh: “Quý Thành Dương, anh bỏ tôi lại nhà…” Quý Thành Dương giơ tay phải lên giữ chặt
lấy tay cô gái: “Cô còn định om sòm đến bao giờ?”

Cô gái dùng sức rất mạnh, nhưng khi nhìn thấy áo sơ mi mở toang của anh thì mắt lập tức đỏ hoe, cô đẩy anh ra như muốn phân thắng bại: “Kỷ Ức là ai? Anh nói
cho tôi biết, tại sao trước giờ tôi không hề hay biết về người này?”

“Tô Nhan.” Tay trái của Quý Thành Dương vẫn đang giữ con thỏ, tay phải thì
ngăn tay Tô Nhan lại, anh nheo mắt, không thể nào kiềm chế được cơn giận dữ: “Trong đầu cô hằng ngày ngoài những chuyện nam nữ ra thì còn biết

gì nữa? Đừng có…”

Tô Nhan cuối cùng cũng trông thấy Kỷ Ức, và sững lại.

Kỷ Ức đứng trong phòng khách, nhìn họ và đã ngơ ngác từ lâu.

Người con trai đi sau lưng Tô Nhan thò đầu vào nhìn thấy Kỷ Ức thì chợt nhớ
ra một chuyện trong quá khứ, anh ta cười: “Tây Tây?” Người thanh niên
cao to như thế…

Kỷ Ức phát hiện ra mình lại có một chút ấn tượng với người này.

Chỉ là cảm giác hơi hơi quen thuộc, cụ thể là tại sao nhỉ?

Thế là hiểu lầm được giải tỏa.

Tất cả cơn giận của cô gái tên Tô Nhan kia bỗng chốc trở thành bối rối, khó xử.

Cũng may còn có người thanh niên tên Vương Hạo Nhiên, anh ta thở dài giải
thích rằng sau khi Tô Nhan nghe Noãn Noãn nói Quý Thành Dương đi gặp Kỷ
Ức liền mượn cớ ra ngoài tìm xuống đây, may mà anh cũng đi cùng.

“Nhưng Tô Nhan này, sao cậu cứ như đi bắt quả tang thế? Một cô bé con thế này, haizz… cậu làm cô bé sợ rồi đấy!” Vương Hạo Nhiên đóng vai người hòa
giải cho cả hai bên.

Dì trẻ tuổi này… hoặc là chị này là bạn gái của chú út Quý chăng?

Nhưng xem ra lại không giống lắm.

Ánh mắt của chị ấy rất giống với ánh mắt khi các bạn nữ trong lớp theo đuổi các bạn nam…

Quý Thành Dương có vẻ cũng không muốn tiếp tục nói chuyện với họ nữa, đôi mắt Tô Nhan vẫn hơi đỏ.

Kỷ Ức nghe thấy Vương Hạo Nhiên thấp giọng khuyên Quý Thành Dương: “Bao
nhiêu năm rồi, cứ động đến chuyện của cậu là Tô Nhan hồ đồ, có phải cậu
không biết chuyện đó đâu. Thôi nào thôi nào. Nhưng sao giữa mùa đông mà
quần áo của cậu lại xộc xệch thế kia? Đang làm gì thế?”

Quý Thành Dương khẽ thở hắt ra rồi để cho anh ta nhìn con thỏ đang ôm trong lòng.

“Ấy, từ lúc nào cậu bắt đầu có tình thương thế?” Vương Hạo Nhiên vuốt ve con thỏ, nó lạnh như băng: “Chết rồi à?”

Kỷ Ức giật thót, vội vã nhìn sang Quý Thành Dương.

Quý Thành Dương trừng mắt nhìn Vương Hạo Nhiên.

Trực giác mách bảo Vương Hạo Nhiên rằng mình đã nói sai rồi, tuy không biết
đã sai ở đâu, nhưng lập tức đổi chủ đề, anh cười tít mắt quay sang nhìn
Kỷ Ức: “Tây Tây có còn nhớ anh không?”

Kỷ Ức nhìn vào mắt anh ta: “Hình như em… đã từng gặp anh rồi.”

“Bé con trí nhớ tốt thật!” Vương Hạo Nhiên xoa đầu cô bé: “Lúc ấy em còn bé xíu, anh nhớ em đang ôm một con búp bê ngồi ở ban công bên ngoài kia
kìa, chẳng nói lời nào. Em còn nhớ không? Anh đã nói chuyện với em đấy,
lúc ấy…” Anh ta không biết Kỷ Ức gọi Quý Thành Dương thế nào nên nói
bừa: “… anh Quý của em cũng có mặt!”

… Cô bé dường như đã nhớ ra rồi.

Lúc ấy ba mẹ nói chiều sẽ đi nên Kỷ Ức mới nghĩ ra chủ ý bỏ nhà ra đi với
mong muốn ba mẹ sẽ đón mình về nhà cùng. Nhưng đi xa thì lại sợ ba mẹ
không tìm thấy, nên cô bé chỉ ôm con búp bê ưa thích nhất trốn ở ngoài
ban công, thế mà đợi mãi hơn một tiếng đồng hồ cũng chẳng có ai phát
hiện ra để đi tìm.

Sau đó Kỷ Ức òa khóc, và lại chủ động trở về
nhà… Hình như giữa chừng có một anh cao lớn nào đó nói chuyện với cô bé, cụ thể nội dung là gì Kỷ Ức không còn nhớ rõ nữa, chỉ biết anh trai ấy
có đôi mắt rất to, cứ như của con gái.

Kỷ Ức hơi ngơ ngác, nhưng thật sự chỉ nhớ ra một người đã nói chuyện với mình, chứ không nhớ rằng lúc đó còn có Quý Thành Dương.

Vương Hạo Nhiên đoán cô bé đã nhớ ra rồi: “Cuối cùng đã nhớ ra rồi hả? Còn
nhỏ xíu mà đã bỏ nhà ra đi, cậu nói xem, đứa bé này sao lại khiến người
lớn không an tâm vậy chứ!”

Kỷ Ức không nói gì, chỉ nhìn Quý Thành Dương.

Dường như Quý Thành Dương hiểu rõ sự khó hiểu của Kỷ Ức, nên anh gật đầu: “Đó là lần đầu tiên chú nhìn thấy cháu.”

Hóa ra… đó mới là lần đầu tiên.

Kỷ Ức lần này rất muốn nỗ lực nhớ lại xem chuyện đó xảy ra khi mình mấy tuổi.

Nhưng hồi đó Kỷ Ức nhỏ quá nên ký ức rất mơ hồ.

Cũng nhờ có hai vị khách không mời mà đến này mới khiến Quý Thành Dương tìm
được lý do để mang con thỏ dường như đã chết rời khỏi nhà Kỷ Ức.

Trước khi đi, anh vẫn an ủi cô bé: “Chú nhất định sẽ khiến con thỏ khỏe lại.”

Kỷ Ức đại khái có thể đoán được kết quả cuối cùng nhưng trước mặt hai
người lạ, cô bé không khóc nữa, chỉ đáp “Vâng”, tiễn họ ra khỏi cửa,
nói: “Chào dì, chào chú.” Vương Hạo Nhiên hớn hở, nhưng cuối cùng lại
trách Quý Thành Dương: “Tớ cũng chỉ lớn hơn cô bé mười tuổi là cùng, sao lại bị gọi là chú rồi? Này, vai vế của cậu cũng cao quá đấy, làm cho tớ già hẳn đi rồi!”

Không biết Quý Thành Dương đang suy nghĩ gì mà
chỉ nói rằng: “Cậu thích thế nào cũng được, hay là cứ bảo Kỷ Ức gọi cậu
là anh rồi cậu cũng chào tớ là chú theo cô bé.”

Vương Hạo Nhiên tức quá đành cười: “Này Quý Thành Dương, sao cậu nói chuyện nghe gợi đòn thế nhỉ?”

Cuối cùng, chú thỏ con cũng không thể sống lại được.

Ngày hôm sau Quý Thành Dương mang kẹo hồ lô đến cho Kỷ Ức, là táo gai bột
đậu. Anh nhìn cô bé ăn mà không nói một lời nào. Kỷ Ức cũng đoán được
anh định nói gì, đang ăn được nửa quả táo gai bỗng dừng lại, đưa một nửa miếng phủ đầy bột đậu ghé đến miệng anh: “Bột đậu này ngon lắm!”

Từ giờ cháu sẽ không khóc trước mặt chú nữa.

Cháu sẽ để cho những người đối tốt với cháu chỉ nhìn thấy cháu cười mà thôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.