Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 114: Nỗi hận Lệ Chi (1)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 114: Nỗi hận Lệ Chi (1)

Những người chứng kiến vụ hành hình hôm ấy đều ngậm ngùi kể lại rằng, chỉ trong thoáng chốc, bầu trời Đông Kinh bỗng trở nên vô cùng quỷ dị, mây xám chuyển thành màu đỏ, gió gào thét như dã quỷ, bình minh bị bóng tối nhất chìm, mưa từ mọi ngả trút xuống, hòa lẫn cùng máu tươi, xối thành một dòng đỏ thẫm.

Mười chín năm trước, tức năm Đại Bảo thứ ba (1442).
Lệ Chi viên, Gia Định.
Khu vườn vải này nằm cách xa thị thành, vô cùng yên tĩnh, lại có phong cảnh thanh thuần khoáng đạt, rất thích hợp làm nơi nghỉ dưỡng, cũng là nơi được vua Thái Tông chọn làm nơi nghỉ chân trên đường hồi kinh.
Đã sắp qua giờ hợi nhưng tòa viện đó vẫn sáng ánh đèn. Ngồi sau án thư, Thái Tông đang chấp bút, viết nốt dòng đề tựa ột cuốn sách. Bên cạnh Ngài là một người phụ nữ, tuổi tuy không còn trẻ nhưng nhan sắc vẫn đằm thắm mặn mà, đang đủng đỉnh hầu Ngài mài mực.
Khi mực tàu đã sóng sánh trong nghiên ngọc, thị Lộ mới lên tiếng:
“Được đích thân bệ hạ ngự bút ban lời đề tựa, đây đúng là vinh hạnh cho lão gia nhà thần nữ.”
Thái Tông ngẩng đầu nhìn thị Lộ, rồi lại nhìn đến cuốn sách trước mặt, vui vẻ cười:
“Từ lâu trẫm đã ngưỡng mộ tài học của tiên sinh, nay ghé qua Côn Sơn, vừa vặn gặp lúc tiên sinh đang nhàn cư xướng họa. Thi tập này tiên sinh viết trong vòng nửa năm, không cảnh sắc tuyệt mĩ nào của Đại Việt là không kể đến, hồn thơ lại nhẹ nhàng uyển chuyển, có thể nói là tuyệt bút đương thời. Văn tài là của tiên sinh, trẫm chẳng qua chỉ cao hứng thêm râu rồng râu phượng, cô không cần phải để trong lòng.”

Thái Tông tuy là vua một nước nhưng từng câu từng chữ khen ngợi thần tử lại rất chân thành, khiến thị Lộ có phần cảm kích. Đợi cho Ngài viết xong, thị Lộ đón lấy tập thơ của Nguyễn Trãi, từ tốn lật giở từng trang, ánh mắt thấp thoáng tự hào.
Trong khi đó, Thái Tông rời khỏi án thư rồi tiến lại gần cửa sổ. Giờ đang là mùa thu. Nghe nói vải trong vườn đã qua mùa chín đỏ.
“Năm ấy phụ hoàng vâng mệnh trời khởi nghĩa, tiên sinh là quân sư dưới trướng, bao phen lao tâm khổ tứ vì toàn quân, thậm chí sống chết cũng không màng. Nay thiên hạ đã thái bình, tiên sinh lại một mực muốn lui về ở ẩn, thật là đáng tiếc.”
Về việc lui về Côn Sơn ẩn cư, thị Lộ chính là người ủng hộ Nguyễn Trãi nhất. Bà hướng về phía Thái Tông, ôn tồn nói:
“Lão gia dốc lòng phò trợ Thái tổ hoàng đế, đó là vì ngài ấy cũng căm phẫn trước tội ác của giặc Ngô, cũng muốn đòi lại công bằng cho bá tính, cho giang sơn Đại Việt, không phải vì mưu cầu nghiệp lớn cho bản thân. Bệ hạ, thứ cho thần nữ nói một câu, quan trường là chốn lẫn lộn, lão gia lại là người chính trực ngay thẳng, không thích hợp gò ép mình để thỏa mãn thị phi. Người như lão gia, sớm tìm về Côn Sơn, vui thú với gió trăng vẫn tốt hơn cố lòng bấu víu lấy chốn quan trường.”
Thái Tông quay lại nhìn thị Lộ không chớp mắt, một lúc sau thì bật cười:
“Hóa ra việc tiên sinh lui về ở ẩn chính là chủ ý của cô. Bảo sao khi Trẫm ngỏ ý muốn mời tiên sinh trở lại làm quan, trong mắt cô lại có ý tứ phản đối.”
“Thần nữ nào dám!” Thị Lộ cúi đầu, thành thật đáp: “Nếu là việc lão gia không muốn, thần nữ có hoa ngôn xảo ngữ cũng chẳng ích gì.”
Đối với lời của thị Lộ, Thái Tông không thể phản đối. Nguyễn Trãi không phải kẻ tầm thường. Con người này, muốn trầm tĩnh có trầm tĩnh, muốn khí phách có khí phách. Phàm là việc ông đã quyết, dù đối phương có là vua khó lòng ngăn cản.
Thái Tông thở dài nói:
“Trước kia, trẫm không nên tin lời bọn Lê Ngân, Lê Sát mà nghi ngờ lòng trung của tiên sinh.”
Thị Lộ không lặng yên không đáp, chỉ tiếp tục lật giở từng trang sách. Có những chuyện, những người, một khi đã sa chân thì lời tiếc hận cũng chẳng cứu vãn được gì. Mà thôi… Ai bảo người trước mặt bà là vua cơ chứ!
Biết thị Lộ không muốn nhắc tới chuyện cũ, Thái Tông cũng không miễn cưỡng nữa. Ngài trỏ tay về phía xa xăm, mơ hồ cảm thán một câu:
“Lệ Chi viên thanh bình, thật khiến trẫm quyến luyến không muốn rời đi.”
Lúc đó, cả Thái Tông và thị Lộ đều không biết rằng lời này sẽ ứng nghiệm, và Lệ Chi viên chính là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời của vị vua trẻ tuổi ấy.

Thấy Thái Tông cứ đứng trầm ngâm bên cửa sổ, thị Lộ lo lắng Ngài bị nhiễm lạnh bèn khẽ giọng nhắc nhở:
“Bệ hạ, trời về đêm dễ sinh gió lạnh, người nên trở vào trong thì hơn.”
Không có tiếng người đáp lại.
“Bệ hạ…”
Ngoài kia, trăng vẫn sáng vằng vặc, chen chúc với những khoảng tối hun hút và sâu thẳm. Đâu đó vọng lại tiếng đổi ca tuần của binh lính.
“Bệ hạ…”
Vẫn chỉ có tiếng gió xốn xang. Lần này thì thị Lộ đứng hẳn dậy. Bà cẩn trọng đến bên Thái Tông, lay lay ống tay áo của Ngài.
Một giây sau, thân thể Thái Tông từ từ ngả vào vai thị Lộ. Hai mắt Ngài nhắm nghiền, thần thái vẫn trầm uy tĩnh lặng, chỉ giống như đang ngủ một giấc ngủ dài. Đến tận khi quân lính hò nhau xông vào, thị Lộ mới hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã quá muộn…

Ngày 4 tháng 8 năm 1442, tức năm Đại Bảo thứ ba, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà ở vườn vải thuộc huyện Gia Định. Khi ấy theo hầu vua có lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi lập tức bị triều đình khép vào tội giết vua, bắt giam cả ba họ, nhốt vào ngục tối, chờ ngày xử tử.

Tử lao.

Cánh cửa buồng giam được đẩy sang một bên. Sau tiếng thông báo của ngục tốt, một mệnh phụ đủng đỉnh bước vào. Bà ta mặc một bộ váy giao lĩnh màu trắng thuần, phục sức mang theo cũng chỉ có một chiếc loan trâm bằng bạch ngọc. Vì trong cung đang phát tang nên mọi người chỉ được mặc đồ màu trắng, phục sức cũng không thể quá cầu kì, nhưng hình như đối với mệnh phụ này, tư trang giản dị cũng không thể khuất lấp được nét thanh cao, quý phái.
Thái giám khệ nệ bê tới một chiếc ghế. Mệnh phụ khoan thai ngồi xuống, lạnh lùng nhìn tội nhân đang bị trói gô trước mặt mình. Từ khóe môi của người kia, máu tươi vẫn rỉ ra thành một dòng đỏ thẫm.
“Bản cung thật khâm phục ngươi đó, chuyện đã đến nước này mà ngươi vẫn khăng khăng nói mình bị oan?” Giọng nói cất lên, thanh thúy như ngọc: “Hôm ấy ở bên cạnh bệ hạ chỉ có một mình thị Lộ, ai tin các ngươi bị oan chứ? Nghe lời bản cung, sớm khai ra kẻ chủ mưu chừng nào, ngươi sẽ bớt đau khổ chừng ấy.”
Khai ra kẻ chủ mưu? Đến khi trấn tĩnh lại, Nguyễn Trãi mới hiểu ra dụng ý của đối phương. Ông chậm rãi ngẩng đầu lên, mặc kệ mấy sợi tóc bạc rủ hờ trước trán, lạnh nhạt đáp:
“Thái hậu, ta nên coi đó là một lời dụ dỗ hay một lời uy hiếp đây?”
Mệnh phụ kia, tức Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẫu thân của tân hoàng Nhân Tông, khẽ cười:
“Ngươi có thể coi đó là một lời khuyên.”
“Cả thái hậu và ta đều biết việc này không hề liên quan đến mẹ con Ngô tiệp dư và hoàng tử Tư Thành.” Nguyễn Trãi khinh thường lắc đầu, chẳng thèm nể nang gì đã nói toạc móng heo.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.