Đọc truyện Anna Karenina – Chương 89: Quyển 3 –
– Mình đến tìm cậu. Hôm nay cậu giặt giũ lâu nhỉ, – Petrixki nói với chàng. Xong rồi chứ?
– ừ, – Vronxki trả lời, nheo mắt cười và khe khẽ xoắn đuôi đôi ria mép tưởng như chỉ một cử động vô tình nhỏ nhặt cũng có thể làm đảo lộn công việc của chàng.
– Sau cái việc đó, bao giờ cậu cũng có vẻ như vừa tắm xong, – Petrixki nói. – Mình vừa ở nhà Gritxta về (đó là biệt hiệu viên đại tá), họ đang chờ cậu.
Vronxki nhìn bạn không trả lời. Chàng đang nghĩ đến việc khác.
– à, tiếng nhạc ở nhà ông ta đấy phải không? – chàng nói, lắng nghe âm thanh quen thuộc của dàn quân nhạc cử những vũ khúc ponka và vanxơ từ xa vẳng tới. – Có tiệc đấy à?
– Đón Xerpukhovxkoe đấy.
– ồ! – Vronxki nói. – Mình chưa biết gì cả.
Và đôi mắt nheo nheo cười của chàng lại ngời lên long lanh sáng hơn.
Giờ đây, khi đã khẳng định mình thật sự sung sướng với mối tình vì nó mà chàng hy sinh cả tham vọng (hoặc ít ra, giờ đây chàng cũng đóng vai trò đó), Vronxki không còn ghen tị với Xerpukhovxkoe, cũng không giận ông ta không đến thăm mình trước. Xerpukhovxkoe là một người bạn tốt và chàng sung sướng được gặp lại ông ta.
– Phải, mình rất hài lòng.
Đại tá DoMil ở một toà nhà lớn rất đế vương. Tất cả quan khách đều đã hội họp ngoài sân thượng. Từ trong sân, Vronxki thoạt tiên nhìn thấy những ca sĩ của trung đoàn mặc quân phục hè vây quanh một thùng rượu vốtka và vóc người lực lưỡng của viên đại tá đứng giữa đám sĩ quan; ông ta bước xuống bậc thềm thứ nhất của sân thượng và kêu to át cả tiếng nhạc đang dạo một vũ khúc đối diện của Offenbach 1, khoát rộng tay ra lệnh cho toán lính cách đó một ít.
Toán lính, người liên lạc và vài hạ sĩ quan khác bước lại gần sân thượng cùng lúc với Vronxki. Viên đại tá quay về gần bàn, lại trở ra ngoài thềm với cốc rượu sâm banh và cất tiếng oang oang mời chạm cốc: “Chúc mừng sức khỏe người bạn cũ của chúng ta, vị tướng quân anh dũng, hoàng thân Xerpukhovxkoe. Ura!”.
Đằng sau đại tá, Xerpukhovxkoe, tay cầm cốc sâm banh, tươi cười xuất hiện. – Bondarenco, anh càng ngày càng trẻ ra, ông ta nói với viên thượng sĩ khinh kỵ, một gã khỏe mạnh má đỏ hồng đã tái đăng và đang đứng nghiêm trước mặt ông cứng đờ như khúc gỗ.
Vronxki từ ba năm nay chưa gặp Xerpukhovxkoe. Ông ta đã để râu má, do đó có vẻ hùng dũng hơn, nhưng vẫn cân đối như xưa, nổi bật vì diện mạo, vóc dáng tao nhã và quyền quý hơn là vì đẹp. Sự thay đổi duy nhất Vronxki nhận thấy ở ông ta là vẻ rạng rỡ điềm đạm thường in trên bộ mặt những người thành đạt và biết rõ mọi người đều công nhận sự thành đạt của mình. Vẻ rạng rỡ đó, Vronxki đã từng trải nên nhận ra ngay ở Xerpukhovxkoe.
Khi xuống cầu thang, Xerpukhovxkoe trông thấy Vronxki. Mặt ông sáng lên một nụ cười hớn hở. Ông ta gật đầu với chàng, giơ cao cốc sâm banh, như muốn nói mình không thể lờ đi không chạm cốc trước với gã thượng sĩ khinh kỵ đang đứng nghiêm, đôi môi khép lại chờ cái hôn của quan trên.
– à! Anh ta đây rồi! – đại tá reo lên. – Thế mà Yasvin bảo tôi là anh đang ưu phiền.
Xerpukhovxkoe hôn đôi môi ướt và tươi tắn của gã thượng sĩ khinh kỵ đẹp trai, và lấy mùi soa lau mồm, bước lại gần Vronxki.
– Tôi rất sung sướng được gặp anh, – ông ta nói, bắt tay chàng và kéo riêng ra một chỗ.
– Anh tiếp anh ấy nhé! – viên đại tá chỉ Vronxki, kêu to bảo Yasvin và đi xuống gặp toán lính.
– Sao hôm qua anh không đến trường đua? Tôi đã tưởng gặp anh ở đó. – Vronxki nói và ngắm nhìn Xerpukhovxkoe.
– Tôi có đến, nhưng muộn quá. Xin lỗi, – ông nói thêm và quay lại viên sĩ quan phụ cận. – Xin ông thay mặt tôi phân phát cái này cho họ.
Ông ta vội rút trong ví ra ba tờ một trăm rúp và đỏ mặt.
– Vronxki! Cậu ăn uống một chút nhé? – Yasvin hỏi. – Này, bưng món ăn ra cho bá tước. Trong khi chờ đợi, cậu hãy uống cái này đã.
Bữa tiệc kéo dài khá lâu trong nhà viên đại tá.
Quan khách uống rượu lu bù. Họ nâng bổng Xerpukhovxkoe, đánh đưa và tung lên cao. Đến lượt viên đại tá cũng vậy. Sau đó, đại tá cùng Petrixki nhảy trước mặt các ca sĩ. Rồi đại tá, hơi mệt, ngồi xuống một chiếc ghế dài trong sân, và bắt đầu chứng minh cho Yasvin thấy nước Nga hơn hẳn nước Phổ, nhất là về mặt xung kích kỵ binh; sự huyên náo tạm ngừng một lát. Xerpukhovxkoe vào nhà rửa tay và gặp Vronxki ở buồng rửa mặt; Vronxki đang giội nước.
Chàng cởi áo quân phục và để nước tia xuống cái gáy rậm tóc, đỏ ửng rồi kỳ cổ và mặt. Rửa xong, chàng đến gặp Xerpukhovxkoe. Cả hai ngồi xuống chiếc đi văng nhỏ và bắt đầu hào hứng nói chuyện.
– Nhà tôi đã kể lại mọi hành động và cử chỉ của anh, – Xerpukhovxkoe nói.
– Tôi rất vui lòng là anh thường đến thăm nhà tôi.
– Chị ấy là bạn của Varya và đó là những phụ nữ duy nhất ở Peterburg mà tôi thích được gặp mặt, – Vronxki mỉm cười trả lời.
Chàng mỉm cười vì nhìn thấy trước đầu đề câu chuyện và điều đó làm chàng thích thú.
– Những người duy nhất à? – Xerpukhovxkoe mỉm cười hỏi.
– Còn tôi, tôi cũng được biết tin tức của anh, nhưng không phải chỉ qua chị ấy, – Vronxki nói, chặn ngay câu nói bóng gió đó và làm bộ mặt nghiêm trang. – Tôi rất sung sướng vì thành công của anh, tôi không ngạc nhiên chút nào. Thậm chí tôi còn chờ đợi nhiều hơn nữa kia.
Xerpukhovxkoe mỉm cười. Rõ ràng ông khoái trá với nhận định như vậy về mình và thấy không cần giấu giếm điều đó.
– Còn tôi, trái lại, thú thực với anh là tôi không hy vọng được như vậy. Nhưng tôi mãn nguyện, rất mãn nguyện. Tôi vốn nhiều tham vọng, đó là nhược điểm của tôi và tôi không chối cãi.
– Nếu không thành đạt thì chưa chắc anh đã thừa nhận như vậy, – Vronxki nói.
– Tôi không nghĩ thế, – Xerpukhovxkoe lại mỉm cười và nói. – Tôi không nói cuộc đời không có tham vọng là không đáng sống, nhưng như vậy sẽ chán phèo. Có thể là tôi nhầm, nhưng tôi tự cảm thấy có một số năng lực trong phạm vi hoạt động đã lựa chọn và bất kể quyền binh nào trao vào tay tôi cũng đều đúng chỗ hơn là trao cho nhiều người khác mà tôi quen biết, – Xerpukhovxkoe nói, đầy tự tin. – Cho nên, càng tiến gần quyền binh, tôi càng mãn nguyện.
– Điều đúng với anh có thể không đúng với người khác. Trước đây tôi cũng nghĩ như anh, nhưng tôi đã sống và tôi thấy tham vọng không phải là điều duy nhất làm nên giá trị cuộc đời, – Vronxki nói.
– Đúng thế đấy, đúng thế đấy! – Xerpukhovxkoe cười nói. – Ngay từ đầu, tôi đã nói là tôi được nghe kể về anh, tôi đã biết anh từ chối…
Tất nhiên, tôi tán thành. Nhưng dù sao cũng cần chú ý đến thái độ xử sự. Tôi nghĩ anh hành động rất đúng nhưng không đúng cách thức phải làm.
– Việc đã qua coi như xong rồi; và anh cũng biết tôi không bao giờ nuốt lời. Vả lại, tôi sống thế này là tốt lắm rồi.
– Hiện nay thì thế đấy, nhưng anh không thể chỉ dừng lại đó. Tôi không nói vậy về ông anh của anh. Ông ta là một… đứa trẻ đáng yêu, hệt như chủ nhân ở đây. Anh có nghe thấy tiếng hắn không? – ông ta nói thêm và lắng nghe những tiếng “Ura” vang lên. – Hắn đang vui chơi… Nhưng anh, cái đó không thể làm anh mãn nguyện.
– Tôi có nói là tôi mãn nguyện đâu.
– Phải, thế chưa đủ. Những người như anh là cần thiết.
– Cần thiết cho ai?
– Cho ai à? Cho xã hội, cho nước Nga. Nước Nga đang cần người, đang cần một chính đảng. Nếu không, tất cả sẽ tan hoang hết.
– Nghĩa là thế nào? Cần đến chính đảng của Bectêniep để chống lại bọn cộng sản Nga à?
– Không, – Xerpukhovxkoe nói và cau mày bực bội khi thấy bạn ngỡ mình có ý kiến ngu xuẩn như vậy. Mọi cái đó chỉ là chuyện tào lao 2. Chuyện đó trước đây và sau này vẫn thế. Không hề có bọn cộng sản. Bọn mưu đồ bao giờ cũng cần bịa đặt ra một đảng phái có hại, nguy hiểm. Đó là cái trò cũ rích. Không, chúng ta cần một đảng gồm những người độc lập như anh và tôi.
– Thế tại sao (Vronxki nhắc tên một số nhân vật có thế lực), tại sao họ không phải là những người độc lập?
– Bởi vì hiện nay họ không có hoặc từ khi sinh ra đã không có tài sản độc lập, nhất họ không sinh trưởng như chúng ta trong những nơi gần mặt trời. Người ta có thể mua chuộc họ bằng tiền bạc hoặc phỉnh nịnh. Và để duy trì địa vị, họ phải tự bày ra một phương hướng. Họ theo đuổi một phương hướng nào đó, một phương hướng tai hại mà chính họ cũng không tin; phương hướng đó chỉ là kế sinh nhai, nhà cửa, lương bổng đều trông vào Nhà nước đãi ngộ. Thế cũng chả tinh ranh gì lắm đâu 3, cứ xét kỹ mánh khoé của họ thì rõ. Có thể là tôi xấu xa hoặc ngu ngốc hơn họ, mặc dầu tôi không hiểu tại sao lại thế.
Anh và tôi có một điểm căn bản thuận lợi hơn họ: chúng ta khó bị mua chuộc hơn. Những người như chúng ta lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Vronxki chăm chú nghe; chàng chú ý không phải vì nội dung lời lẽ mà vì quan điểm của Xerpukhovxkoe, ông ta đã nghĩ đến chuyện bắt đầu đấu tranh giành quyền hành và đã mang sẵn những thiện cảm hay ác cảm giữa môi trường đó, trong khi những quan tâm của chàng chưa vượt ra ngoài quyền lợi đội kỵ binh. Vronxki cũng hiểu Xerpukhovxkoe có thể trở nên rất có thế lực nhờ khả năng nhận thức suy xét toàn diện không thể chối cãi của ông và nhờ trí thông minh cùng tài hùng biện, vốn rất hiếm trong môi trường ông đang sống. Và chàng ghen với bạn, mặc dầu hổ thẹn vì điều đó.
– Đúng thế, nhưng để làm việc đó, tôi thiếu một đức tính chủ yếu:
đó là lòng khao khát quyền hành, – chàng trả lời. – Trước tôi từng có khát vọng đó, nay thì hết rồi.
– Anh tha lỗi, không đúng thế đâu, – Xerpukhovxkoe mỉm cười nói.
– Không, đúng, đúng chứ… thực tình mà nói, hiện nay đúng là thế, – Vronxki nói thêm.
– Phải, hiện nay, đó lại là chuyện khác… cái hiện nay không phải sẽ kéo dài mãi mãi.
– Có thể như vậy, – Vronxki trả lời.
– Anh nói là có thể như vậy, – Xerpukhovxkoe nói tiếp, như đã đoán được ý bạn, còn tôi, tôi nói với anh là chắc chắn như vậy. Vì thế mà tôi muốn gặp anh. Anh đã hành động như thế là phải. Tôi hiểu anh, nhưng anh không nên khăng khăng như vậy mãi. Tôi chỉ yêu cầu anh trao toàn quyền hành động 4 cho tôi thôi. Tôi không muốn đóng vai người che chở anh… mặc dầu thực tình tôi không hiểu tại sao tôi lại không đóng vai trò đó: chính anh từng che chở cho tôi biết bao lần!
Tôi mong tình bạn chúng ta đứng trên mọi cái đó. Phải, – ông nói, mỉm cười với chàng âu yếm như đàn bà, – anh cứ trao cho tôi toàn quyền hành động. Hãy ra khỏi trung đoàn và tôi sẽ kéo anh đến chỗ tôi không chút lộ liễu.
– Nhưng anh hiểu cho là tôi không cần gì cả, mà chỉ cần mọi điều cứ y nguyên như hiện nay, – Vronxki nói.
Xerpukhovxkoe đứng dậy và đứng trước mặt chàng.
– Anh nói vậy, tôi hiểu ý anh rồi. Anh ạ, chúng ta cùng một tuổi với nhau, có thể là anh quen biết nhiều phụ nữ hơn tôi, – nụ cười và cử chỉ của Xerpukhovxkoe như bảo Vronxki không việc gì mà sợ, ông chỉ thận trọng và tế nhị chạm khẽ đến chỗ hiểm của chàng thôi. – Nhưng tôi đã có vợ và anh nên tin tôi: tôi không nhớ là ai đã nói: một người chỉ biết và yêu vợ mình thôi, cũng vẫn hiểu đàn bà hơn là kẻ đã quen hàng nghìn đàn bà.
– Chúng tôi sẽ ra ngay! – Vronxki nói to với viên sĩ quan đang ló đầu ở cửa ra vào, – báo với họ là đại tá mời ra.
Bây giờ Vronxki muốn nghe Xerpukhovxkoe nói ra hết để xem ông ta định đi đến đâu.
– ý kiến của tôi là thế này. Đàn bà là vật chướng ngại chủ yếu của đàn ông trên đường sự nghiệp. Thật khó mà vừa yêu một người đàn bà vừa làm bất cứ việc gì khác. Chỉ có một cách hưởng thụ khoái lạc tình yêu mà không để nó biến thành trở ngại: đó là kết hôn. Biết cắt nghĩa thế nào, thế nào, cho anh hiểu ý nghĩ của tôi nhỉ? – Xerpukhovxkoe nói, vốn thích dùng thí dụ. – à, thế này! Phải, người ta chỉ có thể vừa mang một gánh nặng 5 vừa dùng tay để làm việc khác bằng cách buộc gánh nặng đó lên lưng… và đó là hôn nhân. Đó là điều tôi cảm thấy, khi đã kết hôn. Đột nhiên, tay tôi trở nên tự do.
Nhưng nếu kéo lê gánh nặng đó ở ngoài vòng hôn nhân, đôi tay ta sẽ vướng mắc không làm gì được. Anh cứ xem Mazancov, Crupov đấy. Vì đàn bà mà họ làm hỏng cả sự nghiệp.
– Đàn bà như thế thì thật tuyệt! – Vronxki nói, nghĩ tới cô đào hát và người phụ nữ Pháp mà hai người kia đang tằng tịu.
– Địa vị người đàn bà trong xã hội càng vững chắc thì vấn đề lại càng nghiêm trọng. Như thế không còn là tự mang lấy gánh nặng, mà là giằng lấy của kẻ khác.
– Anh chưa bao giờ yêu cả, – Vronxki khẽ đáp, vừa nhìn thẳng trước mặt vừa nghĩ tới Anna.
– Có thể như vậy. Nhưng hãy nhớ lấy những điều tôi đã nói với anh. Còn điều này nữa: đàn bà bao giờ cũng vụ thực hơn đàn ông.
Chúng ta coi tình yêu là một cái gì cao cả, còn họ, họ bao giờ cũng rất trần tục 6.
– Chúng tôi ra ngay, ra ngay đây! – Chàng nói với tên hầu phòng đang đi vào. Nhưng hắn đến không phải để gọi mà mang thứ tới cho Vronxki.
– Quận chúa Tverxcaia sai mang thư này đến hầu ông. – Vronxki bóc thư ra xem và đỏ bừng mặt lên.
– Tôi bị nhức đầu, tôi phải về nhà thôi, – chàng bảo Xerpukhovxkoe.
– Thôi được, tạm biệt anh. Anh trao cho tôi toàn quyền 7 chứ?
– Chúng ta sẽ bàn lại chuyện đó sau. Tôi sẽ gặp anh ở Peterburg.
— —— —— —— ——-
1 Jacques Offenbach (1819 – 1880) nhạc sĩ Pháp, gốc Đức, tác giả nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng.
2 Tout ca cest une blague (tiếng Pháp trong nguyên bản).
3 Cela ne est pas plus fin que ca (tiếng Pháp trong nguyên bản).
4 Carte blanche (tiếng Pháp trong nguyên bản).
5 Farđeau (tiếng Pháp trong nguyên bản).
6 Terre-à-terre (tiếng Pháp trong nguyên bản).
7 Carte balanche (tiếng Pháp trong nguyên bản).