Đọc truyện Anna Karenina – Chương 93: Quyển 3 –
Trong quận Xurôp, không có đường xe lửa cũng chẳng có đường xe thư, nên Levin phải đi bằng xe tải do ngựa của mình kéo lấy. Tới nửa đường, chàng dừng lại nghỉ ở nhà một phú nông. Đó là một ông già hói trán, còn khỏe, có chòm râu dài đỏ hung đốm bạc ở gần má, lão mở cổng và đứng nép vào bên cánh cổng để chiếc xe ba ngựa chạy vào.
Lão già trỏ cho xà ích đỗ dưới mái hiên cạnh đống cày bị cháy, trong một cái sân mới, rộng rãi, sạch sẽ và mời Levin vào nhà. Một thiếu phụ ăn vận tươm tất, chân trần đi giày cao su, đang lau sàn ở lối ra vào. Chị hoảng sợ khi thấy con chó theo Levin chạy vào nhà và kêu thét lên, nhưng ngay sau đó lại cười vì trót hốt hoảng, khi biết con chó không động đến mình. Chị ta giơ cánh tay để trần tới khuỷu trỏ cho Levin cửa phòng chính và lại cúi xuống sàn, giấu khuôn mặt xinh đẹp, tiếp tục làm.
– Có phải đun trà không ạ? – chị ta hỏi.
– Vâng, xin chị giúp cho.
Căn phòng rộng rãi, có một hoả lò kiểu Hà Lan và một bức vách ngăn đôi. Dưới những bức tranh thánh là một chiếc bàn có hình vẽ trang trí, một ghế dài con và hai ghế tựa. Cạnh lối ra vào có một tủ con đựng bát đĩa. Cửa sổ đóng kín không để lọt một con ruồi và mọi cái đều sạch bóng, đến nỗi Levin cứ sợ con Laxca lấm láp vì chạy trên đường và vầy dưới ao, khéo làm bẩn sàn nhà mất: chàng trỏ cho nó nằm vào một chỗ trong góc nhà, gần cửa ra vào. Sau khi nhìn quanh gian phòng một lượt, Levin ra sân sau. Người thiếu phụ duyên dáng đi giày cao su, đung đưa đòn gánh quảy đôi thùng không trên vai, đi qua cạnh chàng và ra giếng múc nước.
– Nhanh lên! – lão già vui vẻ kêu to bảo thiếu phụ và đến chỗ Levin. – Thưa ngài, thế ra ngài đến nhà Nicolai Ivanovitr Xvyajxki ạ? Ông ta cũng thường tới nhà tôi, – lão già bắt chuyện, khuỷu tay tì lên lan can bao quanh thềm.
Ông già đang kể về quan hệ của mình với Xvyajxki thì chiếc cổng lại rít lên và những người làm bước vào sân, mang cày và bừa từ ngoài đồng về. Ngựa của họ khỏe mạnh và no béo. Đám thợ rõ ràng là người trong gia đình: hai gã trai trẻ mặc áo cộc vải hoa, đội mũ lưỡi trai; hai người kia: một trẻ một già, mặc áo cộc vải thô, là người làm mướn.
Lão già bước xuống thềm, đi về phía đàn ngựa và tháo gióng.
– Họ cày gì đấy? – Levin hỏi.
– Cày ruộng khoai tây, nhà tôi cũng có khoảnh đất nhỏ. Fêđôr, anh buộc con ngựa thiến ra gần máng nước, ta đóng con khác vào xe.
– Này, cha ơi, con đã bảo đi lấy lưỡi cày, không biết họ mang lại chưa? – một gã cao lớn lực lưỡng, có lẽ là con trai cả, hỏi.
– Lưỡi cày trong xe trượt ấy, – lão già trả lời, tay cuộn dây cương vừa tháo và vứt xuống đất. – Thu dọn cái này cho xong trước bữa ăn đấy.
Thiếu phụ gánh đôi thùng đầy nước kĩu kịt trên vai trở lại nhà.
Nhiều phụ nữ khác xuất hiện: có người trẻ và đẹp, có người già hoặc đứng tuổi và xấu, kẻ có con, kẻ chưa.
ấm đun trà réo sôi; người làm và người nhà cùng đi ăn, sau khi đánh ngựa vào chuồng. Levin lấy thức ăn trong xe và mời lão già cùng uống trà.
– ấy tôi vừa mới uống xong, – lão già nói, rất vui thích nhận lời mời. – Thôi, cũng xin ngồi để tiếp ngài vậy.
Trong khi uống trà, Levin được biết toàn bộ tình hình sản xuất của ông già. Mười năm trước, lão lĩnh canh của một phu nhân trong vùng một trăm hai mươi mẫu đất; năm ngoái, lão mua cả đám đất đó và còn thuê thêm ba trăm mẫu của một điền chủ láng giềng. Một phần ruộng đất, đám xấu nhất, được cho thuê lại và ông già cày cấy đám còn lại, khoảng bốn mươi mẫu, với gia đình và hai người làm thuê. Ông già than phiền về thu hoạch kém. Nhưng Levin hiểu lão than phiền hoàn toàn chỉ là lấy lệ, và trái lại, việc canh tác của lão rất thịnh vượng. Nếu làm ăn không ra gì, lão đã chẳng mua đất với giá trăm năm mươi rúp một mẫu, cưới vợ cho ba con trai và một đứa cháu, xây lại nhà hai lần bị cháy và mỗi lần xây lại đều to hơn trước.
Mặc dầu ông già than vãn, người ta vẫn thấy rõ lão có lý do để hãnh diện về đời sống sung túc, về lũ con trai, về đứa cháu, về các nàng dâu, về đàn ngựa, về đàn bò sữa và nhất là về sự thịnh vượng của cơ ngơi lão. Trong khi trò chuyện, Levin được biết lão cũng không chống đối những sự cách tân. Ông lão trồng rất nhiều khoai tây, và như Levin đã thấy khi đến đây, khoai tây của lão đã ra củ trong khi khoai tây của Levin mới bắt đầu ra hoa. Lão cày ruộng bằng máy cày mượn của địa chủ. Lão đã gieo tiểu mạch. Lão đã làm cỏ cho loã mạch và dùng cỏ đó nuôi ngựa: cái chi tiết nhỏ đó làm Levin sững sờ. Đã bao lần chàng muốn thu hoạch món cỏ nuôi súc vật rất tốt đó mà không thành! Việc ấy ông lão mugich đã thực hiện được và rất lấy làm hãnh diện.
– Bọn đàn bà chẳng phải làm gì cả! Họ mang cỏ xếp xuống vệ đường và đã có xe đến chở đi.
– Còn chúng tôi thì gặp nhiều chuyện thật rắc rối với thợ, – Levin nói và đưa ly trà mời ông già.
– Cám ơn ngài, – ông già nói. Lão cầm ly trà, nhưng từ chối không lấy đường, và giơ miếng đường nhấm nháp còn lại. – Nhưng ngài trông vào thợ thì làm sao mà hy vọng công việc chu toàn được? Làm thế thì chỉ tổ tan hoang thôi. Ngài cứ xem Xvyajxki đó. Chúng tôi biết ruộng đất của ông ta, thật tốt như bánh thánh, ấy thế nhưng thu hoạch cũng chẳng ghê gớm gì. Tất cả chỉ do thiếu trông nom mà ra!
– Nhưng cụ chả thuê thợ là gì đấy?
– ồ! Chúng tôi cùng cánh mugich với nhau cả. Chúng tôi tự trông nom lấy nhau. Đứa nào làm không tốt thì tống cổ đi; lũ con trai tôi cũng đủ sức làm lấy.
– Cha ơi, Finôghen hỏi xin nhựa đấy, – thiếu phụ đi giày cao su bước vào và nói.
– Mà phải, như thế đấy, ngài ạ! – lão già đứng dậy và nói. Ông ta làm dấu thánh giá nhiều lần, cảm ơn Levin và đi ra.
Khi Levin bước vào căn buồng chung để gọi xà ích, chàng thấy mọi người trong gia đình đang ngồi ở bàn ăn. Đám phụ nữ vẫn đứng tiếp thức ăn cho họ. Một thanh niên đẹp trai, miệng đầy cháo đặc, đang kể một câu chuyện gì dí dỏm và mọi người cười vang: người vui nhất là thiếu phụ đi giày cao su đang múc đầy bát xúp rau.
Bộ mặt duyên dáng của thiếu phụ đi giày cao su hẳn đã góp phần lớn tạo nên cái ấn tượng êm ấm thuận hòa mà gia đình nông dân này để lại trong Levin, những ấn tượng đó mạnh đến nỗi chàng không sao quên được. Cho tới khi đến nhà Xvyajxki, chàng vẫn không ngừng nghĩ tới gia đình đó, như thể nó buộc chàng phải đặc biệt chú ý tới vậy.